Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Đừng cố chấp việc ăn thịt chó!

Đừng cố chấp việc ăn thịt chó!

128
0

“Đối với những thói quen, tập tục đã bị người khác, địa phương khác lên án, chỉ trích rồi thì cách hành xử thông minh chắc chắn sẽ là thái độ không cố chấp, tỉnh táo điều chỉnh hành vi” – Đại đức Thích Minh Chi luận giải về chuyện ăn thịt chó và những tranh cãi xung quanh thói quen này của người Việt.

Thuyết nhân – quả và bi kịch của đồ tể chuyên giết thịt chó

Nhắc tới chuyện ăn thịt chó, Đại đức Thích Minh Chi (Trường Phật học Hà Nội) bắt đầu bằng một câu chuyện khá thương tâm nhưng đáng ngẫm về “Nhân – Quả” ở đời.

Ông kể: Cách đây khoảng 5 năm tại một ngôi làng nơi có “phong trào” đãi cỗ cưới bằng thịt chó gần Hà Nội xảy ra vụ việc kinh hoàng: Một ông chủ quán thịt chó cầm chiếc vồ vẫn đập giết chó hàng ngày, phang chết hai đứa con gái ruột của mình. Lúc bị công an tra hỏi, ông ta vẫn khăng khăng quả quyết là ông nhìn thấy chó, đập chó chứ không giết con gái. 49 ngày sau, ông ta treo cổ tự tử mà chết.

Lời bàn: Có thể nói nếu ở làng ấy không có phong trào đãi cỗ đám cưới bằng thịt chó thì đã không sản sinh cái tay sát chó chuyên nghiệp, lành nghề máu lạnh đến nỗi quen tay, lỡ giết ngay con mình mà không biết không hay. Và, nếu không có vụ tay chủ quán chó giết con đó, thì có lẽ làng đó đến giờ vẫn còn tập tục đãi cỗ cưới bằng thịt chó chăng?

Bi kịch của ông chủ quán thịt chó vẫn còn được lưu truyền trong dân gian. Mỗi người khi nghe chuyện lại có một suy ngẫm, chiêm nghiệm cho riêng mình.

“Trong quan niệm Phật giáo, loài chó cũng như bao chúng sinh khác đều cần được yêu thương, bảo vệ. Nhà Phật khuyên chúng ta không nên sát sinh, hại vật. Nếu cố ý làm hại mạng sống của người và các loài vật khác sẽ phải “tội”, phạm lỗi, phạm tội sát sinh hay phạm giới (đối với người đã phát nguyện giữ giới không sát sinh).

Kinh Ưu Bà Tắc Ngũ Giới Tướng thuyết minh: “Tội” có 3 cấp độ: tội nhẹ, tội vừa, và tội nặng; 1. Tội nặng: nếu cố ý giết người, 2. Tội vừa: cố ý giết hại hoặc ăn thịt khi nghe thấy, nhìn thấy chúng kêu la khi bị giết, các loài vật có tình thức, có lợi cho cuộc sống con người như: chó, mèo, trâu, bò, voi, ngựa…; 3. Tội nhẹ: cố ý giết hại gia cầm, con sâu, côn trùng… Phạm tội nặng thì không sám hối được, phạm tội vừa và tội nhẹ nếu không có tâm ăn năn hối lối thì kiếp sau khó có được thân người” – Đại đức chia sẻ.

Nên tỉnh táo điều chỉnh hành vi

Về những ý kiến lên án ăn thịt chó là tội ác, là phi nhân tính, Đại đức Thích Minh Chi cho rằng điều này còn phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, con chó là loài vật thân quen, trung thành với con người, đôi khi chó còn có vai trò như một người thân trong gia đình. Việc nên hành xử như thế nào với chuyện ăn thịt chó đã không đơn giản là ứng xử với một món ăn, một thú ẩm thực đơn thuần.

Đại đức phân tích: “Mỗi người phải xuất phát từ thái độ không cố chấp, tỉnh táo điều chỉnh hành vi cho phù hợp với văn hoá hướng thượng. Xét về phương diện nhận thức thì ai cũng biết, cần phải bác bỏ các thói quen xấu, hủ tục xấu, tập rèn các thói quen tốt phù hợp với xu thế hội nhập.

Trên phương diện hành xử thực tiễn thì việc nhận diện ra đâu là thói quen, tập tục xấu đã khó. Khó hơn nữa là việc bác bỏ hay xây dựng một thói quen, tập tục thiện lành. Đặc biệt là đối với những thói quen, tập tục đã bị người khác, địa phương khác lên án, chỉ trích rồi thì cách hành xử thông minh chắc chắn sẽ là thái độ không cố chấp, tỉnh táo điều chỉnh hành vi.

Mỗi người nên thận trọng, tự kiểm soát hành động, lời nói, suy nghĩ của chính mình. Hành động, thói quen, tập tục gì có hại cho mình, cho người thì hạn chế đừng làm, điều gì có lợi cho mình, có lợi cho người khác thì cố gắng thực hành vậy. Hơn nữa, “lời chào cao hơn mâm cỗ” – văn hoá Việt từ xưa không đề cao miếng ăn, mâm cỗ mà chú trọng văn hóa bên bàn ăn.

Đành rằng, với một số người thì xung quanh mâm rượu thịt chó có chứa nhiều các câu chuyện vui nhộn, nhiều kỷ niệm đẹp nhưng cũng không nên cổ súy cho việc bù khú đánh chén này”.

 

(VietNamNet)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here