Trang chủ Phật học Giới thiệu về nghiệp: Bài 3: Ảnh hưởng của hành nghiệp

Giới thiệu về nghiệp: Bài 3: Ảnh hưởng của hành nghiệp

156
0

Đạo Phật không nói về một hệ thống thưởng phạt căn cứ trên việc tuân theo luật lệ. Phật giáo không nói về cuộc đời này là một sự thử thách nào đó, và ta sẽ nhận lấy kết quả của thử thách này trong kiếp sau. Nó chỉ nói một cách đơn giản là sự việc cần một thời gian dài để tạo ra ảnh hưởng của nó. Ta có thể thấy điều này về mặt môi trường. Chúng ta hành động theo một cách nào đó và điều này tạo ra những ảnh hưởng nào đó trong đời sống này, nhưng nó sẽ sản sinh nhiều ảnh hưởng to lớn hơn trong kiếp sống của những thế hệ tương lai. Đó là điều tương tự như thế.

Giống như khoa học, Phật giáo giảng dạy rất nhiều về mặt nhân quả. Thế thì nếu như bị nghiệp, sự thúc đẩy này, dẫn dắt, ta sẽ thực hiện những công việc, sẽ nói năng và suy nghĩ những điều gì đó, rồi tạo ra một kết quả. Nghiệp không nói quá nhiều về ảnh hưởng của hành vi của chúng ta đối với những người khác – mặc dù dĩ nhiên là nó có ảnh hưởng đến người khác. Đó là bởi vì thật sự phần lớn ảnh hưởng mà người khác nhận được từ những điều ta ứng xử với họ là tùy vào họ. Một số ảnh hưởng mà người khác nhận lãnh từ những gì ta làm đối với họ chỉ là các yếu tố vật lý mà thôi: bạn đánh ai đó và da của họ bị bầm. Đó chỉ là nhân quả về mặt thể chất; ta không nói về điều này đối với nghiệp. Tuy nhiên, ảnh hưởng mà người kia có đối với cách họ cảm nhận về những gì ta nói hay làm đối với họ là tùy theo ý họ, phải không? Thí dụ, ta có thể nói với ai điều gì rất tàn nhẫn và họ có thể cảm thấy rất tổn thương, rất khó chịu. Tuy nhiên, họ cũng có thể nghĩ rằng ta là kẻ hoàn toàn ngu ngốc, vì vậy nên họ không tin ta và không tiếp nhận ta một cách nghiêm chỉnh, hay thậm chí, họ có thể không nghe ta nói, hoặc nghe một cách sai lầm. Họ có thể bận tâm về điều gì khác, thí dụ vậy. Vì thế, thậm chí nếu ta thật sự có ý định làm tổn thương cảm xúc của người đó một cách thậm tệ, không có gì bảo đảm là điều này sẽ xảy ra, mặc dù rõ ràng đạo Phật dạy chúng ta cố gắng không làm tổn thương bất cứ ai. Tuy nhiên ở đây, điều này không liên hệ đến nghiệp.

Khi nói về nghiệp quả của điều gì, nó là những nghiệp quả chính ta sẽ kinh qua như kết quả của hành động dựa trên cung cách đầy xung động và thúc bách này, với sự thôi thúc của nghiệp.

Bản thân ta sẽ chịu những ảnh hưởng gì? Một trong những ảnh hưởng – và điều này rất tương tự với những gì khoa học Tây phương nói – là ta sẽ điều kiện hóa chính mình để suy nghĩ, nói năng và hành động theo một cách nào đó, rồi nó tạo ra một khuynh hướng lập lại cung cách hành động đó. Kết quả của khuynh hướng lập lại hành động và cũng là một tiềm năng để lập lại hành động ấy – ta cũng có sự phân biệt phần nào giữa các tiềm năng và khuynh hướng, mặc dù không nhất thiết phải đi vào chi tiết về điều này – là ta sẽ muốn lập lại hành động đó.

Khuynh hướng hay tiềm năng này thật sự sản sinh ra điều gì? Khuynh hướng này tạo ra một cảm giác – cảm giác muốn đi về phía bạn và ôm lấy bạn, thí dụ thế, hay cảm giác muốn đi đến bên bạn và nói điều gì xấu xa. Và rồi, khi cảm thấy muốn làm điều này thì dĩ nhiên, ta có sự chọn lựa nên làm điều này hay không. Đó là một điểm rất quan trọng khi ta nhận thấy rằng mình có sự lựa chọn trong việc thực hiện những gì mình có ý muốn hành động hay không. Nhưng nếu ta quyết định mình sẽ làm việc đó, hay thậm chí không hề suy nghĩ mình sẽ làm điều đó hay không mà cứ hành động, thì giai đoạn kế tiếp là lúc mà nghiệp biểu lộ. Nghiệp là sự thúc đẩy, động năng, sự thôi thúc mà nhờ có nó, ta mới thực hiện một hành động.

Sau đó, có nhiều điều khác chín muồi từ những xu hướng này. Trên căn bản, một trong những điều này cũng là nội dung của những gì chúng ta trãi qua. “Nội dung” là một chữ hơi rộng; tôi nghĩ là chúng ta phải nói rõ ràng hơn chút nữa. Ở đây, thí dụ như vấn đề là gặp gỡ người này mà không gặp người kia. Nó cũng liên hệ đến cung cách người ta đối xử với mình. Chúng ta phải hết sức cẩn thận về cách nói như thế nào để chính xác hơn. Nghiệp của ta không khiến cho người kia la hét với mình – họ la hét với ta vì kết quả của những khuynh hướng mà họ phải la hét với người khác, nhưng nghiệp của riêng ta là chịu trách nhiệm cho việc chịu đựng người khác la hét với mình.

Dĩ nhiên, điều này không phải là điều dễ hiểu nhất, nhưng tôi nghĩ một cách tiếp cận để hiểu vấn đề này là cho một thí dụ. Nếu một đứa bé mang tả và làm dơ tả thì nó phải chịu đựng điều này; đứa bé phải sống với tình trạng bẩn thỉu mà nó tạo ra. Hãy để qua một bên toàn bộ vấn đề là có ai thay tả cho đứa bé hay không, nhưng điểm chính ở đây là nếu bạn tạo ra một tình trạng bẩn thỉu, thì bạn phải chịu đựng sự bẩn thỉu ấy. Chúng ta tạo ra sự rối ren trong đời sống, và khi cuộc sống tiếp diễn, ta sẽ phải gặp nhiều rắc rối hơn. Trên căn bản, sự việc diễn tiến như thế. Nói một cách rõ rệt hơn, khi ta hành động ra sao với người khác thì họ sẽ đối xử với ta bằng cách tương tự như vậy. Tuy nhiên, có một nguyên tắc khác rất quan trọng đối với nghiệp là điều này không xảy ra như thế tức thì. Ta có thể nói chuyện với người nào đó một cách rất tử tế và nhẹ nhàng, nhưng họ vẫn điên tiết lên, la hét với ta khi họ tức giận.

Đây là lý do mà ta phải đưa toàn bộ sự thảo luận về tái sinh vào đây, để thật sự thấu hiểu nghiệp, bởi vì sự việc trãi qua một thời gian vô cùng lâu dài trước khi chúng sản sinh ra một ảnh hưởng, và có thể chúng không tạo ra một ảnh hưởng trong đời sống hiện tại. Trên thực tế, hầu như chúng không bao giờ có tác dụng trong hiện kiếp. Điều này không được người Tây phương chấp nhận một cách dễ dàng. Đối với một số người thì dường như đạo Phật nói rằng, “Hãy làm người tốt trong kiếp này và bạn sẽ hưởng được kết quả trên thiên đàng sau khi chết; nếu làm người xấu xa, bạn sẽ phải chịu kết quả trong địa ngục sau khi đời sống này kết thúc.”

Chúng ta phải xem xét điều này khá chặt chẽ: Có phải Phật giáo cũng nói giống như vậy, hay là khác với điều này? Đây không phải là một chủ đề dễ dàng, nó là một chủ đề rất phức tạp, bởi vì để thật sự hiểu về nhân quả nghiệp báo, chúng ta cần phải thấu hiểu về tái sinh – khái niệm của Phật giáo về tái sinh, không phải quan điểm tái sinh của các trường phái phi Phật giáo. Ai là người đã tạo ra một nguyên nhân và ai phải gánh chịu kết quả của nó? Có một “cái tôi” được tưởng thưởng hay bị trừng phạt hay không?

Tuy nhiên, nếu để vấn đề tái sinh và ai trải nghiệm nó sang một bên, như tôi đã đề cập ở lúc đầu, đạo Phật không nói về một hệ thống thưởng phạt căn cứ trên việc tuân theo luật lệ. Phật giáo không nói về cuộc đời này là một sự thử thách nào đó, và ta sẽ nhận lấy kết quả của thử thách này trong kiếp sau. Nó chỉ nói một cách đơn giản là sự việc cần một thời gian dài để tạo ra ảnh hưởng của nó. Ta có thể thấy điều này về mặt môi trường. Chúng ta hành động theo một cách nào đó và điều này tạo ra những ảnh hưởng nào đó trong đời sống này, nhưng nó sẽ sản sinh nhiều ảnh hưởng to lớn hơn trong kiếp sống của những thế hệ tương lai. Đó là điều tương tự như thế.

Bài 4: Hạnh Phúc và Bất Hạnh

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here