Trang chủ Vấn đề hôm nay Gia đình Phật tử trong lòng Phật giáo Việt Nam

Gia đình Phật tử trong lòng Phật giáo Việt Nam

133
0

Vương triều nhà Nguyễn giữ trọn chủ quyền độc lập tự chủ trên đất nước thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ rộng lớn nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam gần trọn thế kỷ 19 qua 4 đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức (1802 – 1885) thì chủ quyền của dân tộc và đất nước đã hoàn toàn lung lay. Từ đó, con dân đất Việt đã vô cùng khốn đốn và lầm than dưới gót giày bành trướng xâm lược của thực dân. Đời sống tâm linh, văn hoá và tín ngưỡng truyền thống của dân tộc cũng bị o ép và lung lay mạnh bởi làn sóng ngoại lai các mặt đã ồ ạt theo chân của ngoại bang phá hỏng bao sinh hoạt cổ truyền của con dân nước Việt, kể cả tín ngưỡng Phật giáo; làm thương tổn một nền văn hoá tinh thần cao quý vốn có từ xưa của dân tộc Việt Nam, như nhận định đúng đắn của TG. Thiện Điều – Nguyễn Thắng Nhu.

Với cả 70 năm chịu đựng cam khổ (1858 – 1930) thì cơ duyên chấn hưng Phật giáo Việt Nam cũng đã có dịp hội tụ. Ở phương Tây với sự khẳng định của nhà bác học vật lý Albert Eistein: “Phật giáo không cần từ bỏ quan điểm của mình để theo khoa học, vì Phật giáo không những đã bao gồm cả khoa học, mà còn vượt lên trên khoa học”, đó là một lời công bố giá trị về Phật giáo sau những công trình khám phá của các nhà nghiên cứu Phật học Phương Tây. Và trực tiếp là những năm 20 – 30 của Thế kỷ XX khi phong trào chấn hưng Phật giáo từ Ấn Độ, đặc biệt là cuộc chấn hưng Phật giáo ở Trung Hoa do ngài Thái Hư Pháp sư chủ xướng đã tạo mạch nguồn cho cơ duyên chấn hưng của Phật giáo Việt Nam. Các ngài đã có dịp sang thăm PGVN và PGVN cũng đã cử người sang học hỏi kinh nghiệm của Phật giáo Trung Hoa để chấn hưng Phật giáo nước nhà.
 
Tại Việt Nam thì cả ba miền Nam – Trung – Bắc đều lần lượt có các vị cao tăng và thức giả chủ xướng phong trào chấn hưng Phật giáo:
 
– Năm 1930, ở Sài Gòn, “Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học”ra đời, do Hoà thượng Từ Phong làm Hội chủ và Hoà thượng Khánh Anh là phó, có cơ quan ngôn luận là tạp chí “Từ Bi Âm”.
 
– Năm 1932, ở Huế, “An Nam Phật học Hội” được thành lập do bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám và các đồng sự khởi xướng, xuất bản tạp chí “Viên Âm” và mời chư vị cao tăng như Ngài Giác Tiên, ngài Phước Hậu, ngài Tịnh Hạnh…, làm chứng minh Đạo sư.
 
– Năm 1934, ở Hà Nội, Hoà thượng Trí Hải và Tổng đốc Nguyễn Năng Quốc hình thành “Hội Phật giáo Bắc Kỳ”, suy tôn Hoà thượng Thích Thanh Hanh làm Tòng Lâm Pháp chủ, trụ sở đặt tại chùa Quán Sứ và xuất bản tạp chí Đuốc Tuệ.
 
– Năm 1951, Phật giáo ba miền họp Hội nghị tại Huế và thành lập “Tổng hội Phật giáo Việt Nam”. Trên danh nghĩa thì PGVN thống nhất từ sau hội nghị này.
 
Ở miền Trung, đặc biệt từ Quảng Trị vào Bình Thuận, với phong trào chấn hưng Phật giáo của Hội An Nam Phật học đã dẫn dắt quần chúng tin Phật sinh hoạt tu học một cách rầm rộ, đã quy tụ đồng bào Phật tử nô nức vào Hội. Đơn vị cơ sở ở Thôn, Xã, Phường… của Hội là Khuôn Hội Phật giáo. Đơn vị nhỏ hơn dưới Khuôn Hội là Vức. Pháp môn tu học phổ thông và hấp dẫn là Tịnh độ. Tụng kinh, niệm Phật, tu Bát quan trai giới và học Phật pháp thường xuyên hoặc định kỳ mỗi năm vài ba khoá. (Xin xem thêm bài viết cùng TG: Niệm Phật Đường – Ngôi chùa làng kiểu mới; nội san Liễu Quán, số 13, tháng 5 – 2009).
 
Hai thập kỷ 40-60 của Thế kỷ trước, hầu như mọi người thuộc lứa tuổi trung niên đến lão niên ở nông thôn và thành thị, nếu không là tín đồ Thiên Chúa giáo, gọi chung là “người lương” thì đều nhiệt tình ghi danh vào Hội viên Khuôn hội sinh hoạt thường xuyên hoặc thỉnh thoảng tại các NPĐ Khuôn hội. Thậm chí, chưa được làm lễ quy y để có Pháp danh vẫn được cấp thẻ Hội viên của Hội An Nam Phật học (sau đổi là VN Phật học Hội, rồi Tổng Hội PG Việt Nam). Đén khi qua đời đều được ghi vào chúc bản thờ tại bàn thờ linh của Niệm Phật đường Khuôn hội; và mãi đến bây giờ, mỗi NPĐ Khuôn hội đều có ngày Hiệp kỵ truyền thống trong năm đã quy tụ các thế hệ con cháu đến NPĐ cúng Lế cầu siêu và truy tiến Tiên linh thân nhân quá cố. Cũng do vậy và có nhiều bà con trong vùng chỉ đến chùa duy nhất một ngày trong năm vào dịp ấy. Thế mà vẫn vui trong không khí đầm ấm và sum họp mỗi năm một lần. Vì đó là ngày đi Kị và có dịp nối kết tình cảm xưa nay…
 
Vậy là các bậc tiền sáng lập Hội ở thập kỷ 30-40 của TK XX đã định đoạt nơi an trú mặt tâm linh cho người lớn tuổi trong thời buổi dân tình lầm than, đất nước điêu linh qua nạn ngoại xâm thống trị. Còn lớp con cháu ấu niên và thanh thiếu niên thì sao đây? Không lẽ để cho lớp trẻ bơ vơ trước bao nẽo đường? Nhất là thời buổi Âu hoá ngày mỗi đậm đà! Cứ để họ tháp tùng người lớn đi nghe diễn thuyết, đi chùa tụng kinh – niệm Phật, học Phật pháp hoài thì cũng khó thích nghi mặt tâm lý và sinh hoạt.
 
Cơ duyên hình thành Gia đình Phật tử Việt Nam
 
Một hình ảnh mới lạ của các em đồng ấu mặc đồng phục áo mão Mã Tiên vừa đi vừa múa hát những lời ca ngợi đức Phật Đản sanh có mặt trong đoàn rước Phật ngày Đại Lễ Phật Đản mồng 8 tháng Tư năm Ất Hợi (10/05/1935) do Hội An Nam Phật học tổ chức tại Huế thôi thúc các bậc thức giả đương thời quan tâm đến vấn đề tuổi trẻ với Phật giáo.
 
“Các vị lãnh đạo Phật giáo nghĩ rằng, trong Phật giáo có đủ món ăn ngon cho người lớn, thì cũng có bình sữa ngọt cho trẻ thơ nên các ngài đã tìm cho thế hệ trẻ một chỗ đứng vững vàng trong Phật giáo, để được hưởng hương vị thơm ngon trong giáo lý Phật đà. Các ngài muốn giáo dục cho lớp thanh niên có được lòng tin trong sáng đối với Tam bảo, có đức hạnh vẹn toàn để thành người Phật tử chân chính, người công dân mẫu mực.”
 
Ngày 18/08/1938 trong diễn văn khai mạc Hội đồng thường niên của Hội An Nam Phật học, Cư sĩ chánh Hội trưởng Lê Đình Thám đã phát biểu: “Không có một thành tựu vững bền nào mà lại không nhắm đến hàng ngũ thanh thiếu niên, họ là những người nối tiếp chúng ta trong ngày mai…”
 
Tư duy của các Ngài Tổ mang tính bình đẳng và phổ độ.
 
Tư duy của cư sĩ Chánh Hội trưởng mang tính kế thừa và phát triển.
 
Hai luồng tư duy gặp nhau đã khai sinh ra tổ chức gia đình Phật tử.
 
Ban đầu là Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục (1940) dưới sự bảo trợ của Hội An Nam Phật học và sự hướng dẫn trực tiếp của nhà Phật học cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám.
 
Đoàn Thanh Niên Phật học Đức Dục được xem là đội ngũ nòng cốt để xây dựng các đơn vị nhỏ hơn, thấp hơn, rộng rãi hơn tại các Khuôn hội, Chi hội dựa trên các em nhỏ thường theo ông bà đến chùa. Đoàn đã tập hợp các em lại thành từng Ban Đồng ấu. Đến năm 1944 lấy danh hiệu là Gia đình Phật hoá Phổ.
 
Năm 1951, Đại hội Gia đình Phật hoá Phổ được triệu tập tại chùa Từ Đàm Huế, gồm có 9 tỉnh miền Trung và Hà Nội, hải Phòng. Đại hội đã lấy danh xưng Gia đình Phật tử thay cho Gia đình Phật hoá Phổ. Một Ban hướng dẫn đầu tiên và một bản nội quy được ra đời từ đây.
 
* Mục đích của GĐPT là đào tạo thanh thiếu niên đồng niên thành người Phật tử chân chính, thành công dân tốt để góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội. Cụ thể là xây dựng cho thanh thiếu niên đồng niên có nếp sống đạo đức, nâng cao kiến thức tổng quát, trình độ chuyên môn để hoàn thiện bản thân hướng đến mục đích giải thoát…” (Thiện Điều – Nguyễn Thắng Nhu, Gia đình Phật tử trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Tài liệu khoá Bồi dưỡng Nghiệp vụ hành chánh GHPGVN – Huế, tháng 12/2009).
 
Với sự nhận định sáng suốt và vững chắc của cư sĩ Chánh     Hội trưởng Lê Đình Thám: “…nhắm đến hàng ngũ thanh thiếu niên, họ là những người nối tiếp chúng ta trong ngày mai…” (Tháng 8/1938) nên suốt ba thập kỷ 40, 50, 60 của Thế kỷ trước, cả miền Trung, từ Quảng Trị đến Bình Thuận dù xuyên qua hai cuộc chiến tranh, dưới sự dẫn dắt của Hội Phật học, từ năm 1951 là Tổng Hội Phật giáo Việt Nam đã rầm rộ đều khắp xây dựng các ngôi Niệm Phật đường Khuôn hội, song song với việc tạo điều kiện và xin phép thành lập các đơn vị Gia đình Phật tử sinh hoạt tại Niệm Phật đường Khuôn hội, song song với việc tạo điều kiện và xin phép thành lập các đơn vị Gia đình Phật tử sinh hoạt tại Niệm Phật đường trong sự bao dung, thai nghén của Ban chức vụ Khuôn Hội và sự bảo trợ thường xuyên của quý bác hội viên Khuôn hội. Nếu tính từ ngày sơ khai với danh xưng là Gia đình Phật tử thì đến nay có đơn vị đã gần  70 năm sinh hoạt. Và ở mức độ tổng thể qua các thời kỳ của PGVN từ năm 1940 đến nay thì “Gia đình Phật tử luôn luôn hiện diện trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam” (Xin xem phần cuối bài viết của Thiện Điều – Nguyễn Thắng Nhu, tài liệu đã dẫn).
 
Ngót bảy thập kỷ qua, ngoại trừ một số nhỏ đơn vị GĐPT sinh hoạt tại các Tổ đình hoặc Tự viện, Thiền viện… Và dưới sự bao dung che chở, bảo trợ của chư Tôn đức Tăng – Ni; còn lại, đại đa số GĐPT đều được thai nghén, khai sinh, trưởng thành và gắn bó tại các “Mái nhà chung NPĐ – Khuôn hội”. Đó cũng là nơi mà các thế hệ GĐPT ra sức vun vén và giữ gìn.
 
Từ những năm 40 – 50 của Thế kỷ trước đến nay, cho dù ở địa bàn nào, quý Bác trong Ban Chức vụ Khuôn hội (Ban đại diện Khuôn, rồi Ban Hộ Tự Niệm Phật đường ngày nay) vẫn đặt tâm đến phương hướng đào tạo và phát triển lực lượng kế thừa, “tre tàn măng mọc” để có người bảo quản và duy trì “Ngôi nhà niệm Phật” mà bao thế hệ tiền bối đã chắt chiu và ra sức xây dựng. Cũng là góp phần nối truyền vào sự nghiệp tu tập, hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sanh mà truyền thống ngàn đời Tổ tiên đã để lại , qua con đường gieo hạt giống Bồ đề vào đất lành tuổi trẻ là hình thành và bảo trợ Gia đình Phật tử đến sinh hoạt và tu học, tạo thành một mảng lớn nối truyền cho Ngành Phật tử tại gia.
 
Thành quả tu học, rèn luyện nhằm Phật hoá bản thân và góp lành cho xã hội trong 7 thập kỷ qua của các thế hệ GĐPT hầu như mọi người đều đã thấy rõ. Đỉnh cao của sự đóng góp ấy là sự có mặt nơi nơi, góp sức góp công kể cả sự hy sinh thân mạng của GĐPT trong phong trào tranh đấu đòi hỏi quyền tự do tín ngưỡng, chống lại sự đối xử bất bình đẳng tôn giáo dưới chế độ độc tài của gia đình họ Ngô ngót sáu tháng của năm 1963; mà sự ghi dấu mọi cam go, hào hùng và sự hy sinh lớn lao đó của GĐPT đương thời tại Huế được phản ảnh phần nào trong tập bút ký “Trước cơn sóng gió” do Ban Hướng Dẫn GĐPT – Thừa Thiên xuất bản năm 1964.
 
Gia đình Phật tử Việt Nam với ngần ấy thời gian có mặt và tồn tại được cưu mang, ấp ủ và trưởng thành trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, qua những lý do nội tại và khách quan cũng đã chịu bao thăng trầm trong lòng lịch sử của dân tộc. “Mãi đến năm 1998, sau những vận động của Chư Tôn Đức Giáo phẩm, cũng như những Cư sĩ, những Huynh trưởng của Gia đình Phật tử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chính thức công nhận Gia đình Phật tử đưa vào Hiến chương của Giáo hội, thành lập Phân ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử do Giáo hội lãnh đạo…” (Nhận định về phương hướng phát triển của Gia đình Phật tử – HT. Thích Giác Toàn, P.70…Nguyệt san Giác Ngộ 162 – 09.2009).
 
Ngày nay, vị trí của GĐPT trong lòng Giáo hội đã được nâng lên một bước, trong 9 Ban của Trung ương Giáo hội cũng như trong Ban Trị Sự của các Tỉnh – Thành Giáo hội thì Phân ban Hướng dẫn GĐPT đã đứng bên cạnh Phân ban hướng dẫn Phật tử. Như vậy, Ban Tăng sự lãnh đạo tu học, sinh hoạt của Tăng – Ni xuất gia; còn Ban Hướng dẫn Phật tử thì lãnh đạo sinh hoạt – tu học của ngành Cư sĩ PT và GĐPT; nói chung bao gồm tất cả các ngành Phật tử tại gia từ giới trẻ đến bậc lão niên, (So với Hiến chương của GĐPTVNTN – 1964, thì GĐPT chỉ là một Vụ trong Tổng vụ Thanh niên). Cũng theo bài viết trên của HT. thích Giác Toàn thì hiện nay trên toàn quốc đã có trên 1.000 đơn vị GĐPT với 10.000 Huynh trưởng (HT) và hơn 70.000 đoàn sinh(ĐS), đã có 24 Tỉnh – Thành thành lập được Phân Ban Hướng dẫn GĐPT. Riêng Miền Bắc  mới thành lập được 10 đơn vị Gia đình Phật tử, trong đó Hưng Yên có 5 đơn vị và hoạt động khá tốt.
 
Theo Bảng báo cáo của Phân ban Hướng dẫn GĐPT – TT. Huế trong Hội nghị tổng kết năm 2009 thì trong toàn tỉnh có khoảng 350 Niệm Phật đường (NPĐ) Khuôn hội thì đã có hơn 200 đơn vị GĐPT đang sinh hoạt. Và trong thời gian gần đây đã có nhiều đơn vị GĐPT mới được thành lập hay tái sinh hoạt dưới sự dẫn dắt của Phân Ban Hướng dẫn GĐPT – TTH, nên số lượng GĐPT mỗi ngày sẽ được tăng lên. Thông qua bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến một trong những sứ mạng cấp thời trước mắt cuãng như lâu dài của GĐPT là đào tạo đội ngũ kế thừa. Đội ngũ kế thừa cho cán bộ cấp cơ sở của Giáo Hội là Ban hộ từ các Niệm Phật đường hiện nay (hya Ban chức vụ, Ban đại diện Khuôn hội ngày trước). Và hàng ngũ kế thừa cũng là Hội viên cư sĩ Phật tử sinh hoạt tu học tại các Niệm Phật đường cũng như tại các chùa chiền. Hai thành phần vừa nêu trên đây nếu được trưởng thành, xuất thân và được đào tạo từ môi trường giáo dục của GĐPT thì có nhiều căn bản vững chắc trong sinh hoạt của ngành Phật tử tại gia.
 
Vẫn biết, con đường đến với Phật giáo không phải chỉ có ngõ vào là GĐPT, nhưng điều rõ nét về lý tưởng của GĐPT là đào tạo nên những Phật tử chân chánh, qua hệ thống giáo dục có cơ sở và sự huân tạp Văn-Tư-Tu của mỗi cá nhân tin Phật, bằng sự rèn đúc đạo đức Phật giáo mà Phật pháp là kim chỉ nam, cũng là sợi chỉ hồng xuyên suốt cuộc đời của Huynh trưởng và Đoàn sinh GĐPT. Và mục đích tối hậu là góp phần Phật hoá bản thân, tạo hạnh phúc cho cá nhân, gia đình và góp lành cho xã hội bằng con đường thể nghiệm lời dạy của đức Phật.
 
Một thực tế hiển nhiên từ lâu đã thành nề nếp, đó là Huynh trưởng và Đoàn sinh GĐPT khi đến trưởng thành dù còn sinh hoạt được với GĐPT hay không vẫn mặc nhiên là Hội viên Khuôn hội sinh hoạt tại NPĐ. Điều này đã đưa đến một hiệu quả tốt trong công tác điều hành Phật sự và tình hình sinh hoạt tại các NPĐ. Nếu trong các thập kỷ 50-70 mình đang là GĐPT, là con em của quý bác trong NPĐ thì nay (từ thập niên 80-TK XX) mình đã là chủ nhân ông nơi trước đây mình quây quần sinh hoạt vui chơi.
 
Điều này đã là hiện thực, qua công tác đi thăm viếng các Ban hộ tự, Ban Huynh trưởng và Ban Bảo trợ GĐPT trong Thành phố Huế cũng như về các Huyện xa đã được thấy rõ: Ở đơn vị Niệm Phật đường nào mà Ban Hộ tự NPĐ và Ban HT-GĐPT cùng Ban Bảo trợ GĐPT sở tại quyện vào nhau, hỗ tương bên nhau thì nơi ấy các công tác Phật sự tại NPĐ đều trôi chảy và tình hình sinh hoạt – tu học của cả Cư sĩ PT và GĐPT nơi ấy đều đông vui, sum vầy và có chất lượng tốt. Cụ thể như là Trưởng hoặc là Phó Ban Hộ tự hay Uỷ viên BHT là Gia trưởng GĐPT, Liên đoàn trưởng nam là Phó ban Hộ tự, một vài Đoàn trưởng nam là Ban Nghi lễ của NPĐ; còn lại một số lớn Cựu HT-ĐS/GĐPT là các Uỷ viên Ban Hộ tự và phụ trách thêm Ban Bảo trợ GĐPT sở tại.  Đơn cử, ở sáu đơn vị NPĐ và GĐPT trực thuộc huyện Nam Đông sinh hoạt có chất lượng ở trong mô hình ấy. Tại NPĐ An Cựu Tây bên kia đầm Lập An, sát chân đèo Hải Vân cũng như thế. Ngay tại các NPĐ ở nội -ngoại thành phố Huế cũng vậy… Ở đơn vị nào mà thiếu vắng cựu HT – ĐS hoặc HT đương nhiệm tham gia gánh vác công tác của Ban Hộ tự và Ban bảo trợ GĐPT ở đó thì đơn vị đó khó sánh vai để vươn lên cùng các đơn vị bạn.
 
Như vậy, đủ thấy được vai trò của GĐPT trước mắt và lâu dài vẫn là bộ phận tích cựuc đóng góp sức mạnh cho sự sinh hoạt của các đơn vị cơ sở của Giáo hội PGVN – Niệm Phật đường, Tự viện và các chùa chiền nhỏ lẻ vùng xa thiếu nhân sự điều hành tín ngưỡng-tâm linh. Thầy trò, bác cháu, anh chị em… cùng hoà hợp, giúp nhau trong sinh hoạt tu tập, cúng kính.
 
Kết luận 
 
Để kết thúc bài viết với chủ đề như ban đầu, xin trích tiếp hai ý sau cùng trong bài đã trích dẫn của Huynh trưởng Thiện Điều – Nguyễn Thắng Nhu:
 
“Gia đình Phật tử Việt Nam do các vị tiền bối của Giáo hội sáng lập từ năm 1940 luôn là một thành phần trong cơ cấu tổ chức của các Giáo hội đương nhiệm. Trong quá khứ, hiện tại và mai sau GĐPT vẫn mãi mãi là một tổ chức vì tương lai của Phật giáo Việt Nam”.
 
Cũng xin mạo muội được nêu lại lời nguyện tâm đắc của đại diện Ban Điều Hành – Ban Bảo trợ GĐPT-Thừa Thiên Huế đọc trong báo cáo Tổng hợp trước Hội nghị mở rộng của Ban (Tháng 9/2008) và được Hoà thượng Phó Ban trị sự Tỉnh GHPG-TTH, kiêm Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử, cố vấn Ban bảo trợ GĐPT-TTH; chứng minh và chủ toạ Hội nghị đã ưu ái nhắc lại trong lời đạo từ đúc kết Hội nghị: “… Hễ Đạo pháp còn thì Giáo hội còn, Giáo hội còn thì Gia đình Phật tử còn tồn tại trong lòng Giáo hội. Và nơi đâu có GĐPT thì ở đó có mặt Ban Bảo trợ GĐPT làm công tác bảo trợ tinh thần sinh hoạt tu học của GĐPT nơi đó…”.
 
Cuối cùng, trong thâm tâm người viết bài này vẫn văng vẳng câu hát đầm ấm và thân thương ngày nào: 
 
“Dưới mái nhà chung chúng em cùng vui sum vầy.
Anh em dặn lòng chuyên đi họp mà đắp xây…”
(Mái nhà chung).
 
T.P-N.V.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here