Trang chủ Phật học Giới luật Phật giáo & luật pháp thế gian

Giới luật Phật giáo & luật pháp thế gian

136
0

Nói như vậy nghe có vẻ nặng nề cho Phật tử quá! Tuy nhiên, định tĩnh một chút để quán chiếu, ta sẽ thấy rõ ràng hai lĩnh vực này có quan hệ hỗ tương nhau rõ rệt. Giữa hai phạm trù Giới luật và pháp luật có nhiều điểm tương đồng như là một về hình thức.

Trước hết, ta hãy khái quát về khái niệm của các thuật ngữ này. Giới luật của Phật giáo được hiểu khái quát là một phương pháp sống để đạt đến sự an lạc về thân tâm cho chính mình và cho môi trường chung quanh. Giới luật là nói chung chung. Phân riêng hai từ thì Giới là điều răn, Luật là quy luật thi hành Giới. Không có Luật thì giới không có cách thi hành. Như vậy, có thể nói Luật bao hàm cả Giới. Trong một giới lại chia ra nhiều giới điều. Ví dụ: Tỳ-kheo giới, liên hệ đến giới sát có bốn giới điều, liên hệ đến giới dâm có tám giới điều… sự phân loại các giới cũng có nhiều hình thức khác nhau. Về số lượng có thành phần thọ nhiều giới, ít giới tuỳ đối tượng. Về mức độ vi phạm có giới trọng, giới khinh. Về phạm vi ảnh hưởng có giới chung, giới riêng. Lại có giới làm là phạm, có giới không làm là phạm… tất cả giới điều ấy hợp lại, kết hợp với phương thức yết-ma, xử trị, tự tứ, an cư, truyền thọ giới, bố-tát, phân vật… thành một bộ Luật, gọi là Luật tạng, một trong ba tạng Kinh, Luật, Luận.

Định nghĩa rõ ràng hai chữ Giới luật đã khó như vậy, mà tìm cho ra một khái niệm thật chuẩn xác về hai chữ “pháp luật” cũng không phải dễ. Hiểu một cách tương đối, luật pháp (của thế gian) là những nguyên tắc hành động xã hội. Tuy nhiên, nói đến nguyên tắc thì vấp phải những nguyên tắc không phải luật, như phong tục, luân lý, tôn giáo… cũng là những nguyên tắc hành động xã hội. Do đó, ta gộp chung tất cả và chia thành hai loại: luật thành văn và luật bất thành văn. Luật thành văn là những điều quy định cụ thể, người ta dễ tìm thấy, nhận hiểu như trong luật Hồng Đức, luật Gia Long, bộ luật hiện hành của nhà nước Việt Nam… vi phạm những điều luật này, người ta sẽ bị truy tố trước tòa, bị xử phạt nặng, nhẹ khác nhau đều có quy định rõ. Nó được xây dựng trên ý niệm hổ thẹn với người khác và mục đích để duy trì xã hội, khác với luật bất thành văn xây dựng trên ý niệm tội lỗi, tức sợ lương tâm bị cắn rứt, bị đè nặng; mục đích là làm tốt bản thân, nội tâm mình. Luật bất thành văn là những nguyên tắc quy định không thống nhất, thuộc về lĩnh vực tinh thần, tuỳ theo mỗi phong tục, luân lý, tôn giáo (trừ Phật giáo)… khác nhau.

Cả hai lĩnh vực Giới luật và pháp luật thế gian đều được xem là những chuẩn tắc để ngăn ngừa con người phạm vào tội lỗi, mục đích là làm đẹp cả về thể xác lẫn tâm hồn cho chính mình và cho tha nhân. Tuy nhiên, về nội dung, sự hình thành, đối tượng áp dụng cũng như biện pháp chế tài… thì hai lĩnh vực hoàn toàn sai khác. Ta thử phân tích từng khía cạnh một để tìm ra sự tương đồng và dị biệt.

– Về quá trình hình thành, Giới luật Phật giáo đến từ kinh nghiệm. Vì Phật giáo là kinh nghiệm. Đức Phật cũng giác ngộ bằng kinh nghiệm. Trong ý niệm này, ta thấy hình ảnh đức Phật hiện lên như một vị “trọng tài” rất hiền từ và hết sức anh minh. Ngài thương đệ tử như mẹ thương con. Con vấp ngã mẹ rầy, đệ tử sai lầm Phật chế giới, phạm đâu chế đó, mục đích để ngăn ngừa sự tái phạm, mà cũng là mực thước để các Tỳ-kheo khác nương theo được an ổn, tịnh lạc… (có đến 10 lợi ích, gọi là Thập cú nghĩa). Ngược lại luật pháp thế gian là những “mệnh lệnh”. Mênh lệnh thì đến từ bên ngoài con người, khác với kinh nghiệm đến từ bên trong. Luật mệnh lệnh này mang hình ảnh một ông “quan toà” – người phục vụ cho công bằng – như Thượng đế, vua chúa, Quốc hội, các tổ chức xã hội …

Tuy nhiên, ý niệm công bằng vừa nêu lại nảy sinh vấn đề: công bằng giao hoán và công bằng phân phối. Ở phạm vi công bằng phân phối, có nét tương đồng: Luật pháp thế gian có chế độ ưu đãi, ưu tiên thì trong Giới luật có 06 hạng Tỳ-kheo được xử châm chước theo ý nghĩa phẩm “Hạt muối”.

– Theo tiến trình lịch sử, biên giới giữa tính luật và tính xã hội không cứng nhắc. Có những xã hội không có luật, chỉ sử dụng luật bất thành văn (những nguyên tắc ngoại pháp lý) mà giềng mối xã hội vẫn tương đối bảo đảm. Cũng vậy, Giới luật Phật giáo chỉ hình thành kể từ năm thứ 13 sau Phật thành đạo. Trong thời kỳ vô sự Tăng (khoảng 12 năm đầu), các Tỳ kheo chỉ sinh hoạt theo nội dung bài kệ giới kinh của đức Thế tôn, gồm 3 việc: lời nói phải giữ gìn, ý nghĩ thanh tịnh, thân không làm ác.

– Về mục đích ứng dụng, luật pháp thế gian nhằm ổn định trật tự xã hội, xử phạt căn cứ theo “kết quả” của hiện tượng vi phạm. Ngược lại, Giới luật Phật giáo đặt nặng ở sự thanh tịnh tâm. Tâm quyết định mức độ vi phạm. Như cố giết người thì phạm Ba-la-di, nhưng không cố ý chỉ phạm Thâu-lan-giá thôi. Do đó, Giới luật căn cứ trên “nhân”.

– Cách xử trị vi phạm cũng khác nhau. Thế gian đã có toà án, viện kiểm sát, cảnh sát… bị can vi phạm thế nào, đều được điều tra, rồi dựa theo bằng chứng, quan tòa quyết định, bị can thi hành án là xong. Trong Giới luật, có cử tội, xét tội, xả tội… nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào tâm nguyện đương sự, không phải phán quyết, xử trị cứng nhắc một chiều. Ý nghĩa sám hối rất quan trọng, bởi nó giúp ta giải thoát luân hồi. Ta gây tội, ta sám hối và được an lạc, không chịu quyết định của ai ngoài ta.

– Một ý nghĩa quan trọng: Ở thế gian, luật pháp là thước đo đạo đức nhưng thiếu hẳn tính Từ bi, Trí tuệ; là biện pháp ổn định xã hội nhưng vẫn còn nhiều kẽ hở cho những thành phần không tự nguyện khép mình, lấy đó làm chỗ lợi dụng. Trong khi đó, Giới luật là những chuẩn mực đạo đức để con người thanh tịnh hoá thân tâm, trọn vẹn từ nhân thừa đến Thánh đạo và Giới luật cũng là phương tiện chấn hưng Phật giáo. Khác với luật pháp chỉ là một bộ phận của nhà nước, Giới luật là cả tính mạng của Phật pháp, “Giới luật còn thì Phật pháp còn”. Và Giới luật thuộc về trách nhiệm của mỗi tự thân người con Phật muốn thăng tiến tâm linh, không chỉ dừng lại ở mức “sợ vi phạm” mà là sợ đọa lạc, sợ luân hồi, sợ không đạt đến giải thoát.

Đôi nét so sánh giữa hai phạm trù cùng tính chất nhưng khác hẳn về mặt nội dung, để nhận thấy rằng so sánh như vậy là một sự cố gắng rất gượng ép. Một lĩnh vực thuộc về thế gian, đề cao quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm… của một công dân; một lĩnh vực thuộc về xuất thế gian, đặt nặng sự tịnh hoá tâm linh, giải thoát khỏi sự ràng buộc của vật chất hữu vi và giác ngộ chân lý để chứng đạt sự an tĩnh tuyệt đối. Theo quan niệm thế gian, đạo đức con người thể hiện ở chỗ thực hiện đúng những nguyên tắc xã hội, những chuẩn mực mà con người đã quy ước và cho rằng đó là đúng, là phải. Nhưng đạo đức trong Phật giáo không chỉ dừng lại ở hình thái của một người có cuộc sống uy tín, danh dự… mà đòi hỏi con người cần phải thấu triệt sự vận hành của hiện tượng giới, thể nhập được tính chất vạn pháp trùng trùng duyên khởi, để thấy rằng trong thực thể ngũ uẩn này còn tồn tại tất cả các sự vật hiện tượng khác. Đó cũng là chiều hướng mà Giới luật Phật giáo chú ý đến. Một người đệ tử Phật giữ gìn Giới luật ngoài mục đích vì sự an lạc cho bản thân mình, còn vì sự thanh tịnh, an bình cho tất cả mọi người, mọi loài, cũng như toàn thể môi sinh đang hiện hữu xung quanh.

Có thể nói không quá rằng, một người hoàn thiện được cuộc sống bằng sự hành trì Giới luật Phật giáo, người ấy chính là một mẫu mực cao thượng nhất về mặt đạo đức tinh thần cho cả trời, người noi theo. Tuy nhiên, chúng ta đang có mặt giữa cuộc sống này là có mặt với cái tất cả, cho nên chúng ta không thể tồn tại tách rời khỏi những nguyên tắc xã hội, những quy định của hiến pháp, pháp luật. Theo tinh thần tuỳ duyên bất biến, nếu chúng ta biết uyển chuyển, kết hợp nhịp nhàng để đạo và đời dung hợp thành một thể trọn vẹn trong mỗi tự thân thì chắc chắn rằng hai mục tiêu tự lợi, lợi tha sẽ mặc nhiên thành tựu. 

Đ.Q

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here