Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Gia Hội khu phố cổ tuyệt vời ở Huế

Gia Hội khu phố cổ tuyệt vời ở Huế

144
0

Trong lúc phố cổ Hội An của tỉnh Quảng Nam nổi tiếng thế giới đang được UNESCO xét công nhận là di sản văn hóa của nhân loại gồm những khu nhà cổ, chùa cổ của người Trung Hoa đến làm ăn ở Hội An ngày xưa để lại, thì khu phố cổ Gia Hội Chợ Dinh gồm hàng trăm di tích của người Trung Hoa, của các ông hoàng bà chúa có tên trong lịch sử, của các văn nghệ sĩ, các nhân vật lịch sử nổi tiếng một thời. Đặc biệt đây là khu giải trí, đón khách du lịch trong nước và quốc tế từ cuối thế kỷ XIX. Thực hiện ý tưởng phục hồi khu du lịch phố cổ Gia Hội-Chợ Dinh, nhiều lần tôi đã hướng dẫn cho các khách du lịch có ý muốn khám phá Huế theo ba tuyến tham quan khu Gia Hội Chợ Dinh sau đây:

I. PHỐ CHỢ DINH

Người Huế, khách tham quan đã đi qua Huế một lần, không ai không biết hai địa danh Đông Ba-Gia Hội. Hai từ nầy đã có từ xưa. Nhưng khu vực phố phường-chợ Đông Ba sầm uất như ta thấy ngày mới ra đời cách đây đúng 100 năm (1899 – 1999) nhân sự kiện vua Thành Thái cho chợ Đông Ba họp trước cửa Đông Ba "đem ra ngoài giại" bên bờ bắc sông Hương. Cũng chính năm ấy cầu Trường Tiền sắp làm xong (1899) và phố Trường Tiền (Trần Hưng Đạo ngày nay) được thành lập. Bây giờ chúng ta rảo bước qua cầu Gia Hội bắc qua sông đào cũng mang tên Đông Ba.

Cầu Gia Hội (Pont de la belle et bonne Réunion) Hai từ Gia Hội do vua Minh Mệnh đặt từ năm 1837. Buổi đầu cầu làm bằng gỗ, đến năm 1904, vua Thánh Thái cho xây bằng đá dài 67 thước, ngang 7 thước.(1) Trước nữa, cầu có tên là An Hội (Pacifique Réunion). Có lẽ vì ở đầu cầu phía tây hồi xưa có đền An Hội chăng (?). Đầu cầu phía Đông tựa trên mô đất nằm ở ngã ba sông Đông Ba và sông Hương. Nơi đây từ thời Gia Long đã hình thành một cái chợ mang tên Được (Chợ Được-Le Marché où l’ on gagne). Chợ Được nằm bên bờ hai con sông, tàu bè đò giang lui tới thuận lợi nên chợ Được là nơi buôn bán sầm uất nhất Huế lúc ấy. Nhưng nó đã phải dẹp bỏ trước sự ra đời của chợ Đông Ba ở ngay đầu phía tây của cầu Gia Hội. Như thế chợ Được đã trở thành một nơi lưu niệm cách đây cũng đúng một trăm năm.

Khu Gia Hội thuộc hai phường Phú Cát và Phú Hiệp, là khu dân cư cổ của thành phố Huế nằm trên hòn đảo bao bọc chung quanh bờ sông Hương và sông Đông Ba. Còn phố Gia Hội kéo dài từ cầu Gia Hội đến cầu Đông Ba ngày nay. Con đường mà dân gian thường gọi là đường Gia Hội (Chi Lăng ngày nay) ngày xưa là phố Chợ Dinh (Dinh Thị Phố), bắt đầu từ cầu Gia Hội. Phố Chợ Dinh gồm có 8 hàng: Gia Thái, Hòa Mỹ, Phong Lạc, Dinh Ninh, Hội Hòa, Mỹ Hưng, Thụy Lạc và Tam Đăng, gọi chung là 8 hàng ở ven sông (Duyên giang bát hàng) đứng đối diện nhau qua một con đường lớn. Tên tám hàng là tên chữ cũng đã chứng tỏ đây là khu vực của người Hán Thanh. So với các phố Gia Hội, Đông Gia, Đông Hội, phố Chợ Dinh tấp nập hơn cả.

Trước lúc phát triển thành Tám hàng ven sông, khu vực nầy dành riêng cho các phủ phòng dinh thự của các ông hoàng, bà chúa nên có lẽ vì thế người ta nhầm chữ Dinh ở đây là dinh của những con vua cháu chúa đó. Sự thật chữ dinh có sớm hơn. Khu vực nầy dưới thời các chúa Nguyễn là doanh trại của quân đội. Người Hán Thanh ở Thanh Hà, Minh Hương, Bao Vinh gọi khu vực đóng quân đó là Dinh. Dinh – theo cách tổ chức binh lính cũ của Trung Quốc, đơn vị có 500 quân gọi là một Dinh. Ở phía dưới ngày xưa có một cái chợ phục vụ cho binh lính trong Dinh gọi là Dinh thị hạ ấp (chợ Dinh ở ấp dưới). Vì cái tên chợ Dinh xưa đó mà có tên phố chợ Dinh chăng?. Trong khu vực nầy còn có một địa danh khác nữa là Dinh Ông. Theo một nguồn tư liệu mà tôi có được, địa danh Dinh Ông mới xuất hiện vào nửa sau thế kỷ XIX và tôi sắp giới thiệu ngay dưới đây.

Dinh Ông: Gia Hội có nhiều dinh thất của các ông hoàng, bà chúa, quan chức cao cấp trong triều đình nhà Nguyễn. Ông quan to nhất có nhà ở đó là ngài Phụ chính Đại thần Trần Tiễn Thành (1813 – 1883) của vua Tự Đức. Ngôi nhà đó – theo gia đình họ Trần – đó là Dinh Ông. Sau khi vua Tự Đức mất, ngoài ông Trần còn có ông Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết cũng được cử làm Phụ chánh Đại thần để giúp đỡ cho các vua nối nghiệp Tự Đức. Sau vì mâu thuẫn nội bộ, ông Trần xin về nghỉ ở Dinh Ông đường Chợ Dinh (nơi tọa lạc của xóm nhà từ số 127 đến 129 Chi Lăng ngày nay) và ông Trần đã bị bộ hạ của ông Tôn Thất Thuyết ám hại vào một đêm cuối tháng 10 năm Tự Đức thứ 36 (1883).(2)

Cầu Gia Hội

Đền Chiêu Ứng. – Từ Dinh Ông đi xuống thêm năm sáu nhà nữa đến số 143 Chi Lăng, khách thấy một công trình kiến trúc cổ rất đẹp. Đó là đền Chiêu Ứng của người Hải Nam xưa. Đền nầy xây dựng từ năm 1908 trên nền cũ của một ngôi chùa nhỏ ra đời từ năm 1887. Đền nầy thờ 108 người Hải Nam đến làm ăn sinh sống ở Thuận Hóa từ lâu. Năm 1851, trong khi đi biển, họ bị quan quân nhà Nguyễn tưởng giặc cướp giết nhầm. Sau đó vua Tự Đức biết sự thật đã trị tội rất nặng những người đã giết người vô tội và cho tế lễ giải tội cho những người chết oan. 108 người bị giết oan sau trở thành các vị thánh linh thiêng đã giúp đỡ, phù hộ cho người đi buôn bán trên biển được an toàn, dân Hải Nam làm đền thờ thờ họ và đặt tên là Chiêu Ứng. Đền Chiêu Ứng chính xây dựng ở thành phố Hải Châu, huyện Văn Xương (Hải Nam), bằng 5 lần đền ở Huế, và ở những nơi người Hải Nam đến làm ăn như Sài Gòn, Xanh-ga-po, Thái Lan đều có đền Chiêu Ứng. Ngôi đền các bạn đang xem được xây dựng bởi những bàn tay tinh xảo nhất đến từ Hải Nam. Đền được xây cách biệt với đường Chợ Dinh bằng một cái sân rộng và một bờ rào tạo bởi những thanh sắt rất mỹ thuật. Phần trang trí bên ngoài, bên trong, liễn, đối, hoành phi treo trên các bức vách rất đẹp, vững chắc và không giấu được sự giàu sang. Vào tháng 6 (âm lịch) hằng năm, những đệ tử của đền tổ chức kỵ giỗ 108 người đã mất. Lúc thịnh thời, lễ kỵ nầy tổ chức đến ba ngày.

Phủ Thọ Xuân đứng nhìn ra đường kiệt ở giữa hai số nhà 145 và 147 Chi Lăng. Thọ Xuân Vương (1810 – 1886) là con trai thứ ba của vua Minh Mệnh, nhưng người anh thứ hai của ông mất sớm, cho nên ông trở thành người em kế của vua Thiệu Trị. Ông nổi danh về thơ và ứng đối. Ông đã có nhiều đóng góp cho việc tổ chức Phủ Tôn Nhơn, quản lý bà con Nguyễn Phước tộc. Năm 1842, ông được theo vua Thiệu Trị ra Bắc làm lễ tuyên phong, ngày chánh lễ, sứ Thanh đi kiệu vào thẳng cửa Chu Tước, các quan đón tiếp không ngăn được, ông nghiêm sắc mặt thét bảo đứng lại, sứ Thanh mới xuống ngựa thong thả đi vào. Các quan rất sợ nhưng vì quốc thể ông phải có thái độ. Về Huế, ông được vua Thiệu Trị ban tặng cho một viên ngọc để đeo, trên có khắc 4 chữ "Đặc dị quyền hưu" (yêu thương che chở đặc biệt). Thời Tự Đức, ông giúp nhà vua tìm người có học dạy dỗ các hoàng tử và người trong họ. Sau ngày thất thủ Kinh đô, vua Hàm Nghi xuất bôn, ông phải làm Nhiếp chính. Thọ Xuân Vương có 78 con trai, 66 con gái. Ông và con cháu mở ra Phòng 3 Đệ nhị chánh hệ.

Chùa Quảng Đông ở tiếp theo số 155 Chi lăng, của Bang Quảng Đông, cũng ra đời từ cuối thế kỷ XIX, thờ Quan Công.

Phủ Thoại Thái Vương ở kế tiếp chùa Quảng Đông (nằm giữa hai số 157 – 159 Chi Lăng). Tên thật của ông là Hồng Y (1833 – 1872), con thứ tư của vua Thiệu Trị. Lúc nhỏ ông thông minh, dĩnh ngộ khác thường, lớn lên giỏi thơ nên được vua cha rất thương yêu. Năm 1871, vua Tự Đức giao ông kiếm nhiếp Tôn nhân phủ Hữu tôn nhân. Vua Tự Đức rất tự hào về tài năng của mình thế mà đã phải thú nhận rằng: "Thẹn rằng ta chẳng ngang bằng, Nhờ hơn bốn tuổi mà thành ta anh". Tên tuổi ông được người đời nhắc đến nhiều là vì ông có người con trai thứ ba là Nguyễn Phúc Ưng Ái được vua Tự Đức nhận làm dưỡng tử, sau được truy tôn là Cung Tông Huệ Hoàng Đế (vua Dục Đức). Nhưng rủi thay, Dục Đức chỉ ngồi trên ngai vàng chưa quá 3 ngày, nên cái phúc làm vua của con ông đã trở thành cái họa của gia đình ông. Và thật không ngờ, cháu nội và chắt nội của ông là Bửu Lân và Vĩnh San lại được lên ngôi với niên hiệu Thành Thái và Duy Tân. Và, cuối cùng hai ông vua nầy lại bị đày sang đảo Réunion. Phúc họa – họa phúc đi liền nhau. Không ai thấm thía cái giáo lý nhà Phật sắc sắc không không bằng gia đình con cháu của ông.

Phủ Hòa Thạnh Vương, tại số 169 Chi Lăng. Hòa Thạnh Vương tên thật là Miên Tuấn (1827-1907), con thứ 37 của vua Minh Mệnh. Cuộc đời ông có mấy việc được sử nhà Nguyễn quan tâm. Việc thứ nhất, năm 1887, ông chống lại việc vua Đồng Khánh (con nuôi vua Tự Đức) phong cho mẹ đẻ của vua là bà Bùi Thị Thanh (người làng Cát Sơn, Quảng Trị), vợ Kiên Thái Vương, làm Vương phi. Vì vợ một ông hoàng được phong tước Vương xưa nay chưa có lệ ấy. Ông bị vua Đồng Khánh (cháu gọi ông bằng ông) cách hết chức tước. Đến thời Thành Thái ông mới được phục hồi các chức cũ. Việc thứ hai: Trong thời gian vua Thành Thái loạn tâm bị Triều đình và Tam cung giam ở đảo Bồng Doanh trên hồ Tịnh Tâm, Hòa Thạnh được giao trách nhiệm sắp xếp cho các quan trong triều thay nhau hầu hạ vua Thành Thái một cách tốt đẹp. Về sau vua Thành Thái hồi tâm, ông được hậu thưởng. Ông thọ đến 81 tuổi, để lại một số di cảo: Nhã Đường Thi Tập (10 cuốn), Hiếu Kinh Lập Bản, Quốc Âm Hiếu Sử. Ông và con cháu mở ra phòng 37 thuộc Đệ nhị chánh hệ.

Nhà Cô Nhơn Tham quan khu vực Gia Hội mà không dừng lại một chút trước nhà cô Nhơn tại số 173 Chi Lăng (3) thì thật vô tình với Huế. Tên thật của cô là Lê Thị Mùi, sinh năm 1907 tại làng Nại Cửu, Triệu Phong (Quảng Trị). Cô Nhơn vừa có giọng ca điêu luyện, vừa ngọt ngào. Giọng ca của cô là giọng tiêu biểu nhất trong thời cực thịnh của ca Huế (1925-1945). Cô đoạt giải nhất thi ca Huế tại Hội chợ Huế năm 1937. Giọng ca của cô cũng là duy nhất được ghi vào đĩa hát của hãng Béka cùng với tiếng đàn nguyệt của cậu Tôn Út và tiếng đàn nhị của Nguyễn Hữu Ba. Cho đến nay chưa có giọng ca Huế thứ hai nào có thể so sánh với giọng ca của cô Nhơn.

Nhà thờ Thanh Bình của ngành Hát bội tại Kiệt 5 (giữa hai số nhà 189-191 Chi Lăng) là di tích văn hóa quan trọng nhất ở khu vực Gia Hội. Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, ngành sân khấu truyền thống may mắn còn được ngôi từ đường Thanh Bình nầy. Nhà thờ được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 5 (1825). Đây là một ngôi nhà thờ Tổ ngành sân khấu lớn nhất và quan trọng nhất ở Việt Nam.

Từ đường khang trang này thờ các thần thánh được tôn là Thánh sư, Tiên sư, Tổ sư của ngành Hát bội cùng các người có công tích với nghề nghiệp sân khấu trên cả nước (thời Nguyễn).

Từ đường Thanh Bình cũng còn là nơi hàng trăm những người làm nghề sân khấu tụ hội, trao đổi những sáng tạo nghề nghiệp nhân dịp các nghệ nhân trên cả nước về tế tổ. Cụ Đào Tấn làm việc ở đây nhiều năm. Ông tuần hưu trí Nguyễn Hiển Dĩnh, người Quảng Nam, thời vua Khải Định cũng đã đến đây trao đổi nghệ thuật Hát bội.

Thời xưa, bao quanh từ đường là Thự Thanh Bình, cơ quan quản lý công việc múa hát cung đình. Đây là trụ sở của các đội Võ can-tổ chức văn công chuyên nghiệp của triều đình và những lớp Đồng ấu, trường đào tạo nghệ nhân múa hát.

Từ đường trông ra sông Hương, gồm ba gian hai chái cột gỗ, tường gạch, mái ngói, phía trước có hiên rộng. Sân từ đường nền đất, có tường thấp bao quanh và có tấm bình phong xây che ở phía trước. Phần sân giữa, sát hiên, có dựng sẵn một khung nhà bằng bê tông cốt thép để mỗi khi có tế lễ tiện căng vải lợp mái làm rạp. Trên cửa hiên giữa từ đường treo bức hoành sơn đỏ, chữ vàng: "Thanh Bình từ đường" làm năm Tự Đức thứ 6 (1853). Ngoài sân, bên phải, có tấm bia đá khắc dựng năm 1825 nói về nghệ thuật Hát bội thời vua Minh Mệnh, bên trái dựng tấm bia xi-măng ghi việc sửa chữa lại từ đường năm 1958. Thanh Bình từ đường đã được xếp hạng Di tích Văn hóa Lịch sử Quốc gia.

Chùa Bà (Hải Nam) thờ Bà Mã Châu, ở ngay góc đường Hồ Xuân Hương và Chi Lăng (số 205 Chi Lăng). Lúc mới đến Thuận Hóa, người Minh Hương làm chùa Bà (Thiên Hậu Cung) tại làng Minh Hương. Sau lên khu Gia Hội, họ làm ăn phát đạt làm thêm Chùa Bà nầy. Lúc chưa làm Chiêu Ứng từ, 108 người Hải Nam bị chết oan cũng đã được thờ ở đây.(4)

Chùa Triều Châu tại 211D Chi Lăng, thờ những vong linh xiêu bạt của Bang Triều Châu. Đây là ngôi chùa cổ lớn nhất và giàu có nhất so với các chùa Hán Thanh khác ở khu Gia Hội trước năm 1975.

Chùa Phúc Kiến, ở bên cạnh chùa Triều Châu tại số 213 Chi Lăng. Xây dựng vào năm Tự Đức thứ 7 (1854), thờ "Tam vị, ngũ vị".

Sẽ rất thiếu sót khi kết thúc lộ trình nầy mà không đề cập đến một vài địa chỉ ở dãy phố có số chẵn quay lưng với sông Hương. Địa chỉ đầu tiên là Phủ Quảng Biên Quận Công, ở số 184 Chi Lăng.Ông hoàng tử được thờ ở đây là Miên Thanh (1830-1877), con trai thú 51 của vua Minh Mệnh, một người có danh về thơ và thông suốt y lý, từng chẩn mạch cho vua Tự Đức (1865). Năm 1876, ông được theo vua Tự Đức đi chơi cửa Thuận An, phụng họa Ngự chế Thuận An thi 80 vận, được vua rất ngợi khen. Ông có 17 con trai và 10 con gái. Ông và con cháu ông mở ra phòng 51 thuộc Đệ nhị chánh hệ.

Nhà sưu tập tiền cổ. Địa chỉ cuối cùng không nên bỏ qua ở số 166 Chi Lăng của hai cha con ông Nguyễn Văn Cường và bác sĩ Nguyễn An Huy – những nhà chơi tiền cổ nổi tiếng Việt Nam. Tôi đã từng hỏi chuyện người bộ tiền cổ nầy (báo Lao Động) và bảo cha con ông Nguyễn Văn Cường là "Người giàu nhất nước". Đài VT3 của Trung ương đã vào xem và xác nhận đúng như thế.

Chỉ trên một con đường Chi Lăng không dài lắm mà chúng ta đã hiểu được cái chết của cụ Trần Tiễn Thành, đã tham quan được nhiều chùa Tàu nổi tiếng, thăm được phủ đệ của nhiều ông hoàng được lịch sử triều Nguyễn đề cập, thăm được cái nhà thờ Hát Bội số 1 của Việt Nam, thăm được người chơi tiền cổ giàu nhất nước và biết một chút về danh ca Ca Huế số một "Cô Nhơn". Nhưng khu Gia Hội không chỉ có thế mà còn phải tổ chức nhiều lộ trình nữa mới có được ý kiến sau cùng.

II. PHỐ MINH MẠNG

Không mấy người Huế chưa từng nghe câu ca dao:

            Đông Ba Gia Hội hai cầu.
            Ngó qua Diệu Đế bốn lầu hai chuông.

Trong bài trước chúng ta đã qua cầu Gia Hội, lần nầy ta qua cầu Đông Ba để đến những địa chỉ Huế xưa dọc theo con đường song song với phố chợ Dinh ngày xưa có tên là đường Minh Mạng.

Cầu bắc qua sông Đông Ba gọi là cầu Đông Ba, cũng có tên là cầu Đông Hoa. Sau vì chữ Hoa phạm húy tên bà Hồ Thị Hoa vợ cả của vua Minh Mạng nên đổi lại là cầu Đông Gia, nhưng tên này chỉ tồn tại trong giấy tờ nhà nước mà thôi. Dân gian gọi là cầu Đông Ba. Trước kia cầu làm bằng gỗ, đến năm 1892, vua Thành Thái cho làm lại bằng sắt.Đây là cái cầu sắt đầu tiên ở Huế nên Đại Nam Nhất Thống Chí gọi là "cầu sắt Đông Ba". Trên hữu ngạn sông Đông Ba có một tấm bia khắc dòng chữ: "Cầu Đông Ba xây xong vào một ngày tốt năm Thiêụ Trị nguyên niên" (21.4.1841).

Xuống hết dốc cầu Đông Ba gặp ngay đường Ngự Viên (nay là đường Nguyễn Du) thẳng góc với phố Minh Mạng" (5). Ở chỗ gặp gỡ nầy ngày xưa có quán bánh khoái nổi tiếng nhất Huế (Bánh khoái Đông Ba, Cơm gà Gia Hội đã từng đi vào văn học) (6).

1. Phủ Vĩnh Tường: Khách rảo bước đến số nhà 42 bên tay phải đường Nguyễn Chí Thanh, lách mình vào một ngõ hẹp thấy một ngôi nhà cổ ba gian hai chái nằm lặng lẽ trước một cái sân rộng nhìn ra hướng sông Đông Ba. Ở trước chái bên trái có tấm biển đề: "Vĩnh Tường quận vương phủ". Ông VĩnhTường quận vương (tên thật là Miên Hoành, 1811-1835) là hoàng tử thứ năm của vua Minh Mạng và bà Hiền Phi Ngô Thị Chính. Bà Hiền Phi Ngô Thị Chính là con gái của danh thần Ngô Văn Sở. Bà Hiền Phi được vua Minh Mạng rất sủng ái. Bà có với vua Minh Mạng 5 hoàng tử và 4 công chúa. Vua Minh Mạng đã có ý định truyền ngôi cho con trai của bà, nhưng sau vì chữ hiếu, theo lịnh mẹ là bà Thuận Thiên Cao hoàng hậu, ông đã truyền ngôi cho con trưởng là Miên Tông (niên hiệu Thiệu Trị) con trai của bà Hồ Thị Hoa. Trước năm 1966, tôi hay đến đây sinh hoạt thơ với Bảo Thái Khang Lang – hậu duệ của bà. Nay phủ thờ giao lại cho một người cháu ngoại của ông Vĩnh Quang chăm sóc. Phủ Vĩnh Tường còn giữ hai bức chân dung của các vị Lang, Hầu rất quý. Nguyễn Ánh Gia Long và Ngô Văn Sở là hai kẻ cừu thủ không đội chung trời mà cuối cùng lại cộng tác với nhau và gả con cho nhau. Hậu duệ của vua Minh Mạng và bà Ngô Thị Chính ngày nay còn nhiều người danh tiếng như nhà sử học Vĩnh Sính, nhà thơ Khang Lang ở nước ngoài, nhà văn Vĩnh Quyền ở Đà Nẵng.v.v…

2. Ngọc Sơn Công chúa từ: Quá bộ xuống một chút, ở phía bên kia đường là nhà thờ bà Công chúa Ngọc Sơn – con gái vua Đồng Khánh, tọa lạc trên một khu vườn rộng đến trên 2.600m2, tại số 29 Nguyễn Chí Thanh. Nhà thờ Công chúa Ngọc Sơn (Ngọc Sơn Công chúa từ) là một ngôi nhà cổ, trước có non bộ, ra xa hơn nữa có hồ hình chữ nhật khá rộng. Trong phủ còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ. Đây là một khu nhà vườn cổ tiêu biểu của Huế xưa. Phủ thờ lại được người cháu rể là nhà Huế học nổi tiếng Phan Thuận An chăm sóc, nên được khách du lịch và các nhà nghiên cứu Huế rất quan tâm.

3. Nơi hòa nhạc của của các danh cầm hồi đầu thế kỷ: Rời nhà thờ Công chúa Ngọc Sơn, đi tiếp qua chừng mươi ngôi nhà nữa, chúng ta sẽ đến một tòa nhà lớn mang số 49 Nguyễn Chí Thanh ẩn mình sau một dãy nhà ở mặt tiền đường Nguyễn Chí Thanh. Đây là tư thất của nhà nghiên cứu âm nhạc Huế Hoàng Yến (sinh năm 1888) hồi đầu thế kỷ. Hoàng Yến vốn là người làng Minh Hương, xã Hương Vinh, đậu Phó bảng năm 1919 (khoa cuối cùng, người cuối cùng trong danh sách khoa bảng triều Nguyễn). Ông từng giữ chức Thừa phái bộ Hộ, thư ký phiên dịch tại các Tòa sứ, tri huyện Bình Khê v.v. Hoàng Yến giỏi âm nhạc, ông là nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống Huế theo phương pháp Tây phương đầu tiên ở Huế, và viết bằng tiếng Pháp. Công trình của ông mang tựa đề La Musique à Hué "đờn Nguyệt" et "đờn Tranh". (Âm nhạc Huế, "đàn nguyệt" và "đàn tranh") dày đến 134 trang Tập san Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hué, số 3, năm 1919). Trong công trình nghiên cứu nầy ông giới thiệu 14 nhạc cụ dây (à corde), và 8 nhạc cụ hơi (à vent). Đặc biệt ông giới thiệu được những danh cầm Việt Nam từ đời Tự Đức cho đến đời Khải Định như các vị Tống Văn Đạt, Đội Chín, ông Hoàng Nam Sách (con vua Minh Mạng), ông Thiện, ông Ưng Dũng, ông Phủ Thông, ông Cả Soạn v.v. Trong ngôi nhà ngày nay mang số 49 Nguyễn Chí Thanh, đã từng diễn ra nhiều buổi hòa nhạc của các danh cầm số một hồi đầu thế kỷ (Xem ảnh).

4. Lầu ông Hoàng Mười: Một địa danh rất nổi tiếng ở vùng Gia Hội. Ông Hoàng Mười tên thật là Bửu Liêm, con thứ mười của vua Dục Đức (Ưng Chân), em ruột vua Thành Thái (Bửu Lân). Ông được phong tước là Hoài Ân Vương. Ông Hoàng Mười nổi tiếng phong lưu. Sau ngày vua Thành Thái Duy Tân bị đày, không rõ lý do vì sao, cuộc sống phong lưu của ông dần dần sa sút rồi mất hút. Địa điểm lầu ông Hoàng Mười cũ đã được xây dựng lên thành trường Trung học Gia Hội, với địa chỉ 80 Nguyễn Chí Thanh ngày nay.

5. Lăng và nhà thờ Tuy An Quận Công ở phía dưới Lầu ông Hoàng Mười cũ chừng 8 ngôi nhà vườn, tọa lạc tại số 96. Đây là một vùng đất thấp, hằng năm thường bị ngập lụt một vài lần. Không hiểu sao con cháu của ông hoàng thứ 41 của vua Minh Mạng lại dựng nhà thờ và xây lăng cho ông ở đây. Tuy An quận công tên thật là Miên Hiệp (hay Hạp, 1828-1893), có 10 con trai và 15 bà con gái. Một trong 10 người con trai của ông là ông Hường Đề (sinh 1885), người thân cận và là thư ký riêng của vua Khải Định. Nhiều nguồn tin cho biết Vĩnh Thụy con vua Khải Định chính là con của ông Hường Đề. Hồi kháng chiến chống Pháp, khu vực lăng và nhà thờ Tuy An quận công rất hẻo lánh. Nhiều cán bộ hoạt động cách mạng ở Huế đã từng ẩn núp tại đây.

Qua tuyến tham quan nầy chứng tỏ vùng phố cổ Gia Hội là một khu vực dày đặc những địa chỉ lịch sử văn hóa xưa của Huế. Điều đó sẽ được minh họa thêm trong bài giới thiệu sau.

III. TUYẾN KHU VỰC DỌC SÔNG ĐÔNG BA VÀ XÓM NGỰ VIÊN

Đường Bạch Đằng dọc bờ sông Đông Ba (Hàng Đường xưa) là một phố cổ trù phú nhất trong khu phố cổ Gia Hội xưa. Trên những con đường song song với đường Bạch Đằng hiện có nhiều dấu tích lịch sử văn hóa rất đáng quan tâm. Đặc biệt là xóm Ngự Viên chung quanh ngã tư đường Chùa Ông – Mạc Đĩnh Chi – Nguyễn Du.

1. Tư thất của bà Tân Điềm-thứ phi của vua Khải Định tại số 12 đường Bạch Đằng. Đây là ngôi nhà cũ của cụ Nguyễn Đình Hòe (1866-1942) – một nhà Hán học giỏi Pháp văn đầu tiên ở Huế. Cụ từng làm phiên dịch tiếng Pháp cho triều đình Huế trước năm 1885. Cụ là một trong những giáo viên người Việt đầu tiên của trường Quốc Học hồi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Sau đó cụ được chuyển qua làm hiệu phó trường Hậu Bổ. Cụ còn là thành viên sáng lập và viết nhiều bài về Huế cho tập san Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hué). Bà Nguyễn Thị Bạch Liên-cháu nội của cụ, được "tiến" cho vua Khải Định và được ban tên Tân Điềm. Sau ngày vua Khải Định mất, bà về sống ở 12 Bạch Đằng nhiều năm với các cháu. Bà qua đời năm 1981 tại Huế. Hiện nay ngôi nhà cũ được bà Thạch Huệ (cháu gọi bà Tân Điềm bằng cô ruột) và chồng là họa sĩ Vĩnh Phối qủan lý. Gia đình còn giữ nhiều cổ vật và tài liệu, hình ảnh Huế xưa. Nhà 12 Bạch Đằng được sử dụng làm xưởng vẽ và nơi trưng bày tranh của họa sĩ Vĩnh Phối.

2. Phủ đệ bà Quận chúa Như Sắc tại 52 A Bạch Đằng. Bà Quận chúa Như Sắc là em gái ba vua Đồng Khánh, Kiến Phước và Hàm Nghi. Chồng bà là Đông các Đại học sĩ Thân Trọng Huề (1869-1925). Năm 1889, cụ Thân Trọng Huề và hai cụ Hoàng Trọng Phu(7) và Lê Văn Miến là ba người Việt Nam đầu tiên được triều Nguyễn tuyển chọn đưa sang Pháp học trường Thuộc Địa. Năm 1895 tốt nghiệp trường Thuộc Địa, cụ về nước và được triều Nguyễn cho hưởng chế độ giống như một Tiến sĩ tại Việt Nam. Sau vì mâu thuẫn với quan đầu triều Nguyễn Thân nên nhiều lần cụ phải vào Nam ra Bắc làm việc. Cuối đời cụ trở về Huế và được giữ các chức vụ Thượng thư bộ Học kiêm bộ Binh, chuyên Đô Ngự sử. Những việc làm của cụ Huề để lại cho đời được giới nghiên cứu quan tâm là bài Chân dung vua Tự Đức, bản điều trần gởi vua Khải Định bãi bỏ việc thi Hương thi Hội để tổ chức thi cử theo phương Tây, chủ biên công trình sử học Quốc triều Chính biên; văn bản nhà nước khẳng định quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ Việt Nam. Phủ đệ bà quận chúa Như Sắc cũng là nhà thờ cụ Thân Trọng Huề còn tương đối nguyên vẹn do ông Thân Trọng Hoàng – chắt nội của cụ Thân Trọng Huề quản lý. Trong nhà thờ còn giữ được nhiều cổ vật, nhiều hình ảnh, tài liệu cổ quý giá.

3. Dinh thất và phủ Gia Hưng Vương tại 60B và 84/33 Bạch Đằng. Gia Hưng Vương tên thật là Hồng Hưu (1835-1885) hoàng tử thứ 8 của vua Thiệu Trị và bà Lương phi Vũ Thị Viên (người làng Trúc Lâm). Lúc nhỏ ông học hành tinh thông kinh sử. Năm 1883, ông được cử đứng đầu Phủ Tôn Nhơn. Sau đó ông được chọn làm Phụ chính đại thần cho vua Kiến Phước. Ông là một nhân vật quan trọng trong nhóm chủ hòa với Pháp nên bị nhóm chủ chiến đưa đi an trí ở Lao Bảo. Nhưng khi ông mới ra khỏi thành thì đã bị kẻ lạ mặt đón đường giết chết. Lăng mộ ông được táng ở quê mẹ là làng Trúc Lâm huyện Hương Trà.(8) Thời vua Thành Thái, ông được truy phục các chức tước cũ để thờ tự. Dinh thất của ông đến nay bị hư hại nhiều. Riêng phủ thờ mới được tu sửa và được một người chắt nội làm thủ tự(9).

4. Chùa Diệu Đế: Từ phủ Gia Hưng đi mấy bước xuôi theo sông Đông Ba là đến quốc tự Diệu Đế. Vùng này ngày xưa là nơi Vua Thiệu Trị ra đời (1807) và cũng là tiềm để của Vua, cho nên vừa mới lên ngôi được vài năm, ông đã truyền xây dựng Chùa Diệu Đế (khoảng 1842 – 1844). Kiến trúc ban đầu của chùa gồm: ở giữa là chính điện gọi là điện Đại Giác, giữa chính điện án trên thờ Tam thế, án dưới thờ thần vị của Vua, hai án hai bên thờ Văn Thù và Phổ Hiền Bồ Tát… Tả hữu chính điện là Thiền đường, bên tả Cát tường từ thất, bên hữu là Trí tuệ tịnh xá. Phía trước điện dựng gác Đạo Nguyên hai tầng ba gian. Lùi về phía sau gác Đạo Nguyên có hai lầu chuông trống xây cân đối ở hai bên và chính giữa là lầu Hộ pháp. Sân trong có la thành, sân trước có hai nhà lục giác, nhà bên tả đặt Hồng chung, nhà bên hữu dựng bia lớn khắc bài văn do Vua Thiệu Trị soạn. Sau chính điện, có hai nhà Tăng mỗi nhà ba gian. Ngày trước, chùa Diệu Đế là nơi có nhiều tượng Phật nhất do năm Kinh đô thất thủ (1885) chùa Giác Hoàng – phủ của Minh Mạng lúc tiềm để – bị lính pháp chiếm đóng nên các tượng Phật và đồ thờ tự đều được thỉnh ra chùa Diệu Đế. Cuối năm 1885, Nam triều lấy Cát tường từ thất làm sở đúc tiền, Trí tuệ tịnh xá làm phủ đường Thừa Thiên, một tăng phòng làm nhà lao của tỉnh, và một tăng phòng làm trự sở cho Khâm thiên giám. Năm 1887 phần lớn các ngôi nhà trong chùa đều bị triệt hạ. Năm 1910 triệt hạ gác Đạo Nguyên và thay vào hai nhà nhỏ thờ Kim Cang. Về sau, ngoài cổng la thành xây thêm bốn trụ biểu.

Thời kỳ Phật tử tranh đấu (1963-1966), chùa Diệu Đế là một địa điểm tập trung lực lượng, nên hai nhà thờ Kim Cang chuyển vào hai bên chính điện, bốn trụ biểu cũng triệt hạ, sân trong san phẳng bằng sân trước để mở rộng thêm diễn đàn. Năm 1964, phía bên phải chùa được xây một dãy phòng học của trường Tiểu học Bồ đề do các nhà giáo và sinh viên Phật tử tổ chức vận động thành lập. Hiện nay, chùa chỉ còn chính điện, hai bên chính điện đặt Bát bộ Kim Cang, phía sau có một nhà khách và một nhà bếp, sân trong có bốn bức tường nhỏ và một cặp nghê nằm chầu hai bên lối vào, sân trước có nhà bia, nhà chuông, ngoài cùng là cổng tam quan hai tầng phía trên có lầu Hộ pháp.

Chùa Diệu Đế

Diệu Đế là ngôi Quốc tự thứ ba ở Huế và được Vua Thiệu Trị liệt hạng là một trong hai mươi thắng cảnh của đất thần kinh. Hiện nay chùa đang ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

5. Nhà thờ họ Kim Hoàn, ở ngay mé sau, bên phải chùa Diệu Đế, tại số 7 đường Chùa Ông. Nhà thờ họ Kim Hoàn là nơi thờ hai ông tổ nghề thợ vàng thợ bạc Cao Đình Độ và Cao Đình Hương. Từ thời Quang Trung cho đến đầu triều Nguyễn, hai ông là những người thầy đầu tiên truyền nghề thợ vàng thợ bạc ở Thuận Hóa. Môn đệ của hai ông phần lớn xuất thân từ làng Kế Môn huyện Phong Điền, hiện nay còn có mặt khắp các tỉnh miền Nam Việt Nam. Một số thợ sang tận Mỹ hành nghề và rất thành công. Cùng với nhà thờ họ Kim Hoàn, lăng mộ của hai ông Cao Đình Độ và Cao Đình Hương ở phường Trường An đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử quốc gia (QĐ số 168/VH/QĐ ký ngày 2.3.1990).

6. Phủ người con trai út của vua Minh Mạng- Đi qúa nhà thờ họ Kim Hoàn chừng bốn năm cửa ngõ gặp ngay Phủ An Thành Vương tại 17 Chùa Ông. An Thành Vương là hoàng tử thứ 78 (hoàng tử út) của vua Minh Mạng. Tên thật của Vương là Miên Lịch (1841-1919). Miên Lịch là một trong những người đã dạy và làm Phụ chánh cho vua Duy Tân. Ông cũng được cử phụ trách Phủ Tôn Nhơn một thời gian. Rất tiếc, khuôn viên phủ thờ An Thành Vương đã bị con cháu chia xẻ manh mún không còn cái dáng vẻ uy nghi ngày xưa.

7. Phủ thờ Hoằng Hóa Quận Vương. Từ phủ An Thành Vương đi thẳng đến sẽ gặp đường Nguyễn Du và nối đường Mạc Đĩnh Chi. Nếu không đi thẳng mà rẽ tay phải sẽ gặp đường Tô Hiến Thành chạy sau lưng chùa Diệu Đế. Ngay góc đông bắc chùa Diệu Đế có chùa Diêụ Hỷ và Phủ thờ Hoằng Hòa Quận Vương tại 17 Tô Hiến Thành. Vương tên thật là Miên Triện (1833-1905), con thứ 66 Minh Mạng. Năm 1889 vương được vua Thành Thái cho sang Pháp tiếp xúc với văn minh văn hóa phương Tây. Về nước, vương thấy triều đình nhiễu nhượng trong tay Nguyễn Thân, bèn đóng cửa viết sách. Hai tác phẩm chính của Miên Triện là Ước Đình Thi Sao và Kỷ Sửu Như Tây Nhật Ký. Học giả Phạm Quỳnh đã đọc tập nhật ký của Miên Triện và có nhận xét tác phẩm gồm: "những bài văn nghị luận, thiết thực, có ích" (10). Hoằng Hóa Quận Vương Miên Triện là thân phụ của bà Công nữ Đồng Canh (tức Đạm Phương nữ sử), và là ông ngoại của nhà văn Hải Triều. Tại phủ thờ còn giữ được bức chân dung màu của Miên Triện do các họa sĩ châu Âu vẽ trong thời gian vương sang Pháp.

8. Mai Viên của cụ Đào Tấn. Trở lại Phủ An Thành Vương rồi đi thẳng đường Chùa Ông mấy chục bước là gặp ngay đường Nguyễn Du và nối với đường Mạc Đĩnh Chi. Về phía tay phải, cách ngã tư vài cái nhà là đến số 24 Nguyễn Du (đường Ngự Viên cũ). Ngay sau mấy căn nhà sát mặt đường nầy ngày xưa là Mai Viên của cụ Đào Tấn. Cụ Đào Tấn (1845-1907), người Bình Định, quan lại triều Nguyễn và là nhà viết tuồng nổi tiếng nhất nước, được mệnh danh là hâụ tổ của ngành hát bội Việt Nam. Năm 1894, cụ Đào Tấn được rời chức Tổng đốc An Tịnh đề về Huế giữ chức Thượng thư bộ Công. Cụ dựng một khu vườn nhà trên đất Đông Trì thuộc phường 6 (bờ nam Ao Hồ). Khu vườn nhà mang tên là Mai Viên gồm 3 căn nhà bằng gạch, và một giả sơn.Giả sơn mang tên Linh Phong – một hòn núi nổi tiếng ở quê hương Bình Định của cụ. Cụ cho dựng đình Học Bộ trước sân nhà để đào tạo diễn viên tuồng của diễn hát bội cho dân chúng xem. Cụ đã sống những năm tháng cuối đời làm quan đầy bi kịch ở đây. Vào năm 1904, cụ bị Nguyễn Thân hãm hại buộc phải về hưu. Cụ bán Mai Viên lại cho ông Phò mã Nguyễn Hữu Khâm (11). Đến năm 1910, ông Phò mã bán Mai Viên lại cho ông Thượng thư Nguyễn Đôn. Năm 1946, ông Đôn cho con trai là Nguyễn Tự. Mai Viên được ông Tự giữ cho mãi đến những năm tám mươi. Nhiêù lần tỉnh Bình Định bàn với Thành phố Huế mua lại Mai Viên để làm nhà bảo tàng Hát bội, nhưng không thành. Ông Tự đã bán Mai Viên cho tư nhân và hiện nay nó đã bị chia năm xẻ bảy rất tội nghiệp. Tiếc cho ngành hát bội Việt Nam, tiếc cho Thành phố Huế đã để mất một di tích văn hóa nghệ thuật sân khấu vào loại quý nhất nước. May mắn, hòn giả sơn Linh Phong đã được di chuyển lên chùa Thiên Mụ và được dựng lại rất uy nghi ở khu vườn ở chái Tây chùa Thiên Mụ.

9. Phủ Ngự Viên. – Tại ngã tư Nguyễn Du Mạc Đĩnh Chi, rẽ qua phải sẽ gặp một cái phủ ở gần đầu cầu Đông Ba nhằm vào số 34 Nguyễn Du. Phủ nầy đề biển là phủ Vĩnh Quốc Công nhưng thường gọi là Phủ Ngự Viên. Đây là nhà thờ họ Hoàng họ ngoại của cựu hoàng Bảo Đại nên thường được gọi thân mật là Ngoại Từ (12).Cụ Vương Hồng Sển cho biết hồi ra Huế làm phiên dịch và dạy vua Đồng Khánh, ông Sĩ Tải Trường Vĩnh Ký đã lưu trú tại đây. Sau đó ông Trương vào Nam nhường vai tuồng sư phó cho một người cũng gốc Nam Bộ là ông Diệp Văn Cương. Ông Diệp người An Nhơn (Gia Định) vốn hàn vi xuất thân, học lực vững chắc về Hàn học. Nhờ học hành xuất chúng nên ông được Tây gởi qua Alger học và đỗ bằng Tú tài đôi (double bachelier). Về nước ông thay ông Trương Vĩnh Ký làm thầy dạy vua Đồng Khánh. Hiện nay bức trấn phong còn sót lại trước Phủ Vĩnh Quốc công của nhạc trượng của đức Khải Định, là di tích xưa của ngôi nhà ông Diệp Văn Cương (13) hồi cuối thế kỷ XIX. Phần phủ thờ họ Hoàng phía trong hiện đang được các hậu duệ của họ Hoàng tôn tạo để sẵn sàng đón tiếp những khách tham quan còn muốn biết chuyện xưa (14).

Ý tưởng phục hồi khu du lịch phố cổ Gia Hội Chợ Dinh của tôi được Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, Công ty Du lịch Hương Giang, Tạp chí Du lịch Đà Nẵng và đặc biệt là bà Thu Trang Công Thị Nghĩa – (Tiến sĩ Sử học, Việt kiều tại Pháp, chuyên gia nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam) – nhiệt tình ủng hộ. Ý tưởng đó đã gặp gỡ với chủ trương xây lại bờ kè sông Đông Ba của Thành phố Huế. Người dân hai phường Phú Cát-Phú Hiệp, trong đó có các chủ hộ có di tích cổ, cầu mong ý tưởng của tôi sớm được chấp nhận và biến thành sự thật. Đây là một công trình lớn thích hợp với chủ trương nhân dân và nhà nước cùng làm và có thể làm ngay. Rất mong được hồi âm của các ngành chức năng và các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử du lịch Thừa Thiên Huế.

N.Đ.X


———————————————————-
(1) Thước mộc ngày xưa tương đương 0,4m.
(2) Sự kiện nầy được cụ Đào Duy Anh viết trong BAVH số 46/1944 như sau: "Đó là một đêm cuối tháng trời tối đen như mực. Cũng như các đường phố khác lúc bấy giờ, đường phố Chợ Dinh không có đèn đường. Quân Phấn nghĩa cầm gươm giáo, do Hướng Hàng (59), Hướng Chức và Hướng Tế (cả ba đều là trong hoàng tộc và là cháu nội Minh Mạng) chỉ huy. Họ đến trước nhà quan đệ nhất phụ chính vào khoảng canh ba (quá nửa đêm). Đó là một căn nhà như những ngôi nhà đến nay ta vẫn còn thấy trên đường Gia Hội. Nó cần một căn nhà trệt ba gian nằm ngoài mặt đường, trước đây có thể dùng làm cửa hàng. Giữa gian có cửa hai cánh, mỗi cánh xây trên một loại trụ cột trát vữa. Một hàng hiên bên cánh trái sân nối liền căn nhà ấy với một căn nhà tầng kiến trúc xoàng xĩnh. Quân Phấn nghĩa đứng trước nhà và ngoài đường, khoảng mười tên đến đập cửa đùng đùng bằng chuôi vũ khí của họ. Sự ồn ào làm cả khu phố tỉnh giấc, mấy hàng xóm tưởng là quân cướp. Có người còn mở cửa để thét bảo bọn người ngỡ là trộm cướp ấy rằng ấy là nhà quan đệ nhất phụ chính, họ chớ dại mà đụng vào. Nhưng quan phụ chính đang nghỉ trên tầng gác căn nhà bên trong thì không lầm lẫn. Gia nhân không dám mở và trong phút chốc, bọn lính đã phá cửa, vì chỉ cần dùng lưỡi kiềm ẩy lên là cửa mở toang. Vài tên lính xông vào nhà, đèn trong nhà leo lét, đi đầu bọn lính là một người cầm trong tay một cái tráp đỏ thường đựng sớ tấu. Bọn chỉ huy thét lên là Hội đồng phụ chính mời đại nhân xuống có việc khẩn cấp. Vị lão thần khoác chiếc áo đen do người thiếp yêu trao cho và bước xuống, bà thiếp đỡ bên trái. Đến giữa cầu thang, khi tay phải ông còn giơ lên để cài cúc áo, nhiều tên lính xông vào đâm ông bằng giáo. Người thiếp có phản ứng đáng khâm phục là lao về phía trước, cố gắng bảo vệ cho "phu quân và phu tướng" của mình bằng cánh tay mảnh mai và vì vậy, bị thương ở tay phải. Nhưng vị lão thần đã gục xuống thở hắt trong tay người thiếp được ông yêu quý nhất trong số các người thiếp của ông và ông đã cố tình giữ lại bên mình để bà có mặt trong những giây phút cuối đời". Bùi Trần Phương dịch, Phụ Chính Đại thần Trần Tiễn Thành của Nguyễn Đắc Xuân, Thuận Hóa 1992, tr.77-78.

(3) Hiện nay cô đang sống với gia đình tại TP.HCM;
(4) Hiện nay do gia đình ông Lê Văn Khánh làm giám tự. Ông Khánh là người Hán Thanh (con Lý Quốc Tài) đổi tên họ qua Việt Nam.
(5) Sau đổi thành Võ Tánh, nay là đường Nguyễn Chí Thanh.
(6) Hiện nay Huế có nhiều nơi làm bánh khoái ngon, nhưng nổi tiếng nhất là quán các cô gái câm ở cửa Thượng Tứ.
(7) Về sau cụ Thân Trọng Huề trở thành suôi gia với cụ Hoàng Trọng Phu.
(8) Nay thuộc xã Hương Long, Thành phố Huế.
(9) Đọc thêm bài Vì sao Công chúa làm dâu Nguyễn Tri Phương có tên Phục Lễ. Chuyện Nội cung các vua của NĐX.
(10) Mười ngày ở Huế
(11) Con ông Nguyễn Hữu Độ, chồng bà chúa Tám (con gái vua Dục Đức)
(12) Đổi lại với Ngoại từ là Tôn từ – Phủ thờ Kiên Thái Vương (cụ cố của Cựu hoàng Bảo Đại) ở bên phải Cung An Định trên bờ sông An Cựu
(13) Ông Diệp Văn Cương về sau cưới bà Tôn Nữ Thiện Niệm con gái Thoại Thái Vương, em ruột vua Dục Đức. Nhờ ông Diệp Văn Cương mà Bửu Lân con vua Dục Đức được lên ngôi. Xem thêm Chuyện Ba Vua Dục Đức Thành Thái Duy Tân của NĐX sẽ rõ hơn.
(14) Hơn Nửa Đời Hư của Vương Hồng Sến – Nxb Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, 1992 tr.272.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here