Trang chủ Thiền môn xứ Huế Giai thoại Giá trị hiện hữu cái nhìn an lạc

Giá trị hiện hữu cái nhìn an lạc

266
0

Đức Phật nhìn con người thật hoàn hảo và hoàn toàn siêu việt giai cấp hay giới tính. Hơn thế, trong một thế giới mà mọi thứ đều phải nương vào nhau mới hiện hữu và tồn tại – thuật ngữ đạo Phật gọi là “duyên sinh” – thì mỗi một sự vật có mặt trên cõi đời này vốn đã có một giá trị nào đó (Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau – Trịnh Công Sơn), huống nữa là con người. Chính vì lẽ đó mà đạo Phật xem sự kiện được làm thân người là một may mắn lớn. Biết thế nhưng việc sinh con trai hay con gái xưa nay vẫn là vấn đề làm bận lòng các bậc làm cha mẹ.

Bản kinh “Người con gái” thuộc phẩm Kosala, Tương Ưng Bộ, thuật câu chuyện rằng một hôm vua Pasenadi nước Kosala đang ngồi hầu chuyện với Phật thì có một cận thần đi đến kề bên tai vua mà tấu trình: “Thưa Đại vương, hoàng hậu Mallikà đã sinh hạ được một người con gái”. Nét u buồn lộ rõ trên khuôn mặt nhà vua. Lúc ấy Phật nói với vua Pasenadi nước Kosala:

“Này Nhân chủ, ở đời, có một số thiếu nữ, Có thể tốt đẹp hơn, So sánh với con trai, Có trí tuệ, giới đức, Khiến nhạc mẫu than phục. Rồi sinh được con trai, Là anh hùng, quốc chủ, Người con trai như vậy, của người vợ hiền đức, Thật xứng là Đạo sư, Giáo giới cho toàn quốc. (Kinh Somà, Tương Ưng Bộ)

Lời Phật dạy về con người thật giản dị mà thấu tình đạt lý lắm. Nhìn gần thì thực tế, nhân bản. Nhìn sâu hơn thì rất sáng suốt, an lạc. Nhìn gần là cái nhìn thường tình về giới tính. Phật nói thực tế ở đời có những phụ nữ tốt hơn đàn ông, vì họ biết phát huy phẩm hạnh giác ngộ cao cả của chính mình. Thực hơn nữa là không có vị anh hùng, quốc chủ hay đạo sư nào là không có mẹ. Mà ai đã được làm người hoặc thành tài lại quên ơn mẹ mình? Nhìn sâu hơn là nhìn con người siêu việt giới tính. Đức Phật dạy mỗi người đều có Phật tính, nam hay nữ hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến việc người ta trở thành thánh thiện hay giác ngộ.

Sự thật thì chuyện sinh con gái hay con trai không là nội dung bàn luận của Phật. Bởi mọi người đều có Phật tính nam hay nữ không còn là chuyện đáng bàn. Điều Phật muốn nhắc nhở là giá trị hiện hữu của con người, giá trị ấy thiêng liêng lắm, cần tuyệt đối tôn trọng, không nên bận lòng suy nghĩ thiệt hơn làm tổn thương tính thiêng liêng vốn có trong mỗi con người. Nhược bằng chưa khỏi hết bận lòng nghĩ suy thì Phật khuyên cần phải xem năng lực trí tuệ và đức hạnh của người ấy biểu lộ đến đâu, mà không phải là vấn đề nam hay nữ.

Mỗi con người tự nó đã có một giá trị thiêng liêng như thế thì vấn đề giới tính càng đặt ra, dù dưới hình thức đấu tranh đòi hỏi hay bênh vực, càng vô tình làm tổn thương tính thiêng liêng của con người nói chung. Đấu tranh giới tính chỉ xảy ra khi người ta không nhận ra và không tin mình cũng bình đẳng như người khác về phương diện thánh thiện. Nhưng người biết phát huy Phật tính của mình thì không đòi hỏi điều gì và không cần ai lên tiếng bênh vực. Hãy xem câu trả lời của một ni cô chuyên tâm thực hành giáo pháp của Đức Phật với một ý thức rất rõ về khả năng giác ngộ siêu việt giới tính của chính mình:

Nữ tánh chướng ngại gì,
Khi tâm khéo Thiền định,
Khi trí tuệ triển khai,
Chánh quán pháp vi diệu?
Ai tự mình tìm hỏi:
“Ta, nữ nhân, nam nhân,
Hay ta là ai khác?”

Các bậc cha mẹ cần lắng nghe lời Phật dạy về giá trị hiện hữu thiêng liêng của con người nói chung và cần có tâm niệm hoan hỷ – bình đẳng khi sinh con trai hoặc con gái. Bởi chỉ riêng tâm niệm hoan hỷ – bình đẳng của các bậc cha mẹ không thôi đã là nguồn sữa thiêng liêng và tốt nhất cho con mình (gái hay trai) nhanh chóng khôn lớn và trở thành người hiền thiện, hữu ích.

Tịnh Bảo: Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 53

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here