Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Giếng của trời

Giếng của trời

171
0

Khởi đầu là những vần thơ. Những vần thơ nói về tình người, về cuộc canh tân của một người nào đó, gốc nông dân biết chữ viết nên. Sau đó là các cuộc viếng thăm bè bạn của đôi vợ chồng Mi Thân, họ gặp nhau gần như hàng tuần sau những giờ dạy nhọc  mệt ở một ngôi trường xa mười km, đi xe đạp. 

 Khởi đầu là Ngôi Lời…Điều cần nói ra được nói ra nhiều trong những cuộc gặp mặt thân tình, họ nói về chuyện dạy học, về những vần thơ của một người nông dân. Về những giấc mơ trong tiềm thức, những ước mơ không biết khi nào trở thành hiện thực. Cuộc canh tân do một người tên là Tiền Duyên nào đó, nằm mơ hay được khải thị cũng vậy, viết khá rõ ràng trong những tập thơ anh ta để sau bàn thờ. Những tập thơ lên đến con số mười lăm? Hai mươi?, nét chữ khá đẹp. Mì chưa hề đọc lần nào, chỉ nghe bác sĩ Phùng nhắc đến luôn đầu cửa miệng. Ông nói ông đi chơi tình cờ gặp, rồi cơ duyên đưa ông đến nhà ông ta và đọc được những vần thơ. Cho đến ngày, Dư, một người cháu họ của Thân, không hiểu trong những năm qua làm những gì và ở đâu, một ngày giáp Tết bỗng như một sự tình cờ, đến thăm Thân.         

Làm như không có Dư thì không có cái khởi đầu ấy, nhưng anh ta chính là cái khởi đầu đầy hư lẫn thực đó. Dạo ấy, giáo viên đến trường bằng xe đạp, chỉ một số ít còn giữ lại chiếc Honda. Vợ chồng Mì Thân cũng không thoát khỏi thông lệ. Họ dạy hai trường khác nhau, một người gần núi, một kẻ đi về phía biển. Vậy mà cơ duyên nào lại đưa họ gặp nhau một, gặp nhau chỉ một lần rồi sau đó… Lấy nhau rồi mới khám phá nhiều điểm khác biệt và tương đồng. 

Dư đến chơi khu vườn của họ thường xuyên, đến chơi rồi ở lại làm phụ một số việc trong vườn, như cắm chói đậu, làm đất trồng rau, một số việc mà do bận rộn hai vợ chồng không làm nổi. Hai đứa trẻ nhớ anh Dư thích ăn ớt cay, kể chuyện có duyên, chúng cứ ngẩn người ra nghe rồi cười khanh khách. Đó là những buổi ba anh em( Dư và hai đứa nhỏ con của Mì ) ngồi ngoài hiên sau buổi cơm chiều. Sau những gìơ lao động nhọc mệt,  Thân còn ở dưới trường chưa lên, Mì nấu cho Dư ăn những bữa cơm có rau đậu có cá. Mì hỏi Dư sao hay nói đến cuộc canh tân. Dư vừa và cơm vào miệng vừa đáp, mợ không tin rồi sẽ tin. Khởi đầu là Ngôi Lời trong Kinh Thánh, còn bên mình không nói đến Ngôi Lời mà là Giếng Trời. Cái gì? Hai con bé, một lên ba, một lên sáu tuổi tròn mắt. Mì cười, ngạc nhiên nhưng không hỏi thêm. Dư thường có lối nói chuyện như vậy, cũng như những vần thơ của anh. Có bài hay, có bài thực tế. Trong nhiều lần gặp gỡ, nói chuyện, Thân và Dư khá tương đắc, tuồng như cuộc canh tân đất nước và con người đã có trước mặt. Tuy nhiên nỗi băn khoăn khắc khoải trong lòng Mì nằm ở chỗ khác, chỉ mình Mì biết. Dư chính là Tiền Duyên, mấy năm sau họ mới biết khi về nhà Dư thấy sau nhà thờ một chồng thơ. Chữ Dư viết đẹp, rõ nét. Nội dung những tập thơ Mi không nhớ hết, chỉ nhớ các bài nói về cách xử thế, về đạo hiếu ở đời, về đạo làm người. Những năm tháng ấy qua đi, hai con nhỏ của họ vốn thích ngồi nghe anh Dư kể chuyện rồi cười như nắc nẻ, chưa kịp lớn lên và trưởng thành, thì Dư qua đời. Anh ta chết đột ngột vì chứng đột phá cơ tim.

Năm tháng qua đi, hai bé con họ lớn dần lên, những nỗi cơ cực bớt dần…Cái khoảng trống còn để lại sau khi Dư mất. Thời gian. Những vần thơ họ đã đọc và một thời yêu mến nằm trong xó tủ. Cuộc sống cứ thế tiếp tục, khi về hưu thời giờ rảnh nhiều hơn, Thân làm vườn như một thú vui, thỉnh thoảng nhớ đến Dư với những vần thơ.

Con người vốn hay quên, tuồng như thời gian làm phôi pha lần những kỉ niệm.

Chỉ có vợ chồng Mì vẫn nhớ đến Dư, tuy không phải lúc nào cũng nhớ song tập thơ họ chép tay, chép lại những bài tâm đắc nhất của Dư là kỉ niệm bất tử. Dư nói, rồi một ngày kia cô sẽ nhìn thấy giếng trời. Để làm gì chứ? Gặp rồi biết thôi mà. Dư đáp.

Lời nói như điềm báo thế mà cũng hơn hai chục năm sau.

2. Hẹn nhau hàng chục lần mới đi được. Cho đến khi đến được bến đò Tuần, trời tối sầm, mây đen nghịt. Họ vào cái quán trên bến sông ngồi nghỉ chờ cơn mưa dứt. Mưa không dứt mà còn trút xuống dữ hơn, bầu trời thấp hẳn xuống. Lạnh và co ro Mì mở túi xách lấy trái cây bày lên bàn mời mọi người cùng ăn. Nhìn giòng sông mờ mờ cuộn sóng trong mưa Mì thở dài. Mì nói có một lần đau nặng Mì cầu Phật và thấy Phật bà hiện ra trong giấc mơ. Thầy Nguyên Thanh lạc quan:

– Rứa là chị có căn tu đó.

Rồi cuối cùng, như lời nguyện – mưa tạnh. Mưa tạnh vừa lúc Trúc Huệ chèo thuyền đến. Cái tên mãi khi xuống thuyền Mì mới biết. Họ gây ấn tượng nơi Mì và mọi người ngay cái nhìn đầu tiên. Hai người có cái tên thanh nhã ấy lại làm nghề sông nước. Trúc mặc bà ba trắng, tóc để xõa đen mượt, nét mặt thanh tú. Huệ có dáng học sinh. Nguyên Thông hỏi chùa ở mô. Trúc cười chỉ Nguyên Thanh đáp, thầy ni đi rồi tề, xa lắm thầy à, quá đụn cát mới đến. Huệ còn hồn nhiên cười, lên đây mà hỏi chùa hiếm lắm. Không mấy ai đi, xa quá. Chỉ riêng miền này thôi( còn trên Huế thì khác. Chùa trên núi mà gần, đi Honda cũng tới, xe đạp cũng tới.) Chùa ni nằm gần thượng nguồn nên ít người biết và không phải ai cũng muốn đi cho biết. Đò chạy. Dọc đường, thấy đò ngược chiều Nguyên Thông lại khum hai tay lại hét:” Chùa? Chùa?” Hụê cười còn Trúc chỉ long lanh cặp mắt im lặng. Trời hửng nắng, cái nắng sau cơn mưa khá rực rỡ. Dầu vậy Mì không bớt lạnh, gọi con gái lấy áo mưa ra mặc. Chị lạnh à? Nguyên Thông hỏi. Vâng, Mì đáp. Hai bên bờ sông cây cối mọc um tùm. Trúc tre không thiếu. Càng lên ngược giòng nước càng trong. Không phải lần đầu Mì lên Lương Miêu. Đã đi qua một lần rồi. Đã chứng kiến cảnh hoành tráng giữa hai nhánh sông vào chánh ngọ, con nước chảy cuốn xoáy không ngừng; một cảnh đẹp huy hoàng giữa trời nước bao la. Bây giờ cảm xúc ấy còn nguyên khi đi trở lại lần nữa. Đò không cập bến mà neo gần bờ. Từ đó nhìn lên đã thấy doi đất dài trước khi đi thẳng lên núi.

– Nhảy xuống, đò không vào được vì bến cạn. Nguyên Thanh nhắc. Trúc nói:

– Thầy cô xuống, hồi về em đợi ở đây nhé.

Mọi người đi lên doi đất, bước qua một cái cầu khỉ. Ai cũng lội nước, chỉ Mì và Châu đi trên chiếc cầu ván lắc lư. Chiếc cầu ngắn củn. Tiếp đó họ từng bước lên một  dốc đựng có vạch từng nấc nhỏ vừa đủ đặt bước chân. Hết cái thang dốc đựng là một bụi tre lớn. Từ đó đi bộ một quãng ngắn nữa mới đến cổng tam quan chùa. Thông cho biết trước đây là chùa Định Huệ do hòa thượng Mật Hiển và sư bà Diệu Không khai sơn. Ai nấy thở phào. Chặng đường vào đầy sỏi đá, cây kiểng rất ít. Ngôi chùa trước mặt đang xây dở, kiến trúc đơn giản. Một ni cô từ bên trong bước ra tươi cười đón họ. Ni trưởng có vẻ quen mặt Nguyên Thanh.

– Ồ, thầy lên chơi à.

– Dạ, bữa ni mới rảnh lên được.

– Chùa đang xây, mời quý thầy cô vào. 

 Ngôi chùa đặt móng trên một khuôn đất vuông vức khá cao. Đi qua một chặng đường sông nước, đến một nơi hoang vắng, yên tĩnh lạ lùng, sự yên lặng vô cùng khiến người ta tự hỏi làm sao Trúc Huệ có thể chèo chống đến một cõi mênh mông nước và bao la trời thế này được. Chừng như cô hiểu ý họ.

– Chùa ni xa lắm nên ít có đạo tràng. Phật tử có người tới mà ít thôi. Mỗi lần họ đi mất một ngày trời.

– Thế mà xây được chùa, thầy Nguyên Thanh thốt lên.

– Cũng nhờ mấy Phật tử, có khi là đạo tràng ở dưới đóng góp, chớ quỹ tiền trên ni không là bao.

Đáp lại cái nhìn dò hỏi của Mì, sư trưởng tiếp:

– Mỗi tháng nhà đò ghé đây một lần để chùa gởi mua lương thực. Quanh đây tòan là sông, núi và rừng chứ có chợ mô.

Mọi người nhìn ni trưởng. Giọng nói diễn tả nội tâm nhiều hơn khuôn mặt. Đôi mắt ánh lên vẻ mừng rỡ cho thấy một tâm hồn bình dị chấc phác. Có vẻ chi thuần khiết trên khuôn mặt đó – nét thuần khiết tự nhiên khiến ai nấy ngạc nhiên thầm.

– Phật tử quanh đây hiếm lắm, chỗ ni thanh tịnh quen rồi.

– Thế làm sao mà sư…Thành thận trọng, mùa đông lương thực thế nào?

– Cũng có thiếu chút đỉnh, nhà đò mùa đông ít tới.

Nguyên Thanh cười- Nói chi nữa! Mùa mưa bão sợ lật đò, ai mà lên đây.

Được một lát ni trưởng đề nghị:

–  Ta đi thăm vườn trời đi.

Vượt qua một đọan đường vườn ngắn trồng cây lương thực như vả, mít, bồ ngót, ớt…họ đến vườn trời. Trên một khoảng đất cao chạy dài đến chân trời là rừng thông và bạch đàn. Rồi cỏ. Cỏ xanh như thảm trải dài đến chân trời và rừng lau trắng bạt ngàn.. Mì vốn thích cảnh, nhìn ngắm rừng nguyên sinh tha hồ.

– Đây nữa.

Giữa xung quanh cỏ lau trắng gần khuất lấp, một cái giếng sâu, xung quanh đã xây thành với hệ thống múc nước bằng đòn bẩy. Nước giếng khi nhìn xuống trong vắt.  mọi người trầm trồ khen cái giếng nước trong, giữa chốn hoang vu đồi núi nguồn nước vô cùng quý hóa, xuống dưới bến sông thì xa quá. Riêng Mì cứ đứng ngây ra, không hiểu tại sao mình lại có cảm giác quen thuộc quá. Ngắm giếng trời chán ni trưởng mời ra bàn đá ngòai vườn dùng trà.

– Sau ngày thống nhất, sư đi bộ về chùa Từ Đàm – ni sư chỉ ra phía ngọn núi trước mặt, đúng hơn là phía sau chùa. Sư vừa đi vừa niệm Phật, đi bộ chứ hồi đó làm chi có đò như bây giờ; thành ra không biết đói khát chi cả!  Chất giọng là một âm điệu chưa mất nét trẻ thơ trong sáng lạ lùng, nhất là với ni sư đã đứng tuổi khiến ai nấy cứ căng tai lắng nghe; họ đi  từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Núi sau lưng, mây trắng bạt ngàn, giếng trời trong vắt. Tại chốn non nước hoang vu sao lại mọc lên một ngôi chùa với hai người phụ nữ. Vị ni trưởng tuổi trung niên và nữ đệ tử tuổi chừng hai mươi mốt, hai hai, xinh đẹp. Mì thầm hỏi, trên đỉnh non cao giữa mùa đông lạnh giá, điều chi có thể làm ấm lòng người có phải là hồi chuông và những trang  kinh? Tiếng chuông ngân nga trong đêm dài, nửa khuya vắng, sáng sớm mai đưa hồn người thóat tục. Đi hàng dặm đường sông nước mênh mông nghe văng vẳng tiếng chuông của một ngôi chùa trên đỉnh núi đủ làm ấm lòng người. Rồi cả tâm hồn Mì nữa. Luôn luôn canh cánh bên lòng một ngày kia, mình có thể thênh thang rũ bỏ mọi gánh nặng trần thế, ở chùa…

–  Giếng trời nước trong và mát lắm, mời dùng chén mì chay với rau bồ ngót nhé.

– Cám ơn sư ạ. Nguyên Thanh cười.

–  Trước kia chùa mới mở thức ăn đơn sơ lắm. Buổi sáng có khi sư ăn vài trái sim chín, uống bát nước chè rồi ra lao động trồng rau.

–  Sư không mệt và đói sao? Lần này Mì kêu lên, giọng to hơn hết.

–  Trong sim chín có đường! Ni sư điềm nhiên.

– ?!

Mỗi lời sư trưởng nói cứ như mỗi nhát chạm khắc nhẹ nhàng vào thực tại khiến người nghe ngỡ ngàng. Cứ như đây là một nơi chốn thần tiên! Giếng trời, mây trắng ngoài lưng chừng đỉnh núi xa kia. Còn gì nữa? Là ngôi chùa đang xây dở dang với một ni sư hồn hậu. Hồn hậu vô cùng. Nhờ có Nguyên Thanh hướng dẫn họ được đến đây; đến đây họ làm quen với cách trò chuyện lạ lùng, như một người xa cách phố thị lâu, tuồng như bao cảm xúc dồn nén bây giờ mới bung ra. Chốn non cao cô tịch được khuấy động lên chốc lát bởi những tình cảm chốn phồn hoa. Họ lắng nghe chăm chú lời ni sư kể. Không quản đường xa vạn dặm, sư đến nơi này tu tập, buị hồng trần để lại đằng sau.Tận chốn sơn cùng thủy tận, sao lòng không cảm thấy dửng dưng mà còn ước chi có ngày ở lại! Trên đỉnh non cao hẻo lánh sao có một trái tim thuần khiết! Thuần khiết trong ngần như nước giếng, cái giếng nằm ẩn khuất trong vườn trời. Nguyên Thanh đọc được ý nghĩ trong óc Mì. Thầy cười nói:

– Hay là lên đây ở lại tu cho rồi.

– Đang ở dưới núi, thầy đòi lên đây, rứa là vọng động nghe chưa? Mì cũng cười và mọi người cười theo.

Họ về đến bến đò Tuần lúc 5g, chia tay Trúc Huệ với ít nhiều luyến tiếc đôi bạn tình dễ thương. Mọi người hẹn nhau sẽ đi Lương Miêu thế mà sau Tết mới thực hiện được.

Cái lạnh ẩm ướt qua rồi, tháng giêng là mùa đẹp nhất ở Huế,. Tháng giêng vẫn còn rét độc, những cơn mưa bụi chỉ làm đầy thêm niềm hi vọng. Tết trẻ em có nhiều thức ăn hơn, áo mới hơn, tiền lì xì nhiều hơn. Người lớn có nhiều hi vọng một mùa xuân tốt lành hơn xuân trước. Tháng giêng người ta đi chùa hái lộc.

Tháng giêng, mùa xuân có mưa bụi, hương vị lát mứt gừng thơm đậm đà. Tháng giêng, hoa mai, hoa hải đường, hoa hướng dương, hoa cúc, hoa hồng, vạn thọ…đua nhau nở khiến vạn vật sáng bừng lên dưới cơn mưa. Mưa bụi ít ngày trời lại nắng. Tháng giêng, họ không bỏ một cảnh sắc nào đẹp mà không đến. Sau một ngày lang thang qua  núi đồi, vào thắp hương ở các chùa, Mì nhớ vườn trời trên đỉnh non cao. Thân hiểu ý vợ – anh biết cô nàng vẫn còn muốn lên Lương Miêu.

– Em muốn lên ở trên ấy?

– Sao không?

– Không sợ cuộc sống quá buồn tẻ à?

– Không. Ở đó có các thức thanh đạm đủ dùng. Canh mít nấu với nấm rơm có thêm lá lốt trị bịnh thấp khớp, mít non trộn nấm có thêm mè ăn đủ chất cho gan, mè tính bình, trái vả non luộc chín rồi xắt nhỏ trộn với mè và phù chúc ăn chặt ruột. Rau bồ ngót nấu với mì gói có nhiều vitaminA, su luộc vẫn còn C, trái khế ăn gém với chao hay nấu canh ăn mát và hiền. Chưa kể tương đậu nành chấm rau khoai luộc có thể thế đạm động vật, ngoài ra mình mang lên một cái xay trái cây làm sữa đậu nành uống…Ni sư còn làm thêm chao ăn dần…Vả lại em còn học kinh, lao động nữa chứ!

Thân thở dài. Không hiểu cơ duyên nào xui họ gặp nhau. Mì khác hoàn toàn với những người anh trong gia đình cô.Thống nhất xong, vô số người lên chức, vô số người bỏ nước ra đi. Mì không đi như bao nhiêu người khác. Cô gặp anh giữa lúc tâm hồn nguội lạnh. Chuyện tình yêu và hôn nhân là giấc mộng rồi, âm nhạc và thi ca gần như chết hẳn trong cô. Thành làm sao biết được điều đó, nếu tự Mì không nói mà Mì thì không nói bao giờ. Núi cao, hai người nữ tu trên đỉnh non cao cô quạnh; nói ám ảnh thì không đúng, mà gây ấn tượng cho cô và cả Nguyên Thông. Thầy Nguyên Thanh coi đó là thường, thầy chẳng ao ước muốn lên ở lại tu đó sao?

Cùng với niềm tin nơi Mì, lần đi Lương Miêu về anh có thay đổi. Có thể là vị sư trưởng. Có thể do Trúc Huệ. Điều trước chính xác hơn. Đi bộ! Làm sao một   phụ nữ yếu đuối lại có thể một mình băng ngàn dặm đường rừng từ núi cao về ngôi chùa dưới chốn thị thành – để chỉ về thọ Giới?! Đôi bạn tình tuổi đời còn quá trẻ kia, sống đời sông nước thênh thang, liệu có khi nào nghĩ đến những hiểm nguy chờ đợi họ trong mùa mưa, khi mà họ vẫn tự nguyện lên chùa đem theo lương thực ở miền xuôi gởi đến? Điều ấy ám ảnh  thật sự, nó khác quá với đời sống phồn hoa. Như vậy dù chưa hiểu lắm về đạo Phật, sau những lần theo Mì lên chùa con người này có nghĩ lại vấn đề này.

Lần thứ hai lên Lương Miêu Mì đi với gia đình GS Cao và vợ chồng cô Qùy ở Pháp về. Thân bận việc, chỉ mình Mì đi không có con gái đi theo. Chùa xa mà gần trong trái tim Mì, đời cát bụi phù du trước mắt mà xa lắc lơ ngòai cảnh vườn. Trên chiếc thuyền rồng, ngoài  gia đình GS Cao, còn có một nữ doanh nhân nối tiếng. Cô Quỳ dọc đường cứ nói sao trông em quen quá, như đã gặp ở đâu rồi. Có thể trong qúa khứ em học Đồng Khánh? Cô hỏi, Mì gật đầu đáp dạ đúng. Họ đến lăng Gia Long trước rồi mới ghé thăm Lương Miêu. Thấy Mì mặc áo len GS Cao hỏi, cô lạnh à? Mì đáp. Vâng.  Họ đem theo một số món ăn ngày tết.  Mì cũng mang theo bánh in mời mọi người. Là người Mỹ, ông Quỳ thản nhiên nói” bánh in” rồi cầm bánh lên ăn ngon lành. Chỉ mình ông Quỳ đi trên chiếc cầu khỉ, lần này một tấm ván rộng hơn thay hai cây tre lần trước Mì và con gái đi. Mọi người vui vẻ lội dưới nước thì” rầm” tấm ván không chịu nổi đổ sụp. Đang vui, Mì la lên:” Mr. Quỳ, tấm ván này bể vì ông”. Chẳng ngờ ông Quỳ trả lời bằng tiếng Việt:” Người tây thì nặng.” Ai nấy cười vui vẻ. Nguyên Thanh có gọi điện báo trước nên sư trưởng chạy ra đón họ. Làm sao không vui được?! Đã nửa năm mà vị sư trưởng vẫn còn nhớ Mì. Một nơi hẻo lánh thế này, quanh năm sự hiện diện của một người giống như tiếng chim kêu trong rừng vắng. Mì gần như chạy bổ đến sư trưởng. Đôi mắt ni sư sáng bừng lên. Nụ cười cùng vòng tay ôm chặt bao nhiêu mừng vui! Ai cũng nhớ ni sư và nhớ chùa. Thầy Nguyên Thanh cười. Cảm giác như mình đang trở về nhà là ý nghĩ của Mì mỗi lần đến chùa. Chùa đã làm xong, cây cối mùa xuân xanh tươi, cây kiểng nhiều hơn.  Mọi người xúm quanh cái bể nước mới xây đặt giữa sân rửa chân. Mì lạnh nên chỉ múc nước  rửa vừa sạch. Sư trưởng nói:

–  Cứ rửa thoải mái, chùa có máy bơm nước giếng rồi.

Thầy Nguyên Thanh dạ. Giòng nước ngọt lành được múc lên từ giếng trời mát tận xương.

Lại hàn huyên một lúc trước khi mọi người theo thầy Nguyên Thanh lên chùa lễ Phật. Mì ôm vai sư trưởng, nói:

–  Sư trưởng! xin cho con lên làm công quả cho chùa. Con không bận việc nhà mấy cả.

–   Lên ở ba ngày cái đã, khi hoàng hôn xuống, nhìn ráng chiều đỏ rực, nghe chim kêu vượn hú, coi có nhớ nhà không? Giọng ni sư rất nhẹ, âm giọng như hát thoảng bên tai.

–  Nói như sư là thực tế đó. G.S Cao xen vào. Chẳng ngờ ông đứng gần đó nghe đượcmẫu đối thoại của họ. Một lát sau  mọi người  lên chánh điện lễ Phật, thầy Nguyên Thanh thỉnh chuông.

Buổi cơm trưa lạ miệng, ai cũng thích thú thưởng thức món canh rau bồ ngót, món su luộc, chao…. Bàn ăn đông thực khách, không những gia đình ông Cao mà còn hai người phụ nữ nữa. Câu chuyện nổ như bắp rang. Ông Quỳ cầm đũa ăn như mọi người hỏi món soup( canh rau bồ ngót) chi mà ăn thấy ngọt. Ông hỏi bằng tiếng Việt. GS Cao hỏi ni sư, ở đây cái chi cần nhất. Lương thực, ni sư đáp. Lương thực rất cần, mọi người đều biết vậy.

Xế chiều, họ từ giã ra về với ít nhiều luyến tiếc. Mì cột lại giây giày, nói lầm bầm.” Nói đi, chân chưa đi mà ý niệm đi đã đến trước rồi”. Tối hôm ấy, về nhà mệt lử. Mì ghi trong nhật kí:” Núi cao, chùa rộng, tình thâm.” Cô biết mình sẽ trở lại chùa.

 Mì lên chùa lần thứ ba thật, không có Nguyên Thanh lẫn Nguyên Thông. Lần này Thân chở vợ, đúng là đi dọc đường gió bụi, đi bên cạnh rừng núi bạt ngàn lau lách với một con đường lên núi đang được làm.  Tiếng chuông đang mời gọi mình trên đỉnh núi, trên rẻo cao kia có một tâm hồn thuần phác tự nhiên trong chiếc áo lam đang chờ. Mì nghĩ thế, mà quả như thế. Lần này ni sư và Mì gần như lao vào nhau trong khi Thân đứng im lặng mỉm cười. Lần đầu tiên con người này vui lây cái vui của vợ, lần đầu tiên anh hiểu thế nào là niềm tin. Còn Mì đang hạnh phúc, thật sự hạnh phúc ngay đang lúc đứng giữa núi đồi thênh thang, lúc vào chùa lế Phật. Không có  thầy Nguyên Thanh, ni sư thỉnh chuông, Mì và Thân lạy, cùng cảm thấy một niềm vui lâng lâng trong tâm hồn họ.” Mình đang trở về nhà, trở về nhà với mẹ, về ngôi nhà của mình.”Mì thầm nghĩ. Cứ mối lúc tới chùa Mì lại có cảm giác như trở về nhà của mình để được che chở, được yêu thương. Rồi đột nhiên Mì chợt hiểu. Dư nói ngày nào cô sẽ nhìn thấy giếng trời. Giếng trời. Đúng thế. Những ngôi nhà làm theo kiểu cách tân hiện đại mà thiếu hẳn không gian, kiến trúc sư thường tạo kiểu lệch tầng để hứng ánh nắng. Đó là Giếng trời theo nghĩa đen. Cái gọi là nghệ thuật kiến trúc dành cho một không gian sống quá ít trong những căn phố lầu hẹp do thiếu đất. Việc sau đó họ làm là đi ra vườn sau, với Thân là đi thăm những cây sung cây vả, cây mít, xem sư trồng tươi tốt đến độ nào. Với Mì là đi thăm vườn trời. Họ nhìn thấy vườn trời, ngút ngàn rừng nguyên sinh bạt ngàn lau trắng và trước mặt họ là cái giếng trong, trong như chưa khi nào có một nơi trong đến thế.

Bây giờ trong lúc ngồi với ni sư dưới mái hiên chùa, Mì cứ ngẩn người ra. Bao nhiêu khắc khoải về một đấng Giác ngộ trong tâm hồn chợt vỡ òa. Từ lâu Ngài đã ở trong ta sao ta không nhận ra. Hiện tại chứ không phải quá khứ, cũng không phải tương lai, bởi từ lâu cô không chia thì tương lai nữa giữa một cuộc đời qúa  bấp bênh và hữu hạn.

 H.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here