Ấn phẩm Liễu Quán số 15 sẽ là món quà đặc biệt có ý nghĩa cho tất cả bạn đọc và là món quà tặng bạn bè trong mùa Vu Lan, Phật lịch 2562.
Huế từng là kinh đô của đất nước. Huế cũng từng được mệnh danh là “thiền kinh” – trung tâm của Phật giáo cả nước một thời.
Qua biến thiên của lịch sử, với thời gian, tác động của khí hậu đặc thù, cả sự can thiệp của con người, mọi thứ nơi đây, trong đó có cả di sản Phật giáo, đã và đang bị đổi thay, hư hoại, biến dạng.
Bìa ấn phẩm Liễu Quán số 15, mỹ thuật: HS.Mai Quế Vũ
Trong nỗ lực lưu giữ những gì còn lại cho mai sau, trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp tới di sản Phật giáo, ấn phẩm Liễu Quán đã thực hiện mỗi số một chuyên đề, trên nhiều vùng đất khác nhau, đem lại cho người đọc nhiều thông tin thú vị, thực sự hữu ích cho những ai có lòng thừa kế, bảo tồn văn hóa của dân tộc. “Cảnh quan và kiến trúc chùa Huế” là chuyên đề của Liễu Quán số 15, phát hành nhân mùa Vu lan PL.2562 (2018).
Nhiều bài viết trong chuyên đề của ấn phẩm này giới thiệu nét đặc trưng về kiến trúc và cảnh quan không gian chùa Huế, với nhiều loại hình tự viện như: Quốc tự, chùa tổ đình, chùa phủ đệ, chùa làng, chùa họ tộc, chùa tư, chùa khuôn hội… “Hy vọng chuyên đề sẽ mang lại những thông tin bổ ích, có giá trị, qua đó giúp độc giả hiểu rõ hơn về nét đẹp thiền môn cũng như đời sống văn hóa, tinh thần của người dân xứ Huế”, như lời ngỏ của Ban biên soạn đã viết.
Lời ngỏ của Ban biên soạn
Đặc biệt ở mục Di sản kỳ này, ấn phẩm Liễu Quán lần đầu công bố những tư liệu Hán Nôm (bi ký và gia phả các họ tộc) liên quan đến buổi đầu thành lập của một ngôi cổ tự tại vùng đồi Dương Xuân – Thuận Hóa từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu, cũng như hành trạng các vị cao tăng “truyền đăng tục diệm” tại ngôi cổ tự này qua các thời kỳ, cho đến thời điểm năm 1866 thời Tự Đức, trước khi bị triệt giải hoàn toàn, đó là chùa Pháp Vân (nguyên thủy có tên Thiên Phước tự, dân gian gọi là chùa Khoai).
Được biết, chùa Pháp Vân vốn là ngôi “quan tự” thời chúa Nguyễn, ruộng đất tùng tự có đến 47 mẫu, trong đó có 26 mẫu thuộc hàng “Tam bảo quan điền” (tức ruộng công, ruộng do nhà nước cấp). Chùa từng bị “hoang tan đổ nát, tăng đồ phiêu tán” khi cơn binh lửa Tây Sơn nổi lên, và được Hòa thượng Tế Bổn Viên Thường (người Gia Định) trùng tạo lại vào đầu triều Minh Mạng.
“Trong tinh thần khảo tả và nhận định từng lĩnh vực khác nhau, trên lát cắt đồng đại, lẫn lịch đại, để có thể góp phần tổng hợp, khái quát, những nét đặc trưng của danh lam xứ Huế, cũng như nhìn lại những diễn biến thăng trầm của các tự viện nơi đây qua thời gian.
Chúng tôi cho rằng có thấu hiểu và thấm đẫm tinh thần, hồn cốt, cũng như những nét đặc hữu của cảnh quan – kiến trúc chùa Huế, thì chúng ta mới khỏi phạm sai lầm đáng tiếc trong việc trùng tu, hạ giải hay tái dựng các sơ sở tâm linh này, trong tinh thần khoa học bảo tồn, cũng như giữ gìn nét đẹp cho văn hóa Huế”, đó cũng là ước mong đáng trân trọng của nhóm thực hiện, Ban biên soạn với chuyên đề này trước làn sóng trùng tu chùa chiền đang diễn ra tại cố đô gần đây.
Chuyên đề do nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông và Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế chủ trì, với sự hợp tác của các nhà nghiên cứu, các cộng sự thuộc Khoa Kiến trúc – Đại học Khoa học Huế.
Bên cạnh đó, trên các chuyên mục thường kỳ của ấn phẩm Liễu Quán, trong số này, có sự cộng tác của các tác giả: Trưởng lão Tỳ-kheo Thích Trí Quang, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Tiến sĩ Triết học Thái Kim Lan, Thích Khômg Nhiên, Thích Pháp Trí, Thích Thiện Chánh, Võ Vinh Quang, Hoằng Trúc, Ngô Đồng…
Liên hệ phát hành:
Tại Trung tâm VHPG Liễu Quán, 15A Lê Lợi, Tp Huế
Bảo tàng Phước Trang-114 Mai Thúc Loan-Tp Huế,
ĐT: 0543571961
Đạo hữu Nguyễn Đình Niêm, 35 Nguyễn Công Trứ, Tp Huế,
ĐT: 0914424168
Đạo hữu Cao Huy Hóa, 3 Trần Quang Khải, Tp Huế.
Tại TP.Hồ Chí Minh, liên lạc Nhà sách Hà Nội, 245 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1.
Tại Hà Nội, Phòng phát hành chùa Quán Sứ, 73 phố Quán Sứ.
Ban Biên soạn-Liễu Quán-Huế