Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Giáo dục là nền tảng đạo đức trong thời đại mới (*)

Giáo dục là nền tảng đạo đức trong thời đại mới (*)

134
0

Trước hết, chúng tôi lấy làm hoan hỷ bản Báo cáo của Ban Trị sự được trình bày qua nhiệm kỳ 2007-2012 phản ánh những thành quả đáng trân trọng và dự kiến phương hướng hoạt động cho nhiệm kỳ đến có tính phù hợp đối với sự phát triển của thời đại mang tính khả thi và đột phá của Giáo hội Phật giáo tỉnh nhà trong giai đoạn hiện nay.

Nói đến giáo dục là nói đến công tác giảng dạy và sự tiếp thu kiến thức mà người thầy truyền đạt cho trò. Do đó, vai trò của người Thầy vô cùng quan trọng nhất là trong các trường Phật học. Giáo dục là nền tảng trong mọi thời đại, trên các lĩnh vực như văn hoá, nghệ thuật, kinh tế, chính trị… đều có liên quan mật thiết với nhau. Đối với Phật giáo, giáo dục vô cùng quan trọng, theo giáo lý nhà Phật con người là tổng thể của sắc, thọ, hành, thức uẩn (vật lý và tâm lý). Ở mặt tương đối hiện tượng, giáo dục con người là có nghĩa giáo dục để điều hoà và phát triển 5 uẩn đó thế nào để đạt được hạnh phúc,  an lạc và giải thoát ngay trên cuộc đời này. Đây là một hệ thống giáo dục phát triển điều hòa về trí dục, đức dục, thể dục, mỹ dục, tình cảm sinh lý và lao động thể chất cũng như tinh thần. 
 
Ban Giáo dục Tăng Ni Thừa Thiên Huế nhận lãnh tránh nhiệm cao cả trong sự nghiệp “Tục diệm truyền đăng” đào tạo lớp Tăng Ni kế thừa, nối tiếp ánh sáng chánh pháp của đức Thế Tôn, của Chư Tổ nơi đất thần kinh văn vật xứ Thừa Thiên Huế thân thương mà năm 1993, được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới vật thể và phi vật thể (nhạc cung đình), nơi được đánh giá một trong những trung tâm của Phật giáo. Thật tế trước mắt như mục đích của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương đã đề ra: “Đào tạo những Tăng Ni sinh thành những Tăng Ni có kiến thức cơ bản về Phật học, văn hoá xã hội và có đủ đức hạnh để hy vọng mai đây đảm trách công việc truyền thừa Phật pháp, lợi lạc quần sanh”.
 
Xuất phát từ mục đích trên, Ban Giáo dục Tăng Ni đã cùng với Giáo hội phát huy có hiệu quả phương châm: “Duy tuệ thị nghiệp” thể hiện qua 3 mặt trong tổ chức Giáo hội: Phát triển nguồn nhân lực, sử dụng nguồn nhân lực và nuôi dưỡng nguồn nhân lực tức là việc đào tạo Tăng tài, phân bố thích hợp trong sự nghiệp hoằng hóa và tạo thuận duyên cho việc duy trì nguồn nhân lực.
 
Thực hiện được kế hoạch này một cách có hiệu quả tích cực nhất là thông qua việc giáo dục đào tạo tại các trường Phật học của Giáo hội vì như chương trình của Liên hiệp quốc trong 5 nhân tố “phát năng” của sự phát triển nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo là nhân tố chủ yếu. Trong năm học mới 2012-2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mới đề ra phương châm: “…đổi mới giáo dục toàn diện trong việc dạy và học, tạo thêm cơ sở vật chất, thiết bị trường học để phát triển trong giai đọan hiện nay…”.
 
Nhìn lại chặng đường đã đi 2007-2012 của Ban Giáo dục Tăng Ni chính là những năm của chặng đường phát triển đầu tư trí tuệ trong xu thế hội nhập toàn cầu. Trường Trung cấp Phật học Thừa Thiên Huế gần 20 năm hình thành và phát triển theo xu hướng hội nhập. Nhà Trường đang giảng dạy khóa V và khóa VI, khóa V đang học năm cuối và khóa VI đang học năm thứ 2. Tổng số Tăng Ni sinh đang theo học của 2 khóa có 440 vị trong đó Trung cấp 350 vị, Sơ cấp 90 vị. Trong số đó có 130 Tăng Ni sinh vừa học Nội điển vừa học Ngoại điển tại Trường. Trong 5 năm qua, nội điển khóa IV có 204 Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp Trung cấp và 48 Tăng Ni sinh hoàn thành Cao đẳng Phật học. Về Ngoại điển đã có 236 vị thi đỗ Tú tài đa số đạt loại khá trong đó có 3 vị giỏi đạt tỷ lệ 96 %. Phần lớn, các Tăng Ni sinh tốt nghiệp Trung cấp Phật học và Trung học Phổ thông (Tú tài) đã được trúng tuyển vào các Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Huế và Thủ đô Hà Nội, nhiều nhất là tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế. Đã có một số Tăng Ni sinh đang học tại các trường Đại học, Cao đẳng, Giáo dục mầm non trong tỉnh. Một số Tăng Ni sinh cũng đã và đang học nhận học vị Tiến sĩ tại các Trường Đại học ở các nước như Miến Điện, Đài Loan, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ.
 
Với quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu, đối với Giáo hội giáo dục đào tạo là một sự nghiệp thiết yếu của tuệ nghiệp như đức Phật đã từng dạy: “Không có trí thì không có Thiền…” và Giáo dục Phật giáo còn được thể hiện qua hai phạm trù thân giáo và ngôn giáo. Do đó, giáo dục không phải chỉ dành riêng cho Tăng Ni mà cho cả tứ chúng. Tăng Ni sinh là nguồn nhân lực kế thừa phải đào tạo là chủ yếu nhưng chúng ta không thể không nghĩ đến vai trò giáo dục cho thế hệ nam nữ Phật tử đặc biệt là Gia đình Phật tử. Ban Giáo dục tích cực giảng dạy với các khóa học Phật pháp của cư sĩ Phật tử, nhất là đối với các khoa giáo lý, các trại huấn luyện của Gia đình Phật tử.
 
Điểm nổi bật chính là tạo mặt bằng về trình độ, hiểu biết về Thế học và Phật học cho Tăng Ni sinh. Những đóng góp này thật sự đã góp phần không nhỏ cho việc tu học đối với Tăng Ni sinh tức cũng ổn định được nguồn nhân lực mà Giáo dục phải có hướng giải quyết hàng đầu cho tổ chức.
 
Thành quả này là tác nhân tích cực tạo tiền đề cho bước phát triển về việc giáo dục đào tạo tại địa phương trong nhiệm kỳ mới.
 
Thành quả này có được chính là nhờ sự chỉ dạo sâu sát của Trung ương Giáo hội, sự hướng dẫn bồi đắp của Ban Trị sự, sự hỗ trợ có hiệu quả tích cực của Lãnh đạo, chính quyền các cấp và các Ban ngành có liên quan trong Tỉnh và Thành phố, của chư tôn Thiền đức và quý Phật tử trong và ngoài nước. Xin kính niệm ân .
 
Nhân Đại hội này, chúng tôi xin bày tỏ một số ý kiến:
 
1/ Cần có sự phối kết hợp giữa Ban Giáo dục Tăng Ni và các Ban trong Giáo hội nhất là Ban Tăng sự.
 
2/ Cần khuyến hoá Tăng Ni sinh trong việc du học, nhu cầu trước mắt mà các Trường Trung cấp Phật học, Học viện đang cần giáo viên, giáo sư cơ hữu đối với các bộ môn “ thế học”.
 
3/ Cần có kế hoạch thành lập trường Sư phạm và lớp đào tạo cho cư sĩ Phật tử có tính lâu dài và bền vững.
 
Sự nghiệp giáo dục đào tạo là sự nghiệp của mỗi thành viên, qua lịch sữ cho chúng ta thấy sự hưng thịnh của đất nước, của Giáo hội đều biến thiên theo tỷ lệ thuận với sự nghiệp giáo dục đào tạo. Lạy chư Phật từ bi gia hộ cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Giáo hội chúng ta càng đơm hoa kết trái như hoa Ưu Đàm Bát La bất diệt giữa dòng đời sinh diệt.
 
Nam mô Hoan hỷ Tạng Bồ tát Ma ha tát.
 
Ban Giáo dục Tăng Ni GHPG tỉnh TT Huế
 
(*) Trích tham luận của Ban Giáo dục Tăng Ni GHPG tỉnh TT Huế

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here