Chúng ta, ai cũng có thể gặp một người già ở đâu đó quanh đây. Và đó cũng là hình ảnh của chúng ta trong những năm tháng cuối đời mình.
Người càng già thì bản ngã càng cao… cũng là lẽ đương nhiên vì họ thường dính mắc và chấp vào khối kinh nghiệm sống khổng lồ được tích tụ qua năm tháng.
Cũng vì vậy mà người ta hay nói, càng già thì càng khó… thế nên con cháu cứ bị la mắng hoài.
Con cháu thì càng lớn lại càng xa cách với ông bà của mình. Có thể do đi học hay đi làm ăn xa, lâu lâu mới về thăm. Nhưng lý do chính vẫn là không muốn bị la mắng, không muốn chịu đựng sự khó chịu của ông bà.
Tôi cũng thường gặp những bà cụ già trên 80, sống cô đơn hịu quạnh, tháng lại ngày qua cứ trông mong con cháu về thăm… mỗi lần tôi ghé qua chơi, nói chuyện một lúc là thế nào cũng rắm rứt khóc… khóc vì tủi thân tủi phận, già rồi mà phải tự nấu ăn, tự đi chợ, rồi bệnh lên bệnh xuống tự đi mua thuốc về uống… ban đêm không dám ngủ vì sợ gặp ác mộng… Nhưng con cháu về chơi được mấy bữa là bị mắng bị la.
Nhưng cũng có những người già không muốn ở chung với con cháu, dù rằng con cháu rất muốn gần gũi để chăm nom. Lý do đơn giản là ông bà không thể chịu đựng được sự tự do của con cháu trong thời buổi này. Tụi nhỏ thì hay cãi lại, và sống theo cách tụi nó thích.
Một điều nữa ở người già là thường rất tự ti, mặc cảm. Họ luôn cảm thấy mình thật vô dụng, không giúp ích gì cho con cháu mà còn là gánh nặng cho gia đình. Chính từ lẽ đó mà họ rất nhạy cảm, rất dễ hờn dỗi và buồn tủi khi con cháu có lời nói hay hành động gì đấy dù vô tình, nhưng ông bà lại cảm thấy bị xúc phạm, bị khinh thường.
—
Rồi cũng đến lúc, ông bà nằm trên giường bệnh, con cháu bu quanh. Ai cũng muốn thể hiện tình yêu thương của mình… Người thì cúng dường món ngon vật lạ, người thì xoa bóp tay chân, hỏi thăm liên miên. Nhưng ăn có ngon lành gì đâu, tình cảnh này thì có vui vẻ gì đâu mà chuyện trò.
Nhìn những cảnh như vậy tôi thấy buồn vô cùng…
Giá như những ngày khỏe mạnh của ông bà, được con cháu chăm nom thường xuyên như vậy thì tốt biết mấy…
Con cháu thường trách ông bà khó chịu, cố chấp, bảo thủ… nhưng lại quên rằng, mình rồi cũng sẽ già, cũng lại như vậy… sao mình không cố gắng cảm thông và chia sẽ cho những nỗi niềm của người già, thay vì xa lánh, bỏ bê cha mẹ, ông bà của mình sống trong cô đơn hiu quạnh.
—
Đức Phật nói, Già là một trong những nỗi khổ lớn của con người. Chúng ta hãy cảm thông và chia sẽ với những tình cảnh và nỗi niềm của cha mẹ, ông bà mình ở tuổi về già.
Hơn nữa, những người con hiếu thảo với cha mẹ được Ðức Phật coi trọng như Phạm Thiên và những người con như thế sau khi mạng chung, sẽ được sanh lên các cõi Trời
Vậy nên, chúng ta hãy thôi trách cứ người già thế này thế kia… Từng giây từng phút, hãy tận tâm tạo sự bình an và niềm vui cho cha mẹ, cho ông bà của mình. Cho họ được hưởng thụ một tuổi già đầy tình yêu thương, vui vầy bên con bên cháu…
Để rồi sau này khi chúng ta già đi, một khoảng thời gian dài phải sống bám víu vào con vào cháu… chúng ta sẽ được hưởng phúc từ việc làm hiếu hạnh ngày trước của mình. Còn bằng ngược lại, chắc chắn luật nhân quả sẽ trừng phạt thích đáng chúng ta.
—
“Con ơi giờ mẹ chân đi không vững, nhấc không nổi bước
Mẹ xin con nắm tay mẹ,
Dìu mẹ, chậm thôiNhư năm đó
mẹ dìu con đi những bước đầu đời…”
M.H.P