I. GIỚI THIỆU
Trước tiên, ta có thể mở đầu cho sự giới thiệu này, bằng việc thi thiết hai câu hỏi:
1/Tu sở đoạn (bhāvanā-prahātavya) là gì?
2/Phi sở đoạn là gì?
Sau kiến đạo, các pháp hữu lậu không thuộc kiến sở đoạn (darśana-prahātavya). Tức các pháp hữu lậu còn lại, trừ kiến chấp ô nhiễm khởi lên do tà phân biệt. Pháp hữu lậu ở đây gồm cả thiện tùy thuận quyết trạch phần (nirvedha-bhāgīya)[1]. Trong cái huân tập bởi nghe, những gì là tính hữu lậu thì thuộc tu sở đoạn, Nó chịu ảnh hưởng của dị thục đặc sắc để làm tăng thượng duyên cho chủng tử của tâm xuất thế. Như vậy được gọi là Tu sở đoạn (bhāvanā-prahātavya).
Còn Phi sở đoạn nghĩa là các pháp vô lậu, trừ thiện quyết trạch phần[2]. Những gì là tính vô lậu thì thuộc phi sở đoạn, làm nhân duyên trực tiếp cho pháp xuất thế. Nhân duyên trực tiếp này vi tế, ẩn mật, khó nhận thức được, nhưng dựa trên loại tăng thượng duyên đặc sắc thô hiển, phương tiện nói là chủng tử của tâm xuất thế.
Lưu chuyển (pravṛtti) là sự thọ sinh tái diễn. Hoàn diệt (nivṛtti) là sự thú hướng đến Niết-bàn[3]; Bốn hình thái lưu chuyển và một hình thái hoàn diệt của a-lại-da:
1. Sở duyên chuyển tướng, vin vào đối tượng nội giới là chấp thọ và ngoại giới là khí thế gian mà vận chuyển.
2. Tương ưng chuyển tướng, hằng tương ưng với năm biến hành.
3. Duyên tính chuyển tướng, vận chuyển theo điều kiện tương tác.
4. Câu chuyển chuyển tướng, tồn tại đồng thời với các chuyển thức và cùng vận chuyển. Một hình thái hoàn diệt: nó duy trì chủng tử thiện của thuận giải thoát phần và thuận quyết trạch phần[4].
Theo Thuật ký dẫn: Du-già 51 nói, hoàn tức Đạo đế; diệt tức Diệt đế[5].
Chúng ta nói đến Ba vô lậu căn: Năm giai vị, tức năm giai đoạn tu chứng. Thuật ký nói: thể tính tùy theo giai vị, nên nói là “thể vị.” Thể vị của căn vị tri đương tri có ba loại:
(1) Trong căn bản vị, tại kiến đạo, trừ sát-na tối hậu vì bấy giờ không còn cái gì chưa biết để sẽ biết. Kiến đạo có mười sát na; thể của căn này chỉ tồn tại trong mười lăm sát na đầu.
(2) Trong gia hành vị, tức bốn thiện căn noãn, đỉnh, nhẫn và thế đệ nhất; ở đây nó trực tiếp dẫn phát căn bản vị.
(3) Trong tư lương vị, từ chỗ chuẩn bị để đạt được hiện quán Thánh đế nên phát khởi quyết định thắng thiện pháp dục, tức là dục liên hệ pháp thiện thù thắng, cũng tức dục tâm muốn đạt đến thiện pháp thù thắng, phát tâm cầu Bồ-đề, Niết-bàn. Cho đến trước khi đạt được thuận quyết trạch phần; Thuận quyết trạch phần (nirvedha-bhāgiya), giai đoạn tu tập bốn thiên căn (noãn, đỉnh, nhẫn, thế đệ nhất), quán sát mười sáu hành tướng của Thánh đế, trước khi vào kiến đạo các thiện căn trong khỏang đó gọi là tư lương vị, vì gián tiếp nó tư trợ phát sinh căn bản vị.
Năm giai vị để ngộ nhập duy thức là những gì? Đó là tư lương đạo, gia hành đạo, kiến đạo, tu đạo, cứu cánh đạo[6] – Samuccaya[7]: mārgaḥ pañcavidhaḥ/ saṃbhāramārgaḥ prayoyamārgaḥ darśanamārgaḥ bhāvanāmārgaḥniṣṭhāmārgaś ca//. Ở đây, chúng ta có thể nói theo Thành Duy Thức Luận, năm giai vị gồm:
1. Tư lương vị, tu tập thuận giải thoát phần thuộc Đại thừa.
2. Gia hành vị, tu tập thuận quyết trạch phần thuộc Đại thừa.
3. Thông đạt vị, kiến đạo mà Bồ tát an trụ.
4. Tu tập vị, tu đạo mà Bồ tát an trụ.
5. Cứu cánh vị, an trú nơi Vô thượng Chính đẳng Bồ đề, v.v
Vì mục mục đích hướng đến Vô thượng chính đẳng bồ-đề mà tu tập nhiều tư lương khác nhau. Và vì các hữu tình mà cần cầu giải thoát, do đó giai đoạn này cũng được gọi là thuận giải thoát phần. Có ba loại thiện căn:
1. Thuận phước phần (puṇyabhāgīya), các loại thiện dẫn tái sinh chư thiên và loài người.
2. Thuân giải thoát phần (mokṣabhāgīya), thiện căn quyết định dẫn đến giải thoát, chứng niết-bàn.
3. Thuận quyết trạch phần (nirvedhabhāgīya), bốn thiên căn dẫn đến hiện quán Thánh đế là noãn, đỉnh, nhẫn và thế đệ nhất[8].
Nơi khác, trình bày bốn loại thiện: thuận phước phần thiện, thuận giải thoát phần thiện, thuận quyết trạch phần thiên, và vô lậu thiện[9].
Bồ tát trước tiên ở trong vô số kiếp thứ nhất khéo léo hoàn bị các tư lương phước đức và trí tuệ, đã viên mãn thuận giải thoát phần, với mục đích nhập kiến đạo, an trụ trong duy thức tính, lại tu tập gia hành với noãn, đỉnh, nhẫn, thế đệ nhất, gọi là Bốn gia hành hay bốn thiện căn thuộc quyết trạch phần – nirvedhabhāgīyāni kuśalamūlāni, ūṣmagataḥ mūrdhnāḥ satyānukūlakṣantiḥ laukikakāgradharmaḥ[10]. Có tác dụng để trấn áp và đoạn trừ hai thủ.
II. TỔNG LUẬN
Bốn gia hành gọi chung là thuận quyết trạch phần, vì thuận dẫn hướng đến sự quyết trạch sự chân thật. Ta có thể tìm thấy định nghĩa của nó ở trong Thuận quyết trạch phần[11]– nirvedhabhāgīyānīti ko’rthaḥ/ vidha vibhāge/ niścito vedho nirvedhaḥ āryamārgas tena vicikitsā prahāṇāt satyānām ca vibhajanād idaṃ duḥkham ayaṃ yāvat mārga iti/ Nirvedhabhāgīya là gì? Vidha (sự xuyên thủng) nghĩa là vibhāga (sự chia chẻ). Nirvedha có nghĩa là sự xuyên thủng (= sự phân tích) chính xác, tức là Thánh đạo. Vì do sự xuyên thủng chính xác đó mà nghi bị đoạn trừ, và Thánh đế được phân tích rằng “Đây là khổ” cho đến “Đây là đạo”. Ý nghĩa thuận quyết trạch phần là gì? (1) Quyết là quyết đoán; trạch là giản trạch. Quyết đoán giản trạch tức Thánh đạo. Vì Thánh đạo đoạn trừ nghi và phân biệt bốn Thánh đế. [12] Nhờ có thánh đạo, nghi (vicikitsā) mới được đoạn trừ vì thế thánh đạo là “quyết đoạn” (niścita), và các đế mới được phân biệt (vibhājana, vedha): “Đây chính là khổ… đây chính là đạo”; (2) Kiến đạo (darśanamārga) là một phần (bhāga) của thánh đạo; vì thế Kiến đạo cũng là quyết trạch phần. Quyết trạch phần được dùng với tiếp vĩ ngữ chan (thuận), là các pháp có ích (hita) cho một phần của thánh đạo bởi vì chúng dẫn dắt thánh đạo (āvāhaka). Tất cả bốn quyết trạch phần này đều sinh từ định (bhāvanāmayam, tu sở thành) chứ không phải văn hoặc tư (śruta, cintāmaya)[13].
Câu-xá cắt nghĩa, do gần với kiến đạo nên gọi là gia hành, từ sanskrit của nó là prayoga: sự thực hành, sự áp dụng; chứ không phải trong giai đoạn tư lương trước đó không hàm nghĩa gia hành. Bốn pháp, kể từ noãn, y bốn tầm tư, bốn như thật trí, theo giai đoạn đầu và cuối cuối mà lập. Trước tiên suy cầu về danh, về nghĩa, về tự tính, về sai biệt, rằng đấy chỉ là khái niệm giả định (prajñapti); sau đó biệt một cách như thực rằng sự chân thật như thế không thể nắm bắt. Trong lúc suy cầu, gọi là tầm tư. Khi biết như thực là bất khả đắc, bấy giờ gọi là bốn như thật trí. Tức sơ vị (bước đầu) gọi là tầm tư, hậu vị (kết quả) gọi như thật trí[14].
前順解脫分 速三生解脫
聞思成三業 殖在人三洲.
“Trước đó là thuận giải thoát phần.
Qua ba đời mới giải thoát
Là ba nghiệp do văn, tư tạo thành,
Được trồng ở ba châu của loài người.”
Theo ngài Thế-thân, trước tiên phải khởi giải thoát phần. Sự gieo hạt giống, sự tăng trưởng của cây và sự cho quả là ba giai đoạn khác nhau. Trong đạo cũng giống như thế, thân tương tục nhập đạo, trở nên thuần thục và được giải thoát theo một tiến trình tiến lên từ từ: Trong đời sống thứ nhất là gieo trồng các thiện căn có tên giải thoát phần; trong đời sống thứ hai là sinh khởi các quyết trạch phần; và đời sống thứ ba là sinh khởi thánh đạo. Giải thoát phần được thành tựu từ văn và tư chứ không phải định (tu)[15].
Có ba loại nghiệp có thể làm giải thoát phần. Chúng ta có thể kể như sau:
1/Ý nghiệp là Chính yếu (prādhānyena);
2/Thân nghiệp;
3/Ngữ nghiệp;
Thân nghiệp và ngữ nghiệp cũng là giải thoát phần khi chúng được bao hàm (parigrahaṇāt) bởi quyết tâm (praṇidhāna) được giải thoát; quyết tâm này chính là một loại tư (cetanā): Khi có nguyện lực giải thoát hỗ trợ cho một thân nghiệp như bố thí, cho một ngữ nghiệp như trì giới, thì người ta đã phát khởi (ākṣipati) được một giải thoát phần. Theo Các nhà Phật học A Tỳ Đàm (Abhidharma) thì hành động của thân và ngữ hoàn toàn được chỉ đạo bởi Tư hay Ý chí (cetanā). Theo ngài Thế Thân (Vāsubandhu) ở trong Thành Nghiệp Luận (Sidhikarma) thì Tư hay Ý chí (cetanā) có ba loại: Thẩm lự tư, Quyết định tư và Phát động tư. Theo Budhaghoṣa, thì Hành lấy hoạt động làm tướng, lấy nỗ lực làm dụng, lấy ý chí làm động cơ và lấy vô minh làm duyên[16].
Chỉ có con người ở ba châu (dvīpas) mới có thể phát khởi hoặc trồng được các giải thoát phần. Thật như vậy, hết thảy các sự yểm ly (nirveda) hoặc trí tuệ (prajñāna), hoặc cả yếm ly và trí tuệ đều xem như không có ở chư thiên, ở chúng sinh bị đọa và con người ở Bắc châu.
Trong gia hành đạo, trước tiên do sự tích tập tư lương đã được cực kỳ hoàn hảo, lại bằng thiện phương tiện mài luyện tâm, từ thiện căn biên tế thuộc thế gian thuận quyết trạch phần, một cách trực tiếp vô gián, phát sinh tâm thứ nhất có đối tượng sở duyên là pháp giả danh về hữu tình vốn tự nội thân đã bị loại trừ; đoạn trừ các phiện não thô trọng bậc thấp thuộc loại kiến sở đoạn. Từ đó vô gián phát sinh tâm thứ hai có đối tượng sở duyên là pháp giả danh về các pháp vồn tự nội thân dã bị loại trừ; đoạn trừ phiền não thô trọng bậc trung thuộc loại kiến sở đoạn. Từ đó vô gián phát sinh tâm thứ ba có đối tượng sở duyên là pháp giả danh về hữu tình và các pháp vốn tự nội thân đã bị loại trừ; đoạn trừ tất cả phiền não thô trọng thuộc loại kiến sở đoạn. Hiện quán này chính là kiến đạo, cũng được gọi là song vận đạo (vận hành song song chỉ và quán). Trong đó tuy có ba phẩm thâm của tì-bát-xa-na (quán) và ba phẩm tâm của xa-ma-tha (chỉ), nhưng do song vận mà lập chỉ ba tâm, vì trong một tâm có thể vừa chỉ vừa quán. Nên biết, các tâm này chỉ duyên đến cảnh đối tượng là phi an lập đế. Hai tâm đầu tương ưng với pháp trí; tâm thứ ba tương ưng với loại trí. Chính do thế lực của tâm này, trong các an lập đế kể từ khổ phát sinh khổ trí v.v… thuộc giai đoạn hiện quán thứ hai, thanh tịnh vô ngại. Nên biết, y chỉ trí này mà thành lập bốn trí khổ, tập, diệt, đạo. Tức ba tâm trước cùng với chỉ quán phẩm chứng đắc sự tịch diệt do diệt trừ phiền não thuộc kiến đọan, đạt đến xuất thế gian đạo, vĩnh viễn diệt trừ hết thảy phiền não và sở y sự. Đó là hiện quán trí đế hiện quán[17]. Như vậy gọi là Hiện quán trí đế biên hiện quán. Tức là trí vô phân biệt căn bản và hậu đắc, một cách triệt để, duyên phi an lập làm đối tượng.
Sau khi hành giả trụ ở pháp niệm trụ, quán chung bốn sở duyên. Tu các hành tướng vô thường, khổ, Không, vô ngã[18] thì bốn thiện căn sinh khởi. Kệ tụng trong Câu-xá, phẩm Phân biệt Hiền Thánh nói rõ:
“從此生煖法 具觀四聖諦
修十六行相 次生頂亦然
如是二善根 皆初法後四
次忍唯法念 下中品同頂
上唯觀欲苦 一行一剎那
世第一亦然 皆慧五除得”[19]
«Tu pháp quán này sẽ khởi sinh Noãn pháp, Quán đủ tứ thánh đế, Tu mười sáu hành tướng; Kế đó sẽ sinh khởi Đỉnh cũng như thế. Hai thiện căn trên đây lúc đầu đều nương vào pháp niệm trụ, và sau nương cả bốn loại. Kế đến là nhẫn, chỉ nương pháp niệm trụ; Hạ và trung phẩm giống như Đỉnh, thượng phẩm chỉ quán dục khổ. Một hành tướng một sát-na. Thế đệ nhất pháp cũng thế; Đều là tuệ, năm thủ uẩn, loại trừ đắc ».
Từ sự tu tập pháp niệm trụ nói trên, cuối cùng sẽ phát sinh (krameṇa) một thiện căn (kuśalamūla). Thiện căn được gọi là Noãn (uṣmagata) vì nó tương tự như hơi nóng đạo (uṣmaprakāra), là hiện tượng đầu tiên (pūrvanimitta, pūrvasvabhāva) của thánh đạo (āryamārga), là ngọn lửa đốt cháy củi phiền não (hoặc tân)[20]. Ta có thể nói khác là do y chỉ vào minh đắc định phát khởi hạ phần tầm tư quán không tồn tại sở thủ, lập làm trình độ noãn. Minh đắc đinh hay minh đắc tam-ma-địa 明得三摩, Phạn ngữ gọi là ālokalabdhaḥ samādhiḥ, chính định nhận được ánh sáng. Bằng bốn tầm tư, trong nhẫn bậc thấp đối với sự không tồn tại đối tượng (arthābhāva: vô nghĩa = vô cảnh), phát sinh chính định nhận được ánh sáng, đó là noãn tức hơi nóng, y chỉ của quyết trạch phần[21]. Ở trong trình độ này bắt đầu quán sát sở thủ là bốn pháp kể từ danh, rằng thảy đều là biến thái của tâm được khái niệm giả định như là thực hữu nhưng không thể bắt nắm. Đầu tiên có được măt trời tuệ đi trước, do hành tướng đó mà gọi là minh đắc. Tức đó là do là ngọn lửa của đạo mới nhận được làm dấu hiệu dẫn đường nên nói là noãn – Uṣmagataṃ katamat? pratyātmaṃ satyeṣv ālokalabdhaḥ samādhiḥ prajñā saṃyogaśca: noãn hay có hơi nóng là gì? Bằng nội thân chứng, định đạt được trong các chân đế, trí và tương ưng của nó[22]. Thí dụ như dùi lửa, hơi nóng là dấu hiệu đàu tiên của lửa. Dấu hiệu đầu tiên của chân trí cũng vậy[23]. Noãn thiện căn này có thể kéo dài trong một thời gian[24] nên có sở duyên là cả tứ thánh đế. Noãn thiện căn có đến mười sáu hành tướng. Quán khổ đế có bốn hành tướng là khổ (duḥkha), vô thường (anitya), không (śūnya), vô ngã (anātmaka); quán tập đế có bốn hành tướng là tập (samudaya), sinh (prabhava), nhân (hetu), duyên (pratyaya); quán diệt đế có bốn hành tướng là diệt (nirodha), tĩnh (śānta), diệu (praṇīta), ly (niḥsaraṇa); quán đạo đế có bốn hành tướng là đạo (mārga), như (nyāya), hành (pratipatti), xuất (nairyāṇika). Noãn pháp tăng trưởng dần từ yếu, đến khá, đến mạnh; và cuối cùng phát sinh thiện căn thứ hai là Đỉnh (mūrdhan).
Giống như Noãn, Đỉnh cũng duyên cả bốn thánh đế và có mười sáu hành tướng nhưng lại mang tên khác là vì tính chất thù thắng của nó, vì do y chỉ minh tăng định, phát khởi tầm từ bậc thượng, trong nhẫn bậc thượng về sự không tồn tại đối tượng, có minh tăng tam-ma-địa[25] – mūrdhānaṃ katamat? pratyātmaṃ satyeṣv ālokavṛddhaḥ samādhi prajñā saṃyogaśca/[26] : Bằng nội thân chứng, ở trong các chân đế có định có ánh sáng lớn mạnh, có tuệ và tương ưng của nó. Quán sở thủ không tồn tại, lập làm trình độ đỉnh. Ở trong trình độ này, quán lặp lại về sở thủ là bốn pháp kể từ danh, rằng thảy đều là biến thái của tâm, được khái niệm giả định như là tồn tại, nhưng không thể bắt nắm. Minh tướng càng trở mãnh liệt hơn, do đó gọi là minh tăng. Trình đô tầm tư ở đỉnh cao, nên gọi là đỉnh. Thiện căn thứ hai này được gọi là “Đỉnh” hay “đầu” tại vì đó là thiện căn cao nhất hoặc đứng đầu trong các thiện căn “không cố định”[27]; có nghĩa là người ta có thể bị rơi xuống từ các thiện căn này; hoặc người ta có thể bị rơi xuống lần nữa từ các “đỉnh” này, hoặc người ta có thể vượt qua chúng bằng cách tiến vào nhẫn (kṣānti). Chính nhờ có pháp niệm trụ mà hai thiện căn Noãn và Đỉnh mới có thể “in dấu” gọi là sơ an túc, in dấu tức là sự ngăn chặn đầu tiên các hành tướng khác nhau vào thánh đế. Noãn và Đỉnh tăng trưởng dần dần qua tứ niệm trụ[28].
Noãn và Đỉnh là loại không cố định (cala) và vì có thể bị thối thất cho nên chúng chỉ là loại thuận quyết trạch phần yếu ớt (mṛdu).
Đỉnh thiện căn cũng tăng trưởng dần từ yếu, đến khá, đến mạnh; và cuối cùng lại phát sinh thiện căn thứ ba là nhẫn (kṣānti). Luận Thành Duy Thức giải thích do y chỉ ấn thuận định, phát khởi hạ phần như thật trí, ghi dấu ấn một cách quyết định vào sự không sở thủ, và cũng có thuận lạc nhẫn, trong sự không tồn tại năng thủ, thuật ngữ duy thức gọi là ấn trì, từ thường dùng để định nghĩa từ thắng giải[29] –adhimokṣa katamaḥ/ niścite vastuni yathāniścayaṃ dhāraṇāḥ[30]: Thằng giải là gì? Đó là sự ghi nhận một cách xác quyết[31] ở trong những sự đã được xác định; Theo Thuật ký hạ phẩm nhẫn gọi là ấn nhẫn, vì ghi nhận (ấn) sở thủ không tồn tại. Trung phẩm nhẫn gọi là lạc thuận, vì vui trong sự không năng thủ, tùy thuận mà tu tập. Khi thượng nhẫn phát khởi, chỉ gọi là ấn thuận, vì ghi nhận năng thủ không tồn tại, thuận theo mà quán. Cảnh đã không thực sự tồn tại tách biệt ngoài thức năng thủ. Vì năng thủ và sở thủ tồn tại trong quan hệ đối đãi. Khi có ấn thuận nhẫn, gọi chung là nhẫn. Ấn trước, thuận sau đặt tên là ấn thuận. Nhẫn, ghi nhận cảnh và thức đều không do đó cũng gọi là nhẫn. Ba trình độ nhẫn gồm: trước, không sở thủ, sau cùng không năng thủ, trung gian tùy thuận hướng đến không năng thủ. Trung gian chưa thể ấn nhưng tùy thuận nên cũng được gọi là nhẫn. Ấn thuận định 印順定 trongThành Duy Thức luận mà chúng đề cập ở đây, từ này không tìm thấy nơi khác. Riêng từ ấn thuận có thể tìm thấy trong Đại Chánh[32]: “Thế nào là tà thắng giải? Tâm thắng giải, tân ấn thuân, tương ưng ưng với tác ý nhiễm ô.” Theo ngữ cảnh, ấn thuận đồng nghĩa với ấn trì 印持 – Thuật ký giải thích về ấn trì: thắng giải ghi giữ dấu ấn của sự thể trước đó còn mơ hồ để đưa đến chỗ xác định. Thuật ký cũng nói về ấn thuận: Ấn không sở thủ trước đó thuận với không năng thủ tiếp theo gọi là ấn thuận định. Thuận, có hai, lạc thuận và ấn thuận –satyānukūlakṣāntiḥ katamā? pratyātmaṃ satyeṣva ekadeśpraviṣṭānusṛtaḥ samādhiḥ prajñā samyogaś ca[33]: thế nào là thuận đế nhẫn? Bằng nội chứng, ở trong các chân đế có định tùy thuân nhập một phần, có tuệ và tương ưng của nó. Trong đó, ngộ nhập một phần là ghi nhân không sở thủ; và tùy thuận một phần là không năng thủ. Bằng bốn như thật biến tri đã ngộ nhập duy thức, đã đạt được xác quyết về sự không tồn tại đối tượng, có chính định ngộ nhập một phần chân nghĩa, đó là y chỉ của đế thuận nhẫn[34]. Vì chỉ xác quyết sự không tồn tại sở thủ nên nói là ngộ nhập một phần.
Dẫn theo Luận Câu-xá ta thấy sự nhẫn khả lý tứ đế (kṣamaṇa), nó là tối thắng, và trong trình độ này nhẫn không thối lui (aparihāṇita), do đó nó được gọi là nhẫn pháp (kṣānti). Nhẫn có ba bậc, hạ và trung đồng với đỉnh. Thượng phẩm tiếp cận với thế đệ nhất[35]. Nhẫn được mệnh danh như thế là vì ở giai đoạn này các thánh đế đã tạo ra một sự an lạc[36] rất mạnh mẽ. Nhẫn thiện căn cũng có ba loại: Yếu, trung bình và mạnh (hạ trung thượng). Hai loại yếu và trung bình đều giống như Đỉnh bởi vì chúng cũng là loại “in dấu đầu tiên” (sơ an túc) và đều nương vào pháp niệm trụ; nhưng lại khác với Đỉnh về sự tăng trưởng. Dù yếu, trung bình hay mạnh thì tất cả đều tăng trưởng nhờ vào pháp niệm trụ chứ không phải các niệm trụ khác.
Loại nhẫn mạnh chỉ lấy khổ của Dục giới làm sở duyên vì nối tiếp với Thế đệ nhất pháp (agradharmas). Sự hạn chế này không xảy ra đối với các giai đoạn trước đó (tức Noãn và Đỉnh); vì thế cả hai thiện căn này đều có sở duyên là khổ, tập, v.v., của ba giới.
Kể từ sát-na hành giả ngưng quán sát hành tướng thứ mười sáu (nairyāṇika) vốn duyên hai giới ở trên (Sắc giới và Vô sắc giới) và tiếp tục giảm dần các hành tướng và các giới này cho đến lúc chỉ còn in dấu hai hành tướng, Phạn ngữ gọi là anitya, duḥkha, trong hai sát-na của tâm (nhị niệm) đối với khổ đế của Dục giới thì đó là loại nhẫn trung bình (trung nhẫn vị). Khi hành giả, trong một niệm duy nhất, chỉ còn quán sát một hành tướng của khổ để Dục giới thì đó là loại nhẫn mạnh (thượng phẩm nhẫn). Loại thiện căn này thuộc loại sát-na diệt vì thế không tạo thành chuỗi tương tục.
Ở giai đoạn của Noãn, các thánh đế chỉ tạo ra một sự an lạc yếu ớt; ở giai đoạn của Đỉnh, các thánh đế tạo ra một sự an lạc vừa phải; và chúng ta còn thấy rõ điều này qua sự việc hành giả có thể bị thối đọa từ hai thiện căn đầu tiên nhưng không thể bị thối đọa từ nhẫn.
Đối với Thế đệ nhất pháp cũng thế. Các pháp này, giống hệt như loại thượng phẩm nhẫn, chỉ duyên khổ đế Dục giới và cũng thuộc loại sát-na diệt (ekakṣaṇa). Chúng thuộc về hữu lậu nên được gọi là “thế gian”, là pháp thù thắng nhất trong các pháp thế gian nên được gọi là “Thế đệ nhất pháp”. Chúng là pháp tối thắng vì chỉ nương vào năng lực riêng của chúng (puruṣakāra, sĩ dụng) và mặc dù không có đồng loại nhân (sabhāgahetu) nhưng chúng vẫn lôi kéo được, phát khởi được con đường kiến đế (darśamārga, kiến đạo). Do y chỉ vào vô gián định, Phạn ngữ gọi là ānantaryacittasamādhi, còn gọi là vô gián tâm định –laukiko’gradharmo yad anantaraṃ ādito lokottaro mārgaḥ/ [37], Thế đệ nhất pháp, lần đầu tiên trực tiếp đi thẳng vào xuất thế đạo; phát khởi thượng phẩm như thật trí ghi dấu ấn hai thủ không, lập thế đệ nhất pháp. Trước đó nhẫn thượng phẩm duy chỉ ghi dấu ấn năng thủ không, ở đây thế đệ nhất pháp ghi dấu ấn cả hai đặc tính đều không. Từ đây một cách vô gián chắc chắn nhập kiến đạo, do đó lập tên là vô gián; Từ nhẫn bậc thượng (adhimātrā kṣāntiḥ), trực tiếp không gián cách khởi thắng thiện căn với một hành tướng (khổ đế) trong một sát-na, gọi là thượng phẩm nhẫn. Từ thượng phẩm nhẫn trực tiếp không gián cách phát sinh thế đệ nhất pháp[38]. Trong pháp dị sinh, nó là tối thắng, do đó gọi là thế đệ nhất pháp. Cũng vì nó là pháp hữu lậu bậc nhất trong thế gian nên gọi là thế đệ nhất pháp (sarvalaukikaśreṣṭhatvād iti laukikāgradharmaāḥ)[39].
Nhẫn là loại trung bình; và Thế đệ nhất pháp là loại mạnh nhất. Bốn pháp Noãn, Đỉnh, nhẫn và Thế đệ nhất pháp là các thiện căn được gọi nirvedhabhāgīya: thuận quyết trạch phần. Các địa của chúng là Vị chí định (anāgāmya), Trung gian định (dhyānāntara) và bốn tầng thiền: Chúng chỉ đắc được trong sáu giai đoạn này của thiền định. Chúng không hiện hữu ở các địa thuộc Vô sắc giới vì chúng là các pháp trợ bạn (quyến thuộc) của Kiến đạo. Kiến đạo không có ở Vô sắc giới vì Kiến đạo chỉ duyên Dục giới: Hành giả trước tiên phải biết rõ (parijñā, biến tri) và đoạn trừ Dục giới vốn được xem như khổ và tập. Tất cả bốn loại đều thuộc về chúng sinh Dục giới. Ba loại chỉ sinh khởi được ở loài người của ba châu (dvīpas). Một khi đã khởi sinh thì chúng có thể được làm cho hiện khởi (saṃmukhībhāva) bởi chư thiên. Loại thứ tư có thể được khởi sinh bởi chư thiên[40].
Như vậy, noãn và đỉnh y nơi thức năng thủ mà quán sở thủ là không. Khi nhẫn bậc hạ phát sinh, đặc tính không của cảnh đối tượng được ấn khả. Nhẫn bậc trung, trình độ tiến thêm, thuận lạc mà ấn khả thức năng thủ cũng như cảnh là không. Trong trình đọ khi nhẫn bậc thượng phát sinh, năng thủ được ấn khả là không. Thế đệ nhất pháp ấn khả đặc tính không của cả hai, khách và chủ thể.
Chúng ta đọc thêm một bài kệ trong Phẩm Phân biệt Hiền thánh, Câu-xá luận:
煖必至涅槃 頂終不斷善
忍不墮惡趣 第一入離生[41].
“Noãn tất đến được Niết-bàn;
Đỉnh rốt ráo không đoạn thiện căn;
Nhẫn không đọa ác thú;
Thế đệ nhất pháp nhập được ‘ly sinh’”
Bất kỳ ai thành đạt được Noãn, thì ngay cả khi đánh mất vì thối đọa, cũng nhất định sẽ đến được Niết-bàn (nirvāṇadharman). Chúng ta đừng lấy làm lạ, bởi vì Câu-xá cũng bất kỳ ai trồng được loại thiện căn “dẫn đến Niết-bàn” (nirvāṇabhāgīya) cũng sẽ thành tựu được Niết-bàn[42]. Người nào đã thể đắc được Đỉnh thì cho dù có đánh mất, dù thối đọa cũng không thể nào cắt đứt các thiện căn; nhưng họ có thể đi đến các thú ác và phạm phải các tội vô gián (ānantarya). Người nào chỉ đánh mất (xả) nhẫn thì không đi đến các thú ác bởi vì người này đã xa rời các hành động và các phiền não dẫn sinh đến các thú này. Đối với người đã đắc nhẫn thì một số các thú, chỗ sinh ra, sự tái sinh (xứ), thân hình, các hữu và các hoặc nào đó sẽ ở vào tình trạng không phải khởi sinh[43]: Khi nói “các thú” (gati) là chỉ cho các thú ác (apāya); chỗ “sinh ra” (yoni) là noãn sinh, thấp sinh; sự tái sinh (upapatti) là sự sinh làm chúng sinh Vô tưởng, Bắc-câu-lô châu, Đại phạm; thân hình (āśraya) là hai loại vô tính và lưỡng tính; hữu (bhava) là lần tái sinh thứ tám, thứ chín, v.v.; các hoặc là phiền não được đoạn trừ bởi kiến đế[44]. Sự đoạn trừ này có liên quan đến các mức độ của nhẫn: Với loại nhẫn yếu ớt (hạ nhẫn) thì các ác thú ở vào tình trạng không sinh khởi;… với loại nhẫn mạnh (thượng nhẫn) thì tất cả các ác pháp kể trên đều ở vào tình trạng không sinh khởi.
Các quyết trạch phần được chia làm ba loại vì sự khác nhau của các chủng tánh (gotras). Hành giả có thể thuộc chủng tánh Thanh văn (Śrāvakas) Độc giác Phật hoặc Phật; và Noãn, Đỉnh, v.v., sẽ thuộc về chủng tánh của hành giả tu tập các pháp này.
世第一無間 即緣欲界苦
生無漏法忍 忍次生法智
次緣餘界苦 生類忍類智
緣集滅道諦 各生四亦然
如是十六心 名聖諦現觀
此總有三種 謂見緣事別[45].
“Thế đệ nhất pháp trực tiếp
Sinh khởi pháp nhẫn vô lậu
Duyên khổ đế Dục giới,
Sau đó pháp nhẫn sinh khởi pháp trí;
Kế tiếp sinh khởi loại nhẫn, loại trí,
Duyên khổ đế các giới khác;
Khi duyên các đế tập, diệt, đạo,
Mỗi đế cũng có bốn pháp như vậy.
Mười sáu tâm như vậy
Gọi là thánh đế hiện quán;
Hiện quán có ba loại khác nhau
Là kiến, duyên và sự. »
Thế đệ nhất pháp xuất phát một loại nhẫn vô lậu là pháp nhẫn (dharmakṣānti). Nói thật chính xác thì đó là một pháp trí nhẫn (dharmajñānakṣānti) đi liền ngay sau Thế đệ nhất pháp. Cảnh sở duyên của pháp trí nhẫn là khổ của Dục giới (kāmadhātvacacara duḥkha); vì thế có tên là khổ pháp trí nhẫn (duḥkhe dharmajñānakṣānti). Để chứng tỏ loại nhẫn này là vô lậu (anāsrava) người ta đã dựa vào kết quả hay đẳng lưu (niṣyanda) của nó vốn là một loại pháp trí; Nisyanda, cùng một dòng chảy, cùng một chủng loại. Vì thế nhóm từ “pháp trí nhẫn” có nghĩa là một loại nhẫn (kṣānti) sinh ra một pháp trí, có quả là một pháp trí (dharmajñānārtham). Cũng giống như một cây có hoa, có trái thì được gọi là cây hoa (puṣpavṛkṣa, hoa thọ), cây trái (phalavṛkṣa, quả thọ).
Loại nhẫn này chính là sự nhập vào “sự quyết định” (niyāma), bởi vì đó là sự bước vào sự nhất định đạt được (niyama) cái thiện tuyệt đối hay chánh tánh (samyaktva). Vậy thì chánh tánh là gì? Kinh nói rằng chánh tánh chính là Niết-bàn. Sự quyết định tuyệt đối (niyama) đối với chánh tánh là cái mà người ta gọi là niyāma và còn gọi là niyama.
Ở giai đoạn vị lai (anāgata), tức ở trạng thái sẽ sinh, loại nhẫn này sẽ làm ngưng lại (vyāvartana) tính chất dị sinh, bởi vì đã thừa nhận rằng ở vị lai chỉ loại nhẫn này mới có được tác dụng này, một tác dụng không thuộc về bất cứ một pháp nào khác; cũng giống như ngọn đèn ở vị lai sẽ hủy diệt bóng tối, cũng giống như sinh tướng sẽ là một pháp vị lai sinh khởi.
Chủ trương thứ nhất của Tỳ-bà-sa cho rằng chính Thế đệ nhất pháp xả bỏ dị sinh tánh. Có nhiều luận sư sẽ nói rằng chủ trương này không đúng bởi vì Thế đệ nhất pháp là pháp của dị sinh (taddharmatvāt). Tuy nhiên bác bỏ này không có giá trị bởi vì Thế đệ nhất pháp tương vi (virodhitva) với dị sinh tánh: Trường hợp này cũng giống như một người leo lên vai kẻ thù để giết chết kẻ thù này. Có các luận sư khác (Vibhāṣā) lại cho rằng dị sinh tánh được xả bỏ là do Thế đệ nhất pháp thế chỗ cho Vô gián đạo (ānantaryamārga) hoặc do nhẫn thế chỗ cho Giải thoát đạo (vimuktimārga). Trong trường hợp đầu, dị sinh tánh được đoạn trừ dần dần (prahīyate); trong trường hợp sau dị sinh tánh được đoạn trừ ngay tức khắc (prahīna). Ngài Thế Thân nói rằng mười sáu tâm trong bài kệ trên[46] đều cùng Thế đệ nhất pháp nương vào một địa.
Trong giai vị gia hành này sự hệ phược bởi tướng chưa bị loại bỏ, hệ phược thô trọng cũng chưa bị cắt đứt. Có hai loại hệ phược, tướng phược và thô trọng phược; Kinh nói: “Tướng thắng nghĩa và tướng của các hành, là nhất hay là dị? … Nếu không loại trừ tướng của các hành, không thể bứt thoát hệ phược bởi tướng. Người thấy Thánh đế mà không bứt thoát được hệ phược bởi tướng thì cũng không thể bứt thoát khỏi hệ phược thô trọng. Do chưa bứt thoát khỏi hai hệ phược, người thấy Thánh đế hẵn không thể đạt được Niết-bàn tối thượng an ổn.”[47] Mười bốn Thô trọng phược: hệ phược bởi căn, bởi cảnh, bởi ái, v.v.. Cho đến, bởi tăng thượng mạn về biến tri pháp[48].Duy chỉ có thể trấn áp trừ diệt hai thủ, vì chúng trái nghịch với kiến đạo. Nhưng hai thủ thuộc loại câu sinh và tùy miên của chúng tâm tâm quán sát thuộc hữu lậu, vì còn có cái để bắt nắm, và vì có phân biệt, cho nên, chưa hoàn toàn bị trấn áp và trừ diệt.
Trong giai vị này – thuận quyết trạch phần, Bồ tát học quán sát cả nơi an lập đế. Bồ tát ở địa thứ năm thiện xảo thế tục đế, thiện xảo thắng nghĩa đế, thiện xảo tướng đế, thiện xảo sai biệt đế, thiện xảo an lập đế…
Do hiểu rõ sự an lập của uẩn, giới, xứ nên biết an lập đế[49]. Ta có thể tìm thấy ý nghĩa tương tợ ở một kinh khác: «Thiện tri thế đế, thiện tri đệ nhất nghĩa đế, thiện tri tướng đế, thiện tri sai biệt đế, thiện tri thuyết đế … Do phân biệt ấm, giới, nhập, nên biết thuyết đế»[50]. Truy nguyên về sanskrit, chúng ta cũng có thể thấy có sự tương đương như sau:« saṃvṛtisatyakuśalaś ca bhavati/ paramārthasatya- kuślaś ca bhavati/ lakṣaṇasatyakuśalaś ca bhavati/ vibhāgastyakuśalaś ca bhavati/ nistīraṇasatyakuśalaś ca bhavati/ … skandhadhātāyatanavyavasthānānubodhān nistīraṇasatyaṃ prajānāti/ »[51]; Trong kiến đạo, đạt được hiện quán biên, an lập đế thế tục trí không xuất hiện hiện tiền[52]. « Tattvābhisamayo darśanamārgaḥ tatra punaḥsatyavyavasthāpanāny abhisamayāntikāni saṃvṛtijñānāni pratilambhato »[53], chân hiện quán, ở đây trong kiến đạo, đạt được thế tục trí, vốn là biên tế hiện quán, là chân đế quy ước (an lập đế). Cũng nên nói thêm, đế có hai loại, an lập đế chỉ bốn Thánh đế; phi an lập đế tức chân như[54].
Và phi an lập đế, vì để dẫn phát hai loại kiến đạo trong tương lai, vì trấn áp hai loại chướng thuộc phân biệt, do đó phi an lập đế là đối tượng quán sát chính thức, không phải như Nhị thừa chỉ quán sát an lập đế. Bồ tát y vào các thiện căn này, kể từ noãn, tuy trong khi phương tiện thông cả các tĩnh lự, duy chỉ vào các tĩnh lự và cận phần vị chí định của sơ tĩnh lự mà vào Thánh đế hiện quán, chứ không y trên các vô sắc định. Vì trong vô sắc định xa-ma-tha mạnh nhưng tì-bát-xá-na yếu. Tì-bát-xá-na yếu thì không thể vào Thánh đế hiện quán[55]. Nhưng y chỉ trên tĩnh lự thứ tư mới được thành mãn, vì cần phải nương trên sở y tối thắng mà vào kiến đạo. Duy y trên thân thuộc thiện thú trong Dục giới mà phát khởi, vì ở nơi khác tâm yếm ly của tuệ không đặc sắc. Giai vị này cũng thuộc trong giải hành địa, Bồ tát thắng giải hành, Bồ tát an trú trong thắng giải hành địa, thành ba bậc nhẫn hạ, trung, thượng[56]. Do vì chưa chứng chân thắng nghĩa duy thức. Cho nên, có những vị luận sư cho rằng trường hợp hàng Thanh văn (śrāvakapūrvin), đã đắc được quả thứ nhất hoặc thứ hai của hàng Thanh văn trong thời gian đức Thế-tôn tại thế, các vị này vốn thuộc dị sinh nhưng đã từng tu tập thuận quyết trạch phần (nirvedhabhāgīyas) của Thanh văn thừa; đến đời này thì tự mình chứng đắc được thánh đạo gọi là độc-giác[57]. Thế Thân nói:« 順福順解脫/ 順決擇分三/ 感愛果涅槃/ 聖道善如次 »: Ba loại thuận phước, thuận giải thoát, và thuận quyết trạch, Là các thiện pháp có thể chiêu cảm ái quả, Niết-bàn, Thánh đạo theo thứ tự nói trên[58].
III. TỔNG KẾT
淨定有四種 謂即順退分
順住順勝進 順決擇分攝
如次順煩惱 自上地無漏
互相望如次 生二三三一[59].
« Định tịnh có bốn loại
Là thuận thối phần,
Thuận trụ phần, thuận thắng tiến phần,
Thuận quyết trạch phần;
Tuần tự thuận hợp với phiền não,
Với tự địa, với thượng địa, với vô lậu;
Theo thứ tự này cũng hỗ tương
Sinh hai, ba, ba, một phần.”
Định tịnh có bốn loại: Thuận thối phần (hānabhāgīya), Thuận trụ phần (sthitibhāgīya), Thuận thắng tiến phần (viśeṣabhāgīya) Thuận quyết trạch phần (nirvedhabhāgīya). Tuy nhiên định tịnh ở Phi tưởng Phi phi tưởng xứ chỉ có ba loại, tức loại trừ Thuận thắng tiến phần bởi vì ở xứ này không còn có địa cao hơn. Khi định tịnh có khuynh hướng dẫn đến một định vô lậu thì gọi là Thuận quyết trạch phần. Vì thế chính từ loại định tịnh thuộc nhóm cuối cùng này đã nảy sinh định vô lậu.
Sự hỗ tương sinh khởi của bốn loại này rất chặt chẽ như sau: Kế tiếp thuận thối phần là thuận thối phần và thuận trụ phần; Kế tiếp thuận trụ phần là ba phần, tức loại trừ thuận quyết trạch phần; Kế tiếp thuận thắng tiến phần là ba phần, tức loại trừ thuận thối phần; Kế tiếp thuận quyết trạch phần chỉ có thuận quyết trạch (vị tự phi dư).
Về trường hợp của dị sinh, ở giải thoát đạo thứ chín xả ly Dục giới và ba tầng thiền; ở gia hành đạo; ở giải thoát đạo của ba loại thần thông (abhijñās); ở sự thành tựu các công đức (guṇa) như bốn Vô lượng (apramānas), tám Giải thoát (vimokṣas), v.v. Hết thảy các đạo này đều được hiện khởi ở các tầng thiền căn bổn, chứ không phải cận phần (sāmantakas), thì hành giả tu tập Thế tục trí và tha tâm trí vị lai; ngoại trừ ở các thuận quyết trạch phần (nirvedhabhāgīyas) tại vì các quyết trạch phần này tạo thành quyến thuộc (parivāra) của Kiến đạo[60].
Nếu hiện khởi được kiến đạo nhờ nương vào đệ tứ tịnh lự thì sẽ thành tựu được ở vị lai loại Kiến đạo thuộc về sáu địa tức vị chí, trung gian và bốn tĩnh lự, và đắc được loại Thế tục trí thuộc bảy địa tức sáu địa trên cộng thêm Dục giới. Túc trụ tùy niệm trí lực và tử sinh trí lực có sở y địa là các tĩnh lự (dhyānas) các lực khác nương vào tất cả các địa: Dục giới, vị chí (anāgamya), bốn tĩnh lự (dhyānas), tĩnh lự trung gian (dhyānāntara), bốn định Vô sắc (ārūpyas). Cũng cần phải nói thêm là đặc điểm khác nhau thứ tư của tâm đại bi và tâm bi là Sở y địa: Tâm bi thuộc về cả bốn tĩnh lự; tâm Đại bi thuộc tĩnh lự thứ tư (caturdhyāna-caturdhyānabhūmikatvāt). Kể cả năm loại thần thông đầu nương cũng nương vào bốn tĩnh lự, có nghĩa là thành đạt bởi một hành giả đang ở vào các giai đoạn của tĩnh lự. Thần thông vốn nương vin vào các căn cho nên có thể nói rằng chúng của y chỉ vào bốn tĩnh lự. Hoặc sở dĩ nói như trên là vì xét đến vô gián đạo (hoặc gia hành đạo) của thần thông[61].
Tóm lại, chúng ta kết luận bằng một vấn đề, cũng là mở ra một vấn đề khác, mà có lẽ nhiều vị sẽ thắc mắc, hoặc cho là không liên hệ gì mấy, nhưng cũng có thể thật sự là không liên hệ gì cả, tùy mỗi chúng ta sẽ tự chọn cho mình một cách nhận định. Đó là, Bốn tĩnh lự và bốn Vô sắc là tám định căn bổn[62]. Có bốn tĩnh lự là sơ tĩnh lự, đệ nhị tĩnh lự, đệ tam tĩnh lự và đệ tứ tĩnh lự. Bốn tĩnh lự này là “sự luyện tập loại tâm tăng thượng”, mà Sanskrit là adhicittaṃ śikṣa, tăng thượng tâm học, là yếu tố quan trọng, chủ chốt của việc làm cho tâm thanh tịnh”[63]. Các tâm khác nhau là do loại căn bổn tĩnh lự (mūladhyāna) làm sở y cho chúng; Người ta đắc được hóa tâm – tức quả của căn bổn tĩnh lự giống hệt như đắc tĩnh lự. Có nghĩa là cũng đạt được được nhờ ly nhiễm (vairāgya). Bởi vì quả thành tựu được cùng lúc với sở y[64].
[Bài GIỚI THIỆU VỀ THUẬN QUYẾT TRẠCH PHẦN này, chỉ là sự quảng diễn về tư tưởng “thuận quyết trạch phần” trong A-tỳ-đạt-ma Câu-xá, Thành Duy Thức luận và một số văn bản liên hệ như Thuật ký, Tạp tập, Du-già v.v… mà thôi. Bài giới thiệu này được viết trong đầu mùa An-cư 2559, nguyện cầu cho Phật pháp được lưu truyền, chúng Tăng hòa hợp và thanh tịnh- Phước nguyên.]
Nguồn: Hoavouu.com
THƯ MỤC THAM KHẢO
- Các Tụng bản Hán ngữ trích dẫn theo Taishō Edition of Chinese Tripiṭaka 大正新脩大藏經 Đại chánh tân tu Đại tạng kinh, có đánh số trang, số tập ở phần cước chú. Dẫn: Đại/ T (Taishō)
- A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận, 30 quyển, Tôn giả Thế Thân tạo, Huyền Tráng dịch; No.1558, Đại 29, tr. 1ff. Dẫn: Câu-xá.
- Du-già sư địa luận, 100 quyển, Di-lặc Bồ tát thuyết, Huyền Tráng dịch; No. 1579, Đại 30, tr. 279ff. Dẫn: Du-già.
- Thành duy thức luận, 10 quyển, Hộ Pháp và các Bồ tát tạo, Huyền Tráng dịch; No.1585, Đại 31, tr. 1ff.
- Abhidharmakośabhāṣyam of Vasubandhu, Ed., A. Thakur, Jayasṣal Research Institut, Patna, 1975.
- Śikṣāsamuccaya of Śantideva, edited by Dr.P.L. Vaidya, The Mithila Institut, Darbhanga, 1961.
- Abhidharma-Samuccaya, 大乘阿毗达磨集论(S), Compendium of Abhidharma by Asanga; མངོན་པ་ཀུན་བཏུས་ mngon pa kun btus, 大乘阿毘達磨集論(T).
- Thành Duy Thức Luận, Bản Việt, Tuệ Sỹ dịch và chú, Thư quán Hương Tích ấn hành.
- A-tỳ-đạt-ma Câu xá, Bản Việt: Phẩm Phân biệt căn, Phân biệt giới, Phân biệt thế gian, và Phân biệt nghiệp, các tập I, II, III, Thư quán Hương Tích ấn hành.
- Williams ,Monier M.A. Williams , Sanskrit-English Dictionary, The Clarendon Press, Oxford.
- Bonwadaijiten (Phạn-Hòa đại từ điển)., Unrai Wogihara, Kôtansha, , 1997.
- Buddhist Hybrid Sanskrit Grammar and Dictionary, F.Edgerton, Motilal Barnasidass, 1972.
- The Pratical Sanskrit-English Dictionary, V.Sh. Apte, Motilal Barnarsidass, 1975.
[1] Tạp tập luận 4, Đại 31 No 1606, tr.711a21.
[2] Ibid, tr.711a21.
[3] Tì-bà-sa 100, tr. 515b12.
[4] Du-già 51, tr. 579c26.
[5] Không tìm thấy đoạn văn này trong Luận được dẫn.
[6] Tập luận 5 tr. 682b20, Tạp tập 8, tr. 734b23; Nhiếp luận (Thế Thân) 6 tr. 354b3.
[7] Samuccaya, Pradhan p. 65.13.
[8] Tì-bà-sa 7 tr.34c27.
[9] Du-già 3 tr. 292a17.
[10] Samuccaya, Pradhan 65. 20.
[11] Bhāṣya vi. 20.
[12] Huyền Trang, Câu-xá 23, tr. 120a18.
[13] T29n1562, tr. 0678a
[14] Nhiếp luận (Vô Tính) 6 tr.. 351b9, b14.
[15] Theo truyền thuyết (Vibhāṣā, 7, 15), dẫn theo Câu-xá T29n1562, tr. 0682c10
[16] Vism XVII. P.528.
[17] Du-già 55, tr. 605c17.
[18] Câu-xá, T29n1562, tr.0677c11
[19] T29n1562, tr. 0678a04.
[20] T29n1562, tr. 0678a11
[21] Cf. Nhiếp luận (bản) 2 tr. 143b4; (Thế Thân) 6 tr. 352c18; (Vô Tính) 6 tr. 417a15.
[22] Samuccaya Pradhan 65.21, Cf. Tập luận 5 tr. 682c, Tạp tập 8 tr. 734c.
[23] Nhiếp luận (Vô Tính) 6 tr. 417a15.
[24] Skt. prakarṣakatvāt = prābandhikatvāt.
[25] Ibid, tr. 417a15.
[26] Samuccaya, ibid. 65.21.
[27] Skt. cala, động.
[28] Về sau khi hành giả đã tăng tiến (vivardhayan) ở trong Thánh Đạo thì không làm hiện hữu (saṃmukhībhāva) các thiện căn đã đắc trước đó bởi vì hành giả đã ít coi trọng chúng (abahumānāt). Cf. T29n1562, tr.0678a
[29] Skt. Adhimukti, xác tín.
[30] Samuccaya, Pradhan p. 6.5.
[31] Hán: quyết định ấn trì.
[32] Giới thân 1 tr. 615a8.
[33]Samuccaya, ibid. 65.21.
[34] Nhiếp luận (Vô Tính) 6 tr. 417a15.
[35] Cf. Câu-xá 23 tr. 119c1.
[36] Skt. kṣamate = rocate.
[37] Cf. Tập luận, Samuccaya, ibid.:. 202 Samuccaya, Tatia p. 76. 18.
[38] Câu-xá 23, tr. 119c11.
[39] Câu-xá 23, tr. 119c15.
[40] Ibid, tr. 119c.
[41] T29n1562, tr. 0682a13
[42] Ibid. tr.0682a
[43] Skt. Anutpatti-dharmatā, bất sinh pháp.
[44] Vibhāṣā, 32, 9.
[45] T29n1558, tr. 0121a27
[46]T29n1558, tr. 0122a09: 皆與世第一同依於一地
[47] Giải thâm mật 1 tr. 690b25.
[48] Cf. Du-già 75 tr. 712c24, Hiển dương 15 tr. 555c11.
[49] Thập địa kinh 4, tr. 550b1. b9.
[50] Cf. Hoa nghiêm lục thập 25, tr. 555c23.
[51] Daśabhūmika, 27.18,23.
[52] Tạp tập 13tr. 756c18:
[53] Samuccaya, Tatia p. 122.18.
[54] Cf. Du-già 72 tr. 697c16.
[55] Du-già 69, tr. 682b27.
[56] Tập luận 6, tr. 690a9, Tạp tập 13, tr. 756a23.
[57] Ibid., T29n1562, tr. 0524b.
[58] Tham khảo Câu-xá, Phẩm Phân biệt nghiệp, T29n1562, tr. 0595b22.
[59] Câu-xá, Phân biệt định, T29n1563, tr. 0969a10.
[60] Cf. A-tỳ-đạt-ma Câu-xá, Phân biệt trí, T41n1823, tr. 0964a.
[61] Ibid, dẫn nhiều chỗ, tham chiếu T41n1823, tr. 0964.
[62] Skt. maulasamāpattidravyas, căn bổn đẳng chí. Cf. Câu-xá, T29n1563, tr. 0969a.
[63] Skt. Cittapariśuddhipradhāna, tâm thanh tịnh tối thắng. Cf. T29n1563, tr. 0969a10.
[64] Câu-xá, Phân biệt trí, T41n1823, tr. 0964a.