Buổi thuyết trình kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ trình tự trình bày các đề mục ngôn ngữ trong kinh Phật; Bốn ngôn ngữ lưu giữ kinh Phật thời xưa; Có ngôn ngữ duy nhất ban đầu cho Phật giáo không? Tiếng Phạn với Phật giáo Việt Nam.
GS Lê Tự Hỷ đã khái quát kinh điển Phật giáo mà chúng ta đang đọc, đang học đều được dịch ra từ các kinh bằng tiếng Phạn. Phật giáo phát xuất từ Ấn Độ nên niềm tin nầy cũng thấy có trong kinh sách của Phật giáo. Chẳng hạn, trong Đại Bát Niết Bàn Kinh 8 và 26, hay trong Đại Đường Tây Vực Ký của ngài Huyền Trang, … đều có ý tưởng nầy.
GS cho biết một cách khái quát bốn ngôn ngữ lưu giữ kinh phật thời xưa là 1. Phạn Cổ Điển (Classical Sanskrit) : Tiếng Phạn chuẩn tức tiếng Phạn đã được chuẩn hóa bởi Pāṇini, phân biệt với tiếng Phạn trong kinh Vệ Đà là Vedic; 2. Pāli, một ngôn ngữ Indic miền Trung Ấn (Middle Indic); 3. Prakrit Dharmapada: là phương ngữ dựa trên một Middle Indic miền Tây bắc mà Senart trong bài viết về văn bản Dutreuil de Rhins đăng trong Jas. IX.12 (1898), trang 193ff gọi là Prakrit Dharmapada; 4. Buddhist Hybrid Sanskrit: Ngôn ngữ mà Giáo sư Franklin Edgerton goi là Buddhist Hybrid Sanskrit (viết tắt là BHS). Hầu hết các tác phẩm Phật Giáo Bắc Ấn Độ (Bắc truyền, Bắc tông, Đại thừa) được viết bằng BHS.
Và để trả lời cho câu hỏi nghi vấn khoa học: có ngôn ngữ duy nhất ban đầu cho Phật giáo không? GS. Lê Tự Hỷ đã trình bày rất cụ thể qua tinh thần tự do phóng khoáng của đức Phật trong việc sử dụng ngôn ngữ để hoằng pháp cũng như ngôn ngữ phương ngữ nơi quê hương Đức Phật được cho là đã có hiện diện trong các kinh điển Phật giáo…
CTV