Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Giấc mộng qua các hình tượng văn học

Giấc mộng qua các hình tượng văn học

159
0

“Công danh lừng lẫy, chẳng qua một giấc mộng dài,
Phú quý hơn người, khó tránh vô thường hai chữ”
(Công danh cái thế, vô phi đại mộng nhất trường
Phú quý kinh nhân, bất miễn vô thường nhị tự)

Trong suốt sách Khoá Hư Lục, không phải một lần mà đến 12 lần, Thái Tông nói đến mộng. Vậy, xuyên qua Thái Tông, chúng ta thử tìm hiểu những hình tượng văn học liên quan đến mộng trong một số ký tải xưa nay. Trước hết hãy nói đến giấc mộng đầu tiên sinh ra đạo Phật:

Tương truyền vào khoảng thế kỷ thứ 7 tây lịch, hoàng hậu Ma-da của nước Ca-tỳ-la-vệ (Capilavatthu) – một trong những tiểu quốc của xứ Ấn Độ – một hôm nằm mơ thấy con voi trắng sáu ngà từ trời cao đi xuống, chiu vào hông phải của bà, có hàng nghìn thiên thần theo hầu xung quanh, cất lên những lời ca ngợi vang lừng.

Chính giấc mộng ấy báo trước một bậc Cứu thế ra đời một hy vọng cứu khổ cho tất cả sinh linh. Sau khi Thái tử Tất-đạt-đa chào đời, trưởng thành như bao người khác, Thái tử lấy vợ là Da-du-đà-la. Đến lượt Da-du-đà-la cũng nằm mơ thấy: “Một cơn gió dữ thổi đến, cây cối trốc gốc, cả trái đất điều rung chuyển. Mặt trời mặt trăng khuất dạng. Y phục của Da-du bị gió cuốn đi. Tóc nàng bị cắt sạch. Những vật sáng xẹt qua bầu trời đen thẩm”. 

Da-du kinh hãi , choàng tỉnh dậy, vội thuật lại giấc mộng vừa rồi cho Thái tử. Thái tử mỉm cười nói: “Da-du thân yêu, nàng hãy vui lên. Nàng thấy trái đất rung chuyển, thế là một ngày nào đó thiên thần sẽ đích thân đảnh lễ nàng. Nàng thấy cây cối trốc gốc, thế là một ngày kia nàng sẽ ra khỏi núi rừng dục vọng. Tóc bị cắt sạch, thế là nàng sẽ thoát khỏi mạng lưới tham ái, không còn bị chúng cầm tù. Những vật sáng xẹt qua bầu trời tăm tối, thế là ta sẽ mang ánh sáng trí tuệ tới cho thế giới vô minh, và ai tin theo ta sẽ được an vui hạnh phúc”.

Như vậy, hẳn nhiên giấc mộng của Da-du-đà-la mang đầy ý nghĩa. Nhưng còn nhiều ý nghĩa hơn nữa là giấc mộng của Đức Phật mà Ngài đã kể lại trong bộ kinh Tăng Chi: “Này các Tỳ-kheo, khi còn làm Bồ-tát, chưa giác ngộ, Như lai mơ thấy mặt đất này là chiếc giường nắm, núi Tuyết Sơn là cái gối, tay trái đặt trên biển Đông, tay phải đặt trên biển Tây, hai chân gác trên biển Nam. Này các Tỳ-kheo, đó là giấc mộng báo trước Như lai sẽ chứng Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

“Này các Tỳ-kheo, Như lai mộng thấy từ rốn mọc ra cỏ kusa, cao tận trời xanh. Giấc mộng này báo hiệu Như lai sẽ giác ngộ hoàn toàn Tám thánh đạo, và sẽ thuyết giảng cho chư thiên và loài người.

“Lại nữa, Như lai mơ thấy những con chim nhiều màu sắc khác nhau từ bốn phương bay tới, đáp xuống chân Như lai, rồi trở nên trắng toát. Giấc mộng này báo hiệu bốn giai cấp Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, Phệ-xá, và Thủ-đà-la, từ bỏ gia đình xuất gia, sống trong giới luật của Như lai, và đạt đến giác ngộ". (Tăng Chi Bộ kinh II B.284, HT. Thích Minh Châu dịch).

Nhằm thực hiện giấc mơ của Đức Phật, đem lại lợi lạc cho khắp quần sanh, ánh đạo vàng truyền sang Trung Quốc cũng bắt đầu bằng một giấc mộng:

Tương truyền vào năm Vĩnh Bình thứ 10, tức năm 67 tây lịch, vua Hán Minh Đế nằm mộng thấy người vàng bay trước chánh điện. Do đó sai các ông Thái Hâm, Vương Tuân, cả thảy 18 người qua Tây Trúc tìm Phật. Chung cục, họ mời được hai vị sư là Ca-diếp-ma-đằng và Trúc Pháp Lan, cùng về dịch kinh và truyền giáo.

Đạo Phật truyền bá tại Trung Quốc đến đời Tuỳ, khoảng thế kỷ thứ 6 thì khá thịnh hành. Lúc bấy giờ có một đại sư lỗi lạc mà người đời suy tôn là Đông độ Thích Ca, đó là Trí Khải đại sư (538-579) ở núi Thiên Thai, chính hậu sự của Ngài cũng báo trước bằng một giấc mộng:

Một hôm, Ngài nằm mơ thấy mình đi tới một ngọn núi, chân núi trải dài tới mặt bể. Trên đỉnh có một vị sư vẫy gọi, rồi duỗi tay xuống tận chân núi kéo Ngài lên một ngôi chùa, chỉ ngọn Thiên Thai bảo: “Đây là núi Thiên Thai, ông sẽ xiển dương chánh pháp, làm cho pháp bảo được lưu truyền rộng rãi, và sẽ viên tịch tại đây”.

Phải chăng trong lúc chúng ta ngủ, tâm thức chúng ta đi ngao du đây đó?

                “Thân ảo hoá bơ vơ rừng núi thẳm,
                  Hồn lang thang dong ruổi vạn trùng khơi”
                  (Huyễn thân cô ngụ nhất lâm trung,
                   Du mộng viễn bôn thiên lý ngoại)
                                                              Trần Thái Tông
Bước sang đời Đường, Phật giáo Trung Quốc trở nên cực thịnh. Bấy giờ xuất hiện một học giả được xem là bật kỳ tài trong giới dịch kinh, mà nghìn thu sau còn ngưỡng mộ thanh danh. Đó là Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang (602 – 664), nhà dịch kinh bất tử. Năm 629, một đêm kia Ngài mơ thấy một ngọn Linh Sơn sừng sững giữa biển, bèn nhảy xuống nước để lội qua, thì vừa lúc đó một bông sen xuất hiện, đỡ Ngài, đưa tới chân núi. Núi dựng đứng, leo không được, Ngài chưa biết tính sao, thì bỗng nhiên một ngọn cuồng phong nâng Ngài lên tới đỉnh. Đứng trên ngọn núi, nhìn chung quanh, thấy cảnh trí bao la rực rỡ, Ngài thích quá , liền tỉnh dậy.

Ngọn Linh Sơn phải chăng biểu trưng cho đạo quả giác ngộ, mục đích mà người cầu thoát ly khổ hải mong đạt đến? Bông sen xuất hiện, phải chăng là đại nguyện dũng mãnh của Ngài? Ngọn cuồng phong nâng Ngài lên đến đỉnh, chính là sức tinh chuyên tuyệt cần đã giúp Ngài đi đến đích?

Một điều làm cho chúng ta lưu ý là theo truyền thống Đông phương, trước khi có bậc vĩ nhân xuất hiện bao giờ cũng có điềm triệu kỳ lạ báo trước. Quan niệm này rất phổ biến trong nhân gian xưa kia. Thế nên, truyền thuyết kể rằng, khi bà Nhan Thị hoài thai đức Khổng Tử, một hôm nằm mơ thấy có một người dắt con kỳ lân đến cho, và nói: “Thuỷ Tinh chi tử kế suy Chu vi tố vương: đây là con Thuỷ Tinh, nối nghiệp nhà Chu suy vi, làm vua không có ngôi” . Bà sờ vào con kỳ lân, nó hét lên, giật mình bà tỉnh dậy, trở dạ sinh ra Khổng Tử.

Một triết gia khác đồng thời với Khổng Tử là Lão Tử thì xem cuộc đời như giấc mộng lớn. Vì sao tự làm khổ cuộc đời mình? (Thế sự nhược đại mộng, hồ vi lao kỳ sinh?).

Ý nghĩa lới nói ấy rất thâm thuý, đầy tinh thần nhân bản, nhưng đáng tiếc là có người ngộ nhận, cho là ông mang tư tưởng chán đời.

Ngoài ra, chúng ta còn thấy Nam Hoa Kinh chép câu chuyện hoá bướm của Trang Chu: Một hôm Trang Chu nằm mơ thấy mình hoà ra bướm, đến lúc tỉnh dậy, bướm lại hoá thành Trang Chu. Do đó, Chu phân vân: không biết Trang Chu hoá ra bướm, hay bướm hoá ra Trang Chu?

Câu chuyện nghe qua có vẻ như đùa, nhưng bên trong chuyên chở một triết lý sâu xa, bằng thứ nhãn quang thấu thị.

Đến đời Tam Quốc có một nhân vật vừa thực, vừa mạng vẻ huyền thoại là Gia Cát Khổng Minh, ông làm bài thơ tự thuật liên quan đến mộng, mà ai xem qua  cũng thấy tâm hồn thanh thoát, nhẹ nhàng:

                “Giấc mộng lớn nào ai tỉnh trước?
                  Kiếp phù sinh ta tự biết ta.
                  Ngày xuân bóng ác dần qua
                  Am Tranh vắng vẻ giấc đà nồng say”.
                 (Đại mộng thuỳ tiên giác?
                  Bính sinh ngã tự tri
                  Thảo đường xuân thụy túc
                   Song ngoại nhật trì trì).

Biết mộng để rồi tỉnh mộng, đó mới là kiếp sống vẹn toàn. Song cách diễn tả sau đây của Ôn Như Hầu, tuy không sai sự thật bao nhiêu, nhưng đối khi làm cho người ta hơi ái ngại trược một sự thật phủ phàng:

                “Mồi phú quý nhử làng xa mã,
                  Bã vinh hoa lừa gã công khanh.
                  Giấc nam kha khéo bất bình,
                  Bừng con mắt dậy thấy mình tay không”.

Trần Thái Tông cũng bảo tương tự như thế, nhưng chủ yếu là để cảnh tỉnh lòng người:

                “Ban ngày gắng sức cầu may,
                  Đêm đến hoá ra mộng tưởng”
                 (Nhật gian phí tận hãnh cầu,
                  dạ lý phiên thành đại mộng).
Riêng Nguyễn Công Trứ, một người tri hành hợp nhất, đã chân thành thốt lên những lời thống thiết bằng chính kinh nghiệm xương máu của bản thân mình:

                “Ôi, nhân sinh là thế!
                  Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao.
                  Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng nào,
                  Vừa tỉnh giấc nồi kê chưa chín!”.

Tuy thấy đời là mộng, nhưng ông không hề chán nản tiêu cực chút nào, ngược lại, còn tỏ ra tích cực yêu đời rất mực. Phải chăng nhờ am hiểu Phật giáo mà ông hành động như vậy?

Xem đời như giấc mộng kê vàng là một biểu tượng rất phổ biến, không những thi sĩ Nguyễn Công Trứ ưa dùng, mà còn một thi sĩ cận đại nổi tiếng khác của chúng ta là Tản Đà cũng rất thích nói đến:

                “Nào những ai kê vàng tỉnh mộng,
                  Tóc bạc thương thân,
                  Vèo trông lá rụng ngoài sân,
                  Công danh phù thế có ngần ấy thôi!”

Điều đặc biệt là Tản Đà tuy vẫn biết công danh là phù ảo, nhưng ông rất say mê và lưu luyến những giấc mộng con, mộng lớn của ông:

                “Giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi,
                  Tỉnh rồi lại muốn mộng mà chơi.
                  Nghĩ đời lắm nỗi không bằng mộng,
                  Tiếc mộng bao nhiêu lại chán đời”.

Tiếc mộng là điều rất nên thơ, nhưng chán đời thì thiết tưởng không nên có.

Giờ đây chúng ta bước sang kinh điển Phật giáo. Trước hết luận Đại-tỳ-bà-sa kể ra 5 nguyên nhân của mộng:

–    Nghĩ và sợ một điều gì đó có thực.
–    Một điều gì đã trở thành thói quen.
–    Tư duy và mong cầu một điều gì.
–    Kinh nghiệm có từ trước.
–    Do quỷ thần báo cho biết.

Còn Thiện Kiến Luật thì nêu ra 4 nguyên nhân:

–    Do thân thể không điều hoà.
–    Do thấy trước.
–    Do trời, người gây ra.
–    Do tưởng đến mộng.

Nhưng Đại Trí Độ luận thì giải thích nguyên nhân của mộng khác tường tận:

Khi thân thể không điều hoà, nếu nhiệt độ cao quá thì mộng thấy lửa, thấy màu vàng, màu đỏ. Nếu nhiệt độ thấp quá thì mộng thấy nước, thấy màu trắng. Nếu phong khí nhiều thì mộng thấy bay bổng, thấy màu đen. Nếu suy nghĩ nhiều về những việc mình đã nghe, đã thấy thì giấc ngủ sẽ minh hoạ lại cảnh tượng ấy. Hoặc muốn biết những việc trong tương lai cũng phát sinh ra mộng.

Nhân đây, chúng ta có thể liên tưởng học thuyết của nhà tâm lý học Freud nói về mộng. Ông cho rằng tất cả chúng ta có những ẩn ức sinh lý và những khát khao tâm lý, mà cuộc sống đời thường không thể thực hiện được. Đến lúc ngủ, ý thức tạm ngưng hoạt động, vô thức bèn tạo ra những hoạt động để thực hiện những ước mơ đời thường. (Encyclopedia Britanica, Q.7, 638-643).

Đó là nguyên nhân của mộng, còn nghĩa lý của mộng thì như kinh Kim Cương đã nói:

           “Tất cả pháp hữu vi
           Như mộng huyễn, bọt bóng
           Như chớp, cũng như sương
           Nên quan sát như vậy”.

Kinh dạy chúng ta phải thấy các pháp hữu vi như bọt bóng để làm gì? Phải chăng để xa lìa mộng tưởng điên đảo? Mà có xa lìa mộng tưởng điên đảo thì tâm ta mới hết chớng ngại. Vì tâm được vô ngại nên không sợ gì nữa. Do đó mà đạt đến cứu cánh Niết-bàn, như Tâm Kinh Bát Nhã đã chỉ dẫn.

Nhưng khi Bồ-tát đã đạt đến Niết-bàn vĩnh hằng an lạc rồi chẳng lẽ không ngó ngàng gì đến chúng sanh đang trầm luân trong bể khổ? Điều nầy đã được Bồ-tát Đại Tuệ đưa ra giải đáp khá minh bạch trong bài tán thán kinh Lăng Già:

        “Thế gian hằng như mộng
          Lìa ý niệm đoạn thường.
          Trí chẳng thấy có không
          Mà khởi tâm đại bi”.

         (Viễn ly đoạn thường kiến
          Thế gian hằng như mộng
          Trí bất đắc hữu vô
          Nhi hưng đại bi tâm)

Những ai đã thấu triệt cuộc đời là ảo ảnh, thì không phân biệt có không, nhân ngã. Do đó, mới dễ dàng khởi tâm đại bi, quên mình phụng sự chúng sanh. Chính vì thấy thế gian như huyễn, nên đức Thế Tôn đã từ bỏ ngôi báu cao sang, vào núi tuyết cần tu khổ hạnh, để tìm ra phương thuốc cứu độ sinh linh. Vì thấy cuộc đời không thật, nên tôn giả A-Nan đã phát nguyện: “Đời ngũ trược con nguyện vào trước, còn một chúng sanh chưa thành Phật, con sẽ không vào cõi Niết-bàn”.

Vì biết chúng sanh không thật, nên Bồ-tát Quan Âm sẵn sàng thị hiện: Đốt đuốc tuệ nơi đường mê tăm tối, dong thuyền từ trên bể khổ trầm luân. Do thấy cuộc đời vô thường nên Bồ-tát Quảng Đức đã dùng thân mình làm ngọn đuốc soi sáng trần gian, thức tỉnh lòng người. Chúng ta có thể hình dung lại cảnh tượng ấy qua sự minh hoạ của một thi sĩ: “Lửa! Lửa cháy tất cả, cháy hết quần áo, cháy cả thịt xương; nhưng có một cái không cháy: Đó là quả tim. Vì quả tim tượng trưng cho tình thương. Lấy tình thương phủ lên máu sắt!” Vì xem ba cõi như không hoa, nên Bồ-Tát Địa Tạng phát nguyên: “Chúng sanh độ tận phương chấn Bồ-đề, địa ngục vị không thệ bất thành Phật”.

Vì thấy trần gian hư giả, nên các Bồ-tát quên mình vì người, phụng sự chúng sanh tức cúng dường chư Phật. Vì  Bồ-tát xem oán thân bình đẳng, thấy muôn loài điều là quyến thụôc anh em.

Hình như Thái Tông rất tâm đắc ý nghĩa câu kệ “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh”. Chẳng những tâm đắc mà còn thấm thía sâu sắc bằng chính kinh nghiệm bản thân. Thế nên vào đêm mồng 3 tháng 4 năm 1236, ông đã trốn triều đình, bỏ ngôi báu, lên Yên Tử, tìm đạo giác ngộ. Ngai vàng là cái mà người đời hằng mơ ước và quý trọng. Chúng ta thấy trong lịch sử xưa nay biết bao cảnh nồi da xáo thịt, cốt nhục tương tàn, chỉ vì tranh giành chiếc ngôi báu. Thế nhưng đối với Trần Thái Tông, ông xem chẳng nghĩa lý gì, nên khi cần bỏ thì sẵn sàng từ bỏ, như trút bỏ một đôi giày rách. Bởi vì, theo ông thì “Công danh cái thế vô phi đại mộng nhất trường”. Lời  khẳng định đó không chỉ lời nói suông, mà mang một sức nặng bằng cả hơi thở thổn thức, và những giọt nước mắt đau thương của chính mình.

Vua cùng Chiêu Hoàng cùng chung sống bên nhau, đầu ấp tay gối, như chim liền cánh, như cây liền cành, trải đà mười mấy nắng sương. Thế rồi, thốt nhiên nàng trở thành người xa lạ.

Trần Liễu với vua là anh em ruột thịt, rất mực thương yêu hoà thuận, sống trong nghĩa tình thắm thiết. Vậy mà bỗng chốc hai người lại biến thành thù nghịch. Thế thì sự đời khác chi trò ảo hoá: thương gét thay nhau, thân thù biến đổi.

Màn bi kịch ngang trái trên đây do Thủ Độ đạo diễn; việc làm của ông về mục đích thì không sai, nhưng về phương thức thực hiện thì hoàn toàn không ổn. Bởi thấy cuộc đời chẳng khác gì giấc mộng, nên Thái Tông sẵn sàng hi sinh tình yêu, nhận Thuận Thiên làm vợ, đặt quyền lợi tổ quốc, gia tộc lên trên quyền lợi của bản thân.

Cũng vì nhận chân trò đời là ảo ảnh, nên khi Trần Liễu đến hàng, vua đã ôm anh khóc, an ủi, tha thứ, đem đất ban cho, dùng tình thương để xoá bỏ hận thù. Tình anh em lại đằm thắm, gắn bó như xưa.

Do biết thế gian không thực, thân nầy vốn hư giả, nên Thái Tông rất dũng cảm. Khi ra trận, ông xông pha giữa làn tên mũi đạn, đi trước ba quân, xem tính mệnh như lông hồng, miễn sao được ích nước, lợi nhà thì dù hi sinh thân mình cũng không tiếc.

Chư Phật, Bồ-tát và chư vị Tổ sư khi đã an trụ nơi thật tướng, thấy chúng ta đang quay cuồng nơi mộng ảo, vì lòng từ bi, dùng phương tiện thiện xảo, chỉ cho chúng ta biết tất cả pháp hữu vi là mộng huyễn, và chúng ta là những người đang nằm mộng. Thật tình mà xét, nếu các Ngài chưa thể nhập được thật tướng thì không bao giờ đề cập đến mộng. Nên khi các Ngài nói đến mộng là đặt mình vào vị trí chúng ta, đứng về phía chúng ta mà nói, chứ đối với các Ngài “thực còn không có huống nữa là mộng”. Ngược lại, chính chúng ta là những người đang mộng, nhưng chưa bao giờ biết mình đang mộng. Đôi khi được kinh điển hay thầy lành bạn tốt chỉ cho biết là đang mộng, thì hoạ may chúng ta cũng chỉ thức tỉnh được trong vài giây phút mà thôi. Nhưng sau đó lại chìm vào cõi mộng. Và do mộng nên chúng ta tưởng lầm mọi sự vật đều là thực cả. từ cái thân năm uẩn nầy cho đến non sông, thế giới, muôn sự muôn vật, cái gì cũng thực hết trơn. Do tưởng lầm các pháp là thực, nên chúng ta đã quay cuồng muôn triệu kiếp trong mê mộng.

Oái ăm hơn nữa, khi chúng ta muốn nói đến cái thực, thì cái thực mà chúng ta nói cũng chỉ là mộng. và hết sức trớ triêu là hâu như tất cả mọi người điều mắc nhiên xác tín là mình đã nắm được cái thực. Rồi từ trên cơ sở đó, dấy lên bao nhiêu tâm bệnh, tạo thành cọng nghiệp, khiến cho thế giới chìm trong cảnh đau thương, khổ ải. Vì sao vậy? Thực quá rõ ràng, vì đó là hệ quả tất yếu của cái nhìn điên đảo, cái nhìn từ cõi mộng. Do đó mà đức Thế Tôn bảo là chúng sanh đã đi ngược chiều: Lấy mộng làm thực. và Trần Thái Tông cũng nói: “Đáo xứ mộng, trung thuyết mộng: rốt cuộc chỉ là người trong mộng nói chuyện mộng”.

Khi các ngài nói đến mộng là muốn nhấn mạnh cái chỗ thấy biết mộng mị của chúng ta hơn là cái thế giới khách quan bên ngoài. Bởi vì, thế giới xuất hiện trước mắt chúng ta cùng lúc xuất hiện ra trước mắt các ngài. Trong khi các ngài an trụ nơi thể tánh thì chúng ta lại đắm mình trong mộng ảo. Như vậy, chỗ khác nhau là cái nhìn, chứ không phải thế giới khách quan. Cái nhìn của chúng ta là cái nhìn của người bệnh mắt, nên thấy hoa đốm giữa hư không tưởng lầm là hoa thật, như kinh Lăng Nghiêm đã chỉ rõ.

Các bậc cổ đức dù đã an trú nơi thật tướng vẫn thể hiện lòng từ bi cho chúng ta thấy đâu là mộng. Trong khi chúng ta chưa từng rõ đích thực là gì, tất nhiên chúng ta sẽ sống hoàn toàn trong mộng. Thế thì làm thế nào để vở mộng, thể nhập được thực tướng, án trú trên mảnh quê hương đích thực của mình? Đây há không phải là điều mà Trần Thái Tông muốn cảnh tỉnh chúng ta:

            “Cửa đệ nhất phải mau bước tới,
              Nẻo tam đồ chớ có lần đi
              Quay đầu về nhận lấy quê nhà,       
              Mở mắt tuệ chớ say mộng hão”.

             (Đệ nhất nghĩa môn tu trực nhập
              Ư tam ác đạo mạc thân hành.
              Hồi đầu nhận nhập tự gia hương,
              Khai nhãn, vật cam phù thế mộng).

T.P.S.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here