Trang chủ Thiền môn xứ Huế Giai thoại Gương hiếu đạo của các bậc tổ sư xứ Thuận Hóa

Gương hiếu đạo của các bậc tổ sư xứ Thuận Hóa

235
0

Lời dạy trong Quy Sơn cảnh sách trên vẫn luôn là lời dạy mà chư vị Tổ sư giáo huấn hàng đệ tử hậu học của mình, và là kim chỉ nam cho tất cả hàng đệ tử Phật từ xưa đến nay. Nên người xuất gia ngoài việc tìm đạo giải thoát, giải thoát cho mình và cho tất cả mọi người thì nhiệm vụ của người tu hành còn nhằm báo đáp tứ trọng ân, trong đó có ân sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ.

Tuy nhiên, xã hội đã có lúc, có người lại cho rằng người xuất gia là những người lánh nạn, và có quan niệm rằng họ là những người con bất hiếu đối với  ông bà, cha mẹ. Vì đâu đó vẫn có khái niệm lập thân, tề gia của một cuộc đời con người. Vẫn cho rằng người con có hiếu thì ngoài bổn phận nuôi dưỡng cha mẹ, phải còn lo gây dựng gia đình, phải dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái, nối dõi tông đường để tiếp tục hương hoả của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Nhưng họ đâu biết rằng xuất gia là một việc làm cao cả nhất, chí hiếu nhất của một người con…

Chúng ta hãy cùng lắng nghe bức tâm thư sau đây của một vị Tổ sư, để thấy rằng hành động xuất gia của Ngài là chí hiếu biết bao. Tổ sư Phái Tào Động, Ngài Động Lương Sơn Giới (807-869), trước khi quyết chí xuất gia, ruỗi theo đường thiền, Ngài viết thư gửi cha mẹ như sau:

Được nghe, chư Phật ra đời đều do cha mẹ mà có thân. Muôn loài sinh trưởng cũng nhờ đất trời che chở. Cho nên không có cha mẹ thì chẳng sanh, không có trời đất thì chẳng trưởng, tất cả đều nhờ ơn dưỡng dục, đều thọ đức chở che. Song, mà tất cả hàm thức, vạn tượng hình nghi đều thuộc về vô thường, chia lìa sanh diệt. Tuy ân bú sú nặng nề, công nuôi dưỡng sâu thẳm. Nếu đem của cải thế gian phụng dưỡng thì trọn khó đáp đền. Dùng máu thịt để dâng hiến cũng không bền chắc. Trong Hiếu kinh nói: “Dù một ngày giết đôi ba con vật để hiến cúng cha mẹ vẫn là bất hiếu, vì sẽ đưa nhau vào trầm luân, chịu muôn kiếp luân hồi. Muốn đền ơn sâu dày của cha mẹ thì đâu bằng công đức xuất gia. Vì sẽ cắt đứt dòng song ái sanh tử, vượt qua khỏi biển khổ, đáp ơn cha mẹ nghìn đời, đền ơn từ thân muôn kiếp. Bốn ân ba cõi thảy đều đáp đền. Khi có một người con xuất gia đắc đạo thì chín họ đều được sinh lên cõi trời”. Con nguyện bỏ thân mạng đời này thệ chẳng tiếc nuối, đem căn trần muôn kiếp, chóng tỏ sáng Bát-nhã.

Cúi mong cha mẹ mở lòng hỷ xả, ý chớ trong mong, học theo gương phụ vương Tịnh Phạn và Thánh mẫu Ma Da hẹn đến sau kia sẽ gặp nhau trong hội Phật…Xin cha mẹ lòng chớ nhớ mong”(2)

Cũng vậy, chư Tổ tại xứ Thuận Hoá xưa cho đến nay, cũng đã noi gương đại hiếu của đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni, hạnh hiếu của lịch đại Tổ sư, các ngài đã bằng lời dạy hoặc bằng hành động của mình đã làm sáng ngời đức tánh hiếu đạo mà hàng hậu thế mãi mãi còn kính ghi.

Lần theo sử cũ, tích xưa, những tấm gương hiếu đạo của các vị Tổ sư đất Thuận Hoá đã được các sử gia ghi lại và Thiền môn, Phật tử cũng như dân chúng khắp nơi vẫn mãi lưu truyền.

Tổ sư Liễu Quán

Ở xứ Huế ngày nay vẫn còn truyền tụng mãi hiếu đạo của vị Tổ sư Khai sáng Thiền phái Liễu Quán. Đó là Ngài huý Thiệt Diệu, hiệu Liễu Quán. Ngài họ Lê, người làng Bạc Mã ở huyện Đồng Xuân, Phú Yên. Ngài sinh vào năm Cảnh Trị thứ 5, tức năm Đinh Mùi (1667). Năm Ngài lên 6 tuổi thì mẹ Ngài qua đời và sau đó Ngài xin phép thân phụ xuất gia ở chùa Hội Tôn, 7 năm sau một mất mát lớn lại đến với Ngài, đó là Hoà thượng bổn sư của Ngài viên tịch. Ngài lại xin phép thân phụ trèo đèo lội suốt tìm ra đất Thuận Hóa để học đạo. Mới ra tu học ở Hàm Long được một thời gian thì đến năm Tân Mùi (1691), Ngài lại vượt qua núi cao sông hiểm, cây rừng rậm rạp, tê tượng hùm beo, một thân một mình để trở về đất Phú Yên phụng dưỡng cha già khi thân phụ Ngài lâm trọng bịnh. Ngài miệt mài sớm tối chăm nom, săn sóc cơm cháo, tất cả đều tự tay Ngài lo liệu, đến năm Ất Mùi (1695) khi thân phụ Ngài qua đời thì Ngài lo việc Tang lễ ma chay, để cầu nguyện cho thân phụ được tiêu diêu Tịnh cảnh, sau đó Ngài mới lặn lội trở ra Hàm Long để tiếp tục tu học. Như vậy, với một vị xuất gia như Ngài, là người về sau đã chứng đạo và Khai sơn Tổ đình Thuyền Tôn, lại khai sáng, biệt xuất cả một dòng Thiền, nhưng với Ngài bổn phận làm con đã được Ngài lo liệu một cách chu toàn, là tấm gương để hàng hậu học noi theo.

Cũng ở đất Hàm Long, đã có một vị Tổ sư xuất thân từ ngôi danh lam này, đó là ngài Tánh Thiên – Nhất Định, đệ tử chân truyền của ngài Đạo Minh – Phổ Tịnh.

Ngài Nhất Định người họ Nguyễn, ở làng Trung Kiên, tổng Bích La, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị. Ngài đầu sư với ngài Phổ Tịnh, năm 19 tuổi Ngài được thế độ với Pháp huý Tánh Thiên, và sau đó được thọ cụ túc giới với Thiền sư Mật Hoằng chùa Thiên Mụ, năm 30 tuổi đắc pháp Đại sư. Đến năm 1816, khi Bổn sư của Ngài viên tịch, Ngài lại kế thế trú trì chùa Báo Quốc, sau đó lại trú trì Linh Hựu Quán, sung chức Tăng cang chùa Giác Hoàng…

Nhưng với Ngài, việc tĩnh tu ở nơi thanh vắng là niềm ao ước bấy lâu, lại còn phụng dưỡng mẹ già, nên vào năm Qúy Mão (1843) Ngài đã xin nghỉ việc ở chốn chùa quan để hồi hưu chăm lo thân mẫu.

Ngài lại chống gậy đỡ mẹ già, một thân với tay nãi thiền trượng đến vùng đất Dương Xuân, lập nên An Dưỡng Am để tịnh tu và phụng dưỡng từ mẫu. Với thời bấy giờ, nơi đây còn là vùng sơn cước, là vùng rừng hoang u tịch, dân cư vẫn còn thưa thớt, cọp beo, thú dữ vẫn còn hoành hành nhưng trong một am tranh nhỏ bé vẫn có một bà mẹ già 80 tuổi và người con tuổi cũng đã lục tuần.

Ngài sớm tối tu tập thiền quán, lấy rau cỏ để độ qua ngày, lấy thiên nhiên muôn thú làm đạo bạn.

 Tổ Nhất Định đi chợ mua cá về nuôi mẹ già (tranh Phượng Hồng)

Trong hoàn cảnh người con là một vị xuất gia, lại là một vị Tăng cang danh tiếng đương thời, nên mẹ Ngài cũng tuỳ thuận sớm hôm đạm bạc theo ngài. Nhưng do tuổi già sức yếu, lại gặp phải khí độc rừng thiêng nên sức khoẻ của mẹ Ngài cũng có lúc không chống lại nổi. Ở Huế, dân gian vẫn còn truyền tụng rằng, trong một lần mẹ Ngài bịnh nặng, thầy thuốc bảo rau trái không thể giúp bà qua khỏi, chỉ có cá thịt mới có thể giúp bà qua cơn nguy kịch. Lời nói ấy đã đến được tai Ngài, của một người con chí hiếu, nên Ngài lại chống gậy, lần mò về phía đồng bằng, đến chợ Bến Ngự để múa cá về nấu cháo, làm liều thuốc chữa bệnh cho mẹ. Nhờ vào lòng chí hiếu của Ngài mà sức khoẻ của thân mẫu đã dần dần hồi phục. Từ việc làm của Ngài, làm dân chúng dị nghị, tiếng đồn lại đến tai vua, vua lại cho người theo dõi để tìm hiểu thực hư, khi đã hiểu hành động của Ngài thì nhà vua và quan lại triều Nguyễn càng kính trọng Ngài hơn.

Do việc làm hiếu kính như vậy của Ngài đối với thân mẫu nên về sau nhà vua sắc phong thảo am của Ngài là “Sắc Tứ Từ Hiếu Tự”, để ghi dấu một tấm gương tu hành, giới hạnh tinh nghiêm, hết lòng hiếu đạo với đấng mẹ hiền.

Còn nhiều, và rất nhiều những tấm gương hiếu đạo khác nữa mà hàng hậu tấn mãi mãi phải nghiêng mình. Vì như lời của Ngài Động Sơn Lương Giới, thì mỗi người xuất gia là một người có cách báo hiếu tốt nhất cho cha mẹ và bà con quyến thuộc. Trong thời cận hiện đại, ở Huế cũng đã có nhiều vị cao tăng thạc đức, những vị lãnh đạo tối cao trong Giáo hội, nhưng quý Ngài đã là những tấm gương về hiếu đạo, như Ngài Giác Tiên, chùa Trúc Lâm, Ngài Phước Huệ-Ngộ Tánh, khai sơn Tổ đình Hải Đức, Ngài Giác Nhiên chùa Thuyền Tôn, Ngài Giác Hạnh chùa Vạn phước…

Nói chung, bằng khẩu giáo hay thân giáo qúy Ngài đã luôn luôn đề cao tinh thần hiếu đạo, qua đó cho thấy không chỉ có những người ở đời, biết cung phụng cha mẹ bằng thức ngon vật lạ mới là báo hiếu. Mà chính những vị xuất trần thượng sĩ, những vị theo bước Như Lai là những người có cách báo hiếu trọn vẹn nhất, vì quý Ngài là những người báo hiếu cha mẹ bằng cả vật chất lẫn tinh thần. Đó là biết phụng dưỡng cha mẹ, biết đưa cha mẹ sớm vào đường chánh, đưa cha mẹ đến với giáo pháp giải thoát từ bi của đức Phật.

P.T

Ghi chú:
(1). Thiền sư Quy Sơn “Quy Sơn Cảnh sách”. Thích Minh Hải dịch, Nhà xuất bản Phương Đông – 2007, tr 21.
(2). Thích Nhật Quang “Hạnh hiếu trong đạo Phật” Nhà xuất bản Tp HCM – 2000, tr. 115.
Bài viết có tham khảo tác phẩm “Lịch sử Phật giáo xứ Huế” của tác giả Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm, do NXB Văn Hoá Sài Gòn xuất bản năm 2006.
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here