Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Đồi Trại Thủy

Đồi Trại Thủy

154
0

Nằm trong thành phố Nha Trang về hướng Tây Nam, đồi Trại Thủy là một hòn núi đất sỏi, lởm chởm những tảng đá hoa cương to lớn như những ngôi nhà. Xưa kia chen chúc cùng đá là những khóm mai cổ thụ, cành sum cội cả. Khi xuân về, hoa mai nở vàng cả núi. Hết mùa hoa mai, thì lá mai đậm và láng, trùm lên núi một màu xanh lục lìa và anh ánh. Sang đông, lá mai rụng hết, núi trở thành một hòn núi trọc, màu xám, in những nét đen nhạt của những cành khúc khủy, những cội u nần của những khóm mai già rắn rỏi.

Cảnh sắc mùa nào cũng đẹp đẽ, nên thơ. Do đó núi còn có tên là Hòang Mai sơn. Và cũng do hình dáng núi, lại còn có danh hiệu: Ngọc Bức (con dơi ngọc). Mệnh danh như thế là vì đứng ở Nam, xa xa thì thấy núi giống hình một con dơi nằm sải cánh, đầu hướng về Tây Nam và trên núi có những tảng đá hoa cương nhấp nháy ánh sáng.

Từ trên đỉnh đồi du khách nhìn về hướng Nam đồng ruộng trải dài, làng mạc nhấp nhô và núi xanh biêng biếc. Phía Tây Nam dãy núi Đồng Bò chạy dài tận biển. Hướng Đông Bắc gò đống trập trùng và đỉnh tháp Bà nhô cao trên dãy núi Cù Lao xinh đẹp. Mặt bề Đông xanh dờn dợn sóng dàn trãi màu biển bao la
Thời chúa Nguyễn nơi núi có kho chứa lương thực tên là Khố Sơn nên núi gọi là Hòn Kho. Thời hai họ Nguyễn tranh hùng vào hậu bán thế kỷ 18, Trần Quang Diệu khi vào trấn dinh Bình Hòa đã dời dinh Tổng trấn vào Diên Khánh, xây thành đắp lũy để chống với Nguyễn Ánh đồng thời lập xưởng đóng thuyền tại Hòn Kho, dùng gỗ trên núi làm vật liệu. Do đó núi còn có tên là Hòn Xưởng. Năm 1793 Nguyễn Ánh chiếm được thành Diên Khánh, mặt biển dùng hòn Hòn Xưởng làm căn cứ quân sự, bố trí thủy quân đóng trên sông Kim Bồng (còn gọi là Trường Cá), ven chân núi. Sông Kim Bồng là một khúc sông thuộc sông Cái Nha Trang trước đây, nước sâu và rộng, thủy binh từ biển theo dòng sông đi lên đến tận thành Diên Khánh. Đồng thời cho lập trại thủy binh tại Hòn Xưởng để phòng giữ mặt biển. Do đó núi lại có tên là Hòn Trại Thủy. Và mang tên Hòn Trại Thủy cho đến ngày nay.

Mùa thu năm Ất Dậu (1885), phong trào Cần vương tại Khánh Hòa do Trịnh Phong khởi xướng làm lễ tế cờ tại chân núi Xuân Sơn. Nghĩa quân một mặt đóng tại thành Diên Khánh, một mặt đóng tại Ninh Hòa và riêng tướng quân Trịnh Phong đóng quân tại núi Hòang Mai.

Hình thế và vị trí của núi có phần hiểm trở. Ngoài ra, ở phía đông nam có hòn thổ sơn Lục Đồn, phía chánh đông có núi Sinh Trung, phía bắc có dãy núi Cù Lao. Cả hai đều nằm sát sông Cù là những tiền đồn chống giặc.

Cuối thu năm Ất Dậu quân Pháp do De Lorme chỉ huy đổ bộ lên NhaTrang. Hai trận đầu bị thua đậm giặc Pháp đành chỉ bao vây núi. Sau chúng nhờ có nội ứng nên dùng hỏa công đốt cháy nghĩa binh. Biết không thể chống cự được nghĩa quân bèn rút về thành Diên Khánh và ra Ninh Hòa hợp cùng toán quân Trần Đường bảo vệ Ninh Hòa. Rồi sau đó phong trào Cần vương tan rã mở màn cho công cuộc chống ngoại xâm của nhân dân Khánh Hòa: ngày 6/10/1945 thực dân Pháp tái chiếm Nha Trang, chúng dùng địa điểm đồi Trại Thủy khống chế thành phố Nha Trang, bộ đội ta chiếm lại được rồi phát pháo mở màn cho 101 ngày đêm chiến đấu của nhân dân và bộ đội Nha Trang.

Tượng Phật trắng chùa Long Sơn trên đỉnh đồi Trại Thủy

Đồi Trại Thủy không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là một trung tâm văn hóa, tôn giáo. Ba ngôi chùa Hải Đức, Bửu Phong, Long Sơn là nơi qui tụ nhiều tăng sư danh tiếng như Hòa thượng Thích Quảng Hương, Thích Trí Tín, Thích Trí Thủ v.v…

Trước tiên là chùa Hải Đức. Chùa xây dựng tại trung tâm thành phố vào khoảng cuối đời triều Tự Đức. Ban đầu có tên là Duyên Sanh Tự. Năm Thành Thái thứ ba (1891) mới mở rộng qui mô, đúc chuông tạc tượng, tạo thành một tự viện tráng lệ nghiêm trang và đổi tên là Hải Đức Tự. Khai cơ là Viên Giác Thiền sư, đệ tử là Phước Huệ Hòa thượng. Trước khi Viên Giác Thiền sư tịch thì bác sĩ Phước Huệ vào Huế tu hành (1894) nên mãi đến 15 năm sau mới vào Hải Đức. Trong thời gian này hai vị Chánh Niệm đại sư húy Chơn Minh và Nhân Thụy giáo thọ tạm thời trụ trì. Khi Hòa thượng Phước Huệ về lại Nha Trang thì chùa Hải Đức đã bị hư dột vì lâu đời. Hòa thượng ra công sửa chữa và khôi phục được cảnh quang ngày xưa. Đệ tử qui y mỗi ngày một đông. Các hàng tăng giới và cư sĩ lại thường hội họp để bàn về Phật sự. Do đó có tên là “Chùa Hội”.

Năm 1921 Hòa thượng được triệu thỉnh về Huế trụ trì chùa Kim Quang và làm Tăng Cang chùa Bảo Quốc. Chùa Hải Đức phải giao cho đệ tử coi sóc. Vì tuổi cao nên năm 1938 Hòa thương giao cho Bích Không đại sư trụ trì. Bích Không đại sư pháp danh Trừng Đàn, đậu Tú tài năm 1918, trụ trì chùa Giác Phong ở Quảng Trị nên cũng có tên là Giác Phong đại sư. Sau khi nhận lãnh chùa Hải Đức, bác sĩ thấy nơi này không thích hợp với chùa nên sau ba năm đi tìm địa điểm khắp nơi trong tỉnh Khánh Hòa bác sĩ mới chọn được một nơi vừa tiện hợp với cảnh tu tâm dưỡng tánh của các bậc xuất gia, vừa tiện cho việc độ tha của hạnh nguyện đại thừa. Đó là Hòn Trại Thủy. Rồi phải trải bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu cực nhọc, Đại sư mới trưng được đất, mới dỡ được non.
Đầu năm 1943 khởi công xây dựng và cáo thành năm 1945.

Cảnh trí đẹp đẽ, cao sang. Tuy gần thành phố mà ly trần, thoát tục. Tuy dựa chốn đô hội phồn ba mà vẫn giữ được vẻ thanh u tỉnh mịch. Khi chùa làm xong, Đại sư tâm nguyện sẽ mở một đại tòng lâm làm cơ sở đào tạo tăng tài cho nền Phật giáo tương lai song chùa chưa kịp lạc thành thì quốc biến năm 1945 xảy ra:

Nhật lật Pháp, cách mạng tháng 8 thành công rồi Pháp tái chiếm Nha Trang. Đại sư đi tản cư khắp nơi từ Huế đến Quảng Trị rồi năm 1954 bác sĩ tịch tại Nam Đàn (Nghệ An) nhằm vào ngày rằm tháng chín Giáp Ngọ.

Bích Không đại sư đã để lại trên đồi Trại Thủy ngôi chùa Hải Đức được kiến trúc trang nghiêm cổ kính, tuy không nguy nga đồ sộ song thanh u tịch mịch. Bên trong chùa tinh thần và văn phong của Đại sư còn lưu lại ở các tác phẩm văn chương và các tự tích của Đại sư khắc chạm trên vách, trên cột mà mưa nắng không làm phai mờ. Hôm nay chùa lại được trùng tu, thêm phần trang nghiêm đẹp đẽ.

Đứng nơi chùa nhìn ra bốn mặt, vọng cảnh thật bao la. Núi đồi sông biển ngoài xa, nhà cửa vườn tược dưới thấp, đồng ruộng mênh mông, phố phường chen chúc trước mắt. Chùa Hải Đức xứng danh là danh lam thắng cảnh của Nha Trang Khánh Hòa.

Kế đến là chùa Bửu Phong. Chùa cất vào thời Hậu Lê (1753) thờ Quan Thánh nên có tên gọi là chùa Quan Thánh hay chùa Núi. Mãi đến thời Bảo Đại mới mới thờ Phật. Chùa vì cổ kính, đứng trên đầu con giơi (Hòn Trại Thủy) đang xòe đôi cánh, trên lưng sừng sững Kim thân Phật Tổ mặt quay về phương Nam. Chung quanh núi, đồng ruộng, xóm làng, phố xá, dân cư nhộn nhịp nhưng vẫn giữ cho chùa nét trầm tư tỉnh mịch.

Dưới chân Hòn Trại Thủy còn có một ngôi chùa nữa. Đó là chùa Long Sơn. Chùa nằm dưới chân hòn Trại Thủy, ngay dưới chân Kim Thân Phật Tổ, mặt hướng về Nam. Chùa cất trên một trảng đất cao, nhìn ra đường quốc lộ I. Trước mặt là khu vườn rộng nên tuy gần đường quốc lộ song vẫn giữ được vẻ thanh tịnh. Chùa của Tỉnh Hội Phật giáo Khánh Hòa.

Đây là một danh lam được du khách đến thăm viếng nhiều nhất. Được như vậy là nhờ:

Chùa ở gần thành phố Nha Trang, xe cộ đến được tận sân chùa.

Muốn lên chiêm ngưỡng Kim Thân Phật Tổ phải đi ngang qua chùa.

Chùa của Tỉnh Hội, hầu hết các cuộc họp của sa môn, tín đồ về Phật sự, tất cả những buổi lễ cầu siêu, cầu an đều tổ chức tại nơi này.

Ước mong của Phật tử Nha Trang là có một ngày gần đây trên Hòn Trại Thủy hoa mai lại được mọc đầy, nở vàng trong dịp xuân sang. Khách thập phương sau khi viếng thăm các ngôi danh lam Hải Đức, Long Sơn… lên đỉnh đồi chiêm ngưỡng Kim Thân Phật Tổ sẽ đi ngang qua một rừng mai dìu dịu hương thơm thoáng hương nồng của biển xanh lẫn với hương trầm từ chùa cổ bay lên. Ngồi dưới chân tượng Phật tổ, nghe câu chuyện lịch sử của tỉnh nhà, ngắm phong cảnh hữu tình và tráng lệ của thành phố Nha Trang lòng du khách lâng lâng hạnh phúc.

Một ngọn đồi nằm trong thành phố, có ba ngôi chùa cổ kính, ẩn trong một rừng mai vàng, dưới chân pho tượng Phật trắng chẵng những tươi đẹp trong mùa xuân mà còn thắm mãi trong bốn mùa của xứ Trầm Hương.

Q.G

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here