Trang chủ Vấn đề hôm nay Đối phó với phiền não

Đối phó với phiền não

149
0

Không phải ai cũng là bậc thánh hay bồ tát, điều đó rất đúng. Mọi người đều vô minh ở mức độ này hay mức độ khác. Vì vô minh nên chúng ta hành động dưới sự ảnh hưởng của phiền não. Khi tôi nghĩ rằng tôi là trung tâm của vũ trụ và tôi là người quan trọng nhất, thì cảm xúc đi kèm là sự bất an, đúng không? Khi vô minh thì bạn cảm thấy bất an và nghĩ rằng, “Đáng lẽ tôi là người quan trọng nhất, nhưng người ta lại không cư xử với tôi như thế.” Thế là có sự bất an ở đó.

Chúng ta có thể dùng những phương cách gì khi bất an – những phương cách cố gắng làm cho mình cảm thấy an tâm hơn? Một trong những cách đó là: “Nếu tôi có thể có đầy đủ những thứ xung quanh mình, thì thế nào tôi cũng sẽ thấy an tâm. Nếu như tôi có đủ tiền, đủ sự quan tâm hay tình thương thì thế nào tôi cũng sẽ được hạnh phúc.” Nhưng rồi như ta đã thấy, bản chất của loại hạnh phúc này là ta không bao giờ có đủ, ta không bao giờ thỏa mãn và luôn luôn muốn có nhiều hơn thế nữa.

Hãy suy nghĩ về điều này. Nó có ý nghĩa đấy. Chúng ta có thật sự muốn người mình yêu chỉ nói câu “Anh yêu em” một lần thôi hay không? Nếu họ chỉ nói câu ấy một lần thôi, và như thế là đủ – họ không bao giờ phải lặp lại điều đó với chúng ta nữa thì có được không? Ta không bao giờ cảm thấy an tâm với điều đó. Ta luôn muốn nghe nó lần nữa, lần nữa và lần nữa, có phải vậy không? Và ta không bao giờ đạt đến mức độ mà ta sẽ nói rằng, “Được rồi, anh không phải nói điều đó với em nữa. Em biết rồi.” Thế thì khi nói về sự tham lam, nó không chỉ là sự tham lam về vật chất và tiền bạc. Chúng ta còn tham lam tình yêu nữa, và hầu hết chúng ta đặc biệt tham muốn sự quan tâm của người khác. Ta thấy được điều đó ở những trẻ nhỏ. Vậy thì đó là một cơ chế: nếu ta có thể có đầy đủ mọi thứ xung quanh mình, nó sẽ khiến ta an tâm. Nhưng điều này không bao giờ có hiệu quả.

Cơ chế tiếp theo là tâm sân hận và thù ghét: “Tôi sẽ an tâm nếu có thể tránh xa những điều mà tôi cảm thấy đang đe dọa mình.” Nhưng chúng ta không bao giờ cảm thấy an toàn; chúng ta luôn cảm thấy bị đe dọa; luôn cảnh giác đề phòng khi ai đó làm điều gì mình không thích – rồi ta nổi giận và đuổi họ đi. Đôi khi, điều này có thể khiến mình tự chuốc lấy thất bại. Tôi đang nghĩ đến một ví dụ về mối quan hệ mà ta cảm thấy người kia không quan tâm đầy đủ đến mình, không dành đủ thời gian cho mình, và ta la lối với họ. Chúng ta giận dữ và quát tháo, “Anh nên quan tâm đến tôi nhiều hơn! Anh nên dành nhiều thì giờ hơn cho tôi!” và v.v… Hậu quả của điều đó là gì? Thường thì họ còn tránh xa ta hơn nữa. Hoặc họ dành cho ta một đặc ân lớn và ở bên ta một lúc thôi, nhưng bạn có thể cảm nhận được là họ không thoải mái với điều đó. Làm sao ta có thể nghĩ rằng giận dữ với ai đó sẽ khiến họ yêu thích ta hơn? Thật là vô lý, có phải thế không? Chúng ta sử dụng nhiều cơ chế trong số những cơ chế này, với hy vọng nó sẽ khiến mình an tâm hơn, nhưng thật sự nó chỉ làm mọi việc tồi tệ hơn.

Một cơ chế khác mà ta sử dụng là dựng lên những bức tường. Điều đó căn cứ vào sự ngây thơ, nghĩ rằng nếu ta không đối phó với vấn đề thì dù sao đi nữa, nó sẽ không tồn tại hoặc tự nó sẽ biến mất. “Tôi không muốn nghe điều đó nữa” – đại loại bằng thái độ này, và bạn dựng lên bức tường. Nhưng tất nhiên trạng thái ngây thơ đó cũng không hữu hiệu. Vấn đề sẽ không biến mất chỉ vì chúng ta làm ngơ hoặc không thừa nhận nó.

Vì vậy, dựa trên những phiền não này, sự tình là ta đã hành động theo tất cả những phương cách tiêu cực. Chúng ta la lối. Thậm chí, ta có thể đánh một người nào đó. Nếu bạn cảm thấy rằng, “Thật tội nghiệp cho tôi, tôi không có một thứ gì cả,” thì bạn có thể đi ăn cắp vì nghĩ rằng dù sao đi nữa, nó sẽ giúp ích cho bạn, hoặc tôi đang nghĩ về một ví dụ khi tôi đã sống ở Ấn Độ trong rất nhiều năm. Ấn Độ là vùng đất của côn trùng – rất nhiều, thật là nhiều côn trùng các loại mà bạn có thể hình dung ra được. Và bạn không thể giết sạch chúng; bạn không có cách gì để làm được điều đó. Giải pháp duy nhất là học cách sống chung với chúng. Nếu bạn không thích có nhiều loài côn trùng sống trong phòng mình, thì bạn ngủ trong một cái mùng – bạn có một cái mùng bao bọc xung quanh mình và bạn ở trong không gian an toàn. Đó là một giải pháp hòa bình, thay vì bước vào cuộc săn bắt tất cả những con muỗi trong phòng bạn, và bạn sẽ thức cả đêm vì sẽ luôn luôn có thêm muỗi để giết. Bên dưới cánh cửa lúc nào cũng có một kẽ hở, hay các cửa sổ không đóng kín – vì thế phòng bạn lúc nào cũng sẽ có thêm muỗi. Nhưng sự xung động của hành vi tiêu cực ấy cứ thôi thúc khởi lên: “Tôi phải tiệt trừ chúng!”

Có nhiều dạng hành vi tiêu cực khác nhau. Nói dối, nói nặng lời, ngoại tình, cưỡng hiếp – tất cả những điều này đều tiêu cực. Và khi chúng ta hành động một cách tiêu cực, trên cơ bản, điều này sẽ tạo ra đau khổ – đau khổ không chỉ cho người khác, mà đặc biệt là cho chính mình. Nếu bạn nghĩ về điều đó, thì đạo Phật phát biểu rất mạnh mẽ về việc không sát sanh, phải không? Bây giờ, điểm cốt yếu ở đây là nếu bạn nhiễm thói quen giết hại bất cứ sinh vật gì bạn không thích – như đối với những con muỗi chẳng hạn – thì đó sẽ là phản ứng tự động đầu tiên của bạn, đúng không? Và không chỉ riêng về việc sát sanh. Nếu có điều gì chúng ta không thích thì ta sẽ vồ lấy nó một cách rất thô bạo – có thể bằng lời nói, thể xác hay cảm xúc – thay vì học cách đối phó với nó bằng một tâm trạng bình tĩnh.

Dĩ nhiên, đôi khi bạn có thể phải sát sanh. Ví dụ như có thể có những côn trùng ăn cây trồng; có thể có những côn trùng mang bệnh dịch, v.v… Đạo Phật không phải là cách sống như một người cuồng tín. Nhưng bạn không nên ngây thơ về sự sát sanh. Hãy gắng làm điều đó mà không có sự sân hận và thù ghét ở trong tâm – “Tôi ghét những con muỗi gây sốt rét này!” Và bạn không nên ngây thơ về những hậu quả tiêu cực sẽ theo sau. Lấy một ví dụ đơn giản: Nếu chúng ta dùng thuốc trừ sâu tưới hết rau cải và trái cây của mình – thế nhưng chúng ta cũng ăn nó, và nó có thể gây bệnh. Thế là có những hệ quả tiêu cực phản tác dụng. Điều mấu chốt ở đây, quay trở lại điểm xuất phát ban đầu của chúng ta, là các phương pháp của ta là giới luật, định lực, và trí tuệ, bổ sung thêm bằng lòng từ ái và bi mẫn.

A.B

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here