Trang chủ Phật học Đối phó với sân hận

Đối phó với sân hận

213
0

Một số phương pháp rất thiển cận, tạm thời để đối phó với tâm sân – như khi các bạn có rất nhiều cảm xúc giận dữ bị dồn nén, thì việc lao động tay chân nặng nhọc có thể hữu ích, như lau rửa toàn bộ sàn nhà chẳng hạn – và tôi đã gợi ý rằng có những phương pháp sâu sắc hơn, vậy thì tôi có thể đề ra một vài cách này để đối phó với tâm sân hay không?

Nếu đi sâu hơn một chút, một cấp độ để đối phó với tâm sân hận là phát triển sự nhẫn nhục, khi chúng ta giận dữ với ai. Bây giờ, ta sẽ phát triển sự nhẫn nhục như thế nào? Có rất nhiều phương pháp, nhưng ví dụ như một phương pháp gọi là “nhẫn nhục có mục tiêu”: “Nếu tôi không dựng lên mục tiêu, thì không ai ném trúng nó cả.” Chẳng hạn, tôi nhờ bạn làm điều gì cho tôi và bạn làm không đúng. Xu hướng của tôi là sẽ nổi giận với bạn. Hoặc bạn đã không làm gì cả. Vì vậy lỗi là của ai? Thật ra đó là lỗi của tôi, vì tôi quá lười biếng nên không tự làm và tôi đã nhờ bạn làm việc ấy. Vậy thì tôi mong đợi cái gì? Khi bạn nhờ người khác làm điều gì đó, bạn mong đợi cái gì? Ví dụ, bạn nhờ một đứa bé hai tuổi mang cho bạn tách trà nóng và nó làm đổ trà. Tất nhiên là nó sẽ làm đổ trà. Thế thì cũng như vậy – chúng ta mong đợi cái gì khi ta nhờ ai đó làm điều gì cho mình?

Vì vậy, tôi nhận ra rằng thật ra, chính sự lười biếng của mình đã gây ra vấn đề. Bạn không cần phải nổi giận với người khác. Và tôi biết rằng khi tôi nhờ bạn làm điều gì cho tôi, thì đó là vì tôi quá lười biếng nên không tự làm – một là quá lười biếng, hay là không có thời gian, vì bất cứ lý do nào đó. Nhưng điểm cốt yếu là nếu tôi nhờ người khác làm việc đó, thì tôi không nên mong đợi họ sẽ làm một cách hoàn hảo – hoặc theo cách mà tôi sẽ làm, mà cuối cùng có thể cách của tôi cũng không đúng. Tôi cũng phạm sai lầm. Nếu tôi tự làm và mắc sai lầm thì không có lý do gì tôi lại nổi giận với chính mình. “Tôi không hoàn hảo – không ai hoàn hảo cả – vì vậy dĩ nhiên tôi sẽ phạm sai lầm.” Do đó, bạn chỉ cần chấp nhận thực tế. “Tôi là một con người; mà con người thì có thể làm sai: tôi đã phạm một sai lầm.” Và nếu tôi có thể sửa sai, thì tôi sẽ sửa. Tôi không nổi giận với chính mình. Nổi giận với bản thân là điều vô ích. Nếu được thì tôi chỉ cần sửa sai. Nếu tôi không thể sửa sai thì thôi vậy – cứ để nó như vậy và cố gắng không lặp lại sai sót trong tương lai.

Một cấp độ sâu sắc hơn nhiều để đối phó với tâm sân là hiểu biết thực tại về bản thân mình. Hiện tại, tôi đang nói về một cấp độ rất đơn giản, nhưng ngay cả ở cấp độ đơn giản ấy, nó vẫn hữu ích. “Tôi không phải là trung tâm của vũ trụ. Tại sao mọi việc phải luôn luôn theo ý của tôi? Tại sao? Tôi có gì đặc biệt mà lúc nào mọi việc cũng phải theo ý mình, thay vì theo ý người khác?” Với những tư tưởng như vậy, bạn bắt đầu phá hủy quan điểm vững chắc này về “tôi” là điều quan trọng nhất trong vũ trụ. “Cái tôi” vững chắc. Rồi dĩ nhiên bạn có thể phá hủy nhiều hơn, nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Khi bạn có quan điểm về “cái tôi” là điều vững chắc này ở đây và tôi phải luôn luôn được như ý, dĩ nhiên bạn sẽ nổi giận khi sự việc không xảy ra theo ý của mình, đúng không?

Đạo Phật nói rất nhiều về việc chúng ta tồn tại như thế nào và mọi người tồn tại ra sao. Chúng ta có tồn tại, nhưng chúng ta không tồn tại theo những cách bất khả này mà ta tưởng rằng mình đang tồn tại, chẳng hạn như một “cái tôi” bé xíu ngồi trong đầu tôi đang nói chuyện, và đó là tác giả của giọng nói trong đầu tôi. Dường như có một “cái tôi” bé xíu bên trong đang nói chuyện, phàn nàn rằng: “Tôi nên làm gì bây giờ? Ồ, tôi sẽ làm điều đó,” và sau đó thân thể của bạn cử động như một cái máy vậy. Nhưng đó là một ảo giác. Các bạn không thể tìm thấy một chút “cái tôi” nào bên trong cả, đúng không? Dù sao đi nữa thì tôi có tồn tại – tôi nói chuyện; tôi làm các việc. Vì vậy chúng ta phải gạt bỏ niềm tin của mình về những phóng tưởng này, vì nó có vẻ như phù hợp với thực tại. Nó dường như thế. Có giọng nói này đang lên tiếng, vậy thì phải có ai đó đang nói chuyện ở bên trong chứ.

Thế nên đạo Phật cung hiến rất nhiều trong toàn bộ lĩnh vực mà chúng ta gọi là “tâm lý học.”

 

A.B

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here