Trang chủ Tài liệu - Thư viện - Phim Phật giáo Lưu trử Định hướng tư tưởng chủ đạo của pháp phái Liễu Quán*

Định hướng tư tưởng chủ đạo của pháp phái Liễu Quán*

196
0

Nam mô Khai sáng pháp phái Liễu Quán huý Thiệt Diệu hiệu Liễu Quán Tổ sư

Kính thưa Chư tôn Hoà Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni

Kính thưa Quý vị đại biểu

Hôm nay, chúng ta hội tụ về đây (nơi đã sanh ra Tổ sư Liễu Quán, ngày 18 tháng 11 năm Đinh mùi (1667), làng Bạc Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) để cùng nhau ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Tổ sư đã cống hiến cho Đạo pháp và Dân tộc, cụ thể nhất là các đệ tử tại gia và xuất gia thuộc môn phái Liễu Quán càng ngày càng phát triển. Thiết nghĩ đây là một việc làm rất có ý nghĩa không những sách tấn tu học cho môn đồ pháp phái mà còn củng cố niềm tin cho tất cả Phật tử trên mọi miền đất nước.

Kính thưa liệt quý vị

Đối với hành trạng tu chứng của Tổ sư, thật sự không có gì để bàn hoặc hội thảo ở đây cả, bởi vì sự chứng ngộ chân lí là thực tại tự thân, bất khả ngôn thuyết. Vì vậy, kính xin Hội nghị cho phép chúng tôi được trình bày hai vấn đề nhỏ mang tính khả thi trong hoàn cảnh thực tế hiện nay:

1) Xét theo lịch sử, Thiền sư Liễu Quán được Tổ Tử Dung khai ngộ và ấn chứng với công án thoại đầu: “Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ.” Thế thì tại sao Tổ sư Liễu Quán lại không tiếp tục trao truyền công án và cũng không ấn chứng cho vị đệ tử nào cả?

2) Hiện tại pháp phái Liễu Quán trên cả nước được bao nhiêu chùa, phân loại tứ chúng bao nhiêu người, sự tu học của mỗi thành viên ấy đang tu theo pháp môn nào, tiến hay lùi? 

– Vấn đề thứ nhất, xét theo bối cảnh lịch sử: Lúc bấy giờ nước ta vừa thoát khỏi sự đô hộ của nhà Minh, lại rơi vào một thời kỳ loạn lạc, phân hóa, hơn một thế kỷ, các nhà chính trị Nho giáo hư hỏng đạo đức, không ổn định tư tưởng bảo vệ dân tộc. Lại nữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn hiểu giáo lý Phật giáo qua nghi lễ tín ngưỡng tôn giáo hơn là áp dụng lời Phật dạy vào chính trị, xã hội, kinh tế, giáo dục… Bên cạnh đó, giữa thế kỷ 17 thực dân Pháp đã muốn xâm lược nước ta qua nhiều hình thức: như truyền giáo, văn hóa, chính trị… do vậy chính sách triều đình phải lợi dụng quần chúng Phật giáo để bảo vệ thể chế cai trị hơn là dùng Phật giáo để xây dựng đất nước, nên đạo Phật không còn sức sống lành mạnh và trong sáng như thời Lý – Trần. Giữa thực trạng đất nước rối ren như vậy, Tổ sư Liễu Quán xuất hiện như một vị Bồ tát giáng trần để tiếp sức cho đạo Phật không những không để ngoại giáo bành trướng tại vùng đất mới Nam Hà mà còn làm cho đạo pháp sanh trưởng, tồn tại và phát triển một cách bền vững cho tới hôm nay. Rõ ràng hạnh nguyện cao cả: “thừa Như lai sứ, hành Như lai sự” của Tổ được tìm thấy qua kệ Thị tịch: “Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý” tạm dịch ý: ‘Ngày nay nguyện mãn về nhà Như lai’. 

Trước bối cảnh lịch sử như vậy, Tổ lại học đạo và chứng đạo với Tổ sư Minh Hoằng – Tử Dung, bằng pháp môn thiền ‘công án’ theo truyền thống Lâm Tế của Phật giáo Trung Hoa, trong khi Đạo pháp và Dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ muốn tách khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa càng sớm càng tốt. Sở dĩ vì sao chúng tôi dám nói như vậy, bởi vì lịch sử Việt nam đã chứng kiến nhà Minh đốt trường học, vơ vét hết sách sử nước ta với ý đồ đồng hóa bản địa, hòng làm mất dần tính tự chủ của dân tộc. Gần 200 năm sau, vết đen lịch sử này vẫn còn đó, tư tưởng Phật giáo Lý – Trần vẫn còn đây, thiết nghĩ Tổ sư Liễu Quán không dùng công án và cũng không ấn chứng cho ai là điều dễ hiểu. Hơn thế nữa, tư tưởng cốt lõi của đạo Phật Việt nam là ‘thiền tịnh song tu’ mà Phật giáo thời Đinh – Lê – Lý – Trần đã vận dụng thành công trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Hẳn nhiên Tổ sư thấy rõ điều này, nên sau khi đắc đạo (1712) và được ấn chứng của Tổ Tử Dung, Ngài liền đến núi Thiên Thai ở Thuận Hóa khai sơn chùa Thiền Tôn, lập đàn tràng, truyền giới, quy y, tiếp tăng độ chúng, xuất gia cũng như tại gia, từ vua quan cho tới thường dân, bất luận kẻ sang người hèn đông đến hàng vạn. Nếu căn cứ theo lịch sử, có lẽ khoảng thời gian hơn 10 năm từ 1699 cho đến 1712, trước khi đắc pháp với Tổ Tử Dung thì Tổ Liễu Quán cũng đã lập chùa, giáo hóa độ sanh rồi(1). Một lần nữa, cho chúng ta thấy được sự kết hợp giữa tính thực tiễn với Phật pháp là vô cùng sinh động, tùy duyên nhưng bất biến, miễn sao đem đạo Phật vào đời vì hạnh phúc và an lạc cho số đông, vì đạo pháp trường tồn.

Như vậy phạm vi giáo hóa độ sanh của Tổ rất rộng, từ Thuận hóa vào xa hơn Phú Yên, đi đến đâu Tổ cũng lập đạo tràng, thuyết pháp độ sanh, nếu không lầm thì có thể những đạo tràng này về sau các đệ tử của Tổ lập chùa, thờ Phật, bái sám, tụng kinh cũng rất có thể. Điều này được tìm thấy trong văn bia của Tổ sư Liễu Quán do ngài Thiện Kế soạn vào năm 1748, tại chùa Tang Liên, Trung Hoa. Như vậy, chắc chắn sau khi thọ giới Sa-di với Hòa thượng Thạch Liêm, Tổ đã thuyết pháp lập chùa, tiếp tăng độ chúng khá đông. Đệ tử đắc pháp với Tổ là 49 vị: Tế Hiệp Hải Điện (chùa Thiền Tôn); Tế mẫn Tổ Huấn (chùa Thiền Tôn); Tế Hiển Trạm Quang (chùa Thiền Tôn); Tế Nhơn Hữu Bùi (chùa Bảo Quốc); Tế Ân Lưu Quang (chùa Bảo Quốc); Tế Duyên (chùa Kim Cang); Tế Căn (chùa Hồ Sơn); Tế Dũng (chùa Bình Quang); Tế Khoán (chùa Dương Long); Tế Hẩu (chùa Bảo Tịnh)… Các vị đệ tử của Tổ tuy không được trao truyền công án, không ấn chứng nhưng không phải Tổ không trao truyền gì cả. Bởi vì Tổ có biệt xuất một dòng kệ riêng “Thật tế đại đạo, tánh hải thanh trừng… ” và trước khi nhập diệt, Tổ còn sách tấn đại chúng: “Hãy luôn biết các pháp là vô thường mà tinh tấn tu học”. Dạy xong Ngài còn viết bài kệ như lời huấn giáo tối hậu:    

“Thất thập dư niên thế giới trung
Không không sắc sắc diệc dung thông
Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý
Hà tất bôn mang vấn tổ tông.”

Dịch nghĩa:

Ngoài bảy mươi năm trong thế giới
Không không sắc sắc thảy dung thông
Ngày nay nguyện mãn về quê cũ
Nào phải ân cần hỏi tổ tông.    

Qua những sự kiện trình bày ở trên, rõ ràng Tổ tách riêng dòng kệ phải có lý do nhất định của nó; và lời cuối cùng của Tổ: “Nào phải ân cần hỏi tổ tông” chắc chắn phải có ý nghĩa thực tế trước thực trạng của đạo Phật Việt nam lúc bấy giờ. Theo thiển ý của chúng tôi, muốn hiểu được lý do và ý nghĩa này trước hết phải xem xét 49 vị đệ tử của Tổ đã đóng góp được gì cho Phật giáo Việt nam trong quá khứ cũng như hiện tại. Không lẽ 49 vị đệ tử ấy không được trao truyền ‘công án’ và không được ‘ấn chứng’ là xem như không tu, không ngộ hoặc không có kết quả gì hết hay sao! Chắc chắn trong chúng ta không ai dám nghĩ như vậy. Và ân đức của 49 vị này đã và đang có ảnh hưởng đến sự hiện diện của chúng ta hôm nay là điều không ai có thể phủ nhận. Như vậy tư tưởng hay tông chỉ nào lèo lái thiền phái Liễu Quán để phụng sự đạo pháp trong suốt quá trình lịch sử của dân tộc? Giả sử nếu chúng ta cho rằng ‘thiền tịnh song tu’ là tư tưởng chủ đạo của thiền phái Liễu Quán, có lẽ cách giải quyết vấn đề không phải là không thể. Nhân đây, xin ghi lại lời của ngài Ngẫu Ích, vị Thiền sư nổi tiếng mà còn biết tôn trọng lời dạy của ngài Vân Thê như một tấm gương sáng đang phản chiếu vào tâm thức của mỗi một người chúng ta: "Nếu ngộ rồi mà sau không nguyện vãng sanh, dám đảm bảo lão huynh chưa ngộ, phải biết người phàm mà nói chẳng cần sanh Tịnh độ thì đó đều là những kẻ tăng thượng mạn"(2).

– Vấn đề thứ hai muốn nói ở đây là nề nếp và đạo phong của Pháp phái Liễu Quán. Bởi vì một khi chúng ta không quy tụ thành chúng tăng hay tứ chúng thì thôi; riêng lẽ phần ai nấy tu, tốt hay xấu, lành hay dữ sao cũng được. Nhưng thực tế không phải vậy. Hiện tại chúng ta tụ tập về đây với nhân danh pháp phái Liễu Quán, là hậu bối cháu con của Tổ thì nề nếp và đạo phong sống đạo cần phải được rèn luyện theo quy chế của Pháp phái. Nếu không, chúng ta chỉ là những kẻ lạm dụng ân đức của Tổ để phô trương hình thức bộ phái mang tính cục bộ và đôi khi dẫn đến những hiệu quả khoe khoang, tự mãn rất tầm thường. Do đó, kính xin Hội nghị tạo điều kiện ban hành một quy chế cụ thể, dựa vào Pháp và Luật của Phật đã dạy để chỉnh đốn nề nếp sống đạo và sách tấn đạo phong của từng cá nhân cũng như tập thể trong phạm vi Pháp phái. Thiết nghĩ nếu Phật giáo Trung Hoa có ‘Bách Trượng Thanh Quy’, tại sao môn phái chúng ta không làm được ‘Liễu Quán Thanh Quy’?! Muốn thực hiện được điều này, trước hết phải thống kê hiện nay trên cả nước có bao nhiêu chùa thuộc pháp phái Liễu Quán, vì chùa chính là nơi áp dụng ‘Liễu Quán Thanh Quy’ vào giáo dục, đào tạo, rèn luyện cho các thành viên xuất gia cũng như tại gia một cách có hiệu quả, chứ không phải tùy tiện. Muốn thực hiện được việc này, Pháp phái phải có hệ thống tổ chức, dựa trên nguyên tắc pháp và luật, yết ma bình chọn những vị cầm cân nẩy mực có giới đức tinh nghiêm, phạm hạnh trong sáng theo thứ tự từ thượng đến trung xuống hạ. Được vậy, hy vọng chúng ta sẽ dắt dìu nhau sống trong tình đạo an lạc và hạnh phúc, chắc chắn sự tu học sẽ có kết quả, và dĩ nhiên đạo đời đều có lợi.

Thật sự nói thì dễ, chứ làm thì quả là không phải dễ tí nào. Nhưng thử hỏi không làm thì sao biết là dễ với khó, trong khi đó xây dựng Pháp phái đi vào nề nếp là việc cần phải làm trong thời buổi hiện nay. Chúng tôi vẫn còn nhớ lời của Thầy chúng tôi có dạy: “Thời trước cứ lo tre già mà măng không mọc; thời buổi bây chừ tre chưa già mà măng đã mọc bậy mọc bạ lung tung quá.”

Điều mà chúng ta không thể phủ nhận đó là: thời nay nhận người đi tu không khó, nuôi người đi tu không khó, mà dạy người đi tu cho được quả là khó vô cùng. Đối với Phật tử cũng vậy: quy y hàng trăm đệ tử tại gia không khó, giảng đạo cho hàng ngàn người không khó, mà khiến cho một vài người phát tâm Bồ-đề, tín tâm Tam Bảo quả là khó vô cùng. Vì sao như vậy, có lẽ chúng ta không dám đưa tổ chức xuất gia cũng như tại gia vào nề nếp, kỷ cương trong Pháp và Luật, thầy và trò nhiều khi không biết lấy gì để trao truyền tâm đạo… vì tông chỉ chủ đạo và quy cũ của Pháp phái chưa được đề ra, hướng đi không rõ thì lối đi và đích đến vẫn còn là vấn đề nan giải, đề nghị toàn thể thành viên trong buổi Hội thảo hôm nay cho ý kiến giải quyết.

Theo ý kiến của chúng tôi, trước hết phải dám hình thành cho được một hệ thống tổ chức, cơ cấu từ bốn tới mười tỷ-kheo thuần túy phạm hạnh, tìm ra tông chỉ của Pháp phái, định hướng tu niệm cho cả tăng lẫn tục hằng năm, thống kê cho được bao nhiêu chùa, bao nhiêu tăng ni, bao nhiêu cư sĩ trên cả nước, thậm chí ngoài nước thuộc con cháu của Tổ thì Pháp phái Liễu Quán cũng phải quan tâm. Được vậy, hy vọng ngày này hằng năm sẽ có ý nghĩa hơn.

Xin chân thành cảm ơn Hội nghị.    

T.K.T     

* Chú thích:

(*) Tham luận đọc tại Hội thảo về Tổ sư Liễu Quán, tổ chức tại chùa Bửu Tịnh – Phú Yên, 11/2006

(1) Biển chùa Bảo Tịnh đề: Lê triều Vĩnh Thịnh niên, Liễu Quán Tổ sư khai sơn, nhằm năm Ất Dậu (1705) đời Lê Dụ Tông.

(2) Ngẫu Ích Đại sư, Linh Phong Tông Luận, q. Thượng, tr. 813 

 

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here