Thuyết Quyết Định hay Tự Do Ý Chí
Thế là một mặt, ta lập đi lập lại những loại hành vi nào đó và sự việc xảy ra với ta; và ở mặt khác, ta kinh qua tất cả những điều này với sự thăng trầm của hạnh phúc và bất hạnh, những điều đôi khi phù hợp với hành động của ta và đôi khi, dường như chẳng liên hệ gì với nhau cả. Tất cả những điều này thăng trầm, lên xuống trong mọi lúc, và ta không biết điều gì sẽ xảy ra sau đó. Dĩ nhiên, những gì xảy ra với ta không chỉ là do ta và nghiệp của riêng ta tạo ra. Nó cũng bị ảnh hưởng bởi những gì đang xảy ra với tất cả những người khác trong vũ trụ và nghiệp của họ, và những gì họ đang làm, cộng với những gì đang xảy ra với vũ trụ vật lý – những hiện tượng khí tượng của vũ trụ như thời tiết, động đất, loại hiện tượng như thế. Vì vậy, rất khó tiên đoán những gì chúng ta sẽ trãi qua sau đó – các yếu tố ảnh hưởng sự việc quá phức tạp, và trên thực tế, Đức Phật nói rằng đó là vấn đề phức tạp nhất của bất cứ điều gì mà ta có thể thấu hiểu được.
Chúng ta phải hiểu rõ ở đây, bởi vì rất nhiều người hỏi về nghiệp – có phải nó là thuyết quyết định hay chúng ta có tự do ý chí không? Không có điều nào đúng, cả hai đều là những cực đoan. Thuyết quyết định thường ngụ ý rằng người khác đã quyết định giùm ta những gì ta sẽ làm hay trải nghiệm – một nhân vật bên ngoài, một đấng cao cả hơn, hay bất cứ người nào đó. Đạo Phật nói không phải là điều này; không phải người nào khác đã quyết định những gì mình sẽ làm và chúng ta chỉ là những con rối, thể hiện một vai trò nào đó mà ai khác đã viết kịch bản cho ta.
Mặt khác, tự do ý chí hơi giống như ai đó ngổi trong nhà hàng, cầm một tờ thực đơn trước mặt họ và quyết định những món họ muốn ăn. Cuộc sống không như thế. Đạo Phật nói rằng nếu tưởng tượng đời sống như vậy thì không đúng, đó là một sự lầm lẫn. Dường như và có vẻ như có một cái “tôi” riêng biệt – tách khỏi đời sống, kinh nghiệm, một người ngoại cuộc với tất cả mọi việc đang xảy ra, có thể nhìn đời sống như một thực đơn và chọn những món trong đó. Không có “tôi” riêng biệt với đời sống, hay kinh nghiệm và những gì sẽ xảy ra cho ta không hiện hữu như những món ăn nho nhỏ trên thực đơn mà ta có thể chọn, như thể chúng đã có sẵn ở đó, rồi ta chỉ cần ấn nút và chúng chui ra khỏi máy bán hàng tự động, hay là điều gì tương tự như thế. Tôi nghĩ đây là một hình tượng hữu ích để ta có thể thấy nó ngớ ngẩn như thế nào. Không phải là các kinh nghiệm đang tồn tại như những món ăn khô làm sẵn trong một máy bán hàng tự động và bạn chọn lựa món nào bạn muốn; nhấn nút, bỏ tiền vô và nó chạy ra cho bạn. Cuộc sống không phải như thế, đúng không? Không phải là chúng ta quyết định trước, “Hôm nay, tôi sẽ có hạnh phúc và mọi người sẽ tử tế với tôi.” Rồi chúng ta đặt tiền vào máy của cuộc đời và những gì ta chọn sẽ đến với mình. Đó là tự do ý chí, phải không? Tự do ý chí để quyết định những gì sẽ xảy ra cho mình và những gì ta sẽ làm. Nhưng những gì xảy ra cho chúng ta thì hoàn toàn vi tế và phức tạp hơn hai loại cực đoan của thuyết quyết định và tự do ý chí rất nhiều.
Vô Minh là Cội Nguồn của Nghiệp
Chúng ta đã nói ở phần trước của bài thuyết giảng là điểm đặc thù trong Phật giáo là Đức Phật đã dạy về nguyên nhân tạo ra sự thăng trầm liên tục của những kinh nghiệm hạnh phúc và bất hạnh, về nguyên nhân tạo ra mọi sự việc xảy ra mà ta thật sự không mong muốn và không hề có một sự kiểm soát nào. Nguyên nhân là một phần của mỗi một khoảnh khắc kinh nghiệm của chúng ta và nó đang kéo dài toàn bộ hội chứng này – nguyên nhân ấy là sự vô minh. Không chỉ thế, nhưng khi ta hành động vì vô minh – cho dù tiêu cực hay xây dựng – nó tăng cường cái gọi là “thói quen bất biến” – thói quen hành động một cách liên tục với tâm vô minh – vì thế, ta tiếp tục hành động với tâm vô minh trong mỗi một khoảnh khắc.
Sự vô minh này là gì? Đó là một chủ đề rất sâu sắc trong Phật giáo; nhưng nếu nóí một cách rất đơn giản thì điều mà chúng ta đang nói đến là sự vô minh về cách tôi hiện hữu như thế nào, bạn tồn tại ra sao, và mọi người hiện hữu ra sao. Thí dụ, chúng ta nghĩ rằng tôi là trung tâm vũ trụ; tôi là người quan trọng nhất; sự việc nên luôn luôn xảy ra theo ý tôi; tôi luôn luôn đúng; người khác nên luôn luôn có thì giờ cho tôi. Chúng ta có thể nhận ra thái độ này khi sử dụng điện thoại di động: ta cảm thấy mình có thể gọi bất cứ người nào vào bất cứ lúc nào và làm phiền họ, bất chấp họ đang làm gì, và họ phải có thì giờ cho tôi, bởi vì những gì tôi phải nói thì quan trọng hơn bất cứ điều gì mà họ có thể đang làm. Dựa trên sự vô minh này, ta có thể hành xử một cách tiêu cực đối với người nào đó, như la lối họ, đối xử với họ một cách tàn nhẫn, và ta sẽ làm thế bởi vì họ đã không làm những gì tôi muốn họ làm, hay họ đang làm điều mà tôi không thích. Họ nên làm những gì tôi thích bởi vì những gì tôi muốn rõ ràng là quan trọng hơn những gì họ muốn. Hay là, dựa trên cùng một sự vô minh, ta có thể làm điều gì tốt đẹp cho ai đó, tử tế với họ, bởi vì tôi muốn họ thích tôi; tôi muốn họ vui vẻ với tôi. Tôi thấy mình cần làm điều gì cho người nào mà tôi nghĩ là cần sự giúp đỡ, vì thế, tôi sẽ nói với con gái tôi cách nuôi con như thế nào, cách lo toan việc nhà ra sao. Đây không phải là điều hữu ích hay sao? Không cần biết đứa con gái có cần lời khuyên và giúp đỡ hay không, nhưng ta nghĩ rằng tôi là người quan trọng nhất, tôi muốn là người được cần đến, và hiển nhiên là tôi hiểu biết hơn con gái tôi về cách nuôi dưỡng con cái, và rõ ràng là cô ta cần phải nghe lời khuyên của tôi.
Thế là có sự vô minh này, và nó ẩn sau hành vi tiêu cực lẫn xây dựng. Vì tâm vô minh này mà chúng ta kéo dài chu kỳ thăng trầm, lên xuống này. Vì vậy, chúng ta phải xem xét làm cách nào để thoát khỏi nó.
Bài 6: Thoát Khỏi Vô Minh