Trang chủ Vấn đề hôm nay Giáo sư Cao Huy Thuần gửi “Tình thư” về đất nước

Giáo sư Cao Huy Thuần gửi “Tình thư” về đất nước

1551
0

GNO – Là một trong những người Việt xa xứ, đang sống và làm việc tại Pháp, trong dịp quay trở về quê nhà, Giáo sư Cao Huy Thuần đã không quên gói ghém theo hành trang của mình bức “tình thư” đầy xúc động, mà ở đó ông dành trọn những giãi bày đã ấp ủ trước nay đến đất nước và con người quê hương mình.

“Truyền thống” và “tiến bộ” – cốt lõi của bản sắc văn hóa

Khi nói về một quốc gia, người ta vẫn hay liên tưởng đến văn hóa, dùng văn hóa để miêu tả “dáng dấp” và hình dung ra “khí chất” của đất nước ấy. Vậy, có gì làm nghi hoặc, khi nói bản sắc văn hóa là phần hồn của cả một dân tộc, giúp dân tộc đó cùng chung một lý tưởng để tồn tại kiên cường và trở nên sống động bước qua từng thời đại? Sự khẳng định ấy, nay được Giáo sư Cao Huy Thuần nhắc nhớ một lần nữa qua những sẻ chia thân tình, trong đôi ngày ông về lại Việt Nam để dự lễ trao giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh.

Từ những lời đầu tiên, bên cạnh hai chữ “sự nghiệp”, Giáo sư Cao Huy Thuần đã đề cập ngay đến bản sắc văn hóa, điều khiến ông luôn trăn trở: “Có khi người ở xa cảm thấy mình là người Việt Nam hơn lúc ở gần. Ở gần thì ai cũng giống ai. Ở xa thì thường xuyên thấy mình khác với xung quanh. Chính cái khác đó tạo ra cái mà ta gọi là bản sắc, bản sắc văn hóa, bản sắc dân tộc. Người ở xa không chỉ tha thiết với bản sắc như một khái niệm trừu tượng. Người ở xa thấy mình ăn, mặc, thương, ghét, nói, cười với cái bản sắc ấy cụ thể như cái bóng đi theo cái hình”.

Quả thực, trong guồng máy hối hả của cuộc sinh tồn này, dường như con người đánh rơi mất quá nhiều thứ, những gì để mỗi cá nhân tự nhận diện được chính mình với thế giới bên ngoài. Như Giáo sư Thuần đã từng tự đặt ra câu hỏi: “Tôi là ai?”. Liệu ta có thể tự hỏi mình như vậy chăng, nếu không tồn tại điểm khác biệt giữa ta và người? Nếu không có chữ khác, chúng ta lấy gì để nhận biết đâu là anh, đâu là tôi?

Cũng như vậy, đối với một dân tộc, sẽ tồn tại như thế nào nếu “dân tộc ấy không biết mình là khác, khi dân tộc ấy nhập nhằng giữa tôi và người”? Để rồi từ đây, giáo sư đi đến khẳng định: “Bản sắc là gì? Không cần chúng ta dùng những ngôn từ xa vời hay phức tạp quá để cố gắng định nghĩa về nó, chỉ cần một chữ “khác” đã có nghĩa là bản sắc. Khi ta nhận ra ta khác với người khác, ta biết đó là ta. Vậy khi một dân tộc phân biệt được mình khác với dân tộc xa gần, ta sẽ khẳng định được với thế giới, ta là người Việt Nam và tự nhiên sẽ trả lời được câu hỏi: “Việt Nam là đất nước như thế nào?” mà thôi”.

Nhận biết được cái khác của riêng mình, bên cạnh việc gìn giữ và duy trì, còn cần có sự phát huy một cách tiến bộ những giá trị ấy, để hội nhập với thời đại. Theo đó, trong diễn từ nhận giải của mình tại lễ trao giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh, Giáo sư Cao Huy Thuần đã bày tỏ quan điểm về khái niệm động của văn hóa, vừa như thế, vừa biến chuyển với thời gian, rằng: “Không có văn hóa nào sống biệt lập, tách biệt với các văn hóa khác. Chung đụng, tiếp xúc với nhau, các nền văn hóa ảnh hưởng lên nhau, mỗi “cái tôi” của văn hóa này phải vừa canh chừng để đừng bị “cái khác” làm biến chất, lại vừa bị quyến rũ bởi “cái khác”, khi nhận ra “cái khác” có những ưu điểm mà mình không có và “cái tôi” của mình lại có những nhược điểm mà mình cứ gối đầu lên ngủ, bất kể vinh nhục”.

Qua đó, giáo sư không quên khẳng định bản sắc văn hóa truyền thống mà đất nước Việt Nam vốn có từ lâu đời, đó là cái khác mà mỗi người con Việt Nam cần rạch ròi hơn ai hết. Từ đây, bằng những học hỏi, tìm tòi và chọn lọc, mỗi người dân tiếp thu sự tiến bộ của bên ngoài, hòa cùng truyền thống để tạo nên nét văn hóa mang đậm phong tục tập quán và tư tưởng rất riêng của con người Việt Nam. Đó là lý do, Giáo sư Cao Huy Thuần nhờ đến hình tượng Nguyễn Trãi để nói lên truyền thống tự chủ, nhân nghĩa của dân tộc; lấy hình tượng Phan Châu Trinh để đề cao tư tưởng canh tân, tiến bộ: dân quyền, khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Ông nói: “Tôi vừa là con cháu của Nguyễn Trãi, vừa là con cháu của Phan Châu Trinh, như vậy có nghĩa: tôi giữ vững truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tôi tiến bộ cùng thời đại, tôi không lạc hậu, lỗi thời”.

Phật giáo – không thể thiếu để định nghĩa bản sắc Việt Nam

Xuyên suốt các sáng tác, ấn phẩm của Giáo sư Cao Huy Thuần, không khó để người đọc bắt gặp luồng tư tưởng chính tạo nên mạch văn của ông, đó chính là đạo Phật. Trong “bức tình thư” ông gửi trọn đất nước lần này cũng không là ngoại lệ, khi ông khép lại diễn từ của mình bằng những tâm tình hết sức mộc mạc về đạo Phật đối với bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Ông đã khẳng định một cách mãnh liệt rằng:

Dân tộc tôi nếu muốn định nghĩa về bản sắc của mình, không thể không nói đến đạo Phật. Vì đạo Phật thiết yếu như vậy cho sự sống còn của văn hóa dân tộc tôi, nếu chùa chiền biến chất trong một hiện tại đầy hoài nghi về văn hóa và giáo dục này, nếu đạo Phật cũng héo hon theo thì cái hồn của quá khứ của tôi và cả hiện tại cũng bơ vơ bản sắc, như một con én không để mất mùa xuân, tôi không muốn thấy đạo Phật của dân tộc tôi bị lão hóa bởi thời đại kim tiền. Tôi muốn đạo Phật của tôi vẫn là nhựa sống của tuổi trẻ, của các bậc cha mẹ, của mọi gia đình. Nhựa ấy muôn đời vẫn thế, vẫn còn đấy, nhưng hãy làm cho nó chảy trong cành tươi.

Trong sự nghiệp trung thành với đạo Phật của tôi, trung thành với dân tộc của tôi, tất cả những gì tôi viết, dù là nước mắm, dù là tương chao, dù là văn hóa, dù là giáo dục, đều nhắm đến một lý tưởng, lý tưởng của Phan Châu Trinh: “Tiến bộ”. Đừng tưởng đạo Phật không cần tiến bộ, không tiến bộ thì xa lìa đời sống, còn dân tộc khỏi nói, không tiến bộ thì thế giới đạp lên xác pháo. Nhưng đạo Phật biết một cái rất quý, nói trong kinh Pháp hoa: “một viên ngọc giấu trong áo cũ, áo cũ phải thay, viên ngọc vẫn giữ”, dân tộc của tôi, nghẹn ngào nói, có ngọc quý mà không giữ, lấy đá cuội của người làm ngọc của mình nạm lên vương miện. Tôi xin kết thúc ở đây”.

Về vấn đề Phật giáo, ông nhấn mạnh, Phật giáo là một thành phần, một yếu tố quan trọng từ trong lịch sử để góp phần tạo nên bản sắc của đất nước chúng ta, đây là điều không ai có thể phủ nhận được. Từ những ngày đầu Công nguyên, Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam thông qua con đường giao lưu trao đổi thương mại với Ấn Độ bằng đường thủy và cho đến nay, Phật giáo đã trường tồn cùng đất nước ngót 2.000 năm văn hiến. Bên cạnh đó, Phật giáo ngay trong những ngày đất nước phân tranh cũng đã trở thành điểm tựa tinh thần lớn lao, dùng lòng từ bi và vị tha để lay động lòng người chứ không dùng vũ lực để đối kháng vũ lực. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ cho thấy không gì chối bỏ được sự dìu dắt của Phật giáo trong suốt tiến trình hình thành tư tưởng và bản sắc dân tộc. Bởi vậy, Giáo sư Cao Huy Thuần khi tâm tình về Phật giáo mới dõng dạc: “Nếu Phật giáo suy vong, bản sắc của đất nước chúng ta cũng sẽ mất đi một điểm tựa, bản thân tôi cũng sẽ cảm thấy ‘bơ vơ’”. Ông quan niệm: “Chiếc áo với viên ngọc trong đó, áo có thể sờn cũ, và phải thay. Tuy nhiên, viên ngọc chẳng vì thời gian mà cũ kỹ, nhất định phải gìn giữ ngọc ấy”. “Viên ngọc” được giáo sư nhắc đến ở đây là bản sắc văn hóa, là cái khác, là Phật giáo vậy.

“Văn hóa là văn hóa, văn hóa Việt Nam là văn hóa Việt Nam, không có văn hóa Việt kiều, cũng không có quốc tịch Việt kiều.”, Giáo sư Cao Huy Thuần khẳng định trong sự quyết liệt về “mình” ở phần mở đầu tại lễ nhận giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ X.

Ông là một trong những học giả người Pháp gốc Việt nổi tiếng trong và ngoài nước, Giáo sư Đại học Picardie (Pháp). Ông là người chấp bút cho nhiều tác phẩm văn học, mà ở đó, ông dùng cách trò chuyện để truyền tải những triết lý tưởng chừng khô khan nhất đến gần với độc giả. Ông cũng đồng thời được biết đến là một trong những nhà trí thức thấm nhuần tư tưởng Phật giáo, thể hiện qua các ấn phẩm của ông như “Thượng đế, thiên nhiên, người, tôi và ta”, “Thấy Phật”, “Khi tựa gối, khi cúi đầu”…

Nguồn: giacngo.vn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here