Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Giá trị di sản Hán Nôm trong nghiên cứu Phật học

Giá trị di sản Hán Nôm trong nghiên cứu Phật học

199
0



Trong dòng chảy ấy, tư liệu Hán-Nôm là một trong những di sản mang giá trị góp phần định tính và bảo lưu bản sắc của nền văn hóa dân tộc Việt. Cho dù người Việt Nam hôm nay có vận dụng nền khoa học kỹ thuật hiện đại vào bất kỳ lĩnh vực nào đi chăng  nữa nhưng những khái niệm chứa đựng  trong  các lớp từ ngữ Hán-Việt hoặc Nôm đã trở thành mạng mạch trong cảm thức của người Việt Nam chúng ta. Trong hệ thống ngôn ngữ đó, những thuật ngữ Phật học, ngoài tính chất chuyên môn của một tôn giáo, còn là những khái niệm quen thuộc đi vào đời sống của người dân Việt như nhân quả, nghiệp báo, luân hồi, thiện ác… Sự đan xen giữa hiện tại và quá khứ, giữa tôn giáo và dân tộc – trong đó có sự đan xen ngôn ngữ – đã tạo nên thế cân bằng cần thiết trong sinh hoạt của người dân đất Việt.


Chữ Hán vào Việt Nam theo con đường giao lưu văn hóa của hai dân tộc Việt – Hán bắt đầu từ những năm thuộc thế kỷ trước Công nguyên. Những di tích, di vật khảo cổ thời Hùng Vương mới được phát hiện vào nửa sau thế kỷ XX chỉ mới dừng lại ở mức độ tham  khảo bước đầu về họa tiết mang hình chữ viết của người Việt1. “Đến Đông Hán, khi Sĩ Nhiếp làm Thái thú Giao Châu, thủ phủ Luy Lâu trở thành  nơi tụ hội của nhiều danh  sĩ Trung nguyên. Đó là thời kỳ giáo dục Hán tự ở Giao châu khá phát triển, có ảnh hưởng khá lâu dài trong lịch sử phát triển văn hóa Việt Nam… Nhưng bấy giờ tại Luy Lâu chưa phải Nho giáo mà Phật giáo mới là lực lượng xã hội có ảnh hưởng rộng lớn. Tại đây có trung tâm Phật giáo đã từng dịch được 15 bộ kinh từ chữ Phạn ra chữ Hán 2. Mặc dù các nguyên bản thư tịch trong nước trước thời kỳ Bắc thuộc hầu như không còn lưu truyền, nhưng qua văn khắc trên bia đá được tìm thấy tại Đông Sơn Thanh Hóa do Nhân Nguyên Khí người Hà Nam soạn có niên đại Đại Nghiệp (618) thời nhà Tùy 3 và chiếc chuông  đồng  được phát  hiện ở xã Thanh Mai huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây có niên đại Trinh Nguyên thứ 14 (698) đã phần nào cho thấy chữ Hán thực sự có mặt ở Việt Nam khá sớm và đã trở thành phương tiện ghi chép và truyền thông của người Việt được thể hiện bởi những văn khắc xuất hiện trên pháp khí Phật giáo.


Đầu thời kỳ độc lập, chữ Hán và tiếng Hán được sử dụng ngày càng rộng rãi ở Việt Nam. Nam Việt vương Đinh Liễn (?-979) dựng mười cột bia khắc kinh Phật ở Hoa Lư. Thời kỳ này tiếng Hán được sử dụng như một phương tiện giao tiếp, giao lưu kinh tế thương mại với Trung Quốc. Do Việt Nam bị Trung Quốc đô hộ trong khoảng hơn một ngàn năm nên hầu hết các văn bản quan phương hay văn khắc trên bia đá hiện còn lưu giữ ở nước ta đều sử dụng chữ Hán, cho thấy chữ Hán có ảnh hưởng hết sức to lớn đối với nền văn hóa Việt cổ. Từ sau thế kỷ thứ X, tuy Việt Nam giành được độc lập tự chủ, thoát khỏi ách thống trị của phong  kiến phương Bắc, nhưng chữ Hán và tiếng Hán vẫn tiếp tục được sử dụng  như một phương  tiện quan trọng để duy trì và phát triển văn hóa Việt Nam.


Bên cạnh chữ Hán là thứ văn tự đáp ứng được nhu cầu của tầng lớp thượng  lưu trí thức hoặc nằm trong các văn bản  quan  phương, thì chữ Nôm là loại hình văn tế dùng để ghi chép hoặc diễn đạt lời ăn tiếng nói cùng tâm tư và tình cảm của người dân Việt. Chữ Nôm là một loại hình văn tự được xây dựng trên cơ sở đường nét, thành tố và phương thức cấu tạo của chữ Hán để ghi chép từ Việt và tiếng Việt.


Chữ Hán và chữ Nôm trở thành  di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong đời sống xã hội Việt Nam. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến mảng Hán-Nôm tồn tại trong đời sống văn hóa Phật giáo Việt Nam. Khi đóng vai trò là văn hóa vật thể, di sản Hán-Nôm tồn tại trên nhiều chất liệu như đá, gỗ, giấy, vải, gốm, sứ… hiện hữu trong các chùa viện ở khắp vùng miền trên đất nước chúng  ta. Thời đại Lý-Trần, nhiều chùa chiền thờ Phật được xây dựng và dường như chùa nào cũng có văn bia ghi lại sự tích xây dựng trùng tu, như bia chùa Báo Ân An Hoạch sơn Báo Ân tự bi ký (1100), bia chùa Long Đọi Đại Việt Lý quốc gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi (1121), bia chùa Linh Xứng Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh (1126)… Mỗi tư liệu Hán-Nôm tồn tại trên những chất liệu ấy là nội dung chứa đựng tinh hoa của đời sống sinh hoạt Phật giáo. Nhiều bộ kinh điển bằng chữ Hán do các đại sư Trung Hoa phiên dịch từ Phạn văn sáng Hán văn đã du nhập vào Việt Nam và sau đó được khắc in qua các thời đại là phương tiện truyền tải thông tin sống động về những lời dạy của Đức Phật Thích-ca Mâu- ni. “Vua Trần tự tay viết chữ Phật sai khắc bia dựng tại chùa Phật Tích ở Bắc Ninh 4. Truyện Đệ nhị Tổ Pháp Loa  trong  Tam Tổ thực lục chép: “Đại Khánh lục niên Kỷ Mùi… thập nhị nguyệt sư mộ Tăng chúng thích huyết ấn Đại tạng, ngũ thiên dư quyển, trí Quỳnh Lâm viện – Năm Kỷ Mùi đại Khánh thứ 6 (1319)… tháng12, sư [Pháp Loa] khuyến mộ Tăng chúng chích huyết in Đại tạng, hơn 5.000 quyển, an trí ở viện Quỳnh Lâm”.


Những bức đại tự, hoành phi, câu đối, văn bia… có mặt ở hầu hết các ngôi cổ tự, già-lam trên đất Việt, ngoài sự chắt lọc ý nghĩa tinh hoa trong tư tưởng đạo Phật nhằm tuyên dương giáo lý Phật-đà, còn là ngôn ngữ được phô trần trên những chất liệu và không gian đặc biệt nhằm điểm xuyết cho tác phẩm nghệ thuật mang tính thẩm mỹ cao và cũng là hình thức trang trí thiêng  liêng của kiến trúc Phật giáo.

Những di sản ấy dần dần thâm nhập vào tâm thức của người dân Việt, nó đã tạo nên một lối tư duy thuần thiện và thể hiện trong lời ăn tiếng nói hằng ngày hay trong mọi lĩnh vực giao tiếp đời sống có sức ảnh hưởng  lan tỏa  trong cộng đồng; và khi trở thành bản sắc văn hóa thì nó trở thành thứ văn hóa phi vật thể.

Phật giáo đã truyền vào Việt Nam  hơn hai ngàn  năm  nay. Theo một số nhà nghiên cứu thì Phật giáo Ấn Độ truyền vào nước ta vào những năm đầu thế kỷ trước Tây lịch nhờ các thuyền buôn từ Ấn Độ mang sang, nhưng  do không hội đủ điều kiện khách quan cũng như chủ quan nên chưa thể phát triển thành một tôn giáo có ảnh hưởng đến quần chúng nhân dân, mà phải đợi sau khi truyền vào Trung Hoa, Phật giáo mới xâm nhập lớn mạnh vào địa hạt của đất Việt cùng một lúc với nền văn tự và văn hóa Hán. Như vậy, Phật giáo Việt Nam ngay từ ngày đầu phát triển đã có kinh sách điển tịch mà kinh Tứ thập nhị chương được coi là bộ kinh được dịch ra chữ Hán ở trung tâm Luy Lâu tại đất Việt đầu tiên rồi sau đó mới truyền sang Bành Thành ở Trung Quốc 5.


Đến thời đại Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, nhiều tác phẩm văn học Phật giáo Hán-Nôm xuất hiện tạo dấu ấn cho nền văn học nghệ  thuật  lúc bấy giờ. Lực lượng sáng tác văn học  dân  tộc  chủ  yếu là các nhà  sư, không những tầng lớp này chăm lo đời sống tự độ mà còn mở rộng phạm vi giáo hóa của mình đến tầng lớp trí thức đương thời, đặc biệt là cố vấn chính trị cho các đấng minh quân. Nổi bật như Đại sư Pháp Thuận (990), Ngô Chân Lưu (933 – 1044)… Ngô Chân Lưu được phong là Khuông Việt đại sư. Bài từ nổi tiếng Vương lang quy của ông không những mang giá trị văn chương trác tuyệt phục vụ trong lĩnh vực chính trị ngoại giao mà còn biểu hiện rõ tầm nhìn của một vị sư đại diện cho trí thức Việt trong niềm tự cường dân tộc. Nhà sư Mãn Giác (1032-1096) có bài Cáo tật thị chúng nói lên niềm lạc quan, nhập  thế của người Phật tử, đặc biệt là sự nhìn nhận giá trị con người trong kiếp sống vô thường  biến đổi của nhân sinh. Thiền phái Trúc Lâm thời Trần với các vị Tổ sư Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đã để lại nhiều áng văn thơ Hán-Nôm nổi tiếng. Tác phẩm chữ Hán Thiền uyển tập anh của Kim Sơn, Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục của Tuệ Trung; tác phẩm  chữ Nôm Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca của Trần Nhân Tông, Vịnh Hoa Yên tự phú của Huyền Quang là những  tác phẩm Thiền học Hán-Nôm nổi tiếng, đóng góp rất nhiều cho thành tựu của lịch sử văn học và lịch sử tư tưởng Việt Nam.Gia tri di san Han Nom.


Sang đời Lê, mặc dù tư tưởng  Nho gia được phát triển trong nền giáo dục khoa cử, mở mang văn hóa, đường  lối trị lý nhưng  nhiều tác phẩm  văn học Phật giáo cũng được khắc in lưu truyền, trong đó đặc biệt là bản kinh Đại báo phụ mẫu trọng ân bằng chữ Nôm mà sau này Trịnh Quán khắc in lại vào năm 1730, Nam Hải Quan Âm bản hạnh, Thiền tịch phú… của Hòa thượng Chân Nguyên. Thiền sư Hương Hải đã để lại tác phẩm Giải Kim Cương kinh lý nghĩa, Giải Di-đà kinh sớ sao, Giải Tâm kinh ngũ chỉ và Sự lý dung thông.


Đến đời Nguyễn, rất nhiều bậc vua chúa quan tâm đến Phật giáo, phát  huy tinh thần “cư Nho mộ Thích” nên nhiều vị chúa nghiên cứu sâu xa giáo lý đạo Phật như Nguyễn Phúc Khoát, Nguyễn Phúc Tần, Minh Mệnh,  Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái… Tầng lớp xuất gia cũng để lại nhiều tác phẩm Hán-Nôm có giá trị. Hòa thượng Phúc Điền đã đóng góp rất nhiều cho việc quảng bá và giảng dịch thư tịch Hán-Nôm, các tác phẩm mà Hoà thượng để lại như Khóa hư lục quốc âm, Thái căn đàm, Hộ pháp luận, Trúc song tùy bút, Đạo giáo nguyên lưu.


Nhiều nhà Nho các thời đại sau khi treo ấn từ quan cũng tìm đến Phật môn để sống đời thanh tịnh trong triết lý Chân như không tịch của Phật giáo, như Ngô Thì Nhậm, Điềm Tịnh cư sĩ, Như Như đạo nhân. Họ đã để lại các tác phẩm Hán-Nôm nổi tiếng như Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, Hàm Long song chí, Dương Xuân sơn chí, Lưỡng Xuân sơn chí… Đây là hệ thống tư liệu có giá trị để chúng ta nghiên cứu về mảng văn học, sử học và tư tưởng Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX.


Thư tịch Hán-Nôm trong kho tàng tư liệu Phật giáo hiện còn chủ yếu là kinh, sách. Bên cạnh đó còn các di sản Hán-Nôm như văn bia, hương ước, địa bạ, sắc dụ, chiếu biểu… liên quan đến sinh hoạt Phật giáo qua các thời đại. Để tìm hiểu một giai đoạn lịch sử xã hội nói chung hay một giai đoạn  lịch sử Phật giáo nói riêng, điều cần thiết và quan trọng nhất là chúng ta cần phải dựa vào thư tịch nền của nó. Nếu không có tư liệu Hán- Nôm làm nền thì mọi lập luận của người nghiên cứu đều không thể đứng vững.


Phật  giáo  du  nhập  vào Việt Nam song  hành  với văn hóa Hán, mà trong đó Hán tự là phương  tiện cần thiết để các nhà truyền giáo đạo Phật mang tư tưởng có ích cho số đông  vào đời sống rồi sau đó dần dần hình thành nên tâm thức của người Việt. Phật giáo Việt Nam xưa nay vận dụng hệ kinh điển Bắc truyền mà hệ tư tưởng kinh điển này phần lớn đều nằm trong Hán tạng. Người tu Phật hoặc giới nghiên cứu tư tưởng, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, văn học Phật giáo nếu không am hiểu hệ thống văn tự Hán thì sẽ thiệt thòi rất nhiều cho việc đào sâu vào cốt tủy của Phật giáo. Ngoài con đường tu chứng, muốn tìm hiểu nghiên cứu tư tưởng đạo Phật một  cách thấu  đáo  thì trước hết  chúng  ta phải biết sử dụng ngôn ngữ như một thứ công cụ then chốt dùng để chuyển tải nội dung mà kinh Phật muốn nói. Sau đó, chúng ta phải kết hợp với những kiến thức liên ngành để so sánh đối chiếu với những  luồng tư tưởng khác.


Ngày nay, nhiều  người lơ là với di sản Hán-Nôm, không  nghĩ rằng di sản đó từng  giữ vai trò văn hóa thành  văn chính thống  đã tồn tại trong  đời sống xã hội Việt Nam; dù là những văn bản quan phương  hay chỉ là các sáng tác của các văn nhân, thi hào. Nói cách khác, dù xuất hiện ở không gian và thời gian khác nhau nhưng di sản Hán-Nôm vẫn là mảng truyền thống được ghi lại trên sách vở, tức là tư liệu văn hiến.


Trong thời đại hiện  nay, nhiều  người  thường  chỉ chú trọng đến lĩnh vực khoa học kỹ thuật, tìm phương thức hữu hiệu nhất để phát triển kinh tế cho phù hợp  với nền kỹ thuật công nghệ và kinh tế thế giới, nhưng cũng cần hiểu rằng tìm việc phát triển kinh tế một cách ồ ạt mà lơ là với những  giá trị đời sống tinh thần, đi ngược lại thuần phong  mỹ tục và luân lý đạo đức vốn có thì sẽ tạo nên lỗ hổng  hoặc đứt đoạn  về văn hóa truyền thống dẫn đến tình trạng mất quân bình trong đời sống xã hội Việt Nam.


Ngày nay, ít người Việt Nam biết đọc chữ Hán và chữ Nôm, trừ những ai được đào tạo chính quy chuyên ngành tại các trường đại học thuộc  ngành  xã hội và nhân  văn. Khi vào các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng, họ chỉ biết thưởng  thức vẻ đẹp  chữ Hán qua  thư pháp chứ không thể đọc hiểu thư tịch Hán-Nôm hiện hữu ở các câu đối, hoành phi được treo trong đền chùa miếu quán, đừng  nói gì đến kho tàng  kinh điển bằng  chữ Hán. Ngay với những người may mắn hơn đã học qua chuyên ngành Trung văn thì phần lớn họ cũng chỉ đọc được mặt chữ, còn cú pháp hoặc triết lý chứa đựng trong từng câu chữ ấy thì dường như không biết gì vì khoảng cách giữa cổ ngữ và tân ngữ khá xa. Việc nhận diện chữ Hán đã khó mà việc tinh thông thư tịch văn hiến Hán lại càng khó hơn gấp bội.


Tư liệu Hán-Nôm đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển và bảo lưu văn hóa Việt, đồng thời thúc đẩy quá trình thuần thục văn hóa trong sự biến chuyển nhận thức xã hội qua từng giai đoạn lịch sử. Trong quá trình đó,  kho tàng  thư tịch và sử liệu Hán-Nôm Phật giáo đóng  vai trò không nhỏ đối với việc bảo lưu và truyền bá nền văn hóa dân tộc. Do đó, nghiên cứu văn hóa dân tộc Việt Nam không thể không luận bàn đến vai trò của Phật giáo. Bảo vệ và tôn vinh giá trị văn hóa tôn giáo là một trong những hướng đi đúng đắn của Nhà nước được biểu hiện qua Sắc lệnh số 65 ngày 23 tháng 11 năm 1945 về việc bảo vệ di tích văn hóa: “Cấm phá hủy những bi kí, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng giấy má, sách vở có tính chất tôn giáo nhưng có ích cho lịch sử”6.


Chú thích:

1. Xem Hà Văn Tấn, Dấu vết một hệ thống chữ viết trước Hán và khác Hán ở Việt Nam và Nam Trung. Quốc trong cuốn Chữ trên đá trên đồng minh văn và lịch sử, Nxb.  KHXH, 2001, tr. 14.

2. Ngô Đức Thọ – Trịnh Khắc Mạnh, Cơ sở văn bản học Hán Nôm, Nxb.  KHXH, tr. 133.

3. Văn bia này hiện đang  lưu giữ tại Bảo tàng  Lịch sử Hà Nội.

4. Ngô Đức Thọ – Trịnh Khắc Mạnh, Cơ sở văn bản học Hán Nôm, Nxb.  KHXH,, tr.134.

5. Theo Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn Học, 1992, tr. 62-63.

6. Trích theo Trần Kháng: Một số hiện tượng gây nhiều mất mát vốn di sản văn hóa. Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 12, năm 1978, trang 69. „

 

Trích Văn Hóa PG-nguồn: phatgiaothanhhoa.com

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here