Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Đọc Osho để hiểu tâm thức con người

Đọc Osho để hiểu tâm thức con người

127
0

Thế kỉ 20 đã chứng kiến những tiến bộ vượt bậc của khoa học và công nghệ làm nền tảng thúc đẩy sự phát triển của nhân loại trên bình diện vật chất: toàn thế giới đi vào nền kinh tế thông tin và tri thức, xã hội chuyển biến thành xã hội tri thức. Cả trái đất nay đã trở thành như một cái làng, một việc xảy ra ở bất kì ngõ ngách nào trên thế giới thì lập tức toàn thể thế giới đều được biết tới ngay.

Nhưng cũng thế kỉ 20 này còn chứng kiến những phát triển vượt bực nữa của tâm thức con người: việc xuất hiện nhiều bậc thầy tâm linh như Gurdjieff, Ramakrishna, J. Krishnamurti, Osho… với những chỉ dẫn phong phú về sự phát triển của con người mới và nhân loại mới.

Một trong các bậc thầy tâm linh được nhắc tới nhiều nhất và gây ra nhiều tranh luận nhất vào cuối thế kỉ 20 này chính là Osho. Nhưng điều mà Osho đã giảng giải trong suốt cuộc đời mình, thực sự cũng chính là những điều mà Phật, Mahavira, Lão Tử, Trang Tử, Jesus… những người chứng ngộ trong quá khứ đã nói.

Con người hiện đại, tuy có tầm mức trí tuệ và suy diễn cao hơn ngày xưa, nhưng hầu hết tập trung vào những vấn đề cuộc sống vật chất bên ngoài và ít khi chú ý tìm hiểu tâm thức bên trong của mình. Osho là người nêu ra vấn đề phát triển tâm thức của từng người ngay trong thực tế sống động đời thường hàng ngày, lấy việc phát triển tâm thức qua việc sống cuộc sống đời thường là trọng tâm.

Về từ nguyên, osho là một từ cổ Nhật Bản, theo nghĩa tiếng Nhật Bản là "Hoà Thượng", như chúng ta vẫn dùng từ này khi chỉ các nhà sư Phật giáo, mang ngụ ý "Người Hoà hợp với Thượng giới" hay nói cách khác là hoà hợp với toàn thể sự tồn tại.

Một nghĩa khác nữa của từ osho này là "tính đại dương" như đã được Willaim James nêu lên. Cái tên Osho đã được bậc thầy tâm linh Bhagwan Shree Raijneesh (1931-1990) người Ấn Độ, chọn làm tên hiệu chính thức cho mình và đã trở thành nổi tiếng trên toàn thế giới.

Phát triển tâm thức con người

Tâm linh theo Osho không phải là hệ thống đẳng cấp các lực lượng tinh thần chi phối thế giới vật chất. Trái lại, theo Osho, tâm linh đích thực chính là sự phát triển tâm thức của mỗi người, để sống một cách hoàn toàn tỉnh táo, có ý thức trong mọi suy nghĩ, hành động, tư tưởng, tình cảm của mình và tham gia vào các hoạt động sáng tạo trong thế giới vật chất.

Sự trưởng thành của con người được đánh dấu bằng việc thoát khỏi rất nhiều tầng đồng nhất tâm thức với thân thể, với tâm trí, với các tục lệ, lề thói xã hội, các ý thức hệ tôn giáo, các mối quan hệ với thế giới xung quanh.

Sự phát triển cao nhất của con người, chứng ngộ, không gì khác hơn việc hiểu ra điều đơn giản là không có cái tôi tách biệt để vun vén cho riêng mình, mà chỉ có một cái toàn thể đang vận hành và chúng ta tham gia cùng sự sáng tạo vĩ đại đó để làm cho mọi thứ tốt đẹp nhất có thể được.

Sự phát triển tâm thức hiện đại hoàn toàn không mang nghĩa như việc tu tập của các tu sĩ thời xưa, chỉ quay vào bên trong mình để phát triển nội tâm mà không đóng góp gì về vật chất cho xã hội.

Theo Osho, con người mới phải là con người sống trong thế giới này,  đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội, nhưng đồng thời vẫn quan sát mọi suy nghĩ và hành động của mình để không bị lệ thuộc cả vào những lực ngầm xui khiến bên trong mình lẫn những lực thúc đẩy mù quáng bên ngoài.

Con người mới phải là con người có cách nhìn toàn diện, thấu hiểu qui luật phát triển của sự tồn tại và hành động theo qui luật đó mà không bị chi phối bởi những ham muốn, những thúc giục của thói ích kỉ cá nhân.

"Từ Thuốc tới thiền"
Tác giả: Osho Dịch giả: Ngô Trung Việt 
NXB Văn hóa Thông Tin

Con người mới phải là con người đã nhìn rõ chân tướng mọi ham muốn của mình và thoát khỏi sự chi phối của nó, để có thể trở thành cây sáo trúc hổng mà tạo hoá thổi qua những điệu nhạc du dương.

Sự phát triển tâm thức là nhiệm vụ của riêng từng người, không ai có thể làm thay người khác được, nhưng có những hướng dẫn, có những chia sẻ của những người đã đạt tới dành cho những ai đang khao khát đi tìm cách sống, ý nghĩa của cuộc sống.

Những hướng dẫn, chia sẻ đó đã được Osho thuyết giảng trong suốt 30 năm, đều đặn mỗi ngày Osho nói chuyện với các bạn bè và người tìm kiếm trong hai tiềng đồng hồ. Những bài nói đó đã được ghi âm và ghi hình trong quãng 1800 cuộn băng từ, và được dỡ ra, ghi lại thành sách.

Cho tới nay, đã có hơn 600 đầu sách được chuyển lại như vậy từ các thiết bị đa phương tiện. Osho không phải là nhà văn. Ông không viết mà đó toàn là những bài nói trực tiếp cho các đối tượng cụ thể, trong hoàn cảnh cụ thể và vấn đề cụ thể.

Osho đã nói và bình luận về gần như toàn bộ tất cả các tôn giáo chính trên thế giới. Nhiều kinh sách kinh điển, thường rất khó hiểu với người đọc, lại trở nên cực kì dễ hiểu qua giảng giải của Osho vì ông đã dùng ngôn ngữ đời thường, kinh nghiệm của cuộc sống hiện đại để minh hoạ cho những vấn đề có tầm sâu lắng nhất.

Từng bài nói của Osho đều chứa đựng nhiều tầng tri thức và kiến giải, và tuỳ khả năng và trình độ của người đọc, mỗi lần đọc lại sẽ lại thấy ra những vấn đề mới mà lần đọc trước mình chưa thấy ra. Từng bài nói đều là những hình tròn trọn vẹn đưa người đọc từ những bước sơ cấp nhất đi lên tột đỉnh chứng ngộ.

Và không chỉ giảng giải, Osho còn cung cấp và giới thiệu cho mọi người những phương pháp thực hành ngay lập tức với chính thân thể, tâm trí và con người mình, để đưa họ từ chỗ họ đang đấy lên tới đỉnh cao nhất. Và phương pháp không có gì khác hơn là quan sát, tỉnh táo và chứng kiến mọi việc xảy ra, cả từ bên trong lẫn bên ngoài.

Osho nhấn mạnh vào tính cá nhân, mỗi người phải sống có ý thức và tự chịu trách nhiệm phát triển tâm thức mình qua việc tham gia vào cuộc sống hàng ngày đang diễn ra.

Osho không chủ trương xây dựng tôn giáo có tổ chức dựa theo lời giảng của mình. Ông phê phán tất cả các hình thức tổ chức (tôn giáo, xã hội…), khi xem xét chúng trong chiều phát triển của tâm thức con người. Mọi tổ chức đều có những qui định kỉ luật ràng buộc con người, và tổ chức phải là như vậy thì mới trở thành sức mạnh vật chất.

Nhưng sự phát triển sáng tạo của tâm thức con người bao giờ cũng vượt qua mọi giới hạn kỉ luật của tổ chức. Trong phát triển tâm thức, tới một mức độ nào đó, người ta phải có đủ dũng cảm để tự mình đi một mình bằng chính hiểu biết của riêng mình, không dựa vào bất kì ai khác hay bất kì tổ chức nào.

Tháo gỡ khỏi cái kính hiểu biết hiện tại

Những điều Osho đã nói ra là những giúp đỡ vô cùng quí báu cho những người tìm kiếm, cho những người đang trên con đường phát triển tâm linh. Tuy nhiên đây là những lời giảng cao siêu, rất có ý nghĩa và không phải là tất cả mọi người đều có thể hiểu hay đồng ý với quan điểm của Osho ngay lập tức.

Người ta thường hiểu mọi vấn đề qua cặp kính hiểu biết hiện tại của chính mình, vì vậy việc hiểu sai hay ngộ nhận rất thường xảy ra xung quanh những bậc thầy tâm linh, khi mà người ta chưa tháo gỡ cái kính đó ra. Điều này là tất yếu, và bản thân Osho cũng đã phải chịu rất nhiều chỉ trích, phê phán, thậm chí cấm đoán, trù dập và đầu độc bởi sự đố kị thông thường, bởi việc mọi người vẫn hay coi hiểu biết của mình, đôi kính của mình, là duy nhất đúng.

Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu vẫn có những lời chê bai, công kích Osho theo nhiều góc nhìn khác nhau. Nhưng với thời gian và với sự khao khát tìm kiếm chân lí, người tìm kiếm sẽ tìm thấy những điều đích thực trong lời của Osho.

Nhưng để nhận ra được những hạt kim cương lấp lánh trong lời của Osho, người đọc cần phải mang một tâm trạng vô tư, không nghi ngại, không thiên kiến, không vồ vập, không dễ dãi.

Có thể đọc lời Osho như dòng sông chảy từ mạch nguồn trên thượng du, băng qua đồng bằng, rồi đổ oà vào đại dương. Cũng có thể nhảy bổ ngay vào những chủ đề mình thấy quan tâm nhất, rồi sau mới chuyển sang các vấn đề khác, không cần trật tự nào. Hãy đi theo tiếng gọi của niềm yêu thích bên trong mình, hãy để cho nguồn mạch tuôn chảy, đừng đắp đê, cũng đừng khai thông.

Điều cơ bản là khi đọc xong rồi đừng bám vào lời nói, hãy đi sâu vào cái vô lời ẩn giữa các dòng chữ, hãy bắt được cái thần, cái ý được ngụ trong đó. Đừng bị lệ thuộc vào những mô hình, hệ thống, cách giải thích logic mà hãy đi vào cái trực cảm, cái cảm nhận chợt trào ra bên trong chúng ta, cái chẳng lệ thuộc gì vào những giải thích logic cả.

Cái còn đọng lại trong người đọc, sau khi đã  quên tất cả những lời nói, dù đồng ý hay không, cái làm vỡ ra vô minh để chiếu sáng vào đời sống của chúng ta mới là điều quan trọng nhất. Và hãy dùng nó mà sống, mà ứng xử với đời mình và đồng loại, để tự mình làm biến đổi mình, để sống một cách hồn nhiên, tự phát, không bị lệ thuộc vào bất kì thói quen hay ý tưởng nào.

Để làm cho những lời của Osho đi gần hơn nữa với con người hiện đại, một số nhà xuất bản tại Mĩ đã làm công việc biên tập, tuyển chọn trích rút những lời nói của Osho trong rất nhiều bài nói theo từng chủ đề một, cung cấp cho bạn đọc cách nhìn nhận mới theo những vấn đề cụ thể, các chủ đề cụ thể của cuộc sống.

Những cuốn sách này đương nhiên không cho độc giả cái nhìn thấu suốt từ sơ cấp tới đỉnh cao nhất như bài nói trọn vẹn của Osho, nhưng nó lại phù hợp với trình độ hiện tại của nhiều người. Các quan niệm về tình yêu, về thiền, về sáng tạo, dũng cảm, trưởng thành, nhận biết, thân thể và tâm trí, theo một góc độ nào đó có thể được xem xét độc lập với các khía cạnh khác và cũng nên được giới thiệu như những bước đi đầu tiên vào việc tìm hiểu chính bản thân chúng ta.

Những cuốn sách đó được tập trung lại thành loạt sách "Sự sáng suốt về cách sống mới" như: Trưởng thành – trách nhiệm là chính mình, Tủ thuốc của linh hồn, Sáng tạo: Khơi nguồn sức mạnh bên trong, Dũng cảm: Vui sống hiểm nguy…

Chúng ta cũng là một phần của thế giới, nhân loại, cho nên những điều đang là mối quan tâm về văn hoá, cách sống, giá trị con người trên thế giới cũng chính là mối quan tâm của chúng ta.

Thông qua việc giới thiệu những cuốn sách này, độc giả sẽ được cung cấp thêm cách nhìn "thoát ra ngoài hộp" để soi rọi vào chính bản thân mình, cách nghĩ đối lập với những quan điểm đã quá quen thuộc của mình. Mọi sáng tạo và cái mới chỉ có thể tới được trên cơ sở cách nhìn nhận mới, cách nghĩ mới, không theo lối mòn cũ.

* Lời giới thiệu cuốn "Từ thuốc tới thiền" của Osho, do dịch giả Ngô Trung Việt viết

Theo Tuanvietnamnet.net

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here