Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Dư âm một tiếng chuông chùa

Dư âm một tiếng chuông chùa

134
0

Tôi đã từng chứng kiến một lưng còng quét sân chùa trong những hồi chuông văng vẳng. Mỗi bước đi trên sân cùng cái chổi chứ nhẹ nhõm, xua đi bụi bặm. Chuông cứ điểm, người cứ quét. An nhiên và tự tại.

Một tiếng chuông chùa vang vọng, dẫn con người vào chốn tĩnh tâm. Và đó cũng là mái che ân tình cho muôn nẻo đời người trong bao nhiêu biến cải của nhân tình thế thái.

Cỏ chiều mùa đông run run vì rét. Triền đê dài, xe cộ lao nhanh về hai ngả ngược xuôi. Bên kia đê là sông Hồng thao thiết chảy ngàn đời. Bên này đê là tiếng chuông chùa vẫn tịch mịch mà cảm khái nhân gian.

Chùa nằm ven sông, ai đó vẫn thường nhật lên gác thỉnh chuông. Hồi chuông ngân xa như nhắc nhỏ từng ngày giới hạn của sự dối trá, thói đua chen, vòng danh lợi. Tiếng chuông ấy đôi khi hóa gió để nâng cánh diều tuổi thơ đang tung tẩy trên triền đê. Trẻ em cười khúc khích, phố bỗng vui vì có em cười. Tiếng chuông ấy cũng làm cho một bà già ngồi lặng lẽ, mắt chăm đắm nhìn xa. Biết đâu trong ánh mắt ấy là nỗi buồn đau biền biệt của một gia đình tan nát? Một chỗ tựa nương khi nghe thấu một tiếng chuông chùa.

Đời người có đoán định được bể khổ thì cũng là lúc ta đã chìm trong bể khổ đó rồi. Người ta có thể dựa lưng vào bức tường vững chắc bê tông cốt thép, nhưng người ta cũng cần tìm kiếm chốn bình yên trên thế gian để dựa linh hồn vào đó. Tiếng chuông chùa mênh mang đã thu vén được nhân tình, đã là bình yên. Và con người hãy tựa nương!

Khi nhiều người trẻ bước vào chùa để cầu an từng ngày, từng tháng và từng năm. Họ ngồi đợi một tiếng chuông để bớt đi ồn ạp của chuyến đi dài đầy lo toan về tiền bạc, danh phận, lợi lộc trong cuộc sống. Họ can đảm để soi gương lại chính mình bằng cách tĩnh với sức đồng vọng của hồi chuông ở nơi chót vót thanh âm đang đến với hư không. Rồi để thấy, thân phận mình ở dưới thấp, mà bao nhiêu điềm lành ở trên cao. Chới với ư? Qua quãng ấy, ta sẽ thấy mình đang đi về phía lĩnh hội những giá trị tốt. Để tự khai phá mình. Để an vui nhìn lên. Và để biết được giá của một cuộc đời hạnh phúc.

Tôi đã từng chứng kiến một lưng còng quét sân chùa trong những hồi chuông văng vẳng. Mỗi bước đi trên sân cùng cái chổi chứ nhẹ nhõm, xua đi bụi bặm.  Chuông cứ điểm, người cứ quét. An nhiên và tự tại. Dọn dẹp một khoảng sân gạch cũng đồng nghĩa với chừng ấy thời lượng để dọn dẹp tinh thần cho chính ta? Sạch sân thì chùa mát. Sạch tâm thì ít nhất mình cũng thanh cao khi sống ở đời.

Ai cũng có một tiếng chuông trong đời để nguyện hồn mình mà sống. Có một đêm, mưa dầm ở Huế, tôi nằm đợi một tiếng chuông chùa. Đợi trong tư thế ngẫm suy về tiếng chuông thoát lên từ nửa đêm trăng tàn, sương xuống, quạ kêu mà đường thi đã lưu kí.

Phút không phải đợi nữa của tôi là khi 108 hồi chuông vang lên từ chùa Thiên Mụ vào giữa giờ Dần, tức 3 rưỡi sáng. Dứt một tiếng chuông là một phút. Thỉnh 30 phút, gà đua nhau gáy, dân trong thôn làng tỉnh giấc đón ngày mới. Khói bếp nhà nhà thơm cơm buổi sớm. Một thứ hương của đất quyện hòa dân thôn cho cuộc sống luôn cân bằng, lạc đạo. Chẳng thế, mà sông Hương đã thành một không gian Phật giáo nổi tiếng, chỉ đứng sau non thiêng Yên Tử. Ngàn năm vẫn còn đó thỉnh về thinh không hồi chuông Thiên Mụ.

Một điều, khi nghe tiếng chuông Thiên Mụ, ai nhớ canh gà Thọ Xương? Câu ca dao: “Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Thiên Mụ,canh gà Thọ Xương” vẳng từ ngàn xưa đến trang văn học trò, đến điểm số của cô giáo dạy văn. Gốc của chữ nghĩa đôi khi là “bẫy” sự nông nổi, ăn xổi ở thì trong nhiều trường hợp chưa học đã nói là hiểu; hoặc thiếu tỉnh trí trước dị bản. Thức cùng chuông chùa để biết được sâu xa trong chính ta là một khoảng trống cần học hỏi để lấp đầy.

Suy tư theo tiếng chuông chùa, có một cuộc hành hương trong tâm cảm. Tiếng chuông yên bình như dìu dắt bao thế hệ con người tiếp bước cuộc sống mà không lãng quên nguồn cội. Tiếng chuông có sự đánh thức nhân tâm rõ ràng nếu lòng ta biết đợi. Đợi để nghe chuông. Đợi để biết mình ít nhất không vô cảm với cuộc đời.

Và tổ quốc chúng ta vang rền tiếng chuông từ biển, đảo. Tiếng chuông nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa thiêng liêng bởi cha ông đã đi trước để tạo lập nếp sống từ biển. Có người rồi mới có chùa. Tiếng kinh, tiếng kệ, tiếng chuông được thoát lên trên lòng tri ân đối với tiền nhân.

Đó là đạo hiếu của dân tộc. Là lời nhắc nhở hậu thế hãy biết cách trân trọng và bảo vệ công ơn từ di nguyện cha ông từ mồ hôi bám biển, từ cuốc cày trên tấc đất quê hương. Và chúng ta, nghe một tiếng chuông nơi Trường Sa để biết chúng ta không lầm đường lạc lối giữa thời cuộc.

 

(VietNamNet)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here