Tập hồi ký của Sư bà có lối kể chuyện giản dị, mạch lạc, dễ hiểu. Luật gia – nhà báo Lê Ngân và hậu duệ Hồ Đắc Hoài biên soạn thêm phần “Gia tộc và thân thế” (phần 1). Các sư cô chùa Hồng Ân sưu tập thơ đã đăng rải rác qua nhiều thời kỳ thành “Diệu Không thi lục” (phần 3). Toàn bộ hồi ký của Sư bà là phần 2 của cuốn “Đường thiền sen nở”. NXB
Sư bà Diệu Không |
Lao động và Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây vừa ấn hành trong quý 2-2009.
Là tăng ni, Phật tử xứ Huế không ai không biết trí tuệ cũng như công đức của Sư bà Diệu Không đối với đạo pháp và dân tộc. Khi còn là cư sĩ bà đã tham gia ban sáng lập và ban bảo trợ nhiều ngôi chùa. Khi xuất gia bà có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào chấn hưng Phật giáo hồi thập kỷ 1930, cho phong trào tranh đấu chống chế độ độc tài vì hoà bình và vì sự tồn tại phát triển của Phật giáo dưới chế độ Mỹ-Nguỵ. Suốt cuộc đời hành đạo Sư bà có công lao khai sáng, trùng hưng và trụ trì đồng thời nhiều chùa sư nữ, Ni trường ở Huế, ở Nha Trang, Đà Lạt, TPHCM.
Năm 1988, khi chuẩn bị tư liệu để viết cuốn “Thăm chùa Huế” tôi được tham vấn Sư bà Diệu Không hai lần. Một số ghi chép của tôi hồi ấy trong các bài viết nay gặp lại trong hồi ký của Sư bà. Điều tôi kính nể nhất ở Sư bà lúc đó là sự khiêm tốn. Sự khiêm tốn của một con người có kiến thức sâu rộng, uyên bác. Sư bà kể: Hoà thượng Phước Huệ ở chùa Thập Tháp (Bình Định) khi ra giảng dạy ở Phật học đường Tây Thiên biết sư nữ Diệu Không đang chuẩn bị thành lập Ni trường đã có lời dạy: Diệu Không chưa đủ, muốn lập Ni trường phải có Diệu Đức (Diệu Trí và Hạnh Đức). Diệu Không mới chỉ là tự lợi, Diệu Đức mới là lợi tha… Lãnh hai chữ Diệu Đức Sư bà Diệu Không bấy giờ suy ngấm, trăn trở mãi trước sứ mệnh lớn lao và đã làm bài thơ bốn câu:
Diệu mà không Đức Diệu không tu
Đức mới trung hoà trí lẫn ngu
Nhẫn nhục đứng đầu muôn hạnh đức
Hoà đồng vạn pháp mới không mù
Đọc “Đường thiền sen nở” tôi mới biết, trước đó khi lãnh hai chữ "Diệu Không", Sư bà cũng có bốn câu thơ:
Bìa sách Đường thiền sen nở |
Muôn pháp không ngoài lý Diệu Không
Không mà phải Diệu mới dung thông
Cái tâm vô trú là tâm Diệu
Diệu khắp muôn phương thấy thể đồng
Trải qua hơn nửa thế kỷ làm Phật sự, khi đó đã lên đến chức Ni trưởng nhưng Sư bà vẫn nói với mọi người rằng: “Suốt 60 năm nay tôi chỉ tu có hai chữ Diệu Đức”.
Không chỉ có chuyện Phật sự, đọc “Đường thiền sen nở” chúng ta bắt gặp khá nhiều điều bất ngờ và thú vị qua lời kể của người trong cuộc. Đó là những gương mặt phụ nữ tiêu biểu của Huế đầu thế kỷ XX như Đạm Phương nữ sĩ, bà Trần Như Mân, bà vợ của cụ Phan Bội Châu… gắn với tổ chức Nữ công học hội, các hoạt động đấu tranh cho nữ quyền, hoạt động từ thiện. Các phong trào yêu nước như phong trào Duy Tân, phong trào Đông Du với các nhân vật lịch sử Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh cho đến những ngày trước và sau cách mạng tháng 8-1945 với Thái hậu Từ Cung, Nam Phương Hoàng hậu đều được Sư bà ghi chép trung thực, khách quan, với cái nhìn hết sức nhân hậu.
Bất ngờ và thú vị nhất là những câu chuyện liên quan đến hành động “vị pháp vong thân” của Hoà thượng Thích Quảng Đức; những chuyện thâm cung bí sử dưới triều Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại mà Sư bà là nhân chứng, hoặc qua lời kể của cụ thân sinh Hồ Đắc Trung, vị trọng thần nhiều lần kiêm chức Thượng thư hai bộ, được phong Đông các Đại học sĩ, tước công, thuộc hàng tứ trụ triều đình, và là “Quốc trượng” (thân sinh của bà Ân Phi). Bắt nguồn từ những chuyện riêng của mỗi thành viên trong gia đình nhưng tất cả đều có liên quan mật thiết đến bối cảnh lịch sử xã hội đương thời, đến hậu cung và ngai vàng của vương triều.Qua lời kể của Sư bà nhiều tình tiết về cuộc khởi nghĩa Duy Tân, về nguyên cớ cuộc hôn nhân của vua Duy Tân với bà Mai Thị Vàng, chuyện hôn nhân của vua Khải Định với bà Ân Phi họ Hồ được sáng rõ, không còn là giai thoại lịch sử, giai thoại dân gian, giải đáp được một số vấn đề tranh luận của các nhà nghiên cứu sử.
T.T