Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Giá trị đặc sắc của văn hóa Phật giáo Huế

Giá trị đặc sắc của văn hóa Phật giáo Huế

177
0

“Văn hóa Phật giáo là văn hóa dân tộc. Nhiệm vụ của Phật giáo, ngoài sự tu dưỡng của mỗi cá nhân theo lời Phật dạy còn mang trọng trách lịch sử đã được tổ tiên xác định là “hộ quốc an dân”. (1)

Xem như thế, những thuật ngữ “hộ quốc”, “hộ pháp”, “an dân”, “thiền kinh”, “thủ đô Phật giáo” để gọi tên, gọi hồn cố đô Huế mà một thời đã là thủ phủ xứ Thuận Hóa đã bật sáng trở lại, thắp sáng cho thành phố Huế hôm nay theo đúng truyền thống lịch sử thành văn hóa theo đà hội nhập và tiến phát bắt nhịp cùng với văn hóa thế giới muôn sắc muôn hương.

Văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo đã hòa quyện, thể nhập theo lối vạn sự qui nhất, văn hóa là phần hồn của đất nước Đại Việt, một xứ sở gấm vóc mỗi ngày một thêm phong phú, đa dạng, rạng vỡ, tươi thắm, thăng hoa dẫu cho vận nước có lúc thịnh lúc suy. Qua cơn bĩ thái thì hưng dậy vươn lên sánh cùng, nhịp bước theo đà tiến nhân loại mà không mất gốc, không vong thân, không mất tiếng nói và ngôn ngữ để rồi bị đồng hóa. Tinh thần hóa giải như thế mới thật là đặc sắc, mới thật là đầy sáng tạo. Đó là niềm tự hào dân tộc: tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên.

Không một dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, nhân nghĩa được đặt lên hàng đầu trong ứng xử, trong đối đãi, trong bang giao và kể cả trong thế tự lo liệu bảo vệ nòi giống, giang sơn đất nước, phong tục, tập quán tốt lành. Người Việt Nam đã mở đường hiếu sinh cho đồng loại với dân tộc anh em và với kẻ thù xâm lược đã ngã ngựa, gác kiếm giang hồ, từ bỏ thủ đoạn thâm độc ma quỷ đưa lối dẫn đường.

Phật giáo Việt Nam đã và đang đóng vai trò hộ pháp cho các nhà nước xưa nay trong quá trình mở nước, giữ nước. Chính sách cơ mi (gọi là ki mi tạm dịch tự trị) trong đối trị, ứng xử, đối đãi với các dân tộc anh em vừa là một sách lược khôn khéo để thu phục tâm công, vừa để giữ gìn biên cương, lãnh thổ trên đất liền và các hải đảo ngoài biển khơi trải qua các thời đại lịch sử Trần – Lê – Nguyễn.

Dân tộc ta tiến về Nam bằng chủ trương đường lối hòa bình. Thuận Hóa Phú Xuân – Huế đã trải qua hơn 700 năm. Thuận Hóa là phên giậu thứ tư về phương Nam của nước Đại Việt dưới thời Trần vào thế kỷ với hai châu Ô, Lý được Hành khiển Đoàn Nhữ Hài tiếp quản vào năm 1307 sau đám cưới của Huyền Trân Công Chúa với vua Chiêm Chế Mân mà duyên khởi sau chuyến viếng thăm chu du khắp nước Chiêm Thành của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, thân phụ của vua Trần Anh Tông.

Đất mới vuông ngàn dặm, kéo dài từ bờ Nam sông Hiếu, tỉnh Quảng Trị cho đến bờ Bắc sông Thu Bồn của tỉnh Quảng Nam ngày nay. Về sau, biên cương của hai châu Thuận và Hóa có thay đổi, mở rộng đến trọn cả phủ Quảng Bình để hợp thành xứ Thuận Hóa, địa danh lịch sử này vẫn là tinh túy, cốt lõi nói lên những đặc trưng, những giá trị đặc sắc về lịch sử – văn hóa của một miền đất hứa, đầy vơi, đa dạng, trù phú mà Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã từng gọi là đất dụng võ của bậc anh hùng biết vận dụng đường lối văn trị, võ giáo: Trong thi khuyến khích văn phong, ngoài thì tỏ oai vũ lực như lời luận về phong tục xứ Thuận Hóa qua sách Ô Châu Cận Lục của Tiến sĩ Dương Văn An.

Đất Thuận Hóa đã từng là Bộ, là Xứ, là Phủ, là Trấn, là Thừa tuyên dưới thời Hồng Đức. Huế hôm nay là nơi vua chúa ngày xưa đã ở ngôi trị vì thần dân viếng thăm và bổ nhiệm danh thần, tướng võ trực tiếp cai trị muôn dân như Trương Hán Siêu, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật… được đời sau tôn thờ ở chốn miếu đường tôn nghiêm. Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế đã từng là thủ phủ, cố kinh, cố đô ngày xưa trải qua từng thời kỳ lịch sử, nhờ thế mà hôm nay Huế được vinh danh trở thành bài thơ đô thị, thành phố Festival cấp quốc gia, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của nhân loại.

Giá trị đặc sắc của văn hóa Phật giáo Huế cũng chính là giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc được nhân lên gấp bội phần do sự chung lưng đấu cật, chen vai góp sức của nhiều dân tộc bản địa Kinh – Chiêm – Thượng và kể cả người Hoa, không chịu nhà Thanh tìm đường đến nước Đại Việt, nhập cư để được gọi là Hoa kiều, lập thành những làng xã Minh Hương ở khắp các phố thị và nông thôn các phủ huyện của xứ Thuận Hóa.

Tiến xuống phía Nam, tiền nhân, tổ tiên bao đời của chúng ta đã kiên nhẫn, dày công thuần hóa cư dân bản địa, sống chung với các dân tộc anh em thuộc các nền văn hóa khác biệt. Tiến sĩ Li Tana đã làm sáng rõ thêm nhận thức ấy trong tác phẩm xứ Đàng Trong:

“… Trong những hoàn cảnh đó, Phật giáo Đại thừa đã cung cấp một giải pháp đáp ứng nhu cầu của họ Nguyễn. Phật giáo, một mặt đẩy mạnh bản sắc dân tộc của người Việt và mặt khác làm lắng đọng các mối lo âu của những người di dân mà không đặt lại vấn đề về tính hợp pháp của những người cai trị”.(2)

Đất Thuận Hóa đã nhiễm tục cũ của người Chiêm, cụ thể như còn nói tiếng Chiêm, một số đông cư dân còn phục sức theo lối Chiêm, thậm chí địa danh làng xã lập thành còn giữ tên gọi nửa Chiêm nửa Việt, tín ngưỡng dân gian của họ còn lưu giữ và quảng bá. Năm Mậu Ngọ, 1438 viết xong sách Dư Địa Chí, danh thần Nguyễn Trãi cho biết thực trạng ấy còn tồn đọng trong dân gian, không thể nào sớm xóa bỏ được: Người Chiêm tính tình hung hãn, quen khổ sở. (3)

Dụng nhân như dụng mộc, triều đình nhà Trần đã khôn khéo, tinh tế trong việc biến nghịch duyên thành thuận duyên, bằng cách dùng hạng người ấy để ngăn ngừa người Chiêm.

Qua việc sống chung, chung dụng trong giao lưu, ứng xử, buôn bán, người Việt cũng hiểu được tâm tư, nỗi lòng tâm sự của một số bộ phận cư dân người Chiêm còn “lưu luyến” quá khứ, còn ngắm nhìn di sản của họ mà hoài tưởng đến một thời xa xăm. Thật là ảo tưởng! Các vua Trần, vua Lê đã hiểu rõ điều ấy cho nên đã gọi xứ Thuận Hóa là phên giậu thứ tư về phương Nam của nước Đại Việt. Các danh thần, danh tướng được triều đình bổ nhiệm để giữ phần trọng trách quốc phòng, an ninh ở vùng biên viễn: Thời loạn thì dùng võ, thời bình thì dùng văn.

Dụng võ không có nghĩa là “võ biền”, “cực đoan” mà chỉ là một biện pháp, sách lược tạm thời để dương uy đối trị, để tự vệ bảo toàn cuộc sống chung “an cư lạc nghiệp”, “hộ quốc an dân” như chủ trương mà Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô Đại Cáo: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân.

Tấu trình lên vua Lê Thái Tôn về cái gốc và cái lợi của âm nhạc, vào tháng giêng năm Đinh Tỵ (1437), Nguyễn Trãi nói: “Dám mong bệ hạ rũ lòng yêu thương và chăm nuôi muôn dân khiến cho trong thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận, oán sầu”.(4)

Tư duy ấy chính là nhân nghĩa, thể hiện tinh thần nhân bản, yêu chuộng nhân dân một cách bình đẳng, không phân biệt mà còn biết tôn trọng đời sống văn hóa tâm tính của con dân ở vùng đất mới. Hòa bình, thanh bình là cái gốc của lễ nhạc Nguyễn Trãi, bậc danh thần tinh thông Tam giáo, tư tưởng nhân nghĩa được cổ xúy đã thấm đậm tinh thần hóa giải của giáo lý Phật Đà.

Đoàn kết dân tộc là chủ trương nhất thống để sơn hà xã tắc tồn tại, thanh bình và thịnh vượng. Chia rẽ bất cứ từ đâu, nội tại hay ngoại tại đều vô tình bị sa vào mưu đồ bất chính. Thế thì làm sao mà thể hiện được tinh thần bất khuất, tự chủ, kiên nhẫn và sáng tạo. Đó là nhờ dân tộc ta sẵn có 4 viên ngọc quý, 4 phẩm chất cao quý. Có văn trị võ giáo thì đất nước thịnh trị, nhân dân hạnh phúc.

Phẩm chất vô giá của người Thuận Hóa đã thể hiện trong tên gọi, danh xưng kể từ khi bờ cõi được mở rộng một cách thanh bình, hữu nghị, không tốn phí công sức, mồ hôi và một giọt máu đào từ mốc son lịch sử năm Đinh Mùi, 1307:

Tiên kết nhân tâm thuận
Hậu thi đức hóa chiêu
Chi diệp kham tồi lạc
Căn bản dã man dao
. (5)

Tạm dịch:

Trước tiên lòng người thuận,
Lấy đức hóa cõi đời.
Cành nhánh dẫu đổ rơi,
Gốc bền sao lay nổi!

Tứ chúng Phật tử và kể cả người chưa phải là Phật tử, mà hễ ai chọn cơ may duyên lành lấy tư tưởng trên làm kim chỉ nam cho việc rèn luyện phẩm chất, nhân cách theo đúng tiêu chí đạo hạnh và trí tuệ thì dân tộc ta là khối đoàn kết quý báu như kim cương mà không một thế lực nào chọc thủng nổi.

Tham lam, sân hận, si mê dẫn tới vô minh, là nguồn gốc của sai lầm và tội lỗi. Đó là 3 loại giặc tiềm ẩn, sẵn sàng tìm cơ hội bung vỡ. Có trí tuệ, sẵn từ tâm, giàu công đức và biết tự củ soát lại chính mình thì dễ nhận rõ căn cơ gây tác hại cho mình, cho người, cho xã hội từ ba loại giặc ấy; mà sẵn sàng tung gươm báu vô hình để đoạn trừ phiền não trước lưới cám dỗ khét mùi tục lụy bủa vây.

Dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), mà đỉnh cao là từ khởi đầu niên hiệu Hồng Đức cho đến ngày sách Ô Châu Cận Lục ra đời năm Ất Mão, 1555, xã hội Thuận Hóa và xứ Đàng Trong thật sự thái bình và thịnh trị, các sử sách đều ghi nhận các điểm son: luật lệ nghiêm minh và nhân đạo, người đi đường không nhặt của rơi, nhà cửa bỏ ngõ không sợ trộm cắp, người cô quả và tàn phế có nơi nương tựa nuôi dưỡng, đêm đêm nghe rõ tiếng học bài của sĩ tử, chợ búa không bán hai giá, kể cả cô hồn cũng có nơi nương tựa ở miếu từ, đàn lệ…

Sách Ô Châu Cận Lục ghi nhận rõ ràng và đáng tin cậy: “Nước ta, lộ Thuận Hóa ở tít ngoài phía Nam, phủ Triệu Phong gồm 5 huyện, núi sông hùng vĩ, ruộng đồng bao la, nhân dân đông đúc, thực là một nơi tụ hội quan trọng của một phương. Cảnh tượng giàu có, phong vật tốt tươi, không đâu hơn được”.(6)

Dưới thời Hậu Lê và Lê Trung Hưng tuy Phật giáo không còn là quốc giáo như triều đại trước, nhưng từ vua chúa, quan lại cho đến xã quan các thôn làng, phường trại, sách động… đều chăn dân theo chủ trương “Cư Nho Mộ Thích”. Đình, Chùa, Miếu, Vũ là di sản thiêng liêng, biểu trưng cho phần hồn, tinh hoa của sơn hà xã tắc, quanh năm đều có tổ chức lễ hội, hành hương, cúng tế nhờ được triều đình, làng xã cấp ruộng đất để canh tác lấy hoa lợi mua sắm lễ phẩm. Đó là đất ruộng hương hỏa, đất ruộng Tam Bảo mà dân gian gọi là nương chùa, ruộng chùa, hồ chùa…

Ngoài 7 ngôi quốc tự nổi tiếng ở Thuận Hóa như chùa Sùng Hóa ở làng Lại Ân, huyện Tư Vinh (Phú Vang), chùa Thiên Mụ ở đồi Hà Khê (Hương Trà), chùa Linh Sơn ở núi Rùa (Quy Sơn) ở gần cửa biển Tư Hiền thuộc huyện Phú Lộc ngày nay, theo Châu Bản Triều Nguyễn thì phủ Thừa Thiên trước năm Mậu Ngọ, 1918 có đến 9 ngôi quốc tự. Đó là Thiên Mụ, Giác Hoàng, Linh Hựu, Long Quang (cạnh chùa Từ Ân nay là chùa Vĩnh Nghiêm – Huế), Thánh Duyên, Diệu Đế, Từ Ân, Kim Sơn, Linh Quang và rất nhiều sắc tự quốc tự như Quốc Ân, Báo Quốc, Khánh Vân,Thiền Tôn.

Các làng xã đều có chùa quán. Làng lớn gồm nhiều thôn, dân cư đông đúc có từ 2 đến 3 chùa. Thật đúng như lời của nhà thơ Nguyễn Bính: Quê tôi có gió bốn mùa / Có trăng giữa tháng có chùa quanh năm. Vừa qua, nhân độc bài Tổng luận về phong tục của sách Ô Châu Cận Lục từ trang 44 đến 72, chúng tôi đọc một cách lý thú và say mê vì thấy tác giả tả đến những 36 cảnh chùa làng bằng thể phú với một văn phong nên thơ, duyên dáng về cảnh tượng của những ngôi chùa làng ở xứ Thuận Hóa một thời huy hoàng. Tiêu biểu vài nét để minh họa:

* Tùng Chiền trưa vắng, chuông gióng vang muôn dặm. Gốc Sơn Tùng thọ mãi, mù U Cần thơm lừng. (tr.66-67)
* Chùa làng sông Long Đội, từng nghe tiếng đồn chốn ấy; am non Phụ Ô, chưa nghe nói đến xứ này. (tr.68)
* Chùa Mộc Linh nhịp gõ khua đều, am Ưu Đàm hoa Ưu bát nở rộ. (tr.69)
* Sãi vãi rung chuông Phả Lại, ông chài hát khúc Dương Loan. (tr.70)
* Chùa núi Đường Long, nửa gian mây tụ, đình sông Thanh Kệ, muôn thoảng sóng, muôn khoảnh trời xanh. (tr.70)

Xem ra cảnh trí như thế, thì người Thuận Hóa hẳn phải như thế. Phong thổ có quan hệ với nhân tài, tăng tài, hùng tăng: Quảng Trị – Trung Kiên, Thừa Thiên – Giạ Lê. Các làng xã có địa mạch phát sinh danh tăng ở xứ Thuận Hóa khá nhiều mà tiêu biểu ở hai vùng đất: 1. Làng Trung Kiên thuộc tỉnh Quảng Trị, 2. Làng Giạ Lê thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Và truyền thống ấy hiện nay vẫn còn tiếp nối, phát triển theo lối tre già măng mọc ở vùng đất Thuận Hóa xưa nay.

Về bản sắc, giá trị đặc sắc của văn hóa Phật giáo Huế thì không cùng: bất ngôn tận ý. Bài viết chỉ nhằm khơi gợi lên một vấn đề có tính thời sự mà sâu thẳm lại mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo trải qua hơn 700 năm, nối kết 1000 năm Thăng Long – Hà Nội với văn hóa xứ Đàng Trong, với văn hóa nhân loại Đông – Tây kim cổ.

Thích Hải Ấn 

—————————————————–
Chú thích:
(1): Bản Tin Phật Đản số 9 và 10, Thích Giác Quang, Nhìn Lại Thành Tựu của Tuần Lễ Phật Đản, PL.2552-2008, Huế, tháng 5/2008, tr.12, 13.
(2): Xứ Đàng Trong, Li Tana, Nguyễn Nghị dịch, Nxb Trẻ, Hà Nội, 1999, tr. 194.
(3): Nguyễn Trãi Toàn tập, Ủy Ban Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1976, tr. 235.
(4): Nguyễn Trãi Toàn tập, sđd, tr.19 và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tập II, Nxb Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2004, tr.159.
(5): Đại Nam Thực Lục, Tập I, Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Viện Sử Học, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2004, tr.63.
(6): Ô Châu Cận Lục, Dương Văn An, Trung tâm Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn Quốc Gia, Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, Hà Nội, 1997, tr.60.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here