Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Đôi điều về vấn đề Trí thức

Đôi điều về vấn đề Trí thức

125
0

Hai chữ "trí thức"

Có lần tôi hỏi một người bạn đang là giáo sư ở một trường đại học, khá năng động và hoạt bát trên nhiều lĩnh vực: "anh có phải là người trí thức"? Anh cười hóm hỉnh: "Tôi ấy à? Tôi là…trí ngủ chứ không phải…trí thức, chị ạ".

Karl Dall (nhà khôi hài, tài tử truyền hình Đức) cũng "đùa dai" kiểu ấy khi trả lời trong một cuộc phỏng vấn: "Đối với tôi, một người trí thức là người ngủ dậy trưa buổi sáng, không làm việc chân tay và không cúi đầu trước ông chủ, trong nghĩa này tôi cũng là một người trí thức".

Hai người, một Việt, – nhắc chữ "ngủ", đối ngữ với "thức" như một "tật ngược" với thái độ của người "trí thức"; và một Đức, "ngủ trưa" như một "chứng tật "trong hành vi của một "Intellektueller".

Bên tiếngViệt, đã hẳn đây là một cuộc nói liều, khi Hán Việt được nôm na hóa theo trò chơi chữ vốn thiên hình vạn trạng của tiếng ta: rõ ràng chữ "thức" tiếng Hán = hiểu, biết, khác với nghĩa chữ Nôm thường tục "thức = không ngủ, còn tỉnh táo" nhưng ta sẽ thấy trong phần sau "không ngủ", "thức" không phải là tầm phào cho nội hàm "trí thức".

Bên tiếng Đức cũng là một trò chơi chữ với chữ "Intellekt" như là khả năng tinh thần đối lại với lao động thân xác, đồng thời với nụ cười tự diễu của K. Dall, mà ta sẽ thấy sau, chính sự tự diễu này cũng là yếu tố của "Intellekt", của trí thức.

Nhất thời, cả hai trường hợp không cho ta một nội dung tích cực về khái niệm (hay hình ảnh) "người trí thức", chúng đưa ta đến ngoại hàm giới hạn của khái niệm này bằng những nét sai chệch ra ngoài (caricature) khái niệm thường được hiểu với hai chữ "trí thức".

Đi tìm nguyên nghĩa và xuất xứ của nó, ta thấy, cụm từ "trí thức" không có trong từ điển Hoa Anh. Tự điển Hán Việt Đào Duy Anh cho tri thức và trí thức đồng nghĩa với nhau, theo ĐDAnh: tri thức = những điều người ta vì kinh nghiệm hoặc học tập mà biết hay vì cảm xúc hoặc lý trí mà biết.

Theo Hán Việt Từ Nguyên của Bửu Kế: tri thức = tri: hay, thức: biết, những điều mình hay biết. Trí: hiểu biết sự vật. Thức: biết, hiểu biết rộng rãi. Ngoài ra theo nghĩa Hán Việt:

Thức có 2 nghĩa:

a. Biết, phân biệt, thấy mà nhận biết được.

b. Hiểu biết như tri thức, kiến thức.

Tra cứu tự điển người Hoa ta không tìm ra được cụm từ "trí thức", khi nói về con người có tri thức (tức là người trí thức) người Hoa thường dùng đủ 4 chữ: "tri thức phân/ phần tử".

Do đó có thể nói, trong lúc tiếng Hoa không có từ này, cụm từ ‘người trí thức’ (chữ Hán Việt) không được sử dụng trong tiếng Trung Hoa. Đây là một khái niệm tương đối mới trong ngôn ngữ Việt Nam khi tiếp xúc với ngôn ngữ và tư tưởng Tây phương, (cũng như chữ "khoa học" xuất hiện đầu tiên năm 1920 trên tờ tạp chí Nam Phong). Theo sự tìm hiểu còn giới hạn và chưa được kiểm chứng chính xác (vì tài liệu truy cứu tiếng Việt hạn hẹp, mong sự góp ý của độc giả tại quốc nội), cụm từ này hình như được sử dụng lần đầu trong khoảng thập niên 30/40 và được nói nhiều khoảng thập niên 50 thế kỷ trước, xuất phát từ Đại học Huế, nơi qui tụ những giáo sư được đào tạo tại nước Pháp chiếm đa số.

Nghĩa chữ tiếng Việt:

Người Việt đã dịch cụm từ "trí thức" từ chữ "intellektuel" khá chính xác. Theo tự điển Việt Pháp Đào Duy Anh, xb năm 1932, intellectuel được dịch là "trí thức", có lẽ đó là lần đầu tiên chữ "trí thức" xuất hiện trong ngôn ngữ Việt chăng? Ngày nay chúng ta không xa lạ gì với cụm từ "nhóm trí thức", "trí thức thiên tả", "trí thức khuynh hữu", "trí thức tiến bộ", "thành phần trí thức" và gần đây nhất "đội ngũ trí thức" được hiểu trước tiên như một thuật ngữ dành cho thành phần xã hội sở hữu tri thức trong trào lưu hiện tại của xã hội Việt Nam. Nó thay thế những thuật ngữ tiêu biểu một thời: quân tử,  nho sĩ, sĩ tử, sĩ phu, thức giả, túc giả, học giả, mà mãi đến đầu thập niên 20, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Huỳnh Thúc Kháng, Huỳnh Tịnh Của vẫn còn sử dụng khi nói đến phần tử trí tuệ đương thời.

Trên phương diện khảo cứu, thuật ngữ "trí thức" trước hết là một thứ khung (template),  khoanh lại những mẫu người hay thành phần xã hội sở hữu trí tuệ tiêu biểu trong thời đại của họ. Ta hãy thử tìm hiểu chữ gốc của "trí thức", Intellectuel đến từ Tây phương. 

Đặc tính của "Trí "là "Thức" và của "Thức" là "Trí "

1. "Intelectuel" lấy từ chữ Intelligence= giác tính, chữ này nguyên từ chữ "Intelligere" = hiểu, nắm bắt được ý nghĩa của một chữ, một câu hay tương quan của nhiều mệnh đề, và một nghĩa khác nữa: chọn lựa giữa hai điều trong tiến trình nhận thức (trong trường hợp này tương đương với chữ "thức", tiếng Việt). Như thế những người "Intelligente" là những người có khả năng dùng trí tuệ để lựa chọn đúng và phát biểu đúng về  đối tượng muốn tìm hiểu. Đặc tính của "Trí thức" gồm tính sáng (trí tuệ), tính nhận xét phê phán (giữa hai hay nhiều điều), tính khoa học và tính  thiện hảo.

Theo thường những người trí thức bao gồm những học giả, văn hào, thi hào, mục sư, những lý thuyết gia, những người có học, những vị lao động tinh thần, những thiên tài…Nhưng đối với người ít lao động tinh thần, "trí thức" được hiểu tiêu cực là kẻ vụng về, không biết hoạt động thực tế, mắc chứng trừu tượng, thuộc loại dư thừa, ngoài lề, xa lạ với xã hội (trường hợp mà K. Dall nói đến).

Từ nguồn gốc "intellect" (tinh thần, giác tính) khái niệm "người trí thức" nằm trong truyền thống tư tưởng Tây phương, xuất hiện dưới chữ "Intelligence", và cũng không xa lạ với truyền thống tư tưởng Đông Phương.

2. "Trí" và "thức" như khả năng khám phá chân lý để trưởng thành, giải phóng.

"Intellect" trong triết học của St. Thomas Aquin mang dấu ấn gia bảo của Thượng Đế vẫn còn đọng lại đôi chút ở Kant khi ông gọi "sự thông minh tối thượng gần bằng Thượng đế". Khổng Tử gọi "Đức sáng" (Minh Đức), Phật gọi là "Tuệ giác", khả năng tri thức toàn hảo của con người.

Trong cái nhìn phê phán về lý tính, I. Kant (1724-1804) đã trao cho con người khả năng hiểu biết và khả năng lý tính (vernünftiges Vermögen) khi nói về ý nghĩa của "Khai sáng": "sapere aude" – can đảm sử dụng trí tuệ- không theo một sự chỉ đạo nào, tự mình thoát khỏi tình trạng vị thành niên (Kant 1784) – làm nên tinh hoa của "trí thức". Ở đây ta có thêm một đức tính cho người trí thức: sự can đảm sử dụng trí tuệ, chính sự can đảm này làm cho người "trí" thành "thức", làm nên yếu tố cơ bản của khái niệm giải phóng (Emanzipation), mà lý thuyết chủ nghĩa xã hội về sau cũng sử dụng.

Hai nhận thức cơ bản có tính cách mạng liên hệ với khái niệm người trí thức hiện đại (modern) từ quan điểm của I. Kant:

– lý trí trưởng thành là thẩm phán cho mọi lý lẽ biện minh hay giải thích một sự kiện và

– sự tự chủ (Autonomie) như là nguyên tắc phổ quát. Sự đòi hỏi truy nhận giá trị của lý trí và tự do tuyệt đối mà Kant nêu ra là hệ luận đến từ cuộc chiến văn hóa hơn hai trăm năm giữa  giai cấp trung lưu muốn vươn lên và chủ nghĩa đặc lợi (địa phương) đặc quyền của sự thống trị phong kiến và độc quyền tư tưởng thuộc nhà thờ: trong cuộc chiến đấu đó, những triết gia xuất hiện như những nhà "trí thức hữu cơ" trong nghĩa: họ là những người ứng dụng tri thức của mình vào thời cuộc, dùng phương pháp nghiên cứu khoa học thực hành (praktisch) song hành với bước tiến của tập thể mới: tinh thần đối kháng, thái độ từ khước quyền uy, chống lại sự cản trở thương mại tự do, tính phổ quát của những qui luật khoa học, tính phổ quát của con người trong đối nghịch với chủ nghĩa đặc quyền phong kiến, đó là những phân tố trí tuệ mà con người hiện đại (thời Kant) cần trang bị cho tập thể trong công cuộc đổi mới.

Trong tiểu luận "Khai sáng là gì"? Kant đòi hỏi thêm một bước nữa:

– triết gia có quyền phát biểu trước quần chúng những vấn nạn và lời giải về những nghiên cứu liên quan đến nền tảng tư tưởng của thời đại, cũng như giải thích những thành quả tiến bộ của khoa học theo quan điểm của mình. Với đòi hỏi tự do phát biểu công khai trước quần chúng, Kant đã đưa hình ảnh một trí thức dấn thân trong tự do ngôn luận: triết gia hay học giả mang tính phổ quát của kẻ đại diện đứng trên mọi xung đột giữa bộ máy hay tập thể cai trị và người dân, như người hoà giải trung gian giữa hai thế lực, nhân danh chân lý và bình đẳng xã hội.

Kant cũng như những triết gia của thời khai sáng đã sử dụng khái niệm "Intelekt" như một khả năng tinh thần của một chủ thể tự chủ trong tiến trình hoàn thiện sự khôn ngoan và minh triết, hình thành một nền nhân bản phổ quát: mỗi người là một công dân, "mỗi công dân là một con người" bao hàm ý nghĩa mỗi người đều "có lý tính". Thay chữ "lý tính" như một chức năng thiên bẩm, nhà lý thuyết chính trị và nhà văn  A. Gramsci (1891- 1937) cho rằng cần phải lý giải "trí thức" như một chức năng hữu cơ của xã hội, trong đó: "tất cả mọi người đều là trí thức, nhưng không phải ai cũng có thể làm chức vụ trí thức".

Từ Voltaire cho đến Kant, mẫu người trí thức là một mẫu người phổ quát, đại đồng, phát ngôn viên của chân lý và công bằng, kẻ làm nên pháp luật (Legislator) cho một cuộc sống thiện hảo. Trong ý nghĩa này, "trí thức" hầu như đồng nghĩa với nhà hiền triết, khác với trí thức mang tính tục hóa xã hội của những thế kỷ sau mà Sartre gọi là "những kỹ thuật gia của tri thức thực tiễn" hoặc là "đội ngũ trí thức".

3. Người trí thức nhập cuộc và tính lưỡng phân của khái niệm

Với cuộc vận động của văn hào E. Zola, thuật ngữ "trí thức" mang một nội dung nhập thế mới. E. Zola cùng với một số phóng viên và nhà văn nỗi tiếng lên tiếng bênh vực bị cáo A. Dreyfus trong bài báo "J´accuse" (tôi tố cáo). Bức thư ngỏ (đăng trong báo L´aurore ngày 13. 01. 1898) trở nên một nguyên mẫu (prototype) hành động của giới văn sĩ, khi biến trường hợp này thành một vấn đề cho hành động đạo đức cá nhân trong việc bảo vệ niềm tin vào lý tưởng chính thể cộng hòa. E. Zola đã thành công trong việc động viên quần chúng.

Nhưng E. Zola không tự cho mình là trí thức mà Clemenceau mới là người nêu rõ danh hiệu ấy: Ngày 23. 1. 1898 nhà báo này lấy lại khái niệm "trí thức" đã được sử dụng từ những năm 1870 cho bài báo của ông với nhan đề: "Sự phản đối của nhóm trí thức" (la protestation des intellectuels) đăng trong  tờ Le Journal ngày 1. 2. 1898 với mục đích thóa mạ nhóm này khuấy rối trật tự xã hội. Dưới ngòi bút của Clemenceau, trí thức trở thành một từ chửi mắng.

Có thể nói danh từ "Trí thức" được công khai hóa từ thời điểm ấy, với ý nghĩa lưỡng phân đối lập:  một bên với nghiã tiêu cực: Clemenceau cáo buộc một nhóm người có ý đồ đen tối đối với xã hội, muốn thành lập một nhóm ưu tú gọi là trí thức chống đối chính phủ; một bên, những người ký tên trong bản phản kháng l"a protestation" lại cho danh từ ấy là tên gọi tích cực cho chính người có trí tuệ (Intelligenz) biết sử dụng vai trò trí thức của mình bảo vệ những giá trị khai sáng phổ quát của chân lý và của nền cộng hòa lý tưởng đương thời: Tự Do – Huynh Đệ – Bình Đẳng.

Nằm trong truyền thống khai sáng với Voltaire, J. J. Rousseau, Kant, và nhất là lý tưởng cộng hòa, sự can thiệp của E. Zola mang đến một nội dung mới cho vai trò trí thức: văn nghệ sĩ và các nhà khoa học ý thức rõ vai trò trong xã hội của mình, một mặt chịu lãnh hậu quả cho cá nhân của mình (cái riêng lẻ) trong lúc bảo vệ chân lý thực tiễn xã hội (cái phổ quát). Họ đại diện cho một mẫu trí thức mới: trí thức phê phán và hành động trên quan điểm của con người, của nhân loại, của quốc gia, dân tộc, của vô sản và của sinh vật. Trí thức tự xem là một chủ thể hóa thân trong xã hội cho một giá trị phổ quát. Từ vị trí ấy, họ viết và trình bày, phân tích hoàn cảnh  và kết luận phải làm gì để chủ thể tự hiện thực hay đẩy mạnh sự thực hiện ấy.

4. Thức tỉnh rốt ráo trong học tập để là người trí thức:

E. Zola nằm trong tiến trình khai sáng của thế kỷ 19, trong đó khai sáng tự đặt vấn đề với chính "khai sáng", hay trí tuệ (thức) đặt vấn đề với trí tuệ. Như thế trên phương diện tư tưởng, cũng nằm trong truyền thống của khai sáng. Khái niệm "trí thức" mang dấu ấn "trí thức" phê phán cực đoan khi Nietzsche đặt vấn đề thế lực của nhà thờ và Thuợng Đế với tất cả hệ luận quyết liệt. Nietzsche tuyên bố "Thượng Đế đã chết" như một khai tử lý tưởng thần học Tây phương, một trong những nguyên do của sự lệ thuộc vị thành niên (theo Kant khi xét tình trạng của thời ông) và đặt lại câu hỏi "ecce home", tôi là ai, đi tìm một con người mới, từ chối Intellektekt như một ảo tưởng chân lý, che đậy dối trá (alles Idealismus ist Verlogenheit).

Nietzsche mong tìm một con người hòa điệu thực sự giữa "trí" (Kognition) và "sống" (Extentiallität), giữa tinh thần và tâm hồn, giữa nhân cách và tính chất "trí thức" – một con người mới toàn diện, đích thực "ecce homo" trong nghĩa một siêu nhân thay thế Thượng Đế. Chống lại "trí tuệ" dối trá, ngụy trang bằng những lý tưởng, Nietzsche dùng chính sở hữu trí tuệ phân tích ngay những chứng bệnh của thời đại của ông. Tiêu biểu là sách và học giả, nếu học giả không tự chủ mà chỉ dựa vào "sách", đánh mất tính độc lập "khai sáng", họ biến thành hạng người sa đọa, chỉ là những kẻ "vô thức", không biết suy nghĩ. Nietzsche đòi hỏi "trí tuệ" phải có nội dung thực sự của thời đại, muốn thế phải khởi sự học lại tất cả những điều nhỏ nhặt nhất bằng lòng chân thành.

….những việc bé nhỏ này – thức ăn, nơi chốn, khí hậu, sự giải trí, trọn vẹn ngón quỉ biện về tính ích kỷ – thực ra quan trọng gấp trăm ngàn lần tất cả mọi sự mà người đời thường cho là quan trọng. Chính nơi điểm này mình bắt đầu phải học lại. Những gì nhân loại từ trước tới giờ thường cho là nghiêm trọng thực ra không phải là những thực tại mà chỉ là những vọng tưởng (Hier gerade muss man anfangen, umzulernen. Das, was die Menschheit bisher ernsthaft erwogen hat, sind nicht einmal Realitaeten, blosse Einbildungen) nói cho nghiêm mật hơn, đó là những sự láo khoét mà những bản năng xấu bệnh hoạn đã gợi tạo ra, chúng quả là tai hại hết sức …“ (Nietzsche, ecce homo)

Nietzsche chống "trí thức" để xây dựng lại trí thức bằng trí thức, "phải học lại", chỉnh đốn lại tất cả những vấn đề chính trị, của tổ chức xã hội và của giáo dục… bị xuyên tạc trọn vẹn chỉ vì người ta đã nhìn sai, coi trọng những người tai hại nhất như những vĩ nhân.

Đi tìm lại giá trị chân thực của đời sống (Existentialität), chống lại những giá trị ảo, trừu tượng, sản phẩm của cái đầu không có con tim, không có linh hồn, đặt lại vấn đề giáo dục, cổ vũ cho tính chân thực (Wahrhaftigkeit) và đạo đức của đời sống, dù đối kháng với những chủ trương của phong trào khai sáng đi trước, lại trở nên một truyền thống khai sáng cho người đi sau, trong đó trí tuệ là chủ thể phê phán tuyệt đối, đặt vấn đề với chính "trí tuệ" (Intelligenz) mà nó huân tập được. Phê phán của Nietzsche đối với trào lưu và nếp sống đương thời không nằm ngoài mục đích mà ông đề ra trong "Also sprach Zarathoutra": xây dựng một con người chân thật, giải phóng, tự do, thay vì làm nô lệ  hay công cụ cho tầng lớp cai trị tinh thần, đạo đức và khống chế thân xác.

 Trí thức, kẻ vượt ranh giới

"Sách và giáo dục" là hai yếu tố nội tại xây dựng nên "trí thức". Trong lúc Nietzsche đặt vấn đề với sách, – một gia sản tri thức khổng lồ của Âu châu từ khi nghề in được thực hiện từ thế kỷ 15 tại Đức (phát minh Gutenberg), sách đã trở thành sức mạnh của trí thức Âu châu nhưng Nietzsche cho rằng quá tin vào sách có thể tiêu diệt tính sáng tạo và tính chất sống thực của cuộc đời tận tín thư bất như vô thư (Mạnh Tử), con người trở thành nô lệ sách – Sartre chú trọng đến vấn đề giáo dục, bởi vì chính giáo dục đào tạo trí thức.

Ở đâu nói về hệ thống giáo dục, ở đó phải nói đến chức vụ đặc thù và tính cách của trí thức trong xã hội. Định nghĩa người trí thức trong những định chế cũng như trong xã hội do đấy cần sự phân tích đặc tính xã hội của định chế, trong đó người trí thức hành động.

Trong Plädoyer für die Intellektuellen (Vortrag 1965, Tokio), J. P. Sartre cho rằng, đồng thời với tiến trình dân chủ hoá và khoa học hoá, nền kỹ nghệ tư bản (thời của Sartre) muốn kiểm soát đại học để bắt buộc đại học bỏ chủ nghĩa nhân bản lỗi thời và thay thế vào đó những phân khoa đặc biệt nhằm cung cấp cho các cơ xưởng những chuyên viên điều tra, nhân viên cao cấp hay những chuyên viên quảng cáo…, nói tóm, "những kỹ thuật gia của tri thức thực tiễn".

Satre cho rằng, sự bãi bỏ những ưu tiên đào tạo và mở rộng đại học trong cơ chế tư bản thật sự trước tiên chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu cần sử dụng một số chuyên gia, kỹ thuật gia có trình độ khoa học cao nhằm mục đích đem lợi nhuận nhiều hơn cho giai cấp cai trị. Kế hoạch trồng người một mặt cơ cấu hoá môi trường hoạt động khả thể cho lớp trẻ, ngay khi chưa sinh ra, đồng thời số phận của họ cũng được định trước: địa vị và đời sống xã hội, những bổn phận phải thi hành như một cá thể trong guồng máy tư bản, trong  đó, giai cấp cai trị hay chỉ đạo ấn định con số kỹ thuật gia của tri thức thực hành theo lợi nhuận của dịch vụ giáo dục mà họ mong muốn đạt được.

Theo Satre, như thế giữa lý tưởng chủ nghĩa nhân bản được đề ra cùng với tính đại đồng của tư duy tư sản bao gồm kỹ thuật khoa học phổ quát trong nghiên cứu mà "những kỹ thuật gia của tri thức thực hành" (trí thức) tương lai sẽ thấm nhuần và chức vụ được hoạch định cho người ấy như là tác nhân bảo vệ chủ nghĩa đặc quyền ý thức hệ khi thì công khai tuyên bố (như chủ nghĩa quốc gia bạo động của nhóm quốc xã) khi thì được che đậy bởi một thứ nhân bản phóng khoáng (chủ nghĩa tư bản), có một mâu thuẫn, và chính mâu thuẫn này làm cho những nhà chuyên môn của tri thức thực tiễn trong thuật ngữ của chính nó trở thành những nhà trí thức tiềm ẩn. Trong tương quan này, một khái niệm mới về dân chủ cần được triển khai có thể đem đến cho người trí thức một giải pháp cho mâu thuẫn nói trên:

Bổn phận của người trí thức là sống, trải nghiệm sự mâu thuẫn ấy cho mọi người và phải vượt qua nó cho mọi người bằng tính rốt ráo (có nghĩa là bằng sự ứng dụng kỹ thuật một cách đúng đắn chống lại mọi dối trá và ảo tưởng)… Mâu thuẫn của người trí thức chính là điều làm cho người trí thức trở thành kẻ bảo vệ nền dân chủ: người trí thức đặt nghi vấn về tính cách trừu tượng của quyền dân chủ tư sản, không phải để phá bỏ nó mà bởi vì anh ta muốn bổ túc nó bằng những quyền cụ thể của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và cùng một lúc thực hiện Chân lý có tính chức năng (funk-tionale) của Tự Do“ (Satre, Plaedoyer fuer Intellektuelle).

Phân tích của Satre vẫn mang tính thời sự, bao lâu những định chế xã hội tìm cách che đậy hay biến thể một nền dân chủ thật sự đặt nền tảng trên tự do. Mâu thuẫn của một nền dân chủ ảo được biểu hiện ngay chính trong cơ chế đào tạo giáo duc. Trải nghiệm mâu thuẫn này có nghĩa, ý thức rõ về sự đối nghịch giữa trí thức và xã hội, giữa sự tìm kiếm một chân lý thực tiễn (và những qui tắc bao hàm trong đó) và ý thức hệ cai trị dựa trên những giá trị truyền thống bị lạm dụng, người trí thức luôn luôn là kẻ vượt ranh giới mà xã hội và người đi trước đã vạch ra cho nó để trả lại giá trị trung thực của chân lý phục vụ tự do và tự chủ của con người.

Ý thức hay thức tỉnh về giới hạn của chính mình trong giới hạn của xã hội tạo điều kiện cho mọi phát triển tương lai, bởi lẽ nói như B. Brecht: "Mọi mâu thuẫn là hi vọng của chúng ta".

Thái Kim Lan

(Tia Sáng 2008)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here