Trang chủ Văn hóa - Lịch sử GS. Thái Kim Lan: "Chúng ta có trách nhiệm chuyển tải văn...

GS. Thái Kim Lan: "Chúng ta có trách nhiệm chuyển tải văn hóa"

189
0

Trong chuyến về nước lần này, bà được thỉnh giảng một số buổi tại Đại học Huế, đồng thời vừa qua bà cũng tham gia hội thảo 3 ngày về vấn đề phát triển âm nhạc và sân khấu truyền thống của VN trên thế giới do Trung tâm bảo tồn văn hóa dân tộc tổ chức. Bà nói: 

Việc đưa âm nhạc và nghệ thuật VN ra nước ngoài lâu nay chúng ta chỉ có những chương trình đơn lẻ và do sáng kiến cá nhân. Vì thế nên đôi khi những chương trình này không trung thực lắm, mà chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu của đồng bào hải ngoại.

Theo tôi, việc phổ biến nghệ thuật truyền thống của VN ra bên ngoài cần được quan tâm hơn, tổ chức chương trình bài bản hơn thì mới giới thiệu được tính đa dạng của văn hóa VN, thu hút được cả quần chúng ngoại quốc ở Âu, Mỹ. VN muốn đứng trên diễn đàn thế giới về văn hóa thì cũng cần tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đối với văn hóa truyền thống, xây dựng kế sách lâu dài cho việc này.

UNESCO đã công nhận văn hóa VN, trách nhiệm của chúng ta là làm sao chuyển tải văn hóa, họat động này phải được tỏa rộng ra. Chẳng hạn tuồng chèo của chúng ta rất đặc sắc, nhưng để quốc tế biết được mà công nhận thì còn phải làm công tác phổ biến ra bên ngoài nhiều hơn.

* Được biết, năm 2002, bà một mình về nước đem đoàn tuồng của Nhà hát tuồng Đào Tấn sang Đức biểu diễn vở tuồng Đông lộ địch, dư luận bên ấy đánh giá tốt, nhưng sau đó chẳng ai đem tuồng của VN đi nữa, bà nghĩ sao về vấn đề này?

– Bà Thái Kim Lan: Năm 2002 tôi không nghĩ việc làm của mình lại gây ra một thích thú cho khán giả Đức như vậy. Mọi người rất thích, có thể nói là thị hiếu của người Đức bị đánh thức khi đoàn tuồng VN sang diễn, có sự thuyết giảng của giáo sư Trần Văn Khê từ Pháp sang, mọi người hiểu được ý nghĩa của tuồng VN, và vì thế, chương trình rất thành công.

Còn chuyện sau đó không ai làm nữa, thì nghĩ lại tôi cũng hơi thất vọng. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu là ngân quỹ dành cho văn hóa của VN không nhiều, thậm chí những hoạt động văn hóa có vẻ "bội ơn" vì "chẳng thu được gì".

* Sống ở Đức gần nửa thế kỷ và đi lại rất nhiều nước, bà thấy người nước ngoài biết đến văn hóa và nghệ thuật nước ta được bao nhiêu, tính đến đầu thế kỷ 21 này?

– Có một lần tôi khẳng định rằng: lâu nay người nước ngoài biết đến VN chủ yếu là một VN chiến tranh. Bây giờ VN phải bước ra nước ngoài với một bộ mặt khác, với sự thể hiện và giới thiệu của văn hóa và văn học nghệ thuật.

Phải nói là học thuật của VN còn rất ít người biết, có thể đếm trên đầu ngón tay những bộ môn mà họ biết như: rối nước, tân nhạc, ẩm thực – cái này rất nhiều người chuộng.

Nhưng còn rất nhiều thứ khác như nhạc truyền thống, phim ảnh VN, sân khấu VN… là rất mới đối với họ. Ví dụ như văn học VN hiện diện ở Đức hãy còn rất ít. Truyện Kiều của Nguyễn Du có dịch, nhưng tôi thấy bản dịch còn thiếu phần chú giải – cũng rất quan trọng. Một lý do để văn học còn ít người chú ý là vì những nội dung văn chương của ta còn bản địa quá.

* Trong hội thảo vừa rồi, bà có nói về mâu thuẫn giữa toàn cầu hóa và bản địa hóa cùng với khái niệm "thuộc địa văn hóa" trong thế giới hiện nay, bà có thể giải thích rõ hơn vấn  đề này?

– Ta nên nhìn nhận rằng ta đang ở giữa dòng chảy của toàn cầu hóa. Và vấn đề bản địa hóa như một phản xạ bảo vệ văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, nhìn nhận như thế nào về vấn đề "bản sắc dân tộc" lại là chuyện khác. Ta nên xác định rằng cơ hội như thế nào khi toàn cầu hóa và bản địa hóa đang diễn ra. Nói phổ biến văn hóa truyền thống ra nước ngoài nhưng tránh đem chuông đi đánh xứ người mà chẳng có ai hưởng ứng.

Toàn cầu hóa làm cho người ta sợ bị đồng hóa về văn hóa, ở châu Âu đang có khái niệm về "tái hóa văn hóa", tức lấy lại một số giá trị văn hóa truyền thống. Sự toàn cầu hóa của các nước có nền văn minh lớn làm phát sinh sự cưỡng lại, nhằm giữ những yếu tố bản địa của những nước nhỏ. Khái niệm thuộc địa văn hóa ra đời khi người ta lo sợ rằng các nền văn hóa bản địa sẽ bị đồng hóa trong tiến trình toàn cầu hóa.

Gs Thái Kim Lan là một người con của xứ Huế, dạy triết học học tại Munich, Cộng hòa Liên bang Đức. Bà là Chủ tịch Trung tâm Giao lưu Đức-Á châu và là phó chủ tịch Hội thân hữu Phật tử Châu Âu. Hiện giáo sư đang hợp tác với viện Goethe tại Hà Nội và viện Goethe tại Munich để phổ biến văn học VN tại Đức.

Lam Điền thực hiện (theo TTO)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here