Trang chủ Vấn đề hôm nay Giáo dục Phật giáo: Phẩm chất của người thầy

Giáo dục Phật giáo: Phẩm chất của người thầy

168
0
I.  KHÁI QUÁT

Giáo dục được hiểu nôm na là sự giảng dạy, người thực hiện việc dạy là người thầy; do đó có thể nói không có người thầy thì không có giáo dục. Hình ảnh của người thầy là vô cùng quan trọng đối với người học, hình ảnh ấy phải được biểu lộ từ những phẩm chất tốt đẹp, bao gồm kiến thức, kỹ năng sư phạm và nhiều phẩm chất khác như kiên nhẫn, tận tụy, lòng thương yêu học trò v.v. Nhưng trên hết và bao quát hết là phẩm chất đạo đức của người thầy. Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam số 16/2008/QĐ- BGDĐT ngày 16/4/2008 ở chương III, điều 4 có ghi mấy điểm về đạo đức của người thầy: 1. Tâm huyết, ý chí giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo, có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp, có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, hòa nhã với người học, đồng nghiệp và cộng đồng; 2. Tận tụy với công việc; 3. Công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất, năng lực của người học; 4. Thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Có khá nhiều bài viết về phẩm chất của người thầy được đăng tải trên các trang web, nội dung thường vắn tắt và không khác nhau mấy.

Trong bài Teaching as a career (Nghề dạy, đăng trên www.uefap.com). H.C. Dent nêu ra sáu điểm về phẩm chất của người thầy: 1. Có nhân cách; 2. Đồng cảm với học sinh; 3. Chân thật về đạo đức và trí tuệ; 4. Có tinh thần vững vàng; 5. Kiên nhẫn; 6. Học hỏi không ngừng.

Shashank Natake đã viết trên trang www.Buzzle.com như sau về các đức tính của người thầy: 1. Thân tình với học sinh; 2. Hiểu biết học sinh; 3. Kiên nhẫn; 4. Sáng tạo; 5. Nhiệt tình.

Trên trang www.hubpage, Henry Adams cho rằng một vị thầy cần phải: 1. Thân mật, tâm đắc với học sinh; 2. Có nhân cách, cá tính; 3. Có kiến thức và sư phạm; 5. Biết lắng nghe; 6. Vui vẻ, có tính hài hước; 7. Tốt bụng, thương yêu học sinh.

Người thầy trong giáo dục Phật giáo trước hết là người chấp nhận đạo đức học Phật giáo, nền đạo đức lấy giải thoát (tức vô ngã) làm tiêu chuẩn, lấy trí tuệ để soi sáng mọi sự, lấy lý nhân quả để suy xét mà làm lành tránh ác cho mình và cho người khác, lấy từ bi để đối đãi với học trò của mình và với những người khác.

 II.  HÌNH ẢNH CỦA VỊ THẦY VĨ ĐẠI, ĐỨC PHẬT

Chúng ta hãy nhìn qua hình ảnh Đức Phật, vị thầy sáng lập giáo dục Phật giáo và sau đó thử minh họa hình ảnh của một người thầy khi vị này thực hiện giáo dục Phật giáo.

Thực ra, không thể nào nói hết phẩm chất đạo đức của Đức Phật. Ngài là đấng tuyệt đối, vượt ngoài ngôn ngữ, lượng định trong miêu tả của thế gian. Những miêu tả về Ngài chỉ là phát xuất từ cái nhìn trần tục, tuy vậy vẫn được xem là khuôn mẫu cho phẩm chất tốt đẹp nhất mà một người bình thường có thể noi theo.

Trong ý nghĩa này, ta tóm tắt những gì hàng ngoại đạo ca ngợi Đức Phật trong kinh Phạm võng của Trường bộ kinh: Sa-môn Cù-đàm đã: Từ bỏ sát sanh, từ bỏ đao trượng, có lòng từ bi đối với mọi chúng sanh; sống thanh tịnh, chỉ nhận những thứ đã được cho; từ bỏ tà hạnh, tu phạm hạnh; nói lời chân thật, không nói lời độc ác, tà vạy; không làm hại hạt giống, cây cỏ, xa rời mọi thứ xa hoa, vật chất; tiết độ, đạm bạc trong ăn uống, trong các vật dụng. Tiếp đó, Đức Phật đã tuyên bố rằng “Đó là lời tán thán của kẻ phàm phu”;  “đó chỉ thuộc các vấn đề không quan trọng, chỉ thuộc giới luật mà kẻ phàm phu tán thán Như Lai”.

Qua đó, ta thấy Đức Phật gọi các phẩm chất ấy chỉ là nhỏ nhặt, không quan trọng, chỉ thuộc giới luật. Vậy phẩm chất của một vị thầy không phải chỉ ở giới luật. Trước hết và trên hết, trí tuệ. Từ Phật, Buddha, có căn gốc là Bodhi nghĩa là trí tuệ. Đức lớn nhất là trí đức vậy. Có trí đức mới tuệ tri được mọi sự việc. Cho nên cũng trong đoạn kinh nói trên, Đức Phật phê phán các tà kiến của hàng ngoại đạo và kết luận: “Này các Tỳ-kheo, Như Lai tuệ tri như thế này: ‘Những sở kiến, những chấp trước như vậy (của hàng ngoại đạo, tức những tà kiến) sẽ đưa đến những cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy’. Như Lai còn tuệ tri hơn thế nữa và không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi, sự diệt trừ các thọ, vị ngọt, sự nguy hiễm của chúng và sự xuất ly khỏi chúng. Nhờ tuệ tri như vậy, này các Tỳ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không chấp thủ. Những pháp ấy, này các Tỳ-kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới phân biệt. Những pháp ấy Như Lai đã tự chứng tri, giác ngộ và truyền dạy lại” (Kinh Phạm Võng của Trường Bộ kinh).

Trí đức của Đức Phật khó mà miêu tả được thì bi đức, lòng đại từ bi muốn cứu vớt hết thảy chúng sanh của Ngài cũng vô lượng vô biên. Nếu không vì đại từ bi thì Ngài đã nhập Đại Niết-bàn sau khi đã chứng ngộ dưới cội bồ-đề, đã không phải nán thêm bốn mươi lăm năm giảng pháp, thu thập đệ tử, du hành khắp Bắc-Tây bắc Ấn Độ. Chư Bồ-tát, chư Thánh đệ tử của Ngài đều lấy từ bi làm đại nguyện.

Kinh điển cho thấy Đức Phật luôn thương yêu, gần gũi, khuyên nhủ, chăm sóc đệ tử, Ngài kiên trì giảng pháp, dùng mọi phương tiện thiện xảo để người học có thể hiểu và thực hành Phật pháp. Sự tận tụy, kiên trì bao gồm cả sự nhẫn nại, can đảm, hy sinh cả ngai vàng, vợ con, chịu khó khăn gian khổ hiểm nguy trong nếp sống cũng chỉ vì lòng đại từ bi muốn cho chúng sinh thoát khổ.

Đại trí, đại bi, đại dũng, đại giải thoát là hình ảnh của Đức Phật. Chính các đức tối thượng này đã tỏa khắp kim thân của Ngài, khiến năm vị Tỳ-kheo nhóm Kiều- trần-như ở Vườn Nai, Ba-la-nại khi thấy Đức Phật từ xa đã bảo nhau hãy tỏ ra lạnh nhạt với Ngài do nghĩ rằng Ngài từ bỏ lối tu khổ hạnh vì không kham nổi. Nhưng khi Đức Phật đến gần thì vẻ uy nghiêm, hiền hòa của Ngài đã thuyết phục chư vị và chư vị liền đảnh lễ Ngài (xem Mahavagga, Đại phẩm I, chương Tụng yếu). Cũng chính thái độ, cốt cách chứng ngộ của Ngài đã chiến thắng ác ma, thu phục voi dữ, chiêu dụ được hàng ngoại đạo.

III.  PHẨM CHẤT CỦA NGƯỜI THẦY

Những ý kiến của nhiều bài viết của nhiều tác giả, quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo như đã nêu ở đầu phần này là nhằm cho vị thầy nói chung trong thời đại ngày nay. Hình ảnh Đức Phật với những phẩm chất của Ngài là tuyệt đối mà mọi người con Phật đều cần nỗ lực để noi theo. Ở đây chỉ xin nêu một số nét căn bản của một vị thầy trong giáo dục Phật giáo. Vị thầy ở đây có thể là chư Tăng Ni, cư sĩ đang giảng dạy Phật pháp hoặc những ngành học khác mà Phật giáo có thể liên quan đến. Mỗi vị thầy có căn cơ khác nhau, hoàn cảnh khác nhau cho nên việc phấn đấu xây dựng nhân cách của mỗi người có khác nhau. Nói chung, trình độ tu tập, phát triển tâm linh của hàng cư sĩ thì khó có thể ngang bằng với chư Tăng Ni, trừ một số ít trường hợp.

Trước hết, phẩm chất của người thầy là phẩm chất đạo đức. Với ý thức mình luôn tu học, luôn tìm cách để thăng tiến tâm linh, người thầy giữ đúng giới luật mà mình đã thệ nguyện tuân thủ, luôn luôn hành thiện, xa lánh điều ác. Phẩm chất đạo đức của vị thầy còn thể hiện trong cách đối xử với mọi người chung quanh, nhất là đối với các vị đồng sự.

Về cách đối xử với đồng sự, ta có thể mô phỏng theo Lục hòa kính pháp mà Đức Phật đã dạy trong kinh Làng Sama (số 104) của Trung Bộ kinh hay kinh Chu-na của Trung A-hàm. Đó là sáu sự chia sẻ giữa những người trong một nhóm, một đoàn thể: Thân hòa (cùng thân nghiệp, kính ái nhau); Khẩu hòa (lời nói hòa nhã, chân thật); Ý hòa (cùng ý định, hòa thuận, đoàn kết, không mâu thuẫn nhau); Kiến hòa (cùng có kiến giải theo giáo lý của Đức Phật); Lợi hòa (chia sẻ với nhau những thứ vật chất, nhất là những lợi lạc tâm linh mà mình thu đạt được). Đối với mọi người nói chung thì vị thầy nên áp dụng Tứ nhiếp pháp mà Đức Phật dạy trong kinh Tứ thập nhị chương hay kinh Duy-ma-cật. Đó là bốn phương cách đối đãi với mọi người: Bố thí nhiếp (giúp vật chất, giúp nhận rõ điều hay, Phật pháp, giúp người ta vững tâm, không lo lắng, sợ hãi); Ái ngữ nhiếp (lời nói nhẹ nhàng, chân thật); Lợi hành nhiếp (làm những gì có lợi ích cho người khác); Đồng sự nhiếp (đối đãi tốt, chân tình với người đồng sự).

Ngoài ra, xin tạm xếp một số phẩm chất căn bản của người thầy theo ba nhóm của một đặc trưng trong tính chất Phật giáo là BI, TRÍ, DŨNG. Ở đây chỉ nhấn mạnh đến đặc trưng này của một vị thầy trong môi trường giáo dục Phật giáo, cụ thể là đối với học sinh.

  1. Bi: Bi là lòng thương yêu rộng lớn. Người thầy phải yêu thương, gần gũi, đậm đà, thắm thiết, vỗ về, khuyên nhủ, khích lệ và còn nghĩ rằng trong quá khứ thầy trò còn có mối liên hệ huyết thống, thân thích hay bằng hữu nên thương yêu học sinh như người mẹ thương yêu đứa con độc nhất của mình (xem Từ kinh, Metta sutta của Tiểu Bộ kinh). Thầy tha thứ những lỗi lầm của học trò, ngay cả những em lười biếng, ngang ngạnh, học kém, ham chơi… Tất cả những nỗ lực dạy tốt cũng nhằm vì lòng thương yêu học trò. Thầy đối xử bình đẳng với tất cả học sinh, tôn trọng các em vì biết rằng các em đều có Phật tính. Sự gần gũi, tìm hiểu cá tính, hoàn cảnh gia đình của học sinh cũng là một phương pháp căn bản của khoa sư phạm vậy.
  2. Trí: Trí ở đây là sự sáng suốt trong nhận định, trong quyết định hành động. Trí còn có nghĩa là kiến thức, kiến thức Phật học, kiến thức phổ thông, kiến thức ngành, môn mình giảng dạy, kiến thức sư phạm. Người thầy có trí sẽ biết với đám học sinh như thế này, với một học sinh như thế này, với hoàn cảnh thế này thì mình sẽ dạy như thế nào, đâu là những khó khăn, thuận lợi v.v. Cần nhớ là trí sẽ được phát sinh, tăng cường là nhờ thiền định, nhờ học hỏi, nhờ thực hành (xin xem lại bài Giáo dục thực hành đã đăng trong tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 173) và nhất là nhờ thiền định.
  3. Dũng: Dũng là sự can đảm, dám làm các sự việc trong niềm tin tưởng mình sẽ thành công. Dũng còn bao hàm cả sự kiên trì, nhẫn nại, nhẫn nhục, chịu đựng, chấp nhận hy sinh. Người thầy chịu đựng mọi khó khăn trong việc dạy của mình, chấp nhận dạy dỗ ở vùng sâu vùng xa, chấp nhận những thiếu thốn vật chất. Người thầy luôn chân thành, thẳng thắn, bênh vực cái đúng, nêu cao giáo pháp của Đức Phật, dù bị hăm dọa, bị chèn ép, tù tội… Người thầy còn phải nhận thấy những khuyết điểm của mình, nhận lỗi trước những người khác, sẵn sàng chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm, phải luôn luôn học hỏi, tu tập, tinh tấn không ngừng.

Thực ra, Bi, Trí, Dũng là ba trong một, cả ba cùng một thể tính vì liên hệ với nhau, thậm chí còn mang ý nghĩa của nhau. Có bi nhờ có trí, trí càng lớn thì bi càng sâu rộng. Bi khiến cho trí càng thêm sáng suốt. Có trí thì dũng mới có ý nghĩa tốt lành, không có trí thì dũng chỉ là sự táo bạo, bừa bãi, thậm chí là thô lỗ, gây hại. Có dũng mới có bi mạnh mẽ, có bi mới làm cho dũng có ý nghĩa cao đẹp. Bi-Trí-Dũng phải được thực hiện trên tinh thần vô ngã, vị tha mới phù hợp với một người con Phật.

Để minh họa Bi-Trí-Dũng, xin trích đoạn chính của kinh Giáo giới Phú-lâu-na (số 145 Trung Bộ kinh). Trong đó, Tôn giả Phú-lâu-na (Punna) thể hiện Bi (thương yêu những người mình dạy dỗ), Trí (biết chắc mình sẽ có cách để thành công trong giáo dục) và Dũng (không sợ khó khăn, nguy hiểm có thể phải hy sinh tánh mạng):

“– Bạch Thế Tôn, nay con đã được Thế Tôn giáo giới với lời giáo giới vắn tắt, có một quốc độ tên là Sunaparanta (Tây phương Du-na quốc), con sẽ sống tại đấy. – Này Punna, người nước Sunaparanta là hung bạo. Này Punna, người nước Sunaparanta là thô ác. Này Punna, nếu người nước Sunaparanta mắng nhiếc ông, nhục mạ ông, thời này Punna, tại đấy ông sẽ như thế nào? – Bạch Thế Tôn, nếu người nước Sunaparanta mắng nhiếc con, nhục mạ con, thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: ‘Thật là hiền thiện, người nước Sunaparanta này! Thật là chí thiện, người nước Sunaparanta này! Vì rằng họ không lấy tay đánh đập ta’. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. – Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunaparanta lấy tay đánh đập ông, thời này Punna, tại đấy ông sẽ nghĩ như thế nào? – Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta lấy tay đánh đập con, thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: ‘Thật là thiện, người nước Sunaparanta này! Thật là chí thiện, người nước Sunaparanta này! Vì rằng họ không lấy các cục đất ném đánh ta’. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy! Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. – Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunaparanta lấy các cục đất ném đánh ông, thời này Punna, tại đấy ông sẽ nghĩ thế nào? – Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta lấy cục đất ném đánh con; thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: ‘Thật là hiền thiện, các người nước Sunaparanta! Thật là  chí thiện, các người nước Sunaparanta! Vì rằng họ không lấy gậy đánh đập ta’. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.– Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunaparanta lấy gậy đánh đập ông, thời này Punna, tại đấy ông nghĩ thế nào? – Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta lấy gậy đánh đập con; thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: ‘Thật là hiền thiện, các người nước Sunaparanta! Thật là chí thiện, các người nước Sunaparanta! Vì rằng họ không lấy dao đánh đập ta’. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. – Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunaparanta lấy dao đánh đập ông, thời này Punna, tại đấy ông nghĩ thế nào? – Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta lấy dao đánh đập con; thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: ‘Thật là hiền thiện, các người nước Sunaparanta! Thật là chí thiện, các người nước Sunaparanta! Vì rằng họ không lấy dao sắc bén đoạt hại mạng ta’. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. – Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunaparanta lấy dao sắc bén đoạt hại mạng ông, thời này Punna, tại đấy ông nghĩ thế nào? – Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta sẽ lấy dao sắc bén đoạt hại mạng con; thời tại đấy con sẽ nghĩ như sau: ‘Có những đệ tử của Thế Tôn, ưu phiền và nhàm chán thân thể và sinh mạng đi tìm con dao (để tự sát). Nay ta khỏi cần đi tìm đã được con dao ấy’. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy, con sẽ nghĩ  như vậy. – Lành thay, lành thay, này Punna! Này Punna, ông có thể sống trong nước Sunaparanta, khi ông có được đầy đủ sự nhiếp phục và an tịnh này. Này Punna, ông nay hãy làm những gì ông nghĩ là hợp thời.

Rồi Tôn giả Punna, sau khi hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài, dọn dẹp sàng tọa, lấy y bát, rồi ra đi, đi đến nước Sunaparanta. Tiếp tục du hành, Tôn giả Punna đi đến nước Sunaparanta. Tại đây, Tôn giả Punna sống trong nước Sunaparanta. Rồi Tôn giả Punna nội trong mùa an cư mùa mưa ấy, nhiếp được khoảng năm trăm nam cư sĩ; cũng trong mùa an cư mùa mưa ấy, nhiếp độ khoảng năm trăm nữ cư sĩ; cũng trong mùa an cư mùa mưa ấy, chứng được Tam minh. Sau một thời gian, Tôn giả Punna mệnh chung”.

IV.  KẾT LUẬN

Như trên đã nói, phẩm chất của người thầy được các nhà giáo dục đề cập rất nhiều. Phật giáo cũng công nhận những tính chất ấy là tốt đẹp và cũng bao gồm quan điểm của Phật giáo về người thầy. Tuy vậy, những phẩm chất của người thầy trong giáo dục Phật giáo có nguồn gốc sâu xa hơn, chân thực hơn, hậu quả tốt đẹp, lâu dài hơn. Người thầy trong giáo dục Phật giáo còn là những người dạy đạo đức, tâm linh, là vị hành giả đang kính tín Tam bảo, Phật pháp, đang tìm về giải thoát tối hậu cho mình và giúp người học theo con đường của mình.

vanhoaphatgiaoblog.com

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here