Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Đổ xô làm album nhạc Phật: Nghe nhạc để 'hóa giải tai...

Đổ xô làm album nhạc Phật: Nghe nhạc để 'hóa giải tai ương'?

137
0

Thời gian gần đây, dòng nhạc mang âm hưởng Phật giáo là thể loại được khá nhiều nhạc sĩ, ca sĩ chọn để làm album cho mình. Dù còn mới mẻ, nhưng đây là thể loại nhạc ước đoán rằng sẽ trở thành “lãnh địa” an toàn, và cũng không kém phần thu hút khán giả nghe nhạc. Tuy nhiên, người hát nhạc Phật luôn cần phải có cho mình cái tâm trong sáng. Còn nếu chỉ hát nhạc Phật như một trào lưu, nhằm đáp ứng thị hiếu của khán giả và kiếm tiền, thì chỉ khiến cho thị trường âm nhạc Việt thêm hỗn loạn mà thôi. 

Nhạc Phật lên ngôi

Nhạc Phật xuất hiện rất sớm ở nước ta, nhưng chủ yếu để thể hiện trong các lễ nghi, với hình thức tán tụng và âm thanh của những pháp khí. Những ca khúc Phật giáo được sáng tác theo thể loại tân nhạc, thì phải đến những năm 40 của thế kỷ 20 mới xuất hiện. Người đi tiên phong cho thể loại này được cho là nhạc sỹ Thẩm Oánh, với tác phẩm “A di đà”. Gần đây, hàng loạt các tác phẩm âm nhạc mang hơi thở Phật giáo ra đời, được sáng tác công phu và tâm huyết. Hầu hết các nhạc sỹ, ca sỹ làm album nhạc Phật đều lý giải rằng mục đích mình làm nhạc Phật bởi tính nhân văn vốn có của nó. Đồng thời hướng tâm lành từ thiện đến với mỗi người.

Nhạc Phật dành cho thiếu nhi cũng bắt đầu được chú trọng.

Trong khi nhạc trẻ phát triển ào ạt về số lượng, nhưng hời hợt về chất lượng, không còn đủ sức thu hút khán giả, buộc lòng mỗi nghệ sĩ cần tìm cho mình một hướng đi mới. Việt Nam là một nơi đời sống tâm linh phát triển. Phật giáo có từ rất sớm và khắp nơi đâu đâu cũng có chùa chiền, nên quy tụ một lượng phật tử đông đảo. Chưa kể đến một số lượng lớn khác tuy không theo đạo Phật, nhưng trong lòng luôn có tâm hướng Phật. Chính vì vậy, các chương trình, album nhạc Phật xuất hiện luôn được công chúng đón nhận cũng là điều dễ hiểu và có thể đoán định trước.

Một bước tiến về trình diễn nhạc Phật giáo được công chúng đón nhận, là những đêm văn nghệ ca múa nhạc “Hương sen mầu nhiệm” chào mừng Đại lễ Phật đản 2010, 2011 tại Hà Nội. Đêm nhạc có sự góp mặt của một số ca sỹ nổi tiếng như Mỹ Linh, Khánh Linh, Tùng Dương, Đức Tuấn,…

Khoảng đầu năm 2013, Đại đức Thích Pháp Như  đã thể hiện thành công 41 ca khúc nhạc Phật giáo được đăng tải làm nhạc chờ Mobifone, thêm phần khẳng định sức hút của nhạc Phật. Gần đây nhất, hàng loạt các nhạc sỹ, ca sỹ hát và phát hành album nhạc Phật như nhạc sỹ Miêu Thanh, nhạc sĩ Sỹ Luân, ca sỹ Quách Tấn Du, ca sỹ Chế Thanh, NSƯT Thanh Ngân, ca sĩ Hồ Quang Hiếu… Không ít ca sỹ như ca sĩ Hùng Thanh còn ấp ủ làm một liveshow nhạc Phật. Bên cạnh đó còn xuất hiện một số album nhạc Phật dành cho thiếu nhi, với sự tham gia của ca sỹ nhí từng đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi Đồ Rê Mí 2008 – Hà Phạm Anh Thư.

Văn nghệ Phật giáo không còn là hoạt động chỉ diễn ra trong khuôn viên của những ngôi chùa, với những bài nhạc kinh đậm chất giáo lý.

Cần nhiều yếu tố để phát triển

Dù không kể đến nhưng nhạc về tôn giáo nói chung và nhạc Phật nói riêng có một sức sống khá mãnh liệt trong đời sống âm nhạc. Trong những năm gần đây, dòng nhạc này có sự phát triển khá phong phú. Nhận xét về tình hình này, nhạc sĩ Miêu Thanh, người đam mê với các sáng tác về nhạc Phật cho biết: “Có thể thấy, dù tình hình nhạc Phật hiện nay còn sơ khai, không có nhiều bài hát phong phú như những dòng nhạc khác. Một phần của nguyên nhân này vì đa số các nhạc sỹ viết nhạc Phật không nhiều. Nhưng không vì vậy mà nhạc Phật kém phát triển. Trong những năm gần đây dòng nhạc này có chiều hướng đang gia tăng do sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo khán giả. Đây là một tín hiệu đáng vui cho sự phát triển của nhạc Phật”. 

Sự phát triển của dòng nhạc này, bắt nguồn từ văn hóa của người Việt, nhạc sỹ Trúc Linh chia sẻ: “Từ xa xưa, văn hóa Việt Nam có sự phát triển song song với văn hóa Phật giáo. Cũng như khi theo đạo Phật xã hội rất yên bình, đêm đến không cần đóng cửa nhưng không hề có trộm cướp. Chính tinh thần của đạo Phật giúp người ta cởi bỏ tham, sân, si… để đem đến những điều an lành, hạnh phúc cho những người xung quanh, với suy nghĩ mọi người xung quanh ai cũng có tâm phật, đều là phật nên cởi bỏ tất cả và chung sống với nhau trong hòa bình, hạnh phúc tất cả đều đối xử với nhau bằng tình thương. Đó chính là điều tốt lành mà đạo Phật cũng như nhạc Phật mang lại. Và nếu đưa vào xã hội ngày nay, khi giới trẻ thấm nhuần tư tưởng bi, trí, dũng mà nhạc Phật mang lại. Họ sẽ không vi phạm pháp luật, không giết người, cướp bóc, biết yêu thương những người xung quanh, từ đó, xã hội sẽ ngày càng phát triển và nhân văn hơn”.

Dù rằng nhạc Phật có những yêu cầu khá cao, nhưng số lượng nhạc sỹ có sức sáng tác mạnh ở dòng nhạc này chưa thực sự nhiều, nhạc sỹ Miêu Thanh phân tích thêm: “Hiện nay, dù yêu cầu nhạc Phật khá cao và nó có tác dụng lớn thế nhưng dòng nhạc  này còn hạn chế về số lượng nhạc sỹ. Khá ít nhạc sĩ hoà âm nhạc Phật, ít ca sỹ hát nhạc Phật. Trong khi để viết được nhạc Phật đòi hỏi người nhạc sỹ phải có trình độ chuyên sâu về Phật pháp. Rõ ràng, nhạc Phật có một chỗ đứng khá đặc biệt trong đời sống âm nhạc, nó cũng hoàn toàn khác biệt với những thể loại nhạc khác. Nhạc sỹ Miêu Thanh cũng chia sẻ thêm: “Nhạc Phật khác biệt so với những dòng nhạc khác vì nhạc Phật mang tính chất giáo dục, giúp con người giác ngộ, giải thoát nỗi đau, sống thật lòng an vui và sống không mộng mơ. Nhạc Phật chắc chắn sẽ thịnh hành hơn trong tương lai. Vì đây là loại nhạc giúp cho con người tìm ra chân lý và giúp nhiều người lấy lại thăng bằng trong cuộc sống”. Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của các dòng nhạc trên thị trường, nhạc đạo mà đặc biệt là nhạc Phật có một vị thế riêng của nó. Và sự phát triển của dòng nhạc này, trong tương lai sẽ mạnh mẽ hơn khi mà con người càng có nhiều nhu cầu để cân bằng lại cuộc sống, giải quyết những nỗi muộn phiền, thì việc tìm đến nhạc Phật sẽ là một cách để giải tỏa.

Bên cạnh đó, dòng nhạc này cũng sẽ giúp con người hướng thiện và biết yêu thương nhau hơn. Chính vì vậy, mà nhạc Phật sẽ cần rất nhiều những người có tâm huyết để làm nên sự phát triển của dòng nhạc này. Chia sẻ thêm về dòng nhạc này, ca sỹ Dzoãn Minh, người chuyên hát thể loại nhạc Phật tại TP.HCM cũng cho biết: “Đây là dòng nhạc không kén khán giả, ai cũng thích nghe vì nó là loại âm nhạc thánh thiện, hạnh phúc, bình an. Nó phổ biến chứ không hạn chế và kén khán giả một chút nào”.

Nhạc Phật giúp cuộc sống nhiều điều tốt đẹp

Ca sĩ Dzoãn Minh chia sẻ: “Nhạc Phật có tác dụng rất diệu kỳ, bên cạnh những ca từ, giai điệu đẹp nó còn giàu đạo lý, giúp con người hướng thiện. Hướng đến chân lý an vui, hạnh phúc. Cũng như các thể loại khác, nhạc Phật có một tính ảnh hưởng tốt, nó sẽ giúp người nghe nhiều điều tốt lành”.

Và những bản nhạc “ngược dòng”

Tuy nhiên, cũng vì thế mà xuất hiện thêm loại nhạc Phật giáo “chế” mất đi ý nghĩa trong sáng của đạo Phật như: Lý phá chùa, Lý đập tượng, Lý đốt nhang,… Hơn nữa, những bản nhạc này hoàn toàn dựa trên nền nhạc của người khác mà không hề xin phép. Và một khi các ca sỹ bắt đầu chú ý, đua nhau hát nhạc Phật, sẽ khó tránh khỏi mục đích ban đầu của các phật tử nghệ sỹ, hát như một sự tri ân, như một cách để hướng thiện. Bởi nhạc Phật không phải nơi để mưu cầu lợi danh, cũng không phải nơi để các nghệ sỹ phô bày, lạm dụng kỹ thuật xử lý bài hát.

 

(Người đưa tin)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here