Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Em và Bồ Tát Phổ Hiền

Em và Bồ Tát Phổ Hiền

122
0

Ngày ngày em tụng bài sám nguyện Phổ Hiền:

“Nhứt giả lễ kính chư Phật.
Thập giả phổ giai hồi hướng.”

Có bao giờ em tự hỏi: Ngài Phổ Hiền là vị Bồ-tát nào? tại sao tu tập với nhiều hạnh nguyện như vậy? Em đã học và tu theo hạnh nguyện nào của Ngài chưa?

Theo Kinh có định nghĩa:

“Đức chân pháp giới viết Phổ
Chí thuận điều thiện viết Hiền.”

Phổ: Nghĩa là đức hạnh, trí tuệ, phước đức rộng lớn, vô biên trùm khắp pháp giới.

Hiền: nghĩa là hoàn toàn tùy thuận theo chân tâm, mọi việc Ngài làm đều hết sức tốt lành. Theo kinh Hoa Nghiêm, Ngài được gọi là vị Bồ-tát của Đại Hạnh, vì Ngài đại diện cho tinh thần tinh tấn, tu mọi pháp môn không nhàm mỏi, không gián đoạn, không giới hạn. Ngài thường được thấy qua hình tượng cỡi voi trắng 6 ngà. Voi là biểu tượng cho tính chắc thật, bước đi vững vàng của công hạnh tu trì. Sáu ngà tượng trưng cho 6 Ba-la-mật căn bản. Ngài có vô biên hạnh nguyện chứ không hẳn là 10 hạnh như trong bài sám mà em tụng. Ngài là đại biểu cho tính chất đặc thù của con đường Bồ-tát đạo. Nên trong Kinh thường dùng chữ “hạnh hải” (hạnh nguyện như biển cả), để diễn tả tầm vóc và công hạnh tu hành của Ngài.

Ngài có vô biên hạnh nguyện như vậy. Song, có 10 đặc tính chính trong công hạnh của Ngài. Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: Nếu ta có thể hướng tâm phát nguyện và nỗ lực làm theo 10 điều ấy thì là ta đã tu theo hạnh Phổ Hiền.

Sở cầu phổ: Chí hướng của ta phải hướng tới sự chứng đắc Bồ-đề ngang bằng chư Phật, khi chưa giác ngộ như Phật thì vẫn tiếp tục tu.

Sở hóa phổ: Lập chí để độ hết thảy chúng sanh trong pháp giới, không phải độ một vài người hay độ trong một vài kiếp rồi ngừng lại.

Sở đoạn phổ: Làm cạn sạch biển phiền não vô biên, dứt sạch vô lượng tập khí, thói quen, ô nhiễm, nếu chưa xong tiếp tục tu nữa.

Sự hạnh phổ: Bất kỳ một công hạnh tu hành nào ta cũng tu hết. Đôi khi một đời chỉ tu vài ba công hạnh, nhưng ta cần trì chí phát nguyện tu hoài, không ngừng nghỉ.

Lý hạnh phổ: Mỗi một công hạnh tu trì, ta phải thấu triệt chân lý của nó. Việc gì ta cũng rõ suốt chân lý hay đạo lý vận hành của nó. Khi chưa nhìn nhận xuyên suốt được ta phải tiếp tục tu, chớ rơi vào hình tướng mê loạn.

Vô ngại hạnh phổ: Tu công hạnh gì, làm việc gì lập tức thấu đáo chân lý việc ấy. Bất kỳ chân lý gì mình xuyên suốt thì chân lý ấy sẽ phản ánh trong hành vi, cử chỉ, lời nói, sự tu trì của mình. Sự tướng chân lý hoàn toàn vô ngại.

Dung thông hạnh phổ: Khi tu một hạnh, làm một chuyện gì đó, việc ấy có thể thu nhiếp dung nạp tất cả việc khác. Như khi ta bố thí, mình có thể đồng thời tu tất cả Ba-la-mật khác trong hành động bố thí ấy. Chỉ nhiếp có 10 Ba-la-mật thì chưa đạt tới cảnh giới của đức Phổ Hiền; chư đại Bồ-tát khi tu một hạnh thì tu nhiếp vô tận công hạnh.

Sở khởi dụng phổ: Dụng tức là ứng dụng. Tâm khi định thì sẽ trở nên vô cùng sáng suốt, bất kỳ ngành nghề, khoa, môn, phái, thuyết nào tâm ta cũng sẽ thông đạt và vận dụng vô ngại.

Sở hành xứ phổ: Tám hạnh trên sẽ được ta thực hiện trong tất cả mọi nơi trong vũ trụ. Chư đại Bồ-tát có thể ứng hiện theo duyên ở bất kỳ nơi nào để thực hành tám hạnh trên.

Sở hành thời phổ: Tất cả công hạnh trên đều có thể thực hiện đồng thời, bất kỳ lúc nào trong quá khứ, hiện tại và vị lai.

(Đại cương kinh Hoa Nghiêm-186)

Qua thời gian tu tập theo hạnh nguyện của ngài Phổ Hiền với đầy đủ 10 đặc tính, song nay em vẫn không thấy tiến bộ hay phát triển rốt ráo. Em có biết tại sao không? Vì trong em còn đặt ra những giới hạn, biên cương cho sự tu tập chứng đắc, chưa vận dụng sự vô biên vô hạn của chân tâm mà không ngoài bốn chữ “tâm không giới hạn”. Với sự vô hạn của chân tâm đó cũng chưa đủ cho em vẹn toàn hạnh Bồ-tát, mà trong kinh Hoa Nghiêm có dạy rằng:

“Quên phát Bồ-đề tâm
Làm mọi thiện pháp
Đó là ma nghiệp”.

Do đó, quá trình tu đạo của chúng ta hoàn toàn dựa vào năng lực của tâm Bồ-đề. Làm việc thiện với sự phát khởi tâm Bồ-đề, chúng ta mới thật sự tạo thiện nghiệp; nếu quên phát tâm Bồ-đề thì em phải quay lại, mọi việc bắt đầu trở lại với sơ phát khởi Bồ-đề tâm. Nếu không em sẽ rơi vào ma nghiệp.

Phát Bồ-đề tâm là gì và phải phát khởi như thế nào? Phát Bồ-đề tâm tức là vừa hướng mình vào con đường giác ngộ, vừa làm việc hóa độ chúng sanh; gọi là “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Chúng ta phải phát khởi những ý tưởng đó mãi mãi. Nói khác hơn “Phát Bồ-đề tâm là hun đúc trong lòng một khuynh hướng kiên cố hướng về hai mục tiêu là tu đạo và độ sanh”. Chúng ta nuôi dưỡng tư tưởng “thượng cầu hạ hóa” cho đủ mạnh,  trở thành khuynh hướng kiên cố; giúp chúng ta quyết định sáng suốt mọi hành động thì đó là phát Bồ-đề tâm. Kinh dạy chúng ta phát Bồ-đề tâm, tức khơi dậy lòng đại từ, đại bi, lòng an lạc, nhiêu ích ai mẫn; phát Bồ-đề tâm tức khơi dậy tâm rộng rãi, quảng đại vô ngại, khơi dậy tâm thanh tịnh; phát Bồ-đề tâm tức là phát khởi trí huệ chân chánh.

Sáng nay, em có nhớ phát Bồ-đề tâm khi tụng bài sám Phổ Hiền không nhỉ? Em còn miên man trong những lời Kinh nói về công hạnh của Ngài nữa không? Trong em còn những thiếu sót, như việc sáng nay em tụng Kinh, đã làm việc thiện rồi, nhưng lại quên phát Bồ-đề tâm thì công hạnh chưa vẹn toàn rồi đó em ạ! Mong ngày mai em sẽ không quên điều ấy, em sẽ học theo hạnh nguyện của ngài Phổ Hiền với sự phát tâm Bồ-đề dõng mãnh, để em làm vị Bồ-tát với tâm lượng hiền từ, rộng rãi, thương yêu chúng sanh vô bờ bến, vô điều kiện; vị Bồ-tát tu hành trong mọi hoàn cảnh phiền não nghiệp chướng; vị Bồ-tát miệng luôn nở nụ cười-cười những việc đáng cười của thế nhân, cười từ hòa tha thứ bao dung cho muôn sinh; vị Bồ-tát luôn “hiếu thảo” với tất cả chúng sanh, hy sinh bản thân để thành tựu cho kẻ khác; vị Bồ-tát dùng muôn tế hạnh để tự soi sáng cõi lòng, luôn coi mình là chúng sanh sẽ thành Phật sau cùng nhất. Mỗi sớm mai thức dậy em phát vô số đại nguyện, nguyện tu vô lượng pháp môn, học mãi hạnh nguyện không cùng của ngài Phổ Hiền với tâm Bồ-đề phát khởi dõng mãnh như hơi thở, nụ cười trong em từng phút giây.

Mỗi sáng thức dậy nhớ thở, nhớ cười nhe em!!!

Tập san Pháp Luân

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here