Mở đầu bài diễn thuyết, doanh nhân Phật tử Tạ thị Ngọc Thảo đã nói lên nguyên nhân cũng như mục đích để có đề tài diễn thuyết này, mối nhân duyên “tình cờ” với Huế, mà nặng tình với Phật giáo, với “chùa Huế”.
Đặt câu hỏi chùa làm kinh doanh trong phạm vi có thể, tại sao không? Diễn giả đã từng bước trả lời câu hỏi. Bởi thị trường có nhu cầu, và trong ý nghĩa văn hóa lành mạnh nhằm cung cấp cho xã hội những sản phẩm mang tính cạnh tranh thấp như kinh doanh các mặc hàng quán chay, các mặc hàng thực phẩm chay, du lịch tâm linh hoặc mở Bệnh viện, Dưỡng đường Tăng, Ni, nhà trẻ cho người già, công viên nghĩa trang cao cấp, nhà tang lễ…và đây là những đối tượng kinh doanh không có đối tượng cạnh tranh thì tại sao nhà chùa không đứng ra làm những công việc này?
Mô hình nhà trẻ cho người già mô hình này sẽ khởi sắc. Bởi khi Việt Nam đã hội nhập kinh tế thế giới nền kinh tế đã có những bước phát triển đột phá, giới trẻ cần nhiều thời gian để làm việc tăng thu nhập, nhu cầu “nhà trẻ” cho người già do đó rất được giới trẻ ủng hộ, họ có thể bỏ ra một tháng vài trăm ngàn đồng để đưa bố mẹ đến các “nhà trẻ” để tìm niềm vui tuổi già. Với hai nguyên nhân đó, mô hình “nhà trẻ” cho người già chắc chắn sẽ phát triển. Dịch vụ này ra đời đủ sức làm cho người trẻ yên tâm mà người già cũng có niềm vui để sống khỏe, sống lâu. Hoặc như mô hình công viên nghĩa trang cao cấp. Với triết lý “nghĩa tử là nghĩa tận”, thì không ai không lo cho những người đã mất một nơi “yên ấm”.
Theo quan điểm của đạo Phật, tất cả suy nghĩ và hành động của chúng ta đều khởi nguồn từ tâm. Do đó, việc chúng ta đề cao hay không đề cao tính nhân văn, lòng trắc ẩn và tình thương sẽ tạo nên những khác biệt lớn lao. Nếu chúng ta có tâm tốt và lo lắng tới việc phát triển xã hội loài người thì dù chúng ta làm việc trong lĩnh vực khoa học, chính trị hay kinh doanh, kết quả luôn luôn là có lợi ích.
Khi chúng ta có một động cơ tích cực, các hoạt động của chúng ta sẽ có ích cho nhân loại, còn không chúng sẽ chẳng có ích lợi gì. Ví dụ trong lĩnh vực kinh doanh, việc theo đuổi lợi nhuận mà không quan tâm gì đến các hậu quả có hại thì cuối cùng vẫn là đau khổ: môi trường bị tàn phá, những phương pháp kinh doanh trái đạo đức của chúng ta loại bỏ những phương pháp khác (có đạo đức hơn) ra khỏi công việc kinh doanh, những vũ khí mà chúng ta chế tạo ra gây nên chết chóc và thương tật.
Thiết nghĩ, với lý tưởng của đạo Phật, người Phật tử luôn mong đem lại lợi ích cho mọi chúng sinh trong mỗi hoạt động của mình. Với tuệ giác của Phật Pháp và tinh thần cống hiến vô ngã, người Phật tử có thể đóng góp cho xã hội bằng cách tạo ra những doanh nghiệp có khả năng làm lợi ích cho tất cả mọi người. Nếu những doanh nghiệp kinh doanh có thể để tinh thần "tất cả vì lợi nhuận" sang một bên và học hỏi tinh thần doanh nhân của đạo Phật, thì họ vừa có thể đạt được những thành tựu lớn lao hơn vừa đóng góp được nhiều hơn vào sự tiến bộ của xã hội.
N.H