Trang chủ Phật giáo khắp nơi Đỏ mắt ngóng về quê lũ

Đỏ mắt ngóng về quê lũ

116
0

20g, tiếng còi tan tầm của Công ty Vina Duke (Hóc Môn, TP.HCM) vừa điểm, chị Khương Thị Đức ngồi sụp xuống ghế đá, nhìn trân trân chiếc điện thoại di động. Đầu dây bên kia vẫn là những tiếng ò e í… Mắt chị đỏ kè: “Từ 2-3 hôm nay trong đầu tôi mãi âm âm câu nói của mẹ: Nước lại lên cao nữa con ạ. Cứ nhắm mắt lại là tôi thấy cảnh dòng lũ chảy xiết cuốn trôi tất cả…”.

Ò… e… í…

Ngôi nhà nhỏ của chị (xóm 10, ga Thanh Luyện, xã Phương Điền, Hương Khê, Hà Tĩnh) đã gần một tuần ngập trong biển nước. Bao năm qua, trong căn nhà ấy chỉ còn bà ngoại 60 tuổi ở với đứa con 8 tuổi của chị. Vợ chồng chị Đức đã vào Sài Gòn mưu sinh hơn mười năm, chồng làm thợ đóng giày, vợ làm công nhân sản xuất balô.

Chị Trần Thị Duyên gói ghém ít quần áo gửi về cho con – Ảnh: Đ.Dân

Lương công nhân còi cọc nên 2-3 năm vợ chồng chị mới được về quê một lần, lần nào cũng tự dặn nhau làm ít năm nữa, kiếm tí vốn để về sống với mẹ, với con. Thế mà kiếp tha hương cứ mãi nối dài. Năm nay nước lũ về bất ngờ, thân ở miền đất nắng mà lòng cứ thấp thỏm ngóng về quê lũ.

Đêm dài thăm thẳm như chưa bao giờ dài thế. Từ Sài Gòn điện về Hà Tĩnh, chị nghe giọng mẹ mỗi lúc mỗi hoảng loạn: “Nước vô tới cửa nhà rồi con!”. Trong phòng trọ, hai vợ chồng hoảng hốt, cuống quýt tư vấn cho mẹ xếp đồ, đợi sáng tìm chỗ trú. “Nước lên tới giường rồi con!”, “Nước lên tới tủ thờ rồi”, “Nước lên tới nửa nhà rồi”… Những câu thông báo của mẹ cứ như sét đánh. “Thế rồi từ sáng tới giờ, điện thoại không còn liên lạc được nữa” – chị Đức thẫn thờ.

Không biết chữ, chị mua báo nhờ người đọc. Nhìn tấm ảnh những cụ già ngoi ngóp trên nóc nhà, chị òa khóc. “Không biết mẹ mình có lâm vào tình cảnh như vậy không? Thằng cu khờ khạo ở nhà không biết có bị lạnh, bị ướt, bị đói không?…”.

Con ơi, chờ mẹ về

Mấy hôm nay, chị Trần Thị Duyên bưng nước cho chủ mà mặt mũi cứ bần thần, mắt ngân ngấn nước. Chị giúp việc nhanh nhẹn mọi ngày bỗng làm việc gì hỏng việc đó. Ai trong nhà cũng hiểu được nỗi lòng cháy ruột gan của chị Duyên khi ở Tân Định, thị trấn Hàn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, mẹ già hơn 80 tuổi và con nhỏ mới 10 tuổi của chị đang phải ăn mì gói cầm cự trên nóc nhà.

Hai ngày trước, lũ đã lên ngập mái. Cứ 5-10 phút gọi điện về nhà, nghe tiếng mẹ khào khào đầu dây bên kia: “Duyên hả con?” là chị lại nức nở… Giọng mẹ chầm chậm: “Con yên tâm, mẹ với thằng Tài vẫn khỏe mạnh. Chỉ có điều bốn con heo không kịp di dời nên bị lũ cuốn rồi, nghe chúng kêu thảm thiết mà xót”. Chị nấc: “Mẹ ráng giữ gìn nha mẹ. Mấy ngày nữa có lương, con sẽ về. Mẹ cho con nói chuyện với Tài…”. Tiếng gió rít vọng từ đầu dây bên kia nhức tai. Cu Tài phà một tiếng thở vào điện thoại: “Mẹ ơi! Con sợ quá! Nước ngập đến mái nhà rồi. Con với bà ngoại gọi điện cho mấy cậu mãi mà không được. Mấy con siêu nhân mẹ mua hồi tết trôi hết…”. Nước mắt chị Duyên chảy dài trên gò má khắc khổ. Mãi lúc sau chị mới thốt lên được: “Mẹ thương con và bà ngoại lắm! Hai bà cháu cẩn thận, chờ mẹ về”.

Nỗi ray rứt của người mẹ trẻ tuôn trào theo hàng nước mắt. Chồng chị đang làm phụ hồ tận bên Lào. Còn chị thì bao năm nay đã là một “nhũ mẫu” chu đáo, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho con gia chủ. Nghĩ đến đứa con trai dứt ruột đẻ ra giờ đang vật vã với bão lũ mà không có mẹ ở bên, chị Duyên nức nở: “Tôi chưa thực hiện được nghĩa vụ của người mẹ, người con. Giữa lúc nguy khốn nhất tôi lại chẳng làm được gì ngoài sự lo lắng này…”.

Lạy trời ngừng mưa

Giữa những bạn đọc tấp nập ra vào quyên góp tiền cứu trợ tại báo Tuổi Trẻ, một cô gái đến góp 500.000 đồng để lại mẩu thông tin ngắn ngủi “Một bạn đọc” rồi lẳng lặng ra về, cố giấu đôi mắt sưng húp, quầng thâm vì mất ngủ.

Đuổi theo hỏi mãi, cô mới cho biết mình tên Nguyễn Ngọc Sam, quê ở Lệ Thủy, Quảng Bình, đã làm việc tại một tiệm làm tóc ở đường Phan Xích Long, Q.Bình Thạnh hơn bốn năm nay. Cả tuần nay Sam mất ngủ vì lo lắng cho ông ngoại ở quê. Bố mẹ Sam đã tức tưởi ra đi vĩnh viễn sau một cơn lũ khi cô mới tròn 5 tuổi. “Tôi vẫn còn nhớ mùi bùn non chua lòm bốc lên từ khắp xóm. Hàng xóm đưa bố mẹ tôi về, cuộn trong chiếc chiếu cũ. Tôi 5 tuổi, không biết gì, chỉ nhớ là gọi bố mẹ dậy mà gọi mãi không được. Ông ngoại cứ ôm lấy tôi mà khóc…” – Sam kể lại câu chuyện kinh hoàng của đời mình. Cô bặm môi cố nuốt tiếng khóc vào lòng.

Mỗi năm, nghe tin bão lũ hoành hành trên quê hương mình, nỗi ám ảnh lại trở về với Sam. Đó là tiếng ngọn tre quất vào mái nhà đôm đốp, hai ông cháu phải chui xuống gầm bàn để tránh ngói rơi. Tiếng chân người bì bõm lội nước, tiếng gọi nhau như khóc than của người làng cố đi cứu nhau. Nước lũ đục ngầu, thi thể người, tiếng nức nở đau thương…

Sam nghèn nghẹn nói: “Ông ngoại không biết dùng điện thoại di động, mỗi lần điện về tôi phải gọi qua nhà hàng xóm mới liên lạc được với ông. Mấy ngày nay, đường điện thoại đứt. Đêm nào tôi cũng mơ thấy ác mộng. Ông ngoại là người thân duy nhất của tôi…”. Nói rồi cô lại tự trấn an mình: “Tôi nghĩ số tiền nhỏ của mình sẽ giúp được một ít gói mì cho đồng bào quê mình, biết đâu gói mì đó đến tay ông tôi”. Cô rời khỏi tòa soạn Tuổi Trẻ giữa cái nắng trưa Sài Gòn rát da thịt, trong dòng người đông đúc bóng cô thật cô đơn, khắc khoải…

Ở một góc đường Võ Thị Sáu, giở vội tờ báo xem tin lũ, anh Nguyễn Thành Văn (nhà ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) nghe ruột gan cồn cào: “Vợ với ba con tôi đang bơ vơ, hiểm nguy ngoài đó, nhà ngập hết rồi. Giờ đang đi ở tạm nhà ông bác chỗ cao hơn. Không đi làm xa thì không biết lấy gì nuôi con. Mà đi xa thì những lúc thế này mới đau xót làm sao…”. Người đàn ông khắc khổ nuốt khan: “Lạy trời đừng mưa xuống nữa. Miền Trung đã quá nhiều khổ đau rồi!”.

Theo TTO

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here