Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Đọc “Chữ nghĩa tiếng Huế” của Bùi Minh Đức

Đọc “Chữ nghĩa tiếng Huế” của Bùi Minh Đức

147
0

Người ta còn biết rằng Bùi Minh Đức là tác giả của một số sách đã in và nhiều bài viết cùng xoay quanh chủ đề văn hóa Huế và tiếng Huế.

Như vậy ta có thể mường tượng công sức và thời gian đổ ra cho hoạt động tay trái này rất lớn bên cạnh chuyên môn y khoa của ông.

Những công trình biên soạn này không khỏi làm cho các nhà từ điển học, ngôn ngữ học phải ganh thầm vì bản thân chưa có cơ duyên cho ra đời một thành quả tương tự.

Trước đây, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Pháp đầu tiên tại Huế (sau 1975), từ 1991 đến 1996, tên là Philippe Catelin, một người nghiên cứu Sử, và đặc biệt là Sử Việt Nam, một người thông thạo tiếng Việt, và nói giọng Huế đặc sệt, thúc giục anh em biên khảo sưu tầm tiếng Huế và sẵn sàng tài trợ công trình ấy nhưng vẫn không có ai hoàn thành được.

Sở dĩ tôi mạn phép nhắc nhở đến tên một người Pháp ở đây không phải người ấy là bạn của tôi, mà thực ra vì hai lẽ: lẽ thứ nhất là có nhiều vấn đề của Việt Nam, đặc biệt là những vấn đề về nghiên cứu, văn hóa và giáo dục, được người nước ngoài coi trọng hơn chính chúng ta và đó đã trở thành một bài học lớn lao mà chúng ta tốn nhiều thì giờ học đi học lại mãi vẫn không thuộc cho nên chúng ta cần nhắc đi nhắc lại mãi; lẽ thứ hai là, bên cạnh những ý định tốt đẹp đã phải chết non trong trứng nước thì cái thành phẩm được làm thành đề tài nói chuyện hôm nay lại càng tăng thêm giá trị của nó.

Tôi xin phép quay về với đề tài.

Nhưng trước khi đưa ra những nhận định về “Chữ nghĩa tiếng Huế” của Bùi Minh Đức, cho phép tôi phác lược một số đặc điểm của tiếng Huế trên bình diện tổng quát:

1. Tiếng Huế là một ngôn ngữ “sang số” thường trực, tức là di chuyển thường xuyên từ cấp độ ngôn ngữ này sang cấp độ ngôn ngữ khác. Cùng một câu do người Huế sử dụng, nhưng tùy theo câu ấy được nói ra hay viết ra mà được biến đổi, tu chỉnh. Đó là một đặc điểm của tiếng Huế. Mà hình như đặc điểm này được chứng nghiệm đối với các ngôn ngữ từ Huế, hoặc từ miền Trung vào đến Nam bộ. Trong khi ngôn ngữ miền Bắc ít chịu áp lực của sự sang số đó. Không những thế, ngay trong ngôn ngữ nói đã có sự sang số tự động từ người nói đến người nghe. Trong giao tiếp, giữa hai người Huế với nhau, ngôn ngữ trao qua đổi lại không cần đến sự sang số; nhưng nếu giữa một người Huế và một người không phải Huế, sự sang số xảy ra từng khi.

2. Trong tiếng Huế, lắm khi khó phân định đâu là “dinh”, đâu là “quê” trong cách nói. Có khi hoàn toàn là dinh, có khi hoàn toàn là quê, và có khi dinh quê lẫn lộn. Chẳng hạn chữ “chộ” (= thấy), mọi người Huế điều hiểu nghĩa và nghe nhiều, nhưng người ở thành phố không dùng nó vào câu nói của mình. Thí dụ khi có người Huế nói: “Anh có chi thắc mắc thì phát biểu liền chừ”, ta nhận thấy câu nói sử dụng nhiều cấp độ ngôn ngữ lẫn lộn.

“Tiếng Huế” đi liền với “giọng Huế” (đây là lãnh vực “ngữ âm”, hoặc là cách phát âm):

1. Người Huế biết mình phát âm không đúng trong nhiều trường hợp: g và không g (muốn và muống), t và c (biết và biếc), o và oa (khói và khoái), dấu hỏi và dấu ngã (nửa và nữa)… nhưng tất cả đó thuộc tính chất của giọng Huế. Nếu người Huế nào phát ngôn cố tình sửa lại giọng mình cho đúng chuẩn, lắm khi không được người Huế đồng tình. Thà dành cái đúng chuẩn ấy cho giọng Quảng Trị, Quảng Bình, hay Nghệ An.

Mặc dầu vậy, có khi một số lỗi phát âm gây ra bất tiện, hoặc khiến người khác cười. Thí dụ khi người Huế bảo: chữ Hán(g), tôi no(á)i…

2. Phát âm trái ngược vì mặc cảm. Số lỗi này mắc phải vì vô tình hoặc ý thức không chín chắn. Thí dụ trường hợp tự tiện cắt bỏ chữ g nhằm bắt chước chuẩn mực một cách sai lạc: Hươn(g) Gian(g), hoa phượn(g)… (Trường hợp này xảy ra riêng với vài người Huế tập tành hát). Hoặc âm nh- và gi-, d- chuyển hoán nhầm lẫn: sợi nhây.

Bùi Minh Đức là một nhà từ điển học (lexicographe) phóng khoáng, không muốn bó rọ vào những kỷ luật và kỹ thuật biên soạn. Huống chi ông còn ôm đồm những kiến văn, kiến thức cùng những liên tưởng đối chiếu về văn hóa mà ông muốn chuyển tải và chia sẻ. Đây cũng là một cách biên soạn mới, nới rộng ranh giới, đồng thời tạo được những bất ngờ cho người tham khảo.

Đọc pho sách của ông, dù chưa thật trọn vẹn và đầy đủ, tôi xin đưa ra một số nhận định sơ khởi sau đây:

1. Có một số điểm kỹ thuật nên lưu ý. Thí dụ chữ “là” mà tác giả, ở nhiều chỗ, thêm một cách thừa thãi sau dấu = hoặc dấu ( ). Nên bỏ chữ “là” ấy đi cho đúng quy cách của từ điển và khỏi gây lướng vướng cho câu đọc.

2. Đề nghị tham khảo bổ sung. Tác giả truy tìm chữ nghĩa ở các tên tuổi nổi tiếng như Ưng Bình Thúc Giạ Thị, là người sử dụng nhiều tiếng Huế một cách ý vị. Cùng thời với thi bá này, có Nguyễn Khoa Vy là người chơi chữ có đặc tài mà hình như chưa được Bùi Minh Đức tận thu.

3. Trang 159, tác giả có đề cập đến “nói lái” và “nói nhịu”. Xin lưu ý tác giả là hai lối phát âm này hoàn toàn khác nhau. “Nói lái” (contrepèterie) là một thủ pháp phát âm mà ta bắt gặp nhiều trong thơ Hồ Xuân Hương hoặc trong truyện dân gian “Ba Giai Tú Xuất”. Nhưng đó cũng không phải là đặc sản trong ngôn ngữ Việt Nam. Dân Pháp cũng có sử dụng, và luôn cả trong văn chương, chẳng hạn trong thơ của Jacques Prévert. “Nói nhịu”, hoặc “nói lịu” (lapsus), thường thường là vô tình (chứ không chủ ý như “nói lái”), là một sự “sẩy lời”, hay “nói vấp”. Vì vậy ta dễ thông cảm với “nói nhịu” hơn là “viết nhịu” (trường hợp “viết nhịu” nên gọi thẳng thừng là “viết sai”).

4. Tác giả Bùi Minh Đức nên xác lập tâm thế của mình, quan điểm của mình. Thảng hoặc có thêm phần chủ quan, hay là pha phách hãnh diện làm người Huế, thì sự thể này chỉ có lợi cho công trình của mình được dịp đào sâu thêm vào các ngõ ngách mà thôi. Ngược lại, tịnh không nên có mặc cảm tự ty. Từ đó, thiết tưởng không nên trình bày tiếng Huế như là một cái gì “mua vui”, “gây cười”.

Trước đây, tôi có một người bạn ngôn ngữ học dị ứng ra mặt đối với ngôn ngữ Nam bộ. Có lần anh có nhiệm vụ duyệt xét một vở hài kịch có chất Nam bộ, anh gạch bỏ và sửa lại không thương tiếc bao nhiêu chữ nghĩa và cách nói của miền Nam. Anh đâu có ngờ chính mình làm như vậy là tổn hại nghệ thuật đến chừng nào.

Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan, khi viết về Hàn Mặc Tử, không chịu được những chữ như “tươi mươi”, “chưa bưa” ở nhà thơ này. Ngẫm lại, và nhất là đặt lại những chữ này vào câu thơ của thi sĩ, rõ ràng đó là những chữ đắc địa.

Tiếng địa phương làm giàu cho tiếng chung của cả nước. Những tác giả như Nguyễn Tuân, Phạm Duy biết rõ điều này và sử dụng tiếng Huế khá nhiều trong tác phẩm của mình.

Ngôn ngữ phải có đời sống của nó và do đó phải tiến hóa và biến hóa theo nhiều phương thức: nhờ ghép chữ một cách linh hoạt (đây trở thành nét độc sáng của cá nhân) và nét này trở thành điểm mạnh của những ngôn ngữ như Đức, Anh… là những ngôn ngữ dễ dàng lắp ghép; nhờ sáng chế từ mới phụ tùy theo tiến hóa của xã hội thể hiện qua vật dụng gia tăng mãi thêm nhằm phục vụ con người; nhờ vốn cổ (chữ nôm và nhất là từ Hán Việt được thuần dưỡng trong trường hợp tiếng Việt nói riêng); nhờ vận dụng vay mượn ngôn ngữ khác và nhờ phương ngữ.

Ngôn ngữ quốc gia phải là một tổng hòa của ngôn ngữ từ nhiều nguồn và nhất là từ nhiều ngôn ngữ địa phương.

B.Y

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here