Nhận lời mời của ban tổ chức “Hội Nghị Thanh Niên Tôn Giáo Toàn Cầu”, phái đoàn Việt Nam trong đó ĐĐ.TS. Thích Đức Thiện, giảng viên Học Viện PGVN tại Hà Nội và ĐĐ.TS. Thích Giác Hiệp, giảng viên Học Viện PGVN tại Tp. Hồ Chí Minh đã sang Malaysia tham dự Hội Nghị. Hội nghị được tổ chức từ ngày 21 đến ngày 24 tháng 06 năm 2007 tại đại học Malaysia với khoảng 200 người tham dự.
Đại biểu bao gồm các tôn giáo như Phật giáo, Hindu, Sikh…từ các quốc gia: Việt Nam, Malaysia, Ấn độ, Anh, Thái Lan, Hà Lan, Indonesia, Sri Lanka, Nepal…Chủ đề chính của Hội nghị là “Chính pháp sẽ bảo vệ những ai giữ gìn chính pháp”, ngoài ra còn có các chủ đề phụ như: “Những thách thức mà các nền Văn minh Nam á và Đông nam á đối diện trong thế kỷ 21”, “Chiến lược và phương pháp đoàn kết các nền Văn minh Nam á và Đông nam á đối diện trong thế kỷ 21″… Trong buổi khai mạc, đại diện các đoàn của các nước cử hành lễ theo nghi thức của truyền thống mình và phát biểu tham luận. Đại diện đoàn Việt nam, ĐĐ.TS. Thích Giác Hiệp phát biểu, nêu rõ “Hôm nay, chúng ta có mặt ở đây từ nhiều nhiều quốc gia, tôn giáo, truyền thống…khác nhau nhưng có cung chung một mục đích là tìm kiếm và đem lại giải pháp giúp nhiều người an lạc. Thế giới ngày nay đối diện nhiều khủng hoảng, bất đồng quan điểm giữa các tôn giáo. Ảnh hưởng của văn hoá Tây phương đem lại những tích cực và tiêu cực.” ĐĐ. Thích Giác Hiệp nhấn mạnh “Nhiệm vụ của chúng ta trong những ngày tới là tìm ra giải pháp để xóa bỏ những tiêu cực, phát huy tích cực. Chúng ta cũng nên nhớ rằng sự giao lưu giữa các nền văn hoá trên tinh thần cảm thông và tha thứ thì sự giao lưu đó thúc đẩy sự hợp tác, hiểu biết lẫn nhau.” ĐĐ. Thích Giác Hiệp nói thêm “Trường hợp Việt Nam, tuy có sự khác nhau về lý tưởng và thực hành giữa Lão giáo, Khổng giáo, Phật giáo thế nhưng 3 tôn giáo này vẫn cùng phát triển hài hoà…” Cũng trong Hội nghị, ĐĐ.TS. Thích Đức Thiện trình bày tham luận, trong đó có đoạn “Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, thế kỷ phát triển, toàn cầu hoá, đa văn hoá và đa tôn giáo. Bên cạnh sự phát triển tích cực chúng ta cũng đối diện những khó khăn, như bệnh tật, chiến tranh, bạo động dưới danh nghĩa tôn giáo. Hơn bao giờ hết cần có sự đối thoại, hợp tác giữa các tôn giáo để phát triển sự cởi mở, đức tính từ bi, sự cảm thông tha thứ, tôn trọng hiểu biết lẫn nhau. ĐĐ. Thích Đức Thiện nhấn mạnh “Phật giáo Việt Nam luôn tôn trọng, đánh giá cao các truyền thống, tôn giáo khác. Các tôn giáo ở Việt Nam luôn chung sống, phát triển trong hoà bình, tôn trọng lẫn nhau…” Sau các bài phát biểu là những tiết mục văn nghệ truyền thống. Mục đích của Hội nghị muốn giới trẻ của các tôn giáo khác nhau châu Á đoàn kết, ngồi lại với nhau bàn thảo những mặt tiêu cực và tích cực đang diễn ra thế giới ngày nay, nhằm ngăn chặn khuynh hướng không lành mạnh ảnh hưởng đến hoàn bình thế giới, giữ gìn truyền thống cổ, trang bị cho giới trẻ sức mạnh và nghị lực trong nhiều lĩnh vực cuộc sống…