Thế là tôi moi lại đám hồ sơ của ngày triển lãm mấy năm trước, tôi và cô bạn bay về Nhật đi xem các đền đài, chúng tôi thăm khu vườn thiền của đá, xem các nhà sư thay đổi vị trí của đá và nghệ thuật cào cát…"
Cuộc triển lãm 2002 về nghệ thuật thưởng đá được coi như là “Thạch Pháp” của giới nghệ sĩ và dân thưởng lãm của vùng thủ đô Hoa Kỳ diễn ra trong khu vườn nghệ thuật và tài trợ bởi hội Bonsai quốc gia (National Bonsai Foundation), qua ngân quỹ của M.E. MRose. Lần đầu tiên quy tụ hơn 150 nhà văn nghệ sĩ trí thức từ bốn lục địa đổ về. Một cuộc hội thảo đặc biệt về nghệ thuật thưởng ngoạn đá của Nhật (Sansuiseki-mountain and water stones) được trình bày bởi Hideo Marushina và “đá Kỳ Thạch”(Chinese scholars rocks) của Trung Hoa bởi Robert Mowry. Thật là một đề tài nghệ thuật đặc sắc của hai nền mỹ thuật tuyệt vời của phương Đông.
Tôi còn nhớ ông Hideo mở đầu đề tài bằng một bài thơ của thiền sư Muso:
The mountain soars high without causing a fleck of dust
The waterfall in the valley flows forcefully though there is no drop of water
On a breezy night with a bright moon, he enjoys an “imaginary play”
*Zen monks call this imaginary play kami-asobi (play of god or spiritual play).
Tạm dịch là;
Núi thì vượt cao không dính một bụi trần
Suối trong thung lũng thì chảy mạnh mà không dính một giọt nước
Vào một đêm trăng thanh gió mát, người ngồi đây thưởng thức giấc mộng tiên * Các thiền sư Nhật gọi Kami-asobi là “kịch của các tiên hay thần linh”.
Bài thơ này làm tôi nhớ đến bài thơ của Hàn Mặc Tử:
Ai hẫy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nưóc hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để nghe trời giảng nghĩa yêu
Đang suy nghĩ vẩn vơ thì trên màn ảnh ông Hideo trình bày một số quan điểm về Bonsai Jittoku ( Những lợi ích của nghệ thuật Bonsai) được viết ra từ năm 1772 như là:
– Anh có thể hiểu được sự trang trí đúng vị thế ở đền thờ.
– Anh có thể thưởng thức nghệ thuật bốn mùa vào mọi thời điểm.
– Anh có thể tạo ra những cánh rừng mà anh tự mình làm chủ nhân (nghệ thuật tạo cảnh rừng trong bonsai).
– Anh có thể cảm nhận cảm giác mát lạnh trong khí trời nóng.
– Anh có thể nhìn thấy núi và biển ngay tại sát na nầy mà không cần di chuyển.
Sau đó thì đề tài chuyển qua “Thạch Pháp” của đá kỳ thạch là nghệ thuật chơi đá của giới học giả Trung Hoa bắt đầu từ nhà Đường (năm 618-907), qua nhiều thời đại của nhà Tống (960-1279), đến Nguyên (1279-1368), Minh (1368-1644), Thanh (11644-1911) và cho tới ngày nay sau cuộc mở cửa của Trung Hoa lục địa thì nghệ thuật “Thạch Pháp” hồi sinh qua các tầng lớp trí thức của Đài Loan, Singapore, Hồng Kông… và lan dần qua Âu Mỹ.
Những nhà trí thức phương Đông yêu chuộng đá và mang những tảng kỳ thạch chưng bÀy trong thư phòng của họ (người Trung Hoa đã nhân cách hóa đá và mang đá lên ngang hàng với kẻ sĩ cao quý). Sự khác biệt của ngôn ngữ về đá của Nhật và Trung Hoa là một bên Nhật thưởng thức đá như một nghệ thuật về cảnh quang núi non, sông hồ (mountain and water stones). Trong khi Trung Hoa gọi là Wen fang yashi (nét cao quý của đá trong thư phòng), đá được coi là tứ bảo trong nghệ thuật thư phòng của kẻ sĩ thời xưa. Những văn nhân quý tộc ngưỡng mộ hình dáng và đặc tính của đá thể hiện qua nhiều họa phẩm danh tiếng của Trung Hoa, mà Liang Juitu của thế kỷ thứ mười chín đã cho rằng:
– Nếu một tảng đá mà không nói lên được sức sống động của thiên nhiên thì đó là không phải tảng đá mà anh chọn.
Trong giới học giả, thì đá Thái Hồ được yêu chuộng từ đời Đường, những đặc tính của đá bao gồm hình dạng, vẻ dáng bề ngoài, sự gồ ghề, nhọn sắc, hay các nếp đá, vẽ mịn màng phẳng lặng, cùng âm thanh vang vọng như trong một bài thơ thiền của Nhật:
Lặng thinh qua mấy từng không
Lời ve gõ thấu vào lòng đá xanh
Đề tài của đá ngày hôm đó vô cùng sống động, đã mang đến cho các học giả phương tây một cái nhìn mở rộng hơn về triết lý phương đông, mờ mờ ảo ảo như một vầng trăng, âm thầm bất khuất như linh hồn của đá hay đẹp não nùng như một cành mai nở đỏ giữa cảnh đông hàn lạnh buốt.
Giờ còn lại, buổi chiều là đi tham quan thưởng thức những dạng đá khác nhau trong những khay cẩm thạch trải cát mịn trắng. Kia sừng sững một hòn núi đen bóng, nhưng mềm mại mà bí mật như một lời kêu gọi từ thưở khai thiên lập địa của nguồn gốc con người đượcđặt tên Black Hole – Hố Đen (theo lý thuyết của Stephen Hawkins). Một hòn đá khác nhiều nếp nhăn uốn khúc như một con rồng (Dragon Stone) làm tôi liên tưởng tới lịch sử con rồng cháu tiên của Việt Nam. Một hòn đá có những vệt trắng như thác chảy từ trên núi cao đẹp lạ lùng (Zan-Setsu or Unmelted Snow) là sự pha trộn thiên nhiên của dạng thủy chính lẫn trong đá. Và kia một rừng núi lởm chởm đầy nguy hiểm (Ken-Zan or Rugged Mountains).
Một tảng đá Lingbi của Trung Hoa có tiếng vang trong trẻo như lời ca thưở khai thiên lập địa đưa con người hướng về cội nguồn tâm linh tỏa ra linh hồn đá qua sự sanh diệt hàng triệu triệu năm. Một tảng đá có hình dạng một cụ già tay áo phất phơ đứng đầu ngọn gió mang tinh thần kẻ sĩ mỏng manh nhưng bất khuất, cô độc nhưng ngạo nghễ. Rồi ở trên một chân gổ Long Não là một tảng đá Sóng Cuộn (Rolling Peaks) với những vòng cong thiên nhiên như những đợt sóng dồn dập, mạnh mẽ như tiếng gầm của đại dương. Còn những hòn đá dạng thiên nhiên như những bông hoa cúc, có tảng đá tím ánh và lấp lánh như sao sa trong màn đêm sa mạc Gobi (Gobi Stone) v..v và v..v..
khu vườn đá tạo một cảm giác yên tịnh |
Cũng trong lần thưởng lãm đá đó tôi được biết Adel, ông ta là một kiến trúc sư người Đức, là một con người nho nhã lịch sự, ông thích chia sẻ kiến thức về Đông phương trong nghệ thuật thiết kế. Ông kể cho tôi nghe có lần một kiến trúc sư người Trung Hoa tìm đến học một vị danh sư kiến trúc nổi tiếng bậc nhất của Âu Châu thì được ông ta cho một lời khuyên nhã nhặn là ông ấy nên trở về học nghệ thuật phương Đông, cội nguồn văn hóa của ông ta cho kỹ, vì trong đó biểu hiện một sự sáng tạo bất tận mà không ngừng biến hiện theo lý thuyết âm dương. Lời khuyên của bậc thầy nầy đã tác động lên tâm tư ông Adel, là một người Đức rất kiêu hãnh về dòng máu thông minh của mình đã khiến ông vừa tò mò vừa muốn chứng thực là lời khuyên ấy có xác thực không. Từ ngày đó ông bắt đầu học về Đông phương. Ông qua Nhật học, càng học ông càng thích thú, niềm đam mê về một vẻ đẹp thanh khiết, kín đáo của nội tâm tỏa ra trong sức sáng tạo bền bỉ nhưng không kém phần lôi cuốn luôn luôn để một khoảng không cho một sự biến đổi nhất định phải có của kinh dịch.
Lần đi thưởng lãm đó cho tôi một bài học về lòng yêu thiên nhiên mãnh liệt, tôi đã học cái nhìn thấy đá không phải là đá đó. Tôi đã có những giờ phút bình yên nắm trong tay một hòn đá, yên lặng để nghe từ trong đáy hồn tiếng chiêng trống cồng của tiền nhân xa xưa.
Bẵng đi một thời gian vài năm sau, một nhân duyên khác đến, đưa tôi gặp lại kiến trúc sư Adel, từ xa trong đám đông, ông đã nhận ra tôi, như người thân lâu ngày gặp lại ông mừng rỡ chạy về phía tôi, sau khi bắt tay thăm hỏi, ông mời tôi đi ăn tối vào lúc sáu giờ vì ông có một chuyện muốn nói cho tôi nghe.
Chúng tôi gặp nhau trong một quán ăn ở phố Tầu Nửu Ước, trong khi chờ nhà hàng nấu những món ăn chay như lời ông yêu cầu, ông mỉm cười hóm hỉnh:
– Tôi không muốn mang nợ những con vật mà tôi đã ăn họ, vì thế tôi đã thay đổi cách ăn trong vài năm sau này.
Ông nhắc lại lần nói chuyện với tôi khi trước:
– Tôi rất nhớ, kỳ đó bạn khuyên tôi nếu muốn tiến sâu trong mỹ thuật và triết học Đông phương, tôi cần học thêm về tôn giáo Á Châu. Nhưng lúc bấy giờ tôi không chú ý vì với tôi, một người theo Tân Giáo rất khó cho tôi tìm hiểu một tôn giáo Á Châu huyền bí khó hiểu phủ đầy hương khói trong những ngôi đền cổ xưa với rất nhiều những tượng thờ kỳ lạ.
Thời gian sau này tôi có một cô bạn gái người Nhật, nhưng cô cũng chẳng giỏi gì hơn tôi về tôn giáo của cô.
Nhưng một cơ duyên đưa đến cho tôi thành phố New York dự trù làm một công viên đá của phương Đông và dĩ nhiên tôi là người kiến trúc sư được chỉ định cho dự án nầy. Thế là tôi moi lại đám hồ sơ của ngày triển lãm mấy năm trước, tôi và cô bạn bay về Nhật đi xem các đền đài, chúng tôi thăm khu vườn thiền của đá, xem các nhà sư thay đổi vị trí của đá và nghệ thuật cào cát.
Vào một buổi chiều, sau khi đi thăm một thắng cảnh cổ xưa của Kyoto, lúc về chúng tôi đi ngang một ngôi chùa xưa nhỏ nằm nép bên sườn núi. Bỗng dưng như có điều gì thúc đẩy chúng tôi bước vào chùa, chùa Nhật thường rất vắng và yên tĩnh, chúng tôi cứ tự nhiên men theo lối đá phủ đầy rêu xanh ra sau vườn, có một khoảng không gian xếp đầy những tượng bằng đá nhỏ khoác những bộ áo trẻ con đầy màu sắc, giữa đám tượng đó trên một bệ cao hơn có tượng một Bồ Tát nét mặt trẻ thơ đang im lặng nở một nụ cười. Đang lúc chúng tôi ngắm nhìn, thì hình như những tượng kia bổng dưng lao xao và có một đứa nhỏ chạy về phía Miko với đôi tay bé như đang vẫy gọi. Trong lúc tôi giựt mình sửng sốt thì Miko bật kêu thất thanh, trong một giây phút hình ảnh đó biến mất để lại ánh chiều chiếu rực lên tượng của đức Jizo (Địa Tạng Vương Bồ Tát), sau nầy tôi mới biết ngài là vị Bồ Tát bảo hộ cho vong linh những trẻ thơ bé nhỏ. Miko bỗng ngồi xuống khóc nức nỡ, tôi quá bối rối hết lòng an ủi cô bạn, có lẽ ánh chiều tạo nên một ảo ảnh như vậy. Tôi cố trấn tĩnh mình và tin có lẽ cả hai chúng tôi đều hoa mắt. Nhưng Miko bảo với tôi cô rất buồn, hình như đứa bé ấy là thật, hình như nó muốn nói với cô điều gì.
Trở về Mỹ, mọi chuyện chờ tôi trên bàn làm việc, quá bận rộn tôi quên đi câu chuyện ở Nhật. Một chuyên viên thiết kế giới thiệu tôi tới một công ty Á Châu có nhiều những hòn đá đặc biệt mà anh ấy nghĩ rằng tôi sẽ thích thú tìm hiểu. Sáng thứ bảy tuần đó, chúng tôi làm cuộc hẹn với người giám đốc để đến xem đá. Ban đầu người giám đốc công ty từ chối vì lý do anh có vị thầy từ Đài Loan qua, anh muốn dành thì giờ cuối tuần cho việc tiếp đón sư phụ. Sau cùng vì tôi nói lên sự cấp bách của dự án, tôi cần tìm ngay vật liệu phù hợp và hoàn tất đúng hạn kỳ. Anh bằng lòng gặp chúng tôi vào tám giờ sáng và chỉ hạn chế trong một tiếng đồng hồ. Đúng tám giờ chúng tôi đến công ty và ngưòi giám đốc đưa chúng tôi đi xem đá phía sau công ty. Anh cho biết sau khi tiếp chúng tôi, anh và vị thầy sè đi lên núi để xem phong thủy cho một người bạn. Thật là một điều lý thú, phong trào phong thủy nở rộ lên ở Mỹ như một môn học về môi trường sống của người Trung Hoa mà người Âu Mỹ bắt đầu nhìn thấy những khía cạnh thực tiễn trong đó nhằm đem lại cân bằng cho môi trường sống và làm việc. Tôi mở lời nói với anh, tôi thật sự thích thú muốn được gặp một vị thầy phong thủy chuyên nghiệp. Anh ta nghiêm nghị nhìn tôi nói từng tiếng rõ ràng:
– Thầy tôi là một pháp sư của Lão giáo, ông không phải là một người thường làm nghề phong thủy. Nếu ông muốn gặp hiện giờ thầy tôi đang có mặt trong văn phòng của tôi. Thật là một cơ hội tốt, tôi muốn được hỏi vài điểu về phong thủy và cách xếp đá của người Trung Hoa.
Người giám đốc đưa tôi vào văn phòng, vị pháp sư đã hơn bảy mươi tuổi nhưng ông trông rất trẻ như người ngoài năm mươi, tóc ông còn đen bóng, và một phong cách của một người Trung Hoa xưa. Ông nắm tay vái chào, chúng tôi cũng vội vàng đáp lễ lại. Sau khi nghe người giám đốc thông dịch câu hỏi của tôi, ông mỉm cười trả lời:
– Người Tây phương các ông cần thêm thời gian để nghiên cứu một môn học rất khoa học của chúng tôi là môn phong thủy. Con người cần sống hạnh phúc và cân bằng giữa lý thuyết âm dương, đó là con đường của đạo (Tao). Không thể nào mà tôi có thể nói tóm tắt một nền triết thuyết mấy ngàn năm trong vài phút.
Rồi thong thả nhìn qua Miko với một ánh mắt vô cùng từ bi, ông nói:
– Nhưng tôi có thể nói cho cô bạn của ông là cô ấy có một người anh em đã mất khi còn rất nhỏ, người đó đã theo cô suốt một thời gian dài và mong muốn cho cô biết về sự hiện diện của người ấy.
Miko bật lên lời phản đối:
– Nhưng tôi là đứa con duy nhất trong gia đình. Tôi chưa từng bao giờ có anh em nào khác cả.
Vẫn bằng một ánh mắt thương xót, vị thầy từ tốn nói:
– Tôi chỉ biết là cô có một vong linh trẻ nhỏ hiện giờ đang ở bên cô và họ rất cần sự cầu nguyện, sự nhận biết và cảm thông nơi cô.
Miko giận dữ đáp:
– Tôi đã nói tôi là người con duy nhất trong gia đình, ông có lầm không?
Sau đó làn không khí trở nên gượng gạo, người giám đốc ngượng ngùng đưa chúng tôi ra cửa, nhưng tôi vẫn kịp nhìn thấy nụ cười cảm thông phảng phất trên khuôn mặt vị pháp sư.
Hôm đó Miko kém vui, cô trầm tư cả ngày, cho đến khuya cô bật dậy gọi điện thoại về Nhật cho cha cô, tôi chỉ nghe thấy tiếng kêu thảng thốt của cô qua cuộc điện đàm. Sau cùng cô cúp máy ngồi bất động và nước mắt đầm đìa trên khuôn mặt, tôi đem cho cô một ly nước lạnh và khăn mặt, xong lo lắng ngồi nhìn cô. Mãi một lúc sau, Miko kể cho tôi nghe, lời vị pháp sư ban sáng đã khuấy động tâm tư cô, vì thế cô quyết định gọi về cho cha cô để hỏi:
– Con có người anh em nào mất khi còn nhỏ không?
Cha cô thảng thốt hỏi:
– Ai đã nói cho con biết?
Cô nói:
– Có một vị pháp sư đã nói vậy, ba có dấu con điều gì không?
Ở đầu máy bên kia ông cụ nghẹn ngào:
– Đúng vậy, con có một người anh cùng cha khác mẹ, con người vợ trước của ta, bà ấy có bầu được hơn tám tháng thì bấy giờ thế chiến bùng nổ. Cả người vợ và đứa con trong bụng đã chết trong cuộc dội bom của quân đồng minh. Niềm đau khổ đó ta dấu kín, sau khi ta kết hôn với mẹ con, ta chưa từng bao giờ muốn nói cho con biết về chuyện đó, ta thành thật xin lỗi con.
Miko đã khóc. Cô ấy kể, khi cô còn bé có nhiều lần cô soi gương thường thấy hình một đứa bé nào trong gương mà không phải là cô. Lúc đó cô rất thích coi như là sự kỳ lạ của chiếc gương nhà mình, và cô giữ kín sự bí mật ấy như là trò chơi trẻ con, rồi sau nầy trong giấc ngủ cô hay có cảm tưởng như ai đó đang tìm cách cù vào chân cô. Cô thường thắc mắc không biết có phải là mình hay tưởng tượng không.
Sáng hôm sau Miko yêu cầu tôi gọi cho người giám đốc của công ty đá, cô muốn xin lỗi vì sự thất lễ của mình với vị pháp sư và cầu xin ông chỉ cho cách nào để có thể giúp đỡ cho người anh chẳng may chết sớm của mình. Người giám đốc tiếp điện thoại của tôi vui vẻ, anh nói:
– Tôi cũng rất lo là thầy tôi có thể sai lầm khi cô Miko cứ khăng khăng từ chối là không có anh em nào, nhưng thầy tôi vẫn nói:
– Rồi con sẽ biết, ta đã thấy đứa bé ấy bên cạnh cô ta.
Thật là sự bất ngờ cho cô Miko mà cũng là cho tôi. Sau khi nghe Miko yêu cầu sự giúp đỡ của vị pháp sư, người giám đốc bằng lòng tiếp chúng tôi lần nữa vào trưa chủ nhật cùng ngày. Khi gặp chúng tôi tại nhà của người giám đốc, vị pháp sư nhẹ nhàng khuyên Miko nên về Nhật tìm đến ngôi chùa nơi chôn cất người mẹ và người anh để xin một lễ cầu siêu cho họ, ông từ tốn bảo:
– Ta biết là anh của cô từ lâu đã được sự che chở từ Bồ Tát Địa Tạng, nhưng vì còn tính khí trẻ con nên đứa bé ấy khao khát một tình thương từ người em và nó muốn cô nhận biết sự hiện diện của nó. Nhưng từ bây giờ sau khi cô làm lễ cầu siêu ta nghĩ nó sẽ yên trí siêu thoát.
Tháng đó Miko bay về Nhật, cô và cha đã đến ngôi chùa nơi có mộ người mẹ trước và làm lễ cho họ. Thật là một sự trùng hợp, đó là tháng bảy lễ cầu siêu cho người chết và Đức Zizo theo truyền thuyết sẽ mở cửa địa ngục và những vong linh sẽ được xá tội. Miko đã đem một vòng hoa cúc trắng cùng một số đồ chơi của trẻ con đến viếng mộ người mẹ và người chị trước của cô.
Adel ngừng và nhấp một ngụm trà nóng, xong nói:
đặc tính của đá thể hiện qua nhiều họa phẩm |
– Chính tôi, một con người không bao giờ tin những chuyện gì không có luận cứ khoa học đã phải ngỡ ngàng trước những điều không thể chứng minh được, hình như cuộc đởi luôn có một cái gì đó rất huyền bí mà ta không thể dùng lối suy luận bình thường. Từ ngày tôi đi dự cuộc hội thảo về đá, tôi thấy như có một điều gì mà tôi không thể chứng minh được sẽ diễn biến trong cuộc đời tôi. Tôi đã theo lời bạn tìm hiểu về tôn giáo Đông phương, tôi đặc biệt chú trọng về Đức Bồ Tát Địa Tạng, ngài là người cai quản cõi đất này, ngài che chở giúp đỡ người quá vãng và những đứa trẻ nhỏ, cùng người tàn tật câm ngọng do tiền sanh. Lời đại nguyện của ngài là sự che chở bình an trên cõi đất nếu bất cứ ai hướng lòng cầu nguyện sẽ tiêu trừ tội khổ, chỗ ở thường an lạc, bệnh tật không đến thân thể, không bị tai nạn bất ngờ, và các thiện thần theo hộ trì.
Ông nhìn tôi rồi nói:
– Có lẽ bạn sẽ cho là một việc kỳ lạ khi một người phương Tây như tôi lại hướng tâm thành tín vì tôi đã chứng thực từ bản thân những điều vượt ngoài khoa học ngoại trừ tâm linh.
Sau bữa cơm tối ông rủ tôi cùng đi bộ về công viên đá, chúng tôi đi trong một những thành phố đông dân cư nhất của qủa địa cầu này. Gió chiều mát rượi thổi vi vu qua khu vườn đá với những hình thù khác nhau của núi đá thu nhỏ trên thảm sỏi trắng tạo cho người đang giữa dòng sống xoáy lốc một cảm giác yên tịnh cần có, một khát vọng tìm về nơi chốn trong sạch để nuôi dưỡng tâm hồn đã quá mỏi mệt vì cạnh tranh của đời thường. Gió thổi qua đá lời kêu gọi tỉnh thức ngàn xưa như kẻ sĩ một sáng nào của kiếp xa xôi một mình một gánh lên non bỏ lại cõi trần bụi bặm mà hòa nhập vào đại thể bất diệt của vũ trụ. Gió vẫn thổi miên man lời thiên thu bất tận của đá, hãy về đây về lại nơi chốn cội nguồn nguyên thủy cùa chân tâm ngời sáng.
Theo TVHS