Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Ghen tuông, nỗi đau và phương thuốc nhà Phật

Ghen tuông, nỗi đau và phương thuốc nhà Phật

133
0

Gần đây, dư luận lại xôn xao chuyện muôn thuở: ghen tuông – những vụ án ghen tuông có tính chất nghiêm trọng bởi thủ đoạn đánh ghen, hạ đối thủ một cách tàn độc mà báo chí gọi là “yêu cuồng”, “ghen cuồng” hay “vũng xoáy cuồng yêu”…

1. Cái gì cuồng cũng không tốt! Đó là một tâm lý bệnh hoạn khiến người ta không còn khả năng kiểm soát hành vi, để rồi dễ dàng hành xử tệ hại, mất hết tính thiện, như một “con nghiện” chỉ biết suốt ngày chăm chú vào đối tượng dù hành động đó được bọc lót bởi hai chữ “tình yêu”.

Nếu hiểu yêu là cảm xúc thương mến, thì ta phải nghĩ tới yếu tố đầu tiên là tôn trọng đối tượng mình gọi là “người thương” hoặc “người yêu”. Sự tôn trọng đó bao gồm việc kính và không nỡ gây tổn thương (cả thân thể lẫn tinh thần) của họ. Không gây tổn thương không phải chỉ bằng việc không đánh đập, chửi mắng, hạ nhục mà còn là biết lắng nghe để hiểu họ, để mình không hoài nghi người ta một cách vô cớ – nguyên nhân dẫn tới xúc xiểm người mình yêu thương cũng vô cớ, thái quá, độc địa…

Thông thường, khi ta yêu một người thì mình hay lo lắng người kia sẽ xa mình, chữ xa ở đây ngoài “sanh ly tử biệt” (hiển nhiên) thì xa do “thay lòng đổi dạ” (hết yêu hoặc đem lòng yêu người khác, phản bội) là có thật. Tất nhiên, nồng độ của tâm lý lo sợ ấy mỗi người mỗi khác, cho nên ranh giới của gìn giữ chính đáng với việc ràng buộc quá mức khiến người kia mất tự do, đến lúc ngột ngạt, chịu không nổi phải “cao chạy xa bay” là khá mong manh trong tiến trình diễn biến tâm lý phức tạp của con người.

Do vậy, thay vì sợ người kia “thay đổi”, ra sức gìn giữ bằng cách kiện toàn bản thân, tương kính như tân, giữ được cũng như phát huy nét đáng yêu của thuở ban đầu thì đa số lại dùng đến “hạ sách” quản lý, quản thúc đến “cầm tù” người mình yêu bằng những “nội quy” mang tính bạo lực. Thậm chí lại dùng tới những “kế sách” hạ lưu, khó chấp nhận ngay cả khi dùng với “đối thủ”, huống hồ là dùng với người yêu, như đòi giết, tới nơi làm việc quậy tưng cho mất mặt, quay clip nhạy cảm để nếu không nghe lời thì sẽ tung lên mạng, gửi về gia đình cho mất danh dự…

Khi tình hình yêu đương đã đến mức đó thì chẳng khác chi ngục tù, cảm giác sợ hãi như ở với “thú dữ” xuất hiện nơi nạn nhân, còn người đã có hành vi hăm he, dọa nạt hoặc động tay động chân thô bạo với người yêu như thế sẽ tăng mức độ “xấu xí” theo thời gian, bởi dù gì thì “cũng chẳng thể khác được, không còn cơ hội cứu vãn nữa”. Có nghĩa là lỡ dơ rồi thì cứ lội luôn dưới bùn dơ, trở thành “cai ngục” thực thụ dù trước đây là “bạch mã hoàng tử” hoặc “công chúa trong mơ” của đối phương.

Có thể suy nghĩ tới sự thật đáng buồn – kết cuộc quá “bi thảm” của tình yêu như thế là do lối sống thiếu lành mạnh của xã hội, ở đâu cũng có những suy nghĩ, hành động tiêu cực nên đã làm cho lòng tin con người giảm sút, ngay cả tin vào người thân-thương của mình. Lối sống trọng vật chất, đề cao vẻ đẹp bên ngoài… phải chăng cũng chính là nguyên nhân làm người ta “thay lòng đổi dạ” nhan nhản ngoài kia, gây nên những vết đen xấu xí nơi nếp nghĩ con người, làm cho con người hồ nghi về sự chung thủy, về tình cảm chân thật, và định hình một lối sống “thay người yêu như thay áo”, nên ích kỷ cũng tăng lên?

Rồi trong quan hệ ứng xử, bây giờ ai cũng dễ dàng có nhiều mối quan hệ mở, từ đồng nghiệp tới bạn bè, ngoài đời thực tới trên mạng nên việc “cố định” tình cảm sẽ có phần giảm hơn trong tâm lý tiếp xúc nhiều thì sẽ có nhiều lựa chọn, không còn toàn tâm toàn ý trong sự chăm chút tổ ấm, tình yêu chu đáo như xưa. Do vậy, khi gặp phải sự cố trong tình yêu, thay vì tìm cách cùng nhau tháo gỡ để hàn gắn lại thì người ta dễ dàng từ bỏ để ngả về một người mới trong nhiều mối quan hệ khá thoáng của mình.

2. Trên cơ sở của đạo Phật, Đức Từ Phụ dạy người đệ tử tại gia phải gìn giữ năm giới (năm nguyên tắc đạo đức) để bảo hộ thân-tâm, bảo hộ hạnh phúc gia đình một cách trọn vẹn. Nếu thực tập gìn giữ được năm giới này thì chắc chắn gia đình sẽ ấm êm. Điển hình như việc không sát sanh, có nghĩa là sẽ bảo hộ mạng sống của người và loài khác, từ đó không tạo nhân chia lìa cho gia đình người khác, vật khác.

Với nhân lành đó, quả lành đương nhiên sẽ có trong sự sum họp gia đình, không bị chia rẽ bởi bất kỳ nguyên do gì. Nếu quán chiếu sâu, có thể ta sẽ thấy vì việc giết chóc, gây chia lìa thì ta sẽ nhận quả chia lìa bằng chính duyên cớ vợ chồng trở mặt, thù hằn, giết hại nhau bởi hiểu lầm, ghen tuông.

Hay, không tham lam, tức là việc không lấy của người, những vật không phải của mình thì không lấy; và cũng có thể hiểu là không “đèo bòng” ham muốn “phòng nhì, phòng ba”, làm mất niềm tin của người hôn phối, gây ra xào xáo, ghen tuông, rồi tìm cách trả thù, làm hại nhau. Điều này cũng chính là cơ sở liên hệ tới giới thứ ba, cụ thể là việc chung thủy với vợ hoặc chồng. Nếu người phụ nữ và đàn ông ai cũng gìn giữ tiết hạnh, sự đoan chánh… thì chắc chắn sẽ hạn chế việc ghen tuông, cuồng nộ trong lòng người yêu, đối tượng hôn phối của mình (về giới thứ ba, bạn đọc có thể xem thêm Giác Ngộ số 688, ra ngày 13-4).

Không nói dối cũng là nhân lành cho quả “đáng tin”, để người ta không hồ nghi mình, dẫu mình trong sạch. Người đời này hoàn toàn trong sạch mà lại bị nghi ngờ những chuyện “trời ơi đất hỡi”, dẫn tới mất hạnh phúc chính là kết quả của nhân nói không thật hoặc chia rẽ… mà mình đã tạo. Còn giới không uống rượu hoặc sử dụng chất ma túy cũng vậy, đó là bảo hộ thân-tâm mình và tránh gây tan nát gia đình. Vì rượu vào không kiềm chế được, ma túy sử dụng một lần có thể gây nghiện và trượt dài trong vòng xoáy của nó mà không biết bao nhiêu gia đình phải nát tan.

Do vậy, có thể thấy, nếu một người biết gìn giữ nếp đạo đức căn bản nêu trên thì cá nhân và gia đình sẽ thăng hoa. Từ đó, trí tuệ, lòng từ bi sanh khởi, sẽ biết quán chiếu được phải trái, biết lắng nghe và biết hành xử đẹp với cuộc đời, với người mình thương yêu. Hành xử đẹp ấy có thể kể ra rất nhiều, trong đó có sự ân cần chăm sóc, biết hỷ xả những lỗi lầm, tin tưởng, cùng dắt nhau bước qua những lúc yếu lòng, vụng dại… và đương nhiên sẽ không gây bất kỳ điều tác tệ nào tới thân-tâm người mình yêu, chồng/vợ mình để họ phải đau, phải khổ!

L.Đ.L

Những vụ ghen tuông kinh hoàng

Vào khoảng giữa tháng 3-2013, báo Công An đưa tin anh Lê Điền Hải giết người yêu đang mang thai do ghen tuông, nghi ngờ bạn gái mình đã yêu người mới. Đến đầu tháng 4-2013, dư luận lại vô cùng bàng hoàng với cảnh tượng chém chết người yêu cũ của Phạm Văn Khuyến vào chiều ngày 13-4 tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Nguyên nhân sự việc là sau khi chia tay, chị Hằng (người yêu Khuyến – NV) bị anh ta khủng bố tinh thần trong thời gian dài. Cô lo sợ nên tới cơ quan công an cầu cứu thì ngay khi vừa ra khỏi trụ sở công an P.22 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thì xảy ra vụ việc đau lòng.

Sau đó không lâu, câu chuyện của chị Hải Yến diễn ra vào tối 20-4 tại Đà Nẵng cũng làm cho nhiều người ớn lạnh. Trước đó, khi nghe tin chị Yến sẽ kết hôn trong năm nay thì anh Thành, tỏ tình nhưng không được Yến chấp nhận, đã nảy sinh ý định giết hại. Và, ngày 20-4, Thành đã đổ xăng đốt chị Yến ngay tại cửa quán cà phê – nơi chị đang làm thêm phụ giúp gia đình, nuôi em ăn học. Chị đã tử vong vì bị phỏng quá nặng, để lại cho gia đình và người chồng sắp cưới nỗi đau đớn tột cùng.

Bên cạnh đó là vụ gài mìn cho nổ cả xe máy để chết chung với người yêu cũ của chị Vũ Thị Thúy ngay trong ngày cưới của anh Chung (người yêu cũ của mình) xảy ra cũng trong ngày 20-4 tại Hải Dương. Kết cuộc, anh Chung đã may mắn thoát chết nhưng vẫn còn đang được điều trị tại bệnh viện. Song song đó, vụ “đánh ghen, lột đồ” ở TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) do bà Tuyết và con trai gây ra với bà B. cũng làm dư luận bàn tán. Tuy không xảy ra án mạng hay thương tích, nhưng bà B. đã phải xin nghỉ làm vì quá sốc, còn bà Tuyết và con trai có thể bị khởi tố hình sự…

Ngọc Thanh tổng hợp

 (Theo GNO)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here