Trang chủ Vấn đề hôm nay Đức Phật của thế kỷ chúng ta: Phần IV "Nhận thức và...

Đức Phật của thế kỷ chúng ta: Phần IV "Nhận thức và giải quyết rốt ráo khổ đau"

171
0

Khi nói đến “phiền não tức bồ đề” các vị cao tăng ngày xưa đã nhận thức rằng chính trong khổ đau con người mới tìm ra an lạc. Nói thế không có nghĩa là cứ để bản thân trôi nổi trong biển khổ đau rồi một ngay kia sẽ được an lạc hạnh phúc đâu.

Nói thế có nghĩa là phải can đảm nhìn nhận đau khổ, giải quyết vấn đề đau khổ, không trốn tránh những khổ đau của cuộc đời một cách hèn nhát. Chán nản cuộc đời, vào cửa Phật để tìm chốn an thân, điều đó không hẳn là đáng trách; nhưng bản hoài của đức Thế Tôn khi lập giáo không phải chỉ hướng đến một mục đích tầm thường và hẹp hòi như thế.

Sống cuộc đời người xuất gia không phải là để trốn tránh đau khổ mà lại là để chiến thắng khổ đau. Mà muốn chiến thắng khổ đau thì phải can đảm đương đầu với khổ đau, đừng sợ hãi khổ đau, bởi vì không có ai sợ địch mà thắng được địch bao giờ. Ở đây, khổ đau lại là nhân duyên tạo nên an lạc và giải thoát, cũng như hoa sen thơm ngát và tinh khiết đã mọc lên từ bùn lầy tanh hôi.

Lý tưởng đẹp nhất là giải trừ đau khổ cho mọi người mọi loài, giải phóng họ ra khỏi tình trạng bi thảm đau thương trong đó họ đang sống. Nhưng một lý tưởng như thế chỉ có thể nuôi dưỡng và thực hiện bằng một lòng thương. Mà chỉ khi nào con người biết khổ đau thì con người mới biết thành thực thương nhau để cứu giúp nhau ra khỏi tình trạng đau khổ. Ca tụng khổ đau không phải là ca tụng cuộc đời trầm luân khổ hải mà là xác nhận tính cách cần thiết của những chất liệu lý tưởng. Phải gần gũi khổ đau để được tiếp xúc thường xuyên với “đệ nhất khổ đế,” chân lý căn bản của tứ diệu đế. Có như thế ta mới hiểu được đoạn văn nầy trong Luận Bảo Vương Tam Muội: “Đức Phật thiết lập chánh pháp lấy khổ đau làm thuốc hay, lấy hoạn nạn làm thành công, lấy gai gốc làm giải thoát, lấy ma quân làm đạo bạn, lấy khó khăn làm sự tác thành, lấy bạn tệ bạn làm người giúp đỡ, lấy kẻ phản nghịch làm người giao du, lấy sự thi ân như đôi giép bỏ, lấy xả lợi làm vinh hoa, lấy oan ức làm đà tiến thủ. Thế cho nên, người Phật tử ở trong chướng ngại mà vượt qua được mọi chướng ngại.” Các bậc Bồ Tát đã lấy cuộc đời khổ đau làm trường rèn luyện, đã lấy chất liệu khổ đau để nuôi dưỡng lý tưởng, đã làm nở hoa giải thoát trên miếng đất tam giới nhiễm ô.

Người Phật tử phải tình nguyện mang đạo Phật đi sâu vào cuộc đời để làm vơi bớt khổ đau cho cuộc đời, không có quyền tự mãn trong một cuộc sống tầm thường với những tiện nghi tầm thường để rồi mắc kẹt trong những thỏa mãn tầm thường mà bỏ quên mất chí hướng.

Mọi khổ đau của cuộc đời bắt nguồn từ si mê và dục vọng; người Phật tử phải can đảm nhìn nhận nơi cuộc đời và chính nơi bản thân mình những tính chất si vọng đó để cương quyết diệt chúng tới tận gốc rễ. Nhưng không phải nhìn nhận cuộc đời khổ đau si vọng để mà chán nản và buông xuôi hai tay. Phải phát ý nguyện rộng lớn, phải có ước vọng cao cả. Ý nguyện rộng lớn ấy, ước vọng cao cả ấy là bản chất của những cuộc đời lý tưởng Bồ Tát linh động và tích cực, nuôi dưỡng cho ý nguyện ấy và ước vọng ấy là nhận thức thường xuyên về khổ đau hiện thực của kiếp người.

Một người sống trong nghèo khó, khong bao giờ được đi xe hơi, phải sống nép bên đường, ngửi bụi, tránh bùn nước văng vào áo khi xe hơi đi qua, có thể bất mãn thù hằn những con người ngạo mạn ngồi trên xe hơi kia. Nhưng nếu người nghèo khó ấy bước lên thang danh vọng, đi đâu cũng đi toàn bằng xe hơi, thì một ngày kia hắn sẽ có thể thấy rằng ngớ ngẩn nhất và ngu ngốc nhất là những con người đi bộ, nghênh ngang chẳng thèm coi xe hơi của mình vào đâu cả. Nhân sinh quan của con người có thể thay đổi, những nhận thức sáng của con người có thể lu mờ nếu con người tự mãn túc một cách dễ dàng trong một ít chiều đãi và thỏa mãn của xã hội, của tiện nghi vật chất. Và như vậy là si vọng thắng cuộc. Ý thức trường cửu về “đệ nhất khổ đế” giúp cho người Phật tử nhận định chân xác lập trường của mình và mở một chiến tuyến chống si vọng đừng để si vọng thầm lén xâm nhập nội tâm làm động cơ cho mọi hành động. Người Phật tử xuất gia phải sống theo nếp sống “tam thường bất túc” mà đức Phật đã quy định, lấy cuộc đời khổ đau làm trường rèn luyện, lấy nhân loại khổ đau làm đối tượng hành đạo. Niềm thao thức giải thoát phải sống mãi trong tâm hồn để người tăng sĩ không quên bổn phận mình. Trong lịch sử tăng đoàn Phật giáo, ở những triều đại nào mà chư tăng được sống trong một chế độ cúng dường sung túc nhất là tăng đoàn bị suy đồi nhất, các cao tăng ít xuất hiện nhất. Điều đó được chứng minh ở Ấn Độ, ở Trung Hoa, ở Nhật Bản, ở Việt Nam. Bởi vì một cuộc sống sung túc quá, một cuộc sống được chiều đãi quá không thể không đánh mất niềm thao thức quý báu của con người xuất gia, và trong trường hợp đó, người ta đã quên mất nhiệm vụ cao cả của mình, lý do vì sự liên lạc với đệ nhất khổ đế đã bị cắt đứt.

Cho nên người tăng sĩ của thế kỷ chúng ta phải mở rộng nhận thức, đừng tự bưng bít trong tháp ngà chủ quan, phải tiếp xúc thường xuyên với thực tại đau khổ của cuộc đời. Như thế người tăng sĩ sẽ không bị chết đuối trong một cuộc sống dễ dãi, không tự mãn trong một chế độ cúng dường thiếu ý thức, không lâm vào tình trạng “một đời luống qua, công quả không do đâu mà thành tựu được” như tổ Qui Sơn đã than vãn.

Tiếp xúc thường xuyên với thực tại sau khổ người Phật tử vừa nuôi dưỡng được chí nguyện độ sinh (bởi vì chí nguyện độ sinh căn cứ trên đệ nhất đế) mà cũng vừa tránh khỏi sự xâm lấn thầm lén của si mê và dục vọng. Như vậy không những ta nắm được đệ nhất đế, mà ta còn nắm luôn được cả đệ nhị đế nữa. Chừng nào si vọng hoạt động trong ta mà ta không hay không biết thì chừng đó ta không phải là người Phật tử nữa. Ta là ma quân, đội lốt người Phật tử. Ta thất bại vì không phân biệt được bạn với thù, ta chiến đấu cho mặt trận giải thoát nhưng binh lính trong quân đội ta lại là si mê và dục vọng. Mặt trận sẽ tan vỡ, và ta thất bại.

Người Phật tử tại gia cũng cần có ý thức thâm thiết về đệ nhất khổ đế để có đủ sáng suốt mà định đoạt giá trị của những hành vi luân lý và đạo đức. Hãy để cho lòng thương làm động lực cho mọi hoạt động Phật sự. Hãy biến mình thành người bạn giản dị, khiêm nhượng và thân thiết của lớp người đau khổ. Đừng bao giờ quên rằng khuynh hướng của đạo Phật là đi gần, đi tới với quần chúng khổ đau để nâng đỡ và giải phóng cho họ. Đừng ngồi yên tại chỗ chờ họ đến với mình. Hãy đòi hỏi nơi chư Tăng cuộc sống thao thức của những con người đang luôn luôn hướng về lý tưởng Phật giáo, bỏ quên đi mọi danh lợi tầm thường. Hãy tôn trọng chư Tăng như những bậc khất sĩ thanh cao, đừng xem họ như những bậc nhà giàu có quyền lực cần phải nịnh bợ. Hãy tự mình sống nếp sống Phật tử để cho bóng hình mình hiển hiện ở đâu thì niềm tin vui hiển hiện ở đó. Nên nhận định: đạo Phật là đạo của quần chúng khổ đau, không phải của riêng của một lớp người trưởng giả.

Hết.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here