Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Đức Phật thành đạo mang ánh sáng an lạc cho nhân loại

Đức Phật thành đạo mang ánh sáng an lạc cho nhân loại

139
0

Đức Phật thành đạo đã minh chứng cho chúng ta thấy rằng: mỗi chúng sinh đều có Phật tính. Như Ngài đã từng tuyên bố: Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành. Bằng chứng cụ thể nhất là những đệ tử của Ngài từ những dòng dõi quý tộc cho đến những người căn tính ám độn như ông Bàn Đặc, thấp hèn như Ưu Ba Li – thợ cắt tóc, tàn ác như Vô Não… Dưới sự cảm hóa và hướng dẫn tu tập của Đức Phật, họ đều được giác ngộ giải thoát.

Cách đây hơn 2600 năm, trên thế gian này đã xuất hiện một bậc Vĩ nhân giác ngộ vẹn toàn dưới cội cây Bồ Đề. Kỷ niệm ngày thành đạo, chúng ta cùng nhau tưởng nhớ lại sự kiện trọng đại này của Đức Bổn Sư.

Ngày Đức Thế Tôn thành đạo mang lại niềm khích lệ vô lượng, vô biên cho Chư Thiên và loài người. Sự giác ngộ vẹn toàn của Đức Phật đã tạo một niềm tin trong sáng, vững chắc vào Tam Bảo cho Tăng Ni và Phật Tử, nó giúp chúng ta tự tin vào chính mình trong quá trình tu tập, hóa giải đau khổ, tìm đến con đường an lạc, giải thoát.

Đức Phật thành đạo cũng phải trải qua vô lượng a tăng kỳ kiếp, tinh tiến tu tập, hành Bồ Tát Đạo, diệt trừ nội ma, ngoại chướng. Nội ma chính là phiền não khổ đau, kiến hoặc, tư hoặc; là nguyên nhân dẫn đến sinh tử luân hồi. Ngoại chướng chính là nói đến chướng duyên bên ngoài, đó là sự cám dỗ của ngũ dục thế gian. Tất cả những thứ đó được kết thúc sau 49 ngày thiền định dưới cây đại thụ Bồ Đề. Ngài đã thực sự giác ngộ, giải thoát hoàn toàn, không còn bị sinh tử luân hồi trói buộc, an nhiên tự tại trong mọi hoàn cảnh.

Sau khi chứng được quả vị Vô Thượng Bồ Đề, Đức Phật đã quyết định chuyển vận bánh xe chính Pháp. Trong suốt 49 năm thuyết Pháp độ sinh, Đức Phật như một vị lương y đại tài, tùy theo căn cơ, trình độ của chúng sinh mà nói ra vô lượng các pháp môn tu. Pháp môn tuy nhiều, nhưng không ngoài mục đích chuyển mê khai ngộ cho tất cả chúng sinh. Vì mê là gốc khổ, ngộ là gốc vui, chuyển mê khai ngộ là chuyển đổi tâm mê thành tâm giác ngộ, đem lại cuộc sống an vui cho nhân loại.

Đức Phật đã cho chúng ta thấy rõ mê là gốc khổ, nó đã làm cho chúng sinh phải sống trong phiền não khổ đau, sinh tử luân hồi trong lục đạo, tự trói chặt thân Ngũ uẩn giả tạm của mình bằng sợi dây vô minh tham ái. Vì thế trong kinh Bát Đại Nhân Giác, Đức Phật dạy rằng:

“Điều thứ hai phải nên giác ngộ
Ham muốn nhiều, lụy khổ càng sâu
Nhọc nhằn sinh tử bấy lâu
Đều do tham dục dẫn đầu gây nên.”

Khổ đau chính là do chúng ta tự tạo ra thì cũng chính chúng ta phải nỗ lực tinh tiến tu tập để diệt trừ nó đi. Tự mình triệt phá vô minh, tự mình dập tắt tâm tham dục, không ai có thể làm thay cho chúng ta được.

Trải qua nhiều kiếp hành Bồ tát đạo cho đến khi thành Phật, Đức Thế Tôn luôn dùng tâm từ bi bình đẳng để giáo hóa chúng sinh; coi kẻ oán cũng như người thân; vượt qua rào cản tâm thương ghét; tự tại trước nghịch cảnh và thuận duyên. Trong kinh Bát Đại Nhân Giác, Đức Phật có dạy rằng:

“Lập nguyện lớn cầu vô thượng đạo
Hạnh kiên trì hoài bão độ sinh
Dù bao chướng ngại tu hành
Vẫn không lay chuyển hạnh lành từ bi!”

Đức Phật khi thuyết pháp độ sinh không phải lúc nào cũng thuận duyên, có khi ngài cũng gặp phải những nghịch cảnh do lòng đố kỵ của ngoại đạo tà giáo, hay lòng ganh ghét của nội thân quyến thuộc gây ra: như chàng Vô Não, người anh họ Đề Bà Đạt Đa… Nhưng ngài vẫn sống với tâm chân thường, thanh tịnh, tự tại không hề giao động trước nghịch cảnh. Với tâm từ bi và trí tuệ sáng suốt, Ngài đã khéo léo chuyển hóa những nghịch cảnh thành thuận duyên, đưa chúng sinh trở về với chính Pháp.

Thời Đức Phật còn tại thế, có một hôm, Đức Phật cùng với Tăng đoàn đến thuyết pháp ở một làng ngoại đạo, thay vì đón tiếp cung nghinh, họ kéo nhau ra xua đuổi, chửi mắng Đức Phật và Tăng đoàn; trước hoàn cảnh đó, tâm ngài vẫn an nhiên bất động như vàng ròng gặp lửa vẫn giữ nguyên màu sắc. Thế mới biết:

“Chưa gặp lửa vàng thau một sắc
Gặp lửa rồi hai chất khác nhau
Vàng thì trước cũng như sau
Còn thau thì lại sắc màu đổi thay.”

Tâm Phật được ví như vàng, dù ở hoàn cảnh nào cũng không hề thay đổi màu sắc. Khác với tâm của chúng sinh là tâm vô thường, luôn thay đổi theo ngoại cảnh. Trước những hành động vô lễ của ngoại đạo đối với Đức Phật và Tăng đoàn như thế, ngài A Nan không hài lòng, liền bạch với Đức Phật nên đi làng khác giáo hóa. Đức Phật hỏi ngài A Nan: Nếu Như Lai và Tăng đoàn đến làng khác, họ cũng có những hành động như thế thì đi đâu? Ngài A Nan bạch rằng: Thầy trò chúng ta lại đi nơi khác. Đức Phật mỉm cười nói với ngài A Nan: không được. Như Lai thị hiện ra đời là để cứu khổ ban vui cho chúng sinh, nơi này tâm họ còn u mê, chưa hiểu ta; vì thế Như Lai cần phải trụ lại ở đây để thuyết pháp giáo hóa họ tu tập. Đức Phật dạy đại chúng: làm công việc lợi tha, giúp đỡ chúng sinh cần phải có tâm kiên nhẫn:

“Phát tâm lớn chịu thay đau khổ
Hạnh đại thừa rộng độ quần sinh
Khiến cho tất cả hữu tình
Đồng lên bờ giác thanh bình an vui.”

Đức Phật thành đạo đã minh chứng cho chúng ta thấy rằng: mỗi chúng sinh đều có Phật tính. Như Ngài đã từng tuyên bố: Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành. Bằng chứng cụ thể nhất là những đệ tử của Ngài từ những dòng dõi quý tộc cho đến những người căn tính ám độn như ông Bàn Đặc, thấp hèn như Ưu Ba Li – thợ cắt tóc, tàn ác như Vô Não… Dưới sự cảm hóa và hướng dẫn tu tập của Đức Phật, họ đều được giác ngộ giải thoát. Điều này chứng minh tất cả chúng sinh đều có Phật tính và đều có khả năng giác ngộ giải thoát như nhau, nếu hành trì, tu tập đúng với chính Pháp.

Trong quá trình tu tập, mỗi chúng ta nên tâm niệm một điều rằng: để đi đến con đường giác ngộ giải thoát, tiến đến quả vị Phật là một nhiệm vụ khó khăn nhất ở thời mạt pháp đối với mỗi con người. Thuận duyên cũng nhiều, nhưng nghịch duyên cũng không phải là ít. Khi gặp thuận duyên, điều kiện tu tập tốt, chúng ta phải cố gắng tinh tiến, không nên giải đãi, đắm nhiễm vào những lời khen, lời tán thán mà sinh tâm kiêu mạn, làm mất hết công đức tu tập bấy lâu. Khi tâm đã tiếp nhận những lời khen thì khi gặp những nghịch cảnh: người khác chê bai, bài xích, nói xấu, chúng ta dễ sinh tâm buồn phiền, đau khổ, sống trong vòng đối đãi, đây là đầu mối của sinh tử luân hồi. Cho nên phải biết:

“Nghe chê mà vội giận ngay
Thì lời sàm báng dễ hay lọt vào
Nghe khen lại vội mừng sao
Là mồi kẻ nịnh ngọt ngào đưa hơi.”

Người tu hành phải luôn nhìn thẳng vào sự thật, xem lại chính mình khi có lỗi, tu tập không đúng với chính Pháp, được người khác nhìn thấy chỉ bày thì không có gì phải buồn phiền, sẵn sàng đón nhận để sửa chữa; và chính họ là những bậc thiện hữu tri thức của chúng ta. Còn nếu như lời nói của họ vì tâm ganh ghét, đố kỵ, ích kỷ thì chúng ta coi đây là một sự thử thách xem mình tu tập kiên nhẫn đến đâu. Con đường rải đá tuy ghồ ghề, khi đi nó làm cho chân chúng ta bị đau, nhưng mỗi bước đi nó sẽ vững chắc hơn, không làm chúng ta bị sa ngã. Người xưa đã nói:

“Làm nên sự nghiệp lẫy lừng
Phần nhiều trong lúc khốn cùng mà ra
Những kẻ đắc trí kiêu sa
Là cơ thất bại khó mà thành công.”

Trong kinh Đức Phật cũng dạy rằng: “Người nào chịu đựng được những cảnh thuận nghịch của cuộc đời, mà tâm vẫn bình thường, bình tĩnh thản nhiên, an vui tự tại thì người đó là một vị Phật trong tương lai’. Đây là ý nghĩa hết sức sâu sắc, vi diệu của Đạo Phật.

Kỷ niệm ngày Đức Phật Thành Đạo là dịp để mỗi người con Phật chúng ta tưởng nhớ đến công đức cao dày của Đức Thế Tôn. Ngài là người đã khai sáng ra con đường bất tử, vô sinh cho chư thiên và loài người. Sự an lạc giải thoát luôn hiện hữu bên cạnh mỗi chúng ta, nếu như chúng ta hành trì, tu tập đúng theo lời Phật dạy, giữ gìn giới luật, áp dụng cho mình một pháp môn tu phù hợp với căn cơ, trình độ thì chắc chắn chúng ta sẽ có cuộc sống an vui, sớm đi đến lộ trình giác ngộ giải thoát.

T.T.H

 

(Tongiaovadantoc)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here