Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Giới thiệu các bản in sách Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục

Giới thiệu các bản in sách Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục

218
0

Sách sưu tầm những bài thuyết pháp và thi kệ của Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung (1230-1291). Tuệ Trung Thượng sĩ là một tác gia lớn của văn học đời Trần1. Xem trong các bản in không tìm thấy niên đại đời Trần nên chưa biết sách được soạn năm nào. Đây là một tập ngữ lục ra đời khá sớm ở nước ta mà vẫn còn được lưu truyền. Hiện sách đã có nhiều người nghiên cứu, nhưng chưa có được sự giới thiệu tổng quan, lai lịch sách chỉ được nói tới một cách sơ sài, không giới thiệu chung về các bản in. Chúng tôi mới tìm được ba đợt in của sách, một bản được in dưới đời Hậu Lê và hai bản in trong đời Nguyễn. Về hai bản in đời Nguyễn, thực chất cả hai bản chỉ cùng được dập từ một bộ ván của chùa Pháp Vũ. Sau đây, xin giới thiệu vài nét về các bản in sách hiện được bảo tồn tại các thư viện.

  1. Bản chùa Long Động

Sách do chùa Long Động khắc ván trùng san nên gọi chung là bản Long Động, được bảo tồn tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu A.1932. Sách có tất cả 44 tờ, mỗi tờ hai trang, mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng 15 chữ, gáy đề “Thượng sĩ ngữ lục” chữ khắc chân phương, rõ ràng, dễ đọc. Bài tựa đầu sách chiếm 4 tờ, mặt a tờ 1 như dạng tờ bìa. Bố cục khá hay, chia làm 7 dòng, hai dòng ngoài cùng ghi một bài kệ:

Thái hư nhất thể bản trường linh, tâm ấn nhân nhân nguyên tự thành.

Tam thế chư Phật truyền tâm ấn, tứ mục tương cố thái phân minh.

Ở giữa có kẻ một khung vuông, bên trong một vòng tròn biểu thị sự viên mãn. Bên trên có ba dòng chữ Hán mà dòng giữa đề chữ Hán lớn “Trúc Lâm Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục”, hai câu hai bên: “Bồ đề tâm ấn, viên đông thái hư”. Phía dưới bốn dòng chữ Hán, mỗi dòng một câu bốn chữ “Sư đệ tứ mục, tuệ nhãn tương giao. Ấn chứng Như Lai, truyền y tự tổ”.

Tờ 1b mới đi vào bài tựa. Dòng đầu ghi tác giả bài tựa “Trúc Lâm hội thượng Yên tử sơn Long Động tự đồng tử tỳ kheo Tuệ Nguyên trùng san” nghĩa là: Đồng tử tỳ- kheo Tuệ Nguyên chùa Long Động núi Yên Tử trên hội Trúc Lâm trùng san. Bài tựa do chính Tuệ Nguyên soạn vào năm Quí Hợi niên hiệu Chính Hòa thứ 4 (1683) nhà Lê. Trong một bài nghiên cứu, chúng tôi đã chứng minh Tuệ Nguyên là cách nói tắt của Tuệ Đăng-Chân Nguyên, chính là Tuệ Đăng Hòa thượng Chân Nguyên thiền sư trụ trì chùa Long Động. Bài tựa có khẩu khí của Thiền sư Chân Nguyên nên biết rõ do Chân Nguyên soạn mà ông gọi tắt tên mình là Tuệ Nguyên2.

Phía sau bài tựa có bài Lược dẫn thiền phái đồ tịnh tự dẫn từ tờ 4b đến 6a. Theo học giới, bài này cũng được soạn vào đời Trần, có thể in vào trước bộ Ngữ lục.

Nội dung chia làm 4 phần:

  1. Đối cơ: từ tờ 6b đến tờ 17a6
  2. Thi tụng: từ tờ 17a7 đến tờ 35a4
  3. Thượng sĩ hành trạng: từ tờ 35a5 đến 40a2
  4. Chư nhân tán tụng: từ tờ 40a3 đến tờ 44a.

Tờ 44b7 ghi “Thanh hà huyện Hào xá xã Binh bộ thư tả Huệ Nghĩa bái tả”  tức sách do Tuệ Nghĩa giữ chức

Binh bộ thư tả người Hào Xá huyện Thanh Hà chép. Dòng cuối ghi “Trần triều Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục” chữ Trần viết theo lối kiêng húy đời Lê, phía dưới có chữ “chung” tức hết tập sách. Dòng tiếp theo đề “Bản lưu tại Yên Tử sơn Long Động tự dĩ hiển hậu ấn, học thức kỳ xứ” nghĩa là: bản lưu tại chùa Long Động núi Yên Tử đề cho người sau biết mà in, kẻ học thức biết nơi. Mặt b ghi danh sách Tăng tục công đức in sách. Dòng đầu chữ lớn“Thiệu thừa pháp chỉ tỳ kheo Chân Thiền cập đạo tràng” và tiếp đó là thập phương công đức, khắc chữ nhỏ, mỗi khung được khắc hai dòng nhỏ.

  1. Bản chùa Pháp Vũ

Sách được trùng san vào năm Quí Mão niên hiệu Thành Thái thứ 15 do Tỳ-kheo Thanh Cừ chùa Pháp Vũ thôn Quảng Nội xã Đồng Lại tổng Đông Cao huyện Vĩnh Lại phủ Ninh Giang tỉnh Hải Dương (gọi là bản chùa Pháp Vũ). Tờ cuối có ghi rõ “Cựu bản lưu tại Đông Triều huyện An Lâm xã Đoan Nghiêm tự” tức bản cũ được gìn giữ tại chùa Đoan Nghiêm, xã An Lâm, huyện Đông Triều. Phía sau bài tựa trùng san của Tuệ Nguyên chùa Long Động có ghi niên đại “Cảnh Hưng nhị thập tứ  niên tuế thứ Quí Mùi đông tiết cốc nhật trùng san” nghĩa là: in lại vào ngày lành tiết đông năm Quí Mùi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 24 (1763). Nhiều nhà nghiên cứu khi sử dụng bản này đều cho bài tựa viết năm Cảnh Hưng thứ 24; thực chất, tựa do Tuệ Nguyên viết năm Chính Hòa thứ 4 theo như đã nêu khi bàn về bản A. 1932 (bản Long Động). Sách được đóng trước tập Tam tổ thực lục mà phía sau của bộ sách có bài dẫn của tỳ-kheo Thanh Cừ nói rõ. Theo bài đó thì sư Thanh Cừ trước chưa tìm được Thượng sĩ ngữ lục, sau tìm ra bản cũ nên cho khắc in rồi đóng vào trước bộ Tam tổ thực lục mà bản đó đã khắc ván vào năm Thành Thái thứ 9. Do đó mà ta thấy có hai loại bản Tam tổ thực lục, một bản giấy in riêng tập đó và một bản đóng chung với Thượng sĩ ngữ lục. Bản in riêng Tam tổ thực lục được dập vào trước những năm Thành Thái thứ 15 (1903).

Sách gồm có 47 tờ, mỗi tờ hai trang, mỗi trang có 8 dòng, mỗi dòng 14 chữ, khắc chân phương, rõ, đẹp. Trên gáy, phía trên đề Thượng sĩ ngữ lục phía dưới đánh số tờ. Trước sách có bài Trùng san Thượng sĩ ngữ lục tiểu dẫn do Tỳ-kheo Thanh Hanh soạn vào năm Thành Thái thứ 15 (1903). Bài tiểu dẫn chiếm nguyên một tờ. Kế đến là một tờ dạng mao đầu mà bản A.1932 đã in. Kể từ đây, cách trang trí khá giống với bản trên. Riêng tờ cuối, mặt b ghi “Trần triều Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục chung” tức hết nội dung sách Thượng sĩ ngữ lục. Phía sau còn bốn dòng, ba dòng ghi đoạn văn mà sách dựa vào tập Hoàng Việt văn tuyển3 bổ sung cứ liệu về Tuệ Trung. Chính đoạn văn này mà nhiều người tin theo cho Tuệ Trung là Trần Quốc Toản, gây ra nhiều tranh cãi, khác với bài Thượng sĩ hành trạng do Trần Nhân Tông soạn nói rõ, Tuệ Trung là con cả của Trần Liễu. Dòng sau cùng ghi lại nơi tàng bản cũ mà ta đã nói trên.

Bản Pháp Vũ, ngoài chính văn ta còn thấy sách có chú thích, khảo dị các từ. Có thể công tác này do Thanh Hanh kiểm hiệu chăng? Ta không còn bản in chùa Đoan Nghiêm, mà còn bản chùa Long Động nên tra phần chua đó thấy khá giống. Mỗi góc chú đều đề “cựu” tức bản cũ. Đôi khi các bản in dùng từ theo lối cổ, bản mới đính chính lại cho hợp lối chữ đương thời.

  1. Bản Việt Nam Phật điển tùng san

Năm 1943, Hội Phật giáo Bắc Kỳ đứng in bộ Việt Nam Phật điển tùng san. Hội nhờ Trường Viễn Đông Bác Cổ

giúp đỡ cho công tác sao dập. Theo tổng mục, bộ đó có tám tập, gồm: Bát Nhã trực giải, Pháp Hoa đề cương, Chư kinh nhật dụng, Lễ tụng hành trì tập yếu chư nghi, Thụ giới nghi phạm tổng tập, Trần triều dật tồn Phật điển, Khóa hư và Kế đăng lục4. Thượng sĩ ngữ lục nằm trong tập thứ sáu với tiêu đề Trần triều dật tồn Phật điển.

Tờ đầu tiên của tập Trần triều dật tồn Phật điển ghi rõ Việt Nam Phật điển tùng san, Hà Nội Viễn Đông Bác cổ Họa viện hộ san, Hà Nội Bắc Kỳ Phật giáo Tổng hội phát hành. Mặt b ghi các bậc tôn túc chứng minh mà sách đề“chứng minh đạo sư:  Cảnh Linh tự, Hòa thượng Thích Quang Minh Hưng Long tự, Hòa thượng Thích Thanh Thịnh Bảo Khám tự, Hòa thượng Thích Doãn Hài

Hương Sơn động Thiên Trù tự, Hòa thượng Thích Thanh Tích

Yên Ninh tự, Hòa thượng Thích Tâm Đức Tuệ Tạng Thiền sư Thích Thanh Thuyên

Bắc kỳ Phật giáo Tổng hội ấn hành kinh điển bộ vựng tập”. Tờ thứ hai ghi Trần triều dật tồn Phật điển, bên phải đề chữ nhỏ Việt Nam Phật điển tùng san chi lục, tức quyển sáu của bộ Việt Nam Phật điển tùng san. Mặt sau ghi mục lục gồm: Thượng sĩ ngữ lục, Tam tổ thực lục, Thiền đạo yếu học và Bản hạnh ngữ lục. Thực chất, hai phần Thiền đạo yếu học và Bản hạnh thực lục nằm trong tập Tam tổ thực lục. Tờ thứ ba mới đến tờ bìa của bộ Thượng sĩ ngữ lục. Từ đây, sách dựa vào bản ván chùa Pháp Vũ in nguyên Thượng sĩ ngữ lục và Tam tổ thực lục. Sách in cả bài tiểu dẫn của Thanh Hanh cho đến tờ 47 là hết phần Ngữ lục. Ở đây không mô tả vì đã nói ở mục Bản chùa Pháp vũ rồi.

Ta thấy bảy dòng chữ Pháp, dịch từ tờ đầu của bản chữ Hán, phía dưới cùng ghi “HA NOI 1943” tức được in năm 1943 tại Hà Nội.

Một vấn đề đặt ra là Thượng sĩ ngữ lục được soạn năm nào đời nhà Trần. Trước hết, năm Tuệ Trung viên tịch là năm Tân Mão niên hiệu Trùng Hưng thứ 7 (1291)5. Sách phải biên soạn sau năm 1291, vì trong sách có đề năm tịch của Tuệ Trung Thượng sĩ và lời của các thế hệ sau tán tụng ngài, tiêu biểu là Trần Nhân Tông và đám học trò. Cứ liệu thứ hai, dựa vào người biên soạn và người hiệu đính, cho phép ta đoán định được năm soạn. Pháp Loa biên soạn và Trần Nhân Tông hiệu đính như tờ 6a ghi rõ, cho thấy bấy giờ cả hai đều còn tại thế, và nhất là niên đại của  Nhân Tông nối kết với Pháp Loa. Lúc đó, Nhân Tông (1278- 1308) đã xuất gia và Pháp Loa Phổ Tuệ (1284-1330) cũng kế thừa dòng pháp nên gọi là “Tự pháp” mà chưa lên ngôi đệ nhị tổ. Theo truyện vua Trần Nhân Tông trong Thánh Đăng ngữ lục thì vua xuất gia năm Kỷ Hợi niên hiệu Hưng Long thứ 7 (1299). Nhân Tông gặp Pháp Loa năm Giáp Thìn niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304) và Loa xin xuất gia. Năm sau (1305) Pháp Loa mới được Nhân Tông khai ngộ và trao truyền giới Thanh văn và Bồ-tát tại liêu Kỳ Lân. Từ đó, Điều Ngự và Pháp Loa mới ở gần nhau và có thể hai vị có điều kiện soạn Thượng sĩ ngữ lục trong khoảng thời gian từ năm 1305 đến năm 1308 trước khi Điều Ngự viên tịch. Ta đoán sách soạn thảo trong năm 1306 hoặc 1307, chứ năm cuối đời, Điều Ngự sức khỏe yếu, lại thường hay đi lại, không có điều kiện để đọc bản thảo. Truyện Pháp Loa cho biết, Điều Ngự truyền trao ngôi tổ cho Pháp Loa vào năm Mậu Thân niên hiệu Hưng Long thứ 16 (1308). Sách đề “Tự pháp” chứ không phải “Trúc Lâm đệ nhị đại” nên biết Pháp Loa soạn sách trước năm 1308. Sau khi sách soạn xong có in ngay hay phải đợi một thời gian. Cứ liệu là cuối sách có bài bạt của Trần Khắc Chung thực hiện dưới lệnh của vua Trần Anh Tông. Và truyện Pháp Loa có ghi sư từng giảng sách Thượng sĩ ngữ lục năm 1313. Ta ngờ sách được in trong lễ đại tường của Điều Ngự?

Từ việc giới thiệu các bản in cho đến khảo sát năm soạn sách cùng năm khắc in đợt đầu, chúng ta đã có một số nhận định khách quan như xác định một bản in có giá trị nhất, xưa nhất hiện còn giữ được. Đó là bản in do Tuệ Nguyên chùa Long Động đứng khắc vào năm Chính Hòa thứ 4 (1683). Bản in chùa Pháp Vũ trùng san dựa trên bản in chùa Đoan Nghiêm khắc ván vào năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763) mà bản Đoan Nghiêm hay bản Pháp Vũ sau này là “phỏng lại bản Chính Hòa”6. Bản Pháp Vũ chỉ dùng trong công việc đối chiếu, khảo dị một số lỗi. Định hình được năm soạn và năm in sách đời Trần cho ta một cái nhìn niên đại rõ ràng, không còn mờ mịt như nhiều người mới sử dụng văn bản. „

 Nguồnvanhoaphatgiaoblog.com

Chú thích:

  1. Theo thống kê của Nguyên Huệ Chi mục Khảo luận văn bản của sách Thơ văn Lý Trần, tập 1 thì Thượng sĩ ngữ lục bao gồm 72 bài thơ, kệ, ngâm, tụng và 1 chương ngữ lục của Trần Tung, 12 bài thơ và văn của 10 tác giả khác (tr.115).
  2. Đồng Dưỡng, Đi tìm một số bài tựa, bạt của Thiền sư Chân Nguyên, trong tạp chí Văn Hóa Phật Giáo, số 113.
  3. Đối chiếu bản Hoàng Việt văn tuyển, quyển 1, tờ 21a4 thì khá giống với lời chú thích trong Thượng sĩ ngữ lục. Chỉ khác mấy từ cuối, bản Hoàng Việt văn tuyển đề “Hựu tác thử ca”, còn Thượng sĩ ngữ lục ghi “tịnh tác Phóng Cuồng ca”.
  4. Dựa vào Tổng mục trong Bát nhã trực giải, tập 1 của bộ Việt Nam Phật điển tùng san. Pháp Đăng viện tàng thư.
  1. Theo “Thượng sĩ hành trạng” trong Ngữ lục, tờ 39b.
  2. Dùng chữ của Nguyễn Huệ Chi trong Thơ văn Lý Trần, tập 1, tr. 113.

 

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here