Trang chủ Thiền môn xứ Huế Đời không hiu quạnh

Đời không hiu quạnh

124
0

Chúng tôi đến chùa Tịnh Đức ở phường Thủy Xuân – TP Huế khi những sư cô đang làm nhang, tương ớt… Ni sư Thích Nữ Diệu Thành, trụ trì chùa Tịnh Đức, cho biết số tiền bán được từ những sản phẩm này sẽ mua áo quần, lo bữa ăn cho các cụ bà bất hạnh đang nương tựa tại chùa.

Đã 79 tuổi nhưng sư Diệu Thành rất minh mẫn. Bà thường lấy tấm lòng độ lượng, yêu người để đối đáp với các cụ ở đây. Vào năm 1988, trong một chuyến hành hương ra xã Hương Vân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế làm từ thiện, sư Diệu Thành rất xót xa khi chứng kiến một cụ bà nằm trên chiếc giường trong túp lều tạm. Cạnh đó là một căn nhà đơn sơ, rộng chỉ đủ để một chiếc giường cho đôi vợ chồng trẻ và 6 đứa con nheo nhóc sinh sống.

Khi nghe sư Diệu Thành hỏi chuyện về hoàn cảnh cụ già nằm ở túp lều, đôi vợ chồng trẻ tâm sự rằng đó chỉ là người bà con xa, không có con cái nên vợ chồng họ cưu mang. Vì hoàn cảnh của họ quá khó khăn, nhà cửa chật chội nên đành che tạm túp lều cho cụ nằm để chờ ngày cụ nhắm mắt.

Rời xã Hương Vân, sư Diệu Thành ngày nào cũng nghĩ tới hoàn cảnh của cụ già đó. “Nếu không đưa cụ đến chỗ khác sống, chăm sóc chu đáo thì cụ sẽ qua đời. Mình là người nhà Phật, thấy người hiu quạnh, khổ hạnh không cứu giúp thì không được” – sư Diệu Thành thổ lộ. Rồi sư bàn chuyện với các sư khác trong chùa để tìm cách đưa cụ già về chùa chăm sóc.

Sư Diệu Thành (thứ 2 từ phải qua) động viên các cụ bà đang sống tại chùa Tịnh Đức

Chưa tới 3 tháng sau, sư Diệu Thành nhắn với người nhà hãy đưa cụ vào chùa để chăm sóc. Khi cụ già tới, chùa Tịnh Đức dành cho cụ một gian nhà tranh sinh sống. Từ đó, nhiều cụ bà neo đơn, không nơi nương tựa lần lượt tìm đến chùa Tịnh Đức xin nương nhờ cửa Phật. Hiện chùa Tịnh Đức đang nuôi dưỡng 32 cụ bà, trong đó có 3 cụ trên 90 tuổi, 7 cụ bị tàn tật. Tất cả họ đều là người đơn thân, không nơi nương tựa. “Các trường hợp vào đây chúng tôi đều xác minh hoàn cảnh rõ ràng, các cụ đều nghèo khổ, không có con cái. Một số người có bà con thân thích nhưng họ quá nghèo để nuôi dưỡng các cụ” – trụ trì Diệu Thành chua xót.

Sư Diệu Thành cho biết mỗi tuần, các cụ đều được các bác sĩ làm từ thiện lên khám, bốc thuốc, khi đau ốm đều có các ni sư chăm sóc. Vì không nơi nương tựa, không người thân nên các cụ sau khi qua đời được khâm liệm, chôn cất và được thờ cúng ngay trong chùa. Khu vực chôn cất các cụ nằm ở một khu đất riêng cạnh chỗ an nghỉ của các sư nữ chùa Tịnh Đức ở phường Thủy Xuân. Có gần 20 ngôi mộ, tất cả được xây cất và có bia đá khắc ghi tên tuổi, quê quán và ngày mất. “Vào ngày kỵ giỗ của người mất, chúng tôi đều làm mâm cơm chay, thắp hương khấn nguyện để tưởng nhớ tới họ” – sư Diệu Thành cho biết.

Chẳng còn lo lắng

Cụ Nguyễn Thị Tuất, 78 tuổi, cho biết từ ngày vào chùa Tịnh Đức đến nay, dù cuộc sống đạm bạc nhưng đời cụ đã có chỗ nương thân, không còn lang thang như trước đây nữa. “Các sư ở chùa chăm sóc chúng tôi rất tận tình và nhân từ. Nếu không có ngôi chùa này, chắc tôi cũng đã là một hồn ma không nơi thờ cúng từ lâu” – cụ Tuất tâm sự.

Cụ Võ Thị Hoan, 73 tuổi, tâm sự rằng dù ở chùa chỉ có cơm chay đạm bạc nhưng cuộc sống rất thanh tịnh và chẳng lo lắng như trước đây nữa. “Từ ngày vào chùa, tôi đã chứng kiến rất nhiều cụ qua đời. Nhưng lạ một điều là tất cả đều nhắm mắt ra đi rất thanh thản, chẳng đau đớn và lưu luyến gì nữa”.
 

(NLĐ)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here