Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Đối phó với cơn bão cảm xúc

Đối phó với cơn bão cảm xúc

137
0

Đối phó ở đây không phải là chống cự, đè nén hoặc xua đuổi, bởi vì nỗi buồn cơn giận hay niềm tuyệt vọng ấy là một phần của chính bạn, và ta không nên chống cự, đè nén, hoặc đàn áp chính ta, vì như vậy là ta đối xử bạo động với chính ta. Nếu bạn biết trở về với hơi thở ý thức, bạn có thể chế tác được năng lượng có mặt, và với năng lượng đó, bạn nhận diện và ôm ấp nỗi buồn, cơn giận hay niềm tuyệt vọng đó một cách ưu ái và hết lòng, cũng giống như một bà mẹ đang ôm trong tay đứa hài nhi của chính mình khi em bé bị sốt, với tất cả tình thương. Năng lượng ưu ái này sẽ làm cho cơn giận hay nỗi buồn dịu lại.

Mỗi khi trời nổi cơn giông bão, bạn biết trở về nhà, đóng hết các cửa sổ và cửa ra vào để cho gió mưa đừng xâm nhập và gây tàn hại. Nếu điện bị cắt thì bạn thắp đèn nến hay đèn dầu. Nếu trời lạnh thì bạn đi đốt lò sưởi. Bạn tạo ra được một vùng an toàn bên trong cho bạn trong khi cơn giông bão vẫn còn đang tiếp tục xảy ra. Một cảm xúc mãnh liệt cũng giống như một cơn bão tố có thể gây ra nhiều tai hại. Ta phải biết cách bảo vệ ta, phải tạo ra một không gian an toàn để ẩn náu trong thời gian cơn bão tố còn tồn tại. Ta không thể ngồi chờ và cầu mong cho cơn bão đi qua cho mau, trong khi ta hứng chịu tất cả những tàn hại cơn bão có thể gây ra cho thân tâm ta. Giữ cho thân tâm được bình an trong khi cơn bão tố đang xảy ra, đó là sự thực tập của ta. Có nhiều người đã thực tập và đã làm được như thế. Sau mỗi cơn bão tố, họ trở thành cứng cáp hơn, vững chãi hơn, quắc thước hơn và họ không còn sợ những cơn bão tố nữa. Họ không cầu cho ‘trời yên bể lặng’, họ chỉ thực tập cho ‘chân cứng đá mềm.’

Mỗi khi một cơn sóng gió bắt đầu trỗi dậy, bạn hãy ngồi yên, giữ lưng cho thẳng, trở về với hơi thở, trở về với bản thân, đóng hết các cửa sổ của giác quan. Có tất cả sáu cửa sổ giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Đừng nhìn, đừng nghe thêm nữa, đừng suy nghĩ mãi về cái mà bạn cho là nguồn gốc của nỗi khổ hay niềm đau của bạn: một câu nói, một lá thư, một bài báo, một tin tức… Bạn trở về với bạn, nắm lấy hơi thở, theo dõi hơi thở, bám chặt lấy hơi thở vào và hơi thở ra như người thủy thủ đang nắm chặt bánh lái của chiếc tàu đang bị các đợt sóng trên đại dương xô đẩy. Hơi thở ý thức là giây neo, là bánh lái, là giây cương. Bạn thở những hơi thở dài, hoàn toàn chú tâm vào hơi thở đang ra vào. Bạn có thể chú ý tới bụng dưới, thấy được bụng dưới đang xẹp xuống khi bạn thở ra và phồng lên khi bạn thở vào. Mang sự chú tâm xuống bụng dưới, đừng để tâm lãng vãng trên đầu, nghĩa là đừng còn suy nghĩ, đừng còn tưởng tượng. Bạn chấm dứt hết mọi suy tư, chỉ bám sát vào hơi thở mà thôi. Và bạn tự nhắc mình: ‘Ta đã từng đi qua nhiều cơn bão. Cơn bão nào rồi cũng phải đi qua, không có cơn bão nào ở lại mãi mãi hoài hoài. Trạng thái tâm lý (đạo Phật gọi là tâm hành) này vì vậy cũng sẽ đi qua.

Cái gì cũng vô thường. Một cơn bão chỉ là một cơn bão. Ta không phải chỉ là một cơn bão. Ta có thể tìm thấy sự an toàn ngay trong cơn bão. Ta sẽ không để cho cơn bão gây tai hại trong ta.’ Thấy được như thế, nhớ được như thế, ta đã bắt đầu làm chủ được ta rồi, và ta không còn là nạn nhân của cơn bão cảm xúc nữa. Nhìn vào đọt cây đang oằn oại trong cơn gió, ta có cảm tưởng là cây có thể bị gió thổi bay bất cứ lúc nào. Nhưng nếu ta nhìn xuống thân cây, gốc cây, thấy được cây đang có nhiều rễ bám sâu bám chặt vào lòng đất, ta sẽ thấy yên tâm, ta biết rằng cây sẽ đứng vững. Huyệt đan điền ở dưới rốn, chính là gốc cây. Ta hãy chú ý tới bụng dưới, mà đừng để tư tưởng hoặc cái thấy cái nghe cuốn ta đi lên phía đọt cây. Bạn thực tập thở như thế năm phút, mười phút hoặc mười lăm phút, tâm ý chỉ chú vào hơi thở và bụng dưới, để mặc cho cơn cảm xúc đi qua. Và khi cơn bão cảm xúc đi qua, ta biết rằng ta đã có khả năng bảo hộ ta, ta có khả năng quản lý được những cơn bão cảm xúc.

Ta có niềm tin nơi ta, và ta sẽ không còn sợ hãi nữa. Ta đã biết cách tự bảo hộ ta mỗi khi cơn bão cảm xúc nổi dậy, cho nên ta rất yên lòng. Nhưng ta không đợi cho tới khi có một cơn bão cảm xúc nổi dậy mới bắt đầu thực tập. Ta phải bắt đầu thực tập ngay hôm nay, mỗi ngày từ năm tới mười phút. Và sau vài tuần lễ, ta đã nắm được phương pháp thở, và khi cơn bão cảm xúc nổi dậy, ta tự khắc nhớ để thực tập ngay.

N.N

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here