Trang chủ Thiền môn xứ Huế Du lịch với chùa Huế

Du lịch với chùa Huế

129
0

Dưới góc độ du lịch văn hóa tâm linh, mọi người đều thừa nhận rằng Huế là đất Phật. Cho nên Chùa Huế đã trở thành điểm đến chiêm bái, vãng cảnh cho bao du khách thập phương. Điều đáng nói ở đây là ngôi chùa trong di sản văn hóa Huế không phải là di tích của một thời đã qua như cung điện, lăng tẩm nhà Nguyễn; chùa Huế cũng không phải là hồi quang của quá khứ mà là những thực thể sống động chứa đựng những dòng chảy văn hóa thâm trầm, nối quá khứ với hiện tại, nối con người nơi đây với sự ứng xử xã hội trong các mối tương quan với đất trời, với cộng đồng và tha nhân.Nhưng lâu nay, chùa Huế chỉ được ghi nhận chủ yếu như không gian tâm linh với những ấn tượng về mặt cảnh quan hay kiến trúc còn dưới góc độ du lịch chùa Huế vẫn chưa phát huy được nét đặc sắc riêng có của một loại hình di sản khó nơi nào ở Việt Nam sánh bằng.

Một hội thảo khoa học đã được  Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế tổ chức vừa qua với chủ đề “Di sản văn hóa Phật giáo và vấn đề phát triển du lịch ở Huế”. Báo cáo đề dẫn Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Thông- Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế đã nhấn mạnh: “Huế là  đất Phật, chùa Huế là một loại hình di sản khó nơi nào ở Việt  Nam sánh bằng… Chính vì những yếu tố nêu trên, Huế đã trở thành nơi chứa đựng và lưu giữ nhiều giá trị đặc sắc trong di sản văn hóa dân tộc và dó cũng chính là báu vật có khả năng tạo nên những lực hút trong du lịch, nhất là du lịch văn hóa, tâm linh.”

Tháp Phước Duyên dưới rặng thông già. Ảnh: TmT
Tháp Phước Duyên dưới rặng thông già. Ảnh: TmT

  
Với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu có uy tín ở TTHuế, Hội thảo đã nghe và thảo luận chung quanh các chủ đề về hệ thống cảnh quan, kiến trúc, trang trí, thiết trí của những ngôi chùa Huế; những giá trị mang tính chất đặc hữu trong nghệ thuật tạo hình diễn xướng mang hơi thở của Phật giáo Đàng Trong nói chung và Huế nói riêng; tính phong phú trong cấu trúc, loại hình, tính chất của chùa Huế; những biểu hiện đa diện trong sinh hoạt văn hóa thông qua các lễ hội, sinh hoạt của tăng chúng, Phật tử. Các ngành nghề thủ công, văn hóa ẩm thực trong phong tục và đời sống thường nhật của người Huế; sự hiện hữu của các tour du lịch thiện nguyện mang màu sắc tôn giáo ở Huế…
            
Một trong những tham luận được quan tâm nhất tại Hội thảo đó là tham luận của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân mang chủ đề: “Phật giáo Huế và Festival tâm linh”. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thì Chùa Phật là một nội dung quan trọng của Trung tâm du lịch Huế bởi từ cuối thế kỷ 18, khi người dân Thuận Hóa – Phú Xuân chưa có khái niệm gì về du lịch thì đã có những người vị khách đến Huế thời ấy đã đi vãn cảnh chùa Huế. Người du khách nổi tiếng còn để lại trong sử sách là nhà thơ Phan Huy Ích. Đến cuối thế kỷ 19 đầun thế kỷ 20 người Pháp đã tổ chức du lịch Trung Kỳ trong đó chùa Huế là một trong những điểm đến của họ. Hiện nay chùa Huế giữ một vai trò quan trọng trong các tour tham quan du lịch Huế tuy nhiên du lịch chùa Huế chỉ còn ở dạng “cưỡi ngựa xem hoa”.  Xuất phát từ trào lưu du lịch sinh thái- du lịch tâm linh là một nhu cầu đang nóng và tiềm năng du lịch sinh thái- tâm linh phong phú và thuần khiết của Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã thiết kế nên Festival tâm linh mà Phật giáo Huế chính là trung tâm của ý tưởng này.

Hội thảo “Di sản văn hóa Phật giáo và vấn đề phát triển du lịch ở Huế” xoay quanh những cảm nhận, những phát hiện, những ý tưởng nhận xét, khám phá về di sản văn hóa Phật giáo Huế. Các nhà nghiên cứu đã cùng nhau góp tiếng nói của mình dưới góc nhìn văn hóa đối với một sản phẩm du lịch quý giá xứng đáng được ngành du lịch lưu tâm. Mong muốn của những người tổ chức và tham gia Hội thảo là đóng góp thêm những địa chỉ quan trọng trong các tour du lịch đến Huế đồng thời giúp du khách hiểu đủ, hiểu đúng về những đặc trưng văn hóa Huế, vùng đất Phú Xuân, nơi đã từng là thủ phủ vùng miền, là thủ đô của một nhà nước và là nơi lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa mang tầm quốc gia trong hơn cả thế kỷ.
 

P.T(TRT)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here