Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Giáo dục Việt Nam đang thiếu những gì?

Giáo dục Việt Nam đang thiếu những gì?

177
0

Thiếu tiền?

Đây là chủ đề chính đang gây xôn xao dư luận cả nước, thậm chí đang đặt trên bàn nghị sự của Quốc hội suốt mấy ngày qua. Theo đề nghị của Bộ Giáo dục, mức trần học phí đại học sẽ tăng từ 180.000 đồng lên 255.000 đồng và tăng tương ứng cho các bậc học cao đẳng hay trung cấp. Giải thích cho việc tăng học phí này, các quan chức của Bộ cho biết là nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng giảng dạy (?) theo nguyên tắc “tiền nào của nấy”. Tuy nhiên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên nhi đồng của Quốc hội cho rằng năm 2009 mức trần học phí đại học chỉ nên tăng từ 180.000 đồng lên 230.000 đồng một tháng (bậc cao đẳng có hệ số bằng 0,8 lần đại học) và cao đẳng nghề từ 120.000 đồng lên 155.000 đồng một tháng.

Nói gì đi nữa thì việc tăng học phí gần như chắc chắn, dù có thêm bớt chút ít. Thế nhưng có hai luận điểm không đồng ý với  đề nghị này. Một là, giáo dục Việt Nam không thiếu tiền (!) và hai là chất lượng có tất yếu là kết quả của việc tăng học phí. Về ý kiến thứ nhất, theo GS. Nguyễn Xuân Hãn: “… giáo dục nước ta không thiếu tiền. Nếu thu chi công khai, minh bạch, quản lý tốt và chi tiêu hợp lý, thậm chí có thể giảm học phí. Năm 1990, ta có 12 triệu học sinh, sinh viên, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục chỉ có 767 tỉ đồng (120 triệu USD theo giá USD hồi đó). Đến năm 2008, số học sinh sinh viên tăng lên gần hai lần, là 22 triệu em, nhưng ngân sách chi cho giáo dục là 81.000 tỷ (khoảng 4,7 tỷ USD), tăng 40 lần.

Nếu tính theo GDP thì tổng ngân sách chi cho giáo dục ở nước ta là 9,2% GDP, trong khi đó ở Mỹ là 7,2%, Pháp 6,1%, Nhật 4,7%. Cuba vẫn giữ nền giáo dục miễn phí”.

Cũng theo giáo sư thì theo con số thống kê của Bộ công bố, năm 2006 có 876.159 nhà giáo  và cán bộ quản lý được hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Khoản dành cho chi thường xuyên của Bộ là 44.957 tỷ đồng. Nếu theo Bộ GDĐT, tiền lương chiếm 85% số chi thường xuyên thì tổng số lương phải là 38.213,45 tỷ đồng. Với quỹ lương này, bình quân lương của cán bộ quản lý, giáo viên công lập sẽ là 3,6 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, trong thực tế, lương bình quân mỗi giáo viên chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/người/tháng. Vậy số tiền hơn hai triệu còn lại đáng lý phải thuộc về giáo viên thì đã đi đâu? Nếu số tiền này được trả đúng, trả đủ cho giáo viên thì không cần phải tăng học phí. Tương tự, giáo sư đưa ra những con số thuộc hai trường Đại học Quốc gia Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mà ở đó một số tiền khá lớn đã không được chi trả cho giáo viên?

 “Giáo dục là cơ hội tốt nhất để chúng ta có được hạnh phúc”.(Mark Van Doren)

Tóm lại ngành giáo dục chúng ta không đến nỗi thiếu tiền, nếu chỉ dựa vào lý do phải tăng học phí mới nâng cao chất lượng thì e rằng đó là điều khiên cưỡng vì lấy gì đảm bảo cũng với phần đông những ông bà giảng viên chất lượng trung bình ấy và cả cái chương trình “lẽo đẽo ‘đi sau thế giới ấy, khi được tăng thêm tiền sẽ cho ra đời những “sản phẩm “sinh viên chất lượng cao (?). Có người thắc mắc, ngày xưa trong thời bao cấp nhiều khó khăn, chúng ta đã từng thực hiện chế độ giáo dục miễn phí mà chất lượng cũng đâu đến nỗi nào. Hãy nhìn vào đội ngũ giáo viên thế hệ 6X, 7X, những người lớn lên trong thời kỳ ấy và hãy tự hỏi liệu việc tăng học phí đơn thuần có thể nâng tầm cho thế hệ mai sau chăng? GS. Krugman, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2008 trong lần sang Việt Nam tháng 5/2009 khi hội đàm với những nhà lãnh đạo hàng đầu nước ta đã nhấn mạnh đến việc sau khi thoát ra khủng hoảng là phải mở rộng giáo dục, nâng cao chất lượng đại học để tạo ra vùng trọng điểm phát triển kinh tế. Giáo sư không ủng hộ chủ trương phát triển tối đa khu vực tư nhân trong dịch vụ giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ cập.

Ngoài ra, khi Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi về vai trò của Nhà nước cũng như liệu có thể phát triển tối đa kinh tế thị trường trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, GS. Krugman cho rằng giáo dục và đào tạo phải được xem như hàng hóa công, không thể giao cho thị trường tự xử lý. Dân chúng được giáo dục để có tri thức trình độ cao là nhiệm vụ của Nhà nước. Riêng dịch vụ giáo dục ở bậc cao có thể dưạ vào thị trường nhưng về căn bản, phải ủng hộ một vai trò quan trọng của Nhà nước trong lĩnh vực này.

Vậy là đã rõ, nhà nước phải tham dự và đóng một vai trò chủ đạo trong việc giáo dục, không thể “xã hội hóa” theo kiểu tùy tiện thu học phí như một số trường đại học đang làm hiện nay.

Thiếu chiến lược tổng thể và thực tiễn.

Đây là điểm chính yếu trong các bài tham luận, các luận cứ phản biện của các bậc thức giả trong và ngoài ngành giáo dục. Ta có thể kể những bài viết cuả GS. Hoàng Tụy, Văn Như  Cương, Nguyễn Trần Bạt, Hồ Ngọc Đại, Nguyễn Lân Dũng… tất cả chỉ nhằm chứng minh rằng chúng ta thiếu triết lý giáo dục. Từ đó chúng ta đã đưa ra những chiến lược “nửa vời”, thiếu nhất quán, xuyên suốt. Chỉ cần nhìn vào việc thay sách giáo khoa liên tục, ồ ạt mà vẫn đầy rẫy sai sót. Chương trình học lạc hậu, khô cứng, gò bó, thiếu phát huy tính sáng tạo. (Hãy đọc các tham luận trên mạng về sách giáo khoa hiện nay). Nói như một học giả, sự khủng hoảng hiện nay không phải là sự khủng hoảng của nền giaó dục mà là sự khủng hoảng các quan điểm giáo dục. Điều đó thể hiện ở việc phân ra những hệ học khác nhau (Chuyên nghiệp, phổ thông, bổ túc, tại chức, chuyên tu…) không có sự liên thông, các phân ban chia đi chia lại vẫn chưa hoàn tất. Học sinh phải tiếp thu một khối lượng rất lớn các loại kiến thức nhưng lại thiếu thực tiễn khi vào đời. Việc hình thành nhân cách bị ảnh hưởng rất lớn vì các em thiếu hoàn toàn sự chuẩn bị về mặt tâm lý và đức dục. (hãy đọc những bài nhận định về môn Công dân Giáo dục trên báo Tuổi Trẻ chủ nhật hay trên các trang báo mạng). Kết quả là chất lượng nền giáo dục nói chung ở mức thấp, rất thấp. Các doanh nghiệp cho biết 90% sinh viên ra trường phải đào tạo lại vì họ hoàn toàn không biết vận dụng hữu hiệu những kiến thức sách vở vào công việc. Một nguyên nhân làm trì trệ thêm hiện trạng là “bệnh thành tích”, dẫn đến những kết quả không trung thực mà các nhà quản lý bằng cách cho “thi theo”.

Mục đích cao nhất của giaó dục là giúp học sinh tận hưởng những trải nghiệm tuyệt vời về vật chất và về cảm xúc”. (TS. Tal Ben Shahar)

Thiếu niềm vui?

Mark Van Doren từng viết rằng: “Giáo dục là cơ hội tốt nhất để chúng ta có được hạnh phúc”. Bản thân việc học ngoài việc khơi mở những kiến thức mới còn là nơi rèn luyện những phương pháp tự học, tự khám phá sau này. Trẻ em phải được dạy dỗ rằng giải thưởng hay điểm số chỉ là thước đo thành quả ban đầu và chúng phải được hưởng niềm vui của những du khách trong cuộc hành trình khai phá những chân trời tri thức vì mục đích cuối cùng của giáo dục là gì nếu không phải là một cuộc sống văn minh và HẠNH PHÚC? Liệu học sinh của chúng ta có tìm thấy niềm vui ấy chăng khi cha mẹ và bản thân các em phải bắt đầu… chạy (!) trường, chạy lớp, chạy điểm từ bậc… mẫu giáo. Đọc những bài báo gần đây về tình trạng thi vào lớp một mà thấy… hãi hùng và chua xót. Liệu học sinh chúng ta có hạnh phúc chăng khi nhồi nhét những bài khoa học khô cứng đầy số liệu, những buổi bình văn đơn điệu, rồi là  những kỳ thi chuyển cấp cam go, loại ra hàng chục ngàn học sinh bơ vơ tìm một mái trường? Liệu học sinh và cả phụ huynh có vui chăng khi nhân danh “đổi mới”, người ta bắt các em phaỉ đi hàng chục cây số để đến điểm thi theo cụm? Liệu niềm vui có còn không khi học phí đang bị hăm dọa sẽ tăng lên mà không có điểm dừng. Nói như TS. Tal Ben Shahar trong tác phẩm “Happier” “Mục đích cao nhất của giaó dục là giúp học sinh tận hưởng những trải nghiệm tuyệt vời về vật chất và về cảm xúc”. Thế nên ở các trường nước ngoài, người ta không chỉ chú trọng đến kỹ thuật giảng dạy 3R (writing, reading và a rithmatic – viết, đọc và số học) mà còn chú ý đến R thứ tư – Revelry (tận hưởng niềm vui). Nếu trong môi trường học tập, chúng ta được khuyến khích theo đuổi hạnh phúc, tập trung vào những hoạt động hướng tới cùng đích, thì những mục tiêu sống đó sẽ theo đuổi ta trong suốt cuộc đời. Tác giả kêu gọi “Hãy biến học tập thành chốn phiêu lưu thích thú để bọn trẻ có thể xem việc học tập như một mục tiêu theo đuổi suốt đời”.

Con đường hay cuộc hành trình tìm đến hạnh phúc ấy chắc chắn phải đi qua những ngôi trường hay vườn trẻ mà nếu chúng ta, những người làm cha mẹ, thầy cô và cao hơn là những nhà quản lý giáo dục, không gầy dựng được hay tước đoạt niềm vui ấy vô tình hay cố ý đều là có tội với thế hệ mai sau.

Theo VHPG 83

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here