Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Gia đình Phật tử qua những con số

Gia đình Phật tử qua những con số

186
0

Lời Ban biên tập: Hiện nay tổ chức Gia đình Phật tử VN (GĐPT) có bao nhiêu đoàn sinh, huynh trưởng đang tham gia trong các đơn vị GĐPT tại các tỉnh thành? Con số đó có phản ánh đúng thực tế số lượng giới trẻ theo truyền thống đạo Phật trong thực tế tại các tỉnh thành có tổ chức GĐPT hay không? Web site Liễu Quán giới thiệu đến quý độc giả thống kê của huynh trưởng Quảng Tâm Tôn Thất Kỳ Văn, đây là phần thuộc loạt bài "Cần phải cải cách tổ chức GĐPT" mà chúng tôi đã giới thiệu trước đây.

Một thực tế đáng buồn là công tác quản trị hành chính, đặc biệt là việc theo dõi thống kê số liệu qua từng năm trong sinh hoạt GĐPT ít được coi trọng, hay nói đúng hơn là hầu như bị lãng quên. Chúng ta quên một điều rằng trong bất cứ hoạt động nào, công tác thống kê đóng vai trò chủ chốt trong việc cung cấp thông tin kịp thời và thường xuyên để người quản lý nắm bắt tình hình và diễn biến của tổ chức, từ đó có kế hoạch hành động phù hợp.

Trong bài viết đăng trên www.giadinhphattu.vn, huynh trưởng Đỗ Kế Lợi (đã cung cấp những số liệu đáng quý về tình hình hoạt động của GĐPT tại VN hiện nay, tuy rằng do người báo cáo không theo dõi số liệu qua từng giai đoạn nên số liệu chỉ dừng lại ở mức báo cáo mốc thời gian mà không có báo cáo xu hướng. Tác giả này cho biết, tại Hội nghị GĐPT toàn quốc lần II (2006), Huynh trưởng Nguyễn Thắng Nhu, Trưởng phân Ban Hướng dẫn GĐPT Trung ương đọc báo cáo nêu rõ:

Trong cả nước (từ Quảng Trị trở vào) có 16 tỉnh, thành có GĐPT sinh hoạt trong lòng Giáo hội với tổng số 795 đơn vị và 58,477 đoàn viên, cụ thể theo thứ tự giảm dần như sau:

Số liệu trên đây cho chúng ta thấy Thừa Thiên Huế và Quảng Trị là 2 tỉnh đang có số lượng đoàn viên GĐPT đông đảo nhất trong cả nước, trong khi đó Tp. HCM, được xem là thành phố lớn và đông dân nhất cả nước thì lại có số lượng đoàn viên GĐPT khiêm tốn hơn rất nhiều, đứng thứ 12 trên 15. Tuy nhiên, cách thống kê số liệu như trên chỉ phản ánh đúng một phần nhỏ tình hình sinh hoạt của GĐPT hiện nay, bởi vì cách thống kê này không tính toán sự khác biệt về dân số của từng tỉnh thành. Trong khoa học thống kê, điều chúng ta quan tâm hơn là mẫu số lớn hay nhỏ, từ đó tính tỉ lệ để biết tình hình thực tế một cách chính xác. Chúng ta có thể thiết lập 3 cách tính như sau để đánh giá về tình hình hoạt động của GĐPT ở 16 tỉnh thành phố.

Cách tính dựa vào dân số từng tỉnh thành
.

Dựa vào số liệu của Tổng Cục thống kê về dân số VN năm 1999, bảng thống kê và biểu đồ dưới đây cho thấy một sự so sánh khá lý thú về sự phổ biến của GĐPT ở các tỉnh thành phố miền Trung và miền Nam.

Với cách tính dựa vào dân số từng tỉnh thành, rõ ràng là Quảng Trị và Thừa Thiên Huế vẫn là 2 địa phương có sinh hoạt GĐPT phổ biến nhất (chiếm 2.07% và 1.7% dân số) trong khi đó Kiên Giang và Tp.HCM thì có tỉ lệ đoàn viên GĐPT/tổng số dân thấp nhất (lần lượt là 0.03% và 0.02%).

Cách tính dựa vào ước tính số lượng tín đồ Phật giáo các tỉnh thành.

Chúng ta biết rằng đạo Phật là đạo có đông tín đồ nhất trong cả nước. Báo cáo của Văn phòng Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết PGVN hiện tại có khoảng 10 triệu tín đồ, chiếm khoảng 12% dân số. Do vậy, nếu chúng ta không thể biết chính xác số lượng tín đồ Phật giáo của từng tỉnh thành thì có thể ước đoán dựa vào tỉ lệ chung của quốc gia bằng cách lấy dân số của 16 tỉnh thành nhân với 12%. Với cách tính này, số lượng tín đồ Phật giáo của 16 tỉnh thành có thể ước tính như sau: Dân số 16 tỉnh thành (20,450,537) x 12 % (tỉ lệ tín đồ Phật giáo toàn quốc) = 2,454,000 người

Như đã biết, tổng số đoàn viên GĐPT hiện tại là 58,477 người, trong khi đó ước tính số lượng tín đồ Phật giáo trong 16 tỉnh thành là 2,454,000 người. Như vậy chỉ có chưa tới 2.4% Phật tử trong 16 tỉnh thành có tham gia sinh hoạt GĐPT. Một tỉ lệ quá sức khiêm tốn! Điều này cho thấy rằng rất nhiều người Phật tử chưa biết đến sinh hoạt của GĐPT lâu nay, hoặc biết nhưng thờ ơ và không hứng thú. Có thể nhận định rằng nếu GĐPT biết cách khai thác, mở rộng sự tham gia đến những tín đồ này thì chúng ta sẽ có một lực lượng hùng hậu như thế nào, một đội ngũ những thiện nam tín nữ có đầy đủ Bi – Trí – Dũng để trở thành những hộ pháp tương lai của Phật giáo VN và cũng chính là những công dân có ích cho xã hội và đất nước!

Cách tính dựa vào ước tính số lượng trẻ em và thanh thiếu niên từ 5 đến 24 tuổi là tín đồ Phật giáo.

Dân số VN là một dân số trẻ, theo đó trẻ em và thanh thiếu niên từ 5 đến 24 tuổi chiếm một tỉ lệ rất cao trong dân số (khoảng gần 40%). Điều này được thể hiện thông qua tháp tuổi sau:

Tháp tuổi dân số VN năm 2000 (Nguồn: Niên giám thống kê y tế – Năm 2000)

Đối với GĐPT, một tổ chức được xem là dành cho tuổi trẻ Phật tử, đối tượng tuổi từ 5 đến 24 này cũng chính là tuổi của các em Mầm Măng, ngành Đồng, cũng như của ngành Thiếu và ngành Thanh. Vậy, làm thế nào để ước tính số lượng trẻ em và thanh thiếu niên độ tuổi 5 đến 24 tại 16 tỉnh thành phố ? Ta có thể sử dụng công thức sau:

Dân số 16 tỉnh thành (20,450,537) x 40% (tỉ lệ tuổi 5-24) = 8,180,000 người

Tuy nhiên, trong 8,180,000 trẻ em và thanh thiếu niên này, bao nhiêu người là Phật tử? Chúng ta lại ước tính dựa vào tỉ lệ tín đồ Phật giáo của cả nước là 12%.Vậy chúng ta có:

Số lượng trẻ em, thanh thiếu niên là tín đồ Phật giáo ở 16 tỉnh thành:
8,180,000 x 12% = 981,600 người

Vậy, tổ chức GĐPT đã tiếp cận được bao nhiêu phần trăm trong số 981,600 trẻ em và thanh thiếu niên Phật tử trên 16 tỉnh thành phố? Muốn trả lời câu hỏi này, chúng ta ước tính rằng tỉ lệ Huynh trưởng/Đoàn sinh là 1/10, như vậy sau khi trừ số huynh trưởng ra, số đoàn sinh ở các độ tuổi của GĐPT là vào khoảng 52,630 người.

Tóm lại, tỉ lệ tiếp cận thanh thiếu niên Phật tử ở 16 tỉnh thành phố có tổ chức GĐPT được ước tính là: 52,630 : 981,600 = 5.4%!!! (ước tính tỉ lệ tiếp cận thanh thiếu niên nói chung là 52,630 : 8,180,000 = 0.64%).

Thật bất ngờ, chúng ta tự hào về một tổ chức duy nhất của tuổi trẻ Phật tử ở Việt Nam với chặng đường hình thành và phát triển hơn 60 năm qua. Vậy mà vài phép tính thống kê đã cho thấy trong 100 thanh thiếu niên là tín đồ Phật giáo, chỉ có khoảng 5 em là có sinh hoạt GĐPT. 95 em còn lại, hoặc hoàn toàn không biết, hoặc biết nhưng thờ ơ, hoặc đã từng tham gia nhưng nay đã nghỉ sinh hoạt GĐPT. Rõ ràng, nếu làm tốt công tác thống kê, theo dõi và đánh giá ở tầm vĩ mô cũng như vi mô, chúng ta có thể biết được GĐPT đang đứng ở đâu trong dòng chảy xã hội VN hiện tại, từ đó lập kế hoạch và chiến lược phát triển cho phù hợp với những xu thế đang thay đổi từng ngày từng giờ của cuộc sống.

Như đã nói ở trên, công tác quản trị hành chành trong GĐPT còn thiếu và yếu, do vậy khó mà có đầy đủ thông tin để thiết lập một bức tranh toàn diện và chính xác về tình hình hoạt động thực tế của GĐPT hiện nay. Các phân tích về số liệu ở trên chỉ cung cấp 1 thông số về GĐPT trong rất nhiều thông số cần phải có. Thật vậy, bên cạnh thông số “tỉ lệ tiếp cận thanh thiếu niên Phật tử”, hệ thống quản trị hành chánh của GĐPT trong tương lai cần phải thu thập nhiều thông số quan trọng khác về các đặc điểm quan trọng của các nhóm đoàn sinh và huynh trưởng trong tổ chức chúng ta, ví dụ như:

– Cơ cấu tuổi, giới tính
– Mặt bằng trình độ văn hóa
– Cơ cấu nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình
– Tỉ lệ phân bố GĐPT ở các vùng miền (thành thị, nông thôn, dân tộc thiểu số…)
– Tỉ lệ ĐS và HT đang sinh hoạt/nghỉ sinh hoạt…v.v

Thật ra, nếu nhìn ở khía cạnh lạc quan, ta có thể phát biểu rằng tỉ lệ tiếp cận tuổi trẻ Phật tử của GĐPT là 5% ,chứng tỏ một điều rằng còn có một nguồn nhân lực tuổi trẻ Phật tử hết sức dồi đào và sung sức đang chờ đợi GĐPT tiếp cận và mời gọi tham gia vào tổ chức. Tất nhiên GĐPT không thể tham vọng tiếp cận 100% toàn bộ tuổi trẻ Phật tử, nhưng nếu chúng ta nghiên cứu đúng hướng, vạch ra chiến lược và kế hoạch phát triển hợp lý trong ngắn hạn, trung hạn, và dài hạn, GĐPT có thể đặt ra mục tiêu rõ rệt cho từng chặng để nỗ lực vươn tới tiếp cận càng nhiểu tuổi trẻ Phật tử càng tốt, ví dụ chúng ta đặt mục tiêu nâng tỉ lệ tiếp cận thanh thiếu niên Phật tử lên 20% trong vòng 3 năm,  50% trong vòng 5 năm, 70% trong 10 năm .v.v Đấy là chưa kể chiến lược tiếp cận thanh thiếu niên chưa phải là tín đồ đạo Phật mà trong chiến lược lâu dài, chúng ta cũng phải nhắm tới.

Quảng Tâm Tôn Thất Kỳ Văn

(Kỳ tới: Gia đình Phật tử: đâu là điểm yếu, điểm mạnh, thách thức và cơ hội phát triển?)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here