Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Erich Wulff (1926-2010) – Vài nét tiểu sử liên quan đến Việt...

Erich Wulff (1926-2010) – Vài nét tiểu sử liên quan đến Việt nam

129
0

E. Wulff sinh ngày 06 tháng 11 năm 1926 tại Tallin, thủ phủ của Estland (Esthonia- trước đây thuộc Liên Xô, nay là một quốc gia độc lập), con của một bác sĩ chuyên khoa Phổi, thuộc thiểu số gốc Đức và mẹ là một người Let (Letthuania – trước đây cũng thuộc Liên Xô, nay cũng là một quốc gia độc lập), lớn lên với 3 thứ tiếng (Đức, Esthoni và Nga).

Ông lớn lên tại Cọng Hoà Estland. 1939 cùng với gia đình, ông bị di tản về Posen (Ba Lan) đang bị Đức chiếm đóng trong chiến dịch di tản người Đức thiểu số của Hitler. Sau đó đi quân dịch tại một quân chủng bộ binh tại miền đông nước Phổ và bị bắt làm tù binh đến tháng 9/1945 sau khi Đức đầu hàng. Ông thi đậu bằng Tú tài trong niên khóa 1946/47 dành cho các cựu chiến binh tại Lippstadt, rồi theo học Y khoa và Triết học tại Koeln (Cologne) từ năm 1947 đến 1953, tốt nghiệp bác sĩ năm 1953. Ông nhận được học bổng quốc gia Pháp theo học tại Paris niên khóa 1953/1954, sau đó làm giảng nghiệm viên và học Cao học ngành Tâm thần tại Marburg, Bayreuth và Freiburg từ năm 1955 đến 1961 và đậu bằng Tiến sĩ Y khoa năm 1960. Năm1961 trong chương trình trao đổi Hàn Lâm giữa Đại học Y khoa Huế và Đại học Freiburg, ông nhận học bổng làm giảng sư tại Đại học Y khoa Huế, BS. Wulff đã dạy Physiology (Sinh Lý Học) bằng tiếng Pháp à thần kinh tâm lý học.

Trong buổi nói chuyện mới nhất tháng 5/2008 tại Huế sau  gần 30 năm xa Việt Nam, Erich Wulff nhấn mạnh, khi đến Việt Nam, ông hoàn toàn không quan tâm chính trị và còn là một bác sĩ trẻ đang muốn học hỏi kinh nghiệm cho chuyên môn của ông.Tháng 5/1963, tình cờ ông là nhân chứng cuộc thảm sát các Phật tử đêm Phật Đản tại Đài Phát Thanh Huế do chính quyền đương thời gây ra. Ông bắt đầu tìm cách giúp các Thầy ở chùa Từ Đàm khi họ tuyệt thực và sau đó chuyển thông tin đến với thế giới về cuộc thảm sát đêm Phật đản 1963 tại đài Phát thanh Huế. Tháng 6/1963, ông bị nhà cầm quyền tại Huế giữ lại sau khi yêu cầu chính quyền cho biết các yếu tố trong lựu đạn cay mà cảnh sát sử dụng chống các người đi biểu tình và tuyệt thực để có thể chữa trị hữu hiệu các nạn nhân. Sau đó ông và hai đồng nghiệp bị triệu vào Sài Gòn đợi lệnh của chính phủ. Cuối tháng 6/1963, E. Wulff và hai đồng nghiệp của ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm trục xuất khỏi Việt Nam.

E. Wulff trở lại Việt Nam đầu năm 1964 sau khi chính quyền họ Ngô bị sụp đổ. Ông tiếp tục dạy học tại Huế cho đến năm 1967. Tại Huế, E.Wulff đã cải tiến khoa Tâm thần ở đây và xây dựng bệnh viện Tâm thần tại Huế. Trong khoảng thời gian này ông bắt đầu có nhận định chính trị khác với phong trào đòi hoà bình của Phật giáo. Trong thư viết năm 2003, ông cho biết, những người bạn Việt Nam của ông tại Huế đã thuyết phục ông ủng hộ cuộc chiến chống Mỹ. Ông thông cảm với họ và đứng trên chiến tuyến chống sự leo thang chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, ông cho rằng chính sách của Mỹ tại Viêt Nam thay vì giúp miền Nam Việt Nam có nền dân chủ thật sự, đã đẩy thanh niên miền Nam trở lại chống Mỹ (E. W. điều trần trước Tòa án Russel về chiến tranh Việt Nam năm 1967).

Năm 1967 E. Wulff trở về Đức, 1968 giữ chức vụ bác sĩ trưởng tại bệnh viện tâm thần của Đại học Giessen. 1969 ông trình luận án tiến sĩ quốc gia Y Khoa và làm giáo sư thỉnh giảng tại đại Học Vincennes, Paris. Năm 1974 ông được Trường Đại học Y khoa Hannover bổ nhiệm vào ghế giáo sư mới thành lập cho khoa Tâm thần xã hội học. Với sự bổ nhiệm E. Wulff, Đại Học Y khoa Hannover đã tạo nên phẩm hàm giáo sư thứ hai cho khoa Tâm thần học và phân khoa từ lâu được hoạch định về môn Tâm thần xã hội học chính thức được định chế hoá. E. Wulff đã giữ chức vụ trưởng khoa này 20 năm cho đến khi về hưu năm 1994.

Từ năm 2003 ông sống với phu nhân Edith Tubiana Wulff tại Paris. Các con của ông bà, Jonathan (1975), Manuel (1977), Noemi (1981) đã thành đạt và sống tại Đức.

Trong thời gian hoạt động chuyên môn, E. Wulff với tư cách khoa trưởng tại Đại học Y Khoa Hannover (1974-1994) đã có nhiều quyết định có tính định hướng trên lĩnh vực Tâm thần học cho nền Tâm thần học tại Đức và Âu châu. Những quyết định này đã  xác lập và làm thay đổi bộ mặt của khoa Tâm thần học trong suốt những thập niên kế tiếp. Dấn thân của E. Wulff nằm ở sự cải tổ lại khoa Tâm thần học tại Đức và những nước Âu châu khác. Trước đó ông đã liên lạc với Franco Basaglia và một nhóm chuyên gia Tâm thần học chủ trương cải tổ khoa Tâm thần học. Đối với Wulff, khoa Tâm thần học mới này có mục đích ưu tiên nhằm đóng góp vào sự dân chủ hoá định chế thuộc lĩnh vực tâm thần và bảo trợ phong trào thân nhân và nạn nhân của những người đã trải qua kinh nghiệm tâm thần học, ông là thành viên của phong trào cải cách ngành Tâm thần học và là thành viên của ban biên tập tạp chí “Sozialpsychiatrische Informationen” (Thông tin tâm thần xã họi học).

Dấn thấn khác của E. Wulff thuộc khoa Tâm Thần nhân chủng học. Trên lĩnh vực này ông xây dựng lý thuyết về sự tương quan có tính so sánh văn hoá đến từ sự hiểu biết nhân chủng học cho khoa Tâm Thần học, nhất là để thâu lượm một khía cạnh liên văn hoá và cũng như tiếp thu khoảng cách hoạ đồ nhân chủng có ích trong việc thực hiện chẩn bệnh và trị bệnh. Tại Đức, uy tín quốc tế về chuyên môn của ông trên lãnh vực tâm thần học càng ngày càng gia tăng. E. W đã dựa trên phương pháp duy vật biện chứng, như ông tuyên bố khi xây dựng đề án khoa tâm thần xã hội học. Ông đã tạo được một uy thế quốc tế trên lãnh vực này cho Đại Học Hannover, nhất là khoa Tâm thần nhân chủng và khoa phân tích cơ cấu (Strukturanalyse) của bệnh điên, do George Devereux khởi xướng.

Song song với hành nghiệp chuyên môn, sau khi trở về Đức, E. Wulff tích cực hơn trong hoạt động chính trị. Ngay chính sau 1964, ông được thuyết phục về phía Mặt trận giải phóng và không còn ủng hộ tích cực các phong trào hoà bình của Phật giáo tại miền Nam. Với bút danh G. W. Alsheimer, trong tác phẩm “Những năm dạy học Việt nam” xuất bản tại Đức năm 1968 ông kể lại những kinh nghiệm tại Việt Nam. Từ đó E. Wulff. tham gia các phong trào chống Mỹ vả ủng hộ hoà bình cho Việt Nam, là thành viên ban biên tập tờ báo khuynh tả “Argument” (Lý luận) và là chủ tịch của Hội thân hữu Đức Việt một thời gian.

Năm 1978 ông trở về Việt Nam. Chuyến đi này đã làm ông thất vọng vì không được phép gặp các bạn hữu cũ – có một số người bày tỏ sợ hãi không dám gặp và ấn tượng bị theo dõi khăp nơi đã ám ảnh khiến ông nhớ lại nỗi sợ hãi của thời quốc xã ở nước Đức. Trở về Đức, ông viết quyển hồi ký về “Chuyến đi Việt Nam” (1979) “có vấn đề” về phía nhà cầm quyền Việt nam (Sứ quán) và gây tranh cãi với nhóm tả khuynh người Đức trong hội thân hữu Đức Việt. Sau đó ông không được cấp giấy nhập cảnh vào Việt Nam.

E. Wulff trở lại Việt Nam sau gần hơn 20 năm, lần này với gia đình và 3 người con đã trưởng thành, nhân lễ Phật Đản quốc tế do Unesco chủ xướng được tổ chức tại Việt nam tháng 5 năm 2008, qua lời mời của Thầy Lê Mạnh Thát. Trong một thư riêng trước thư nhận lời tham dự, E. Wulff viết: “es ist für mich mit meinen 81 Jahren und Altersgebrechen sicher die letzte Gelegenheit. Ausserdem schließt sich damit irgendwie der Kreis meines Engagements für Vietnam, das ja am 8.Mai 1963 begonnen hatte.“ (Tôi nghĩ chắc chắn đó là cơ hội cuối cùng với mớ tuổi 81 và sức già yếu hiện nay của tôi. Ngoài ra cũng có một chút duyên nào đó, mà với chuyến đi này vòng tròn dấn thân của tôi cho Việt nam – đã bắt đầu vào dịp Phật đản ngày 8 tháng 5 năm 1963 –  được đóng lại).

Cùng với gia đình, tháng 5 năm 2008, ông đến tham dự đại lễ Phật đản tại Hà nội, nhân dịp thăm Việt nam và đến Huế, trong lồng ngực máy trợ tim sau nhiều lần giải phẫu, yếu đuối nhưng thân thiết với mọi người. Hai địa điểm mà ông đòi đến thăm trước nhất là bệnh viện tâm thần do ông thành lập và đài Phát thanh Huế, nay là nơi có dựng đài kỷ niệm các Thánh Tử đạo. Trở lại Paris, ông hoàn tất hồi ký chuyến đi Viêt Nam lần cuối, đã được xuất bản cuối năm 2009/2010. Bà Wulff cho biết ông đã làm một số bài thơ sau chuyến đi, có lẽ đây là những bài thơ đầu tiên và cũng là cuối cùng của vị bác sĩ luôn “dành trái tim cho người bị áp bức“ (pv E. Wulff). E. Wulff từ trần ngày 31. 01. 2010.

Các tác phẩm :  
Dưới bút hiệu Georg W. Alsheimer
• Vietnamesische Lehrjahre. (Những năm dạy học tại Việt Nam) nxb Suhrkamp, Frankfurt am Main 1968, 1968/72/79. o um einen Nachbericht von 1972 ergänzt: nxb Suhrkamp (st 73), Frankfurt am Main 1972 , được bổ túc với một tường thuật viết sau. 
• Eine Reise nach Vietnam. (Một chyến đi Việt nam), nxb Suhrkamp (st 628), Frankfurt am Main 1979
Dưới tên Erich Wulff
• Psychiatrie und Klassengesellschaft. Zur Begriffs- und Sozialkritik der Psychiatrie und Medizin.Tâm thần học và Xã hội giai cấp. Phê phán khái niệm và phê phán xã hội trong Tâm thần học và Y khoa,  Athenäum, Frankfurt am Main 1972
• Der Arzt und das Geld. (Ông bác sĩ và đồng tiền) trong Argument (SH 11; Nachdruck aus Das Argument 69/1971), Berlin 1978
• Transkulturelle Psychiatrie. Tâm thần học liên văn hoá, trong Argument (SH 23; Nachdruck aus Das Argument 50/1969), Berlin 1979
• Psychiatrie und Herrschaft. Tâm thần học và  tính thống trị, Argument (SH 34; Nachdruck aus Das Argument 110,111/1978), Berlin 1979
• Psychisches Leiden und Politik. Ansichten der Psychiatrie. Đau khổ tâm lý và chính trị. Quan điểm của Tâm thần học. Campus, Frankfurt am Main 1981
• Wahnsinnslogik. Von der Verstehbarkeit schizophrener Erfahrung. Luận lý của bệnh cuồng. Về khả thể hiểu biết kinh nghiệm phân tâm, Psychiatrie-Verlag (Edition das Narrenschiff), Bonn 1995
• Irrfahrten. Autobiographie eines Psychiaters. Những chuyến đi lạc. Tự sự của một nhà tâm thần học, Psychiatrie-Verlag (Edition das Narrenschiff), Bonn 2001
• Das Unglück der kleinen Giftmischerin und zehn weitere Geschichten aus der Forensik. Nỗi bất hạnh của cô bé pha thuốc độc và 10 câu chuyện khác từ Fo rensik, nxb Psychiatrie-Verlag (Edition Balance), Bonn 2005
Đứng tên xuất bản (Herausgeberschaft)
• Ethnopsychiatrie. Seelische Krankheit, ein Spiegel der Kultur? Tâm thần nhân chủng học. Bệnh tâm thần, một tấm gương soi của văn hoá?, nxb Akademische Verlagsgesellschaft, Wiesbaden 1978

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here