Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông một đời bảo vệ đất nước-...

Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông một đời bảo vệ đất nước- một thuở tinh tấn tu trì

121
0

Kinh Thủ Lăng Nghiêm có câu như sau:  "Thuấn nhã đa tánh khả tiêu vong, Thước ca-ra tâm vô động chuyển" 

Ý nghĩa tinh túy này đã được vua Trần Nhân Tông thể hiện qua nếp sống đời đạo vẹn toàn của ngài trong mấy mươi năm lo toan việc nước cũng như hành trì thiền định cho bản thân. Vì vậy khi ngài đản sanh vào ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1258), niên hiệu Nguyên Phong thứ 8 (1258) khí chất ngài đã khác biệt rất nhiều so với những bậc vương giả đồng lứa. Năm 16 tuổi được lập làm thái tử. Năm lên 21 tuổi, được thượng hoàng Thánh Tông truyền ngôi và lấy niên hiệu là Thiệu Bảo Nguyên Niên cũng gọi là Trùng Hưng năm 1279. Tôn danh của ngài là Khâm tức Trần Nhân Tông. Tuy vinh hoa cùng tột, nhưng vua vẫn sống trong thanh tịnh, ban ngày cùng triều thần bàn việc nước trong hoàng cung, đêm về nghĩ chùa Tư Phúc ở nội thành và đó cho chúng ta cảm nhận được Thước ca-ra tâm vô động chuyển. Ngoài ra ở nơi ngài còn thể hiện một trong những đức tánh của bậc quân tử là Phú quý bất năng dâm. Chữ dâm ở đây xin được hiểu ở nghĩa rộng là si mê những danh vọng, lợi dưỡng của thế gian.

Có lúc ngủ mộng thấy ở trên rốn nở hoa sen vàng lớn như bánh xe, trên hoa hiện vị Phật vàng, bên cạnh có người chỉ vào vua mà bảo: «Có biết vị Phật này không? Đấy là vị Phật chí tôn chiếu khắp!». Giật mình tỉnh dậy, đem mộng bẩm lên, vua cha Thánh Tông càng lấy làm lạ. Từ đấy nhà vua thường ăn chay lạt không dùng món ăn mặn, người xanh gầy gầy yếu. Thánh Tông lấy làm lạ hỏi, vua nói lý do. Thánh Tông khóc mà bảo rằng: «ta nay đã già yếu, cậy vào có một mình con, nếu con như thế này thì sự nghiệp của tổ tông còn ra sao?». Vì chữ hiếu ngài đã theo lời vua cha dạy làm một vị vua tốt, tốt với bản thân (bằng sự tu tâm dưỡng tánh), tốt với bá tánh (bằng sự cai trị lấy nhân đức làm đầu). 

Nhà Nguyên nghe tin Thái tổ nhà Trần vua Thái Tông băng hà năm Bảo Phù thứ 5, 1277, họ liền tìm đủ cách để xâm lấn nước Đại Việt do vua Trần Nhân Tông lãnh đạo. Hốt Tất Liệt áp dụng từ chính sách răn đe như mượn đường của Đại Việt để tấn công Chiêm Thành (thực ra là xâm chiếm Đại Việt) đến vuốt ve chiêu dụ như sai sứ gỉa là Sài Thung nghêng ngang sang nước ta bằng đường đến từ Ung Châu thay vì Thiện Xiển, Vân Nam mà các phái đoàn ngoại giao của Tàu vẫn sử dụng trước đây; lời lẽ văn thư của nhà Nguyên ngày càng cứng rắn, kêu ngạo, nhưng vua Nhân Tông vẫn một mực đối đáp và hành xử hòa nhã biểu hiện tinh thần văn hiến chi bang.Trường hợp mở tiệc tiếp sứ nhà Nguyên ở điện Tập Hiền, ngài vẫn giữ cung cách ngoại giao để tiếp đãi sứ Mông cổ kênh kiệu ngạo mạn. Tháng 11 năm 1279, họ còn đi hỏi nước ta phải cống người vàng cùng ngọc trai, cùng với những nhà trí thức cũng như các tay thợ lành nghề mỗi hạng hai người, nếu không đáp ứng được những điều kiện này thì đất nước ta phải bị dày xéo dưới gót giày xâm lược của quân Mông cổ. Cho dù bị áp lực ra sao, ngài vẫn kiên trì giữ vững tinh thần, một mặt giữ gìn thể diện đất nước và dân tộc, mặt khác tích cực chuẩn bị ứng chiến trong bất kỳ tình huống nào. Đó là về ngoại giao.

Còn nội trị, ngài ban lịnh ân xá lớn cho cả nước ngày 1 tháng 1 năm 1279; Chiêu hàng Trịnh Giác Mật ở đạo Ðà Giang không tốn một binh sĩ; 1280 kiểm kê dân số trong nước (lập sổ dân đinh) để nắm vững nhân lực nước ta; phục chức Trần Khánh Dư làm Phó đô tướng quân, phong Trần Hưng Đạo làm Quốc Công Tiết Chế; triệu tập quân dân cả nước ở hai hội nghị Bình Than và Diên Hồng để quy tụ lòng người vào trận chiến vệ quốc sắp nổ ra. 

Ngày 21 tháng 12 năm Giáp Tý (1284) chiến tranh bùng nổ, quân Mông-cổ do Thoát Hoan cầm đầu đã tràn xuống tới biên giới của nước ta. Thượng hoàng Thánh Tông và vua Nhân Tông luôn hiện diện ở tuyến đầu, chung vai sát cánh với các tầng lớp quân dân Đại Việt chống quân xâm lăng Mông cổ. Cả hai cuộc chiến 1284 và 1288 vô cùng gian nan cực khổ; có lần quân Mông cổ do Ô Mã Nhi chỉ huy truy đuổi hai vua thật gắt, nhưng vẫn không bắt được hai ngài, khi họ tràn quân ngang Thái miếu của Vua Trần Thái Tông, hắn cho binh sĩ tàn phá lăng miếu này. Sau khi quân Đại Việt toàn thắng đẩy lui giặc ngoại xâm, vua Nhân Tông nhìn thấy cảnh hoang tàn đỗ vở của Thái miếu, ngài cảm khái thốt lên hai câu thơ:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu

Nghĩa

Đất nước hai phen mệt ngựa đá
Sông núi bền vững đến ngàn sau 

Khi tuổi quá tứ tuần nhận thấy quân Ai Lao thường hay quấy nhiễu biên giới, bởi vậy năm 1290 đức vua phải thân chinh đi đánh dẹp.

Mùa xuân, tháng 3, ngày mồng 9 năm 1293, vua Nhân Tông nhường ngôi cho Hoàng thái tử Thuyên. Hoàng thái tử Thuyên lên ngôi hoàng đế, tức là vua Trần Anh Tông. Sau đó ngài xuất gia, niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304) ngài lấy đạo hiệu là Trúc Lâm Ðầu Ðà Ðiều Ngự Giác Hoàng rồi cùng đệ tử là tôn giả Pháp Loa và mười người đệ tử đi về khắp nẻo làng quê giảng pháp, hướng dẫn dân chúng làm lành lánh dữ tu theo mười điều thiện cũng như phá bỏ các nơi thờ cúng mê tín dị đoan.

Cuối năm 1304, vua Anh Tông cung thỉnh Giác Hoàng về kinh thành Thăng Long để thọ giới Bồ Tát tại gia. Năm 1306, ngài vào tu trong am Ngọc Vân, lấy pháp hiệu là Trúc Lâm Ðại Sĩ. Niên hiệu Hưng Long thứ 16 (1308), ngày 1 tháng giêng năm Mậu Thân, Giác Hoàng chính thức ủy thác tôn giả Pháp Loa đảm nhiệm phần vụ trụ trì chùa Báo Ân ở Siêu Loại (Bắc Ninh). Tháng 4 đích thân tới chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang (Bắc Giang) chủ trì giảng Truyền Ðăng Lục, quốc sư Ðạo Nhất giảng kinh Pháp Hoa cho chư tăng kiết hạ tại đây. Sau ngày lễ ra hạ, Ngài trở lại núi Yên Tử và đi thăm khắp các hang động, khi quá mệt, vào trong Thạch Thất nghỉ chân. Pháp Loa tôn giả bạch rằng: “Tôn Ðức xuân thu đã cao, mà xông pha mưa nắng lỡ có mệnh hệ gì thì mạng mạch chánh pháp biết nương tựa vào đâu?”. Trước khi viên tịch ngài để lại bài kệ như sau: 

“Thế số nhất tức mặc,
Thời tình lưỡng hải ngân.
Ma cung hồn quản thậm,
Phật quốc bất thăng xuân». 

Nghĩa

Mạng người một hơi thở
Thói đời buồn hai mắt
Cung ma lắm ưu phiền
Nước Phật còn vui hơn 

Ngài là vị tổ sư sáng lập dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, một dòng thiền hoàn toàn của tộc Việt, các tác phẩm của ngài Điều Ngự bao gồm:

1. Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục.
2. Hậu Lục.
3. Đại Hương Hải Ấn Thi Tập.
4. Tăng-già Toái Sự.
5. Thạch Thất Mị Ngữ.

Bốn tác phẩm đầu được truyền bá rộng rãi, còn tác phẩm thứ năm vua Anh Tông cho chép vào Đại Tạng kinh. Một điều đáng tiếc là những tác phẩm trên đây mất mát gần hết, người đời sau chỉ còn tìm lại được 28 bài thơ chữ Hán, và Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục, cũng như hai bài văn Nôm là Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú Lâm Tuyền thành đạo ca.

Những tác phẩm văn thư nêu trên biểu hiện tư tưởng cũng như cách sống, sự chứng ngộ về thiền của ngài. Điều quan trọng hơn hết, cuộc đời của ngài từ khi làm vua đến lúc cầm gươm đánh giặc rồi bỏ hết tất cả xuất gia tu hành đã thể hiện một cách rõ rệt nhất lý tưởng bồ tát và lý tưởng quân tử của nền Tam giáo đồng nguyên đang thịnh hành thời bấy giờ.

Ngài đã đi trọn con đường của bậc bồ tát và làm đầy đủ bổn phận của một người quân tử trong thời chiến cũng như thời bình, tấm gương chói ngời này là điều mà người đời sau cần suy gẫm và noi theo trong thế cuộc vệ quốc hộ đạo trước sự bành trướng ngày càng rõ rệt của người Tàu phương Bắc.

Nam Mô Lịch Đại Tổ Sư Bồ Tát
Nam Mô Trúc Lâm Yên Tử Điều Ngự Giác Hoàng Tổ Sư tác đại chứng minh
Trúc Lâm Lê An Bình
(Quốc lịch 4888 Phật lịch 2552 ngày 11 tháng 11 năm Kỷ Sửu, tức 26/12/ dương lịch 2009)

Theo TVHS

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here