Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Định Huệ tự – ngôi chùa trên thượng nguồn sông Hương

Định Huệ tự – ngôi chùa trên thượng nguồn sông Hương

192
0

Từ sau năm 1975, thời kỳ mà cả nước đang gặp nhiều khó khăn, các chùa ở Huế phải đi làm ruộng, làm nương, có chùa thì đi mót khoai mót sắn từ các cánh đồng về để độ nhật. Trong tình hình đó ở Huế có một sư cô một thân một mình vượt núi trèo non lên tận thôn Lương Miêu nơi thượng nguồn sông Hương để khai hoang làm rẩy, lập thất, dựng tượng vừa tu trì vừa lao động độ sinh.

Chúng tôi ngược dòng sông Hương trên con đò vào một chiều hè Huế nắng nóng như đổ lửa. Lần lượt, đi qua rất nhiều những danh lam thắng cảnh chùa Thiên Mụ uy nghi, điện Hòn Chén linh thiêng, Văn Thánh cổ kính, đồi Vọng Cảnh thông reo, Núi Tứ Tượng với tượng Đài Bồ Tát Quán Thế Âm trắng giữa mây ngàn, cầu Tuần vắt ngang giữa trời xanh… Đò đến thôn Bằng Lãng đoạn sông hai nhánh thì rẽ theo dòng Hữu trạch hướng đi Tuần giữa những làng quê thôn dã và núi non trùng điệp, hai bên bờ có rất nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng dân gian như đình, chùa, am, miếu… một số nơi người ta còn cúng bái rình rang. Đây cũng là một yếu tố để người Huế gọi sông Hương là dòng sông tâm linh.

Chùa Thiên Mụ uy nghi

Văn Thánh cổ kính

Điện Hòn Chén linh thiêng

Đi được khoảng gần 3 giờ đồng hồ thì đò qua khỏi thôn Tân Ba và Dương Hòa – chiến khu xưa một thời đạn bom cày xới, người chủ đò chở chúng tôi phải khó khăn lắm mới điều khiển con đò len lỏi vượt qua những khúc sông cạn nhìn thấy đáy và giữa dòng có nhiều cồn cỏ dại, chia dòng nước chảy ra hai phía ven bờ. Để sau hơn 3 giờ đồng hồ ngược dòng sông Hương, chiếc đò mới rẽ lái cập bờ. Chúng tôi được hướng dẫn vượt qua một dải đất phù sa và leo lên một con dốc thoai thoải hai bên đầy những tre nứa và cây rừng, vừa lên khỏi dốc, một chiếc cổng tam quan nhỏ nhắn xinh xắn hiện ra dưới cái nắng chiều vàng chiếu lên 3 chữ Hán "Định Huệ Tự" (chùa Định Huệ). Và trong không gian núi rừng có tiếng mõ vang vọng theo gió chiều hiu hiu khiến cho chúng tôi như vỡ òa lên với bao niềm xúc động "trời ơi, giữa chốn núi rừng hiu quạnh thế nầy mà có ai đến dựng chùa thờ Phật gõ mõ tụng kinh". Theo con đường đất quanh co đi qua một chiếc cổng phụ vào một khu vườn, ngôi chánh điện chùa Định Huệ thấp thoáng hiện ra dưới những tán cây rừng rậm rạp.

Những cụm cỏ dại mọc giữa dòng sông đoạn trước chùa Định Huệ

tam quan chùa Định Huệ

Tôi đi ngay vào chánh điện, nơi có tiếng mõ đang vọng ra, một vị Ni sư già dáng người gầy dừng mõ quay sang tôi nở nụ cười hiền hòa và vái chào thân thiện. Thoạt nhìn vị Ni sư rất tội ghiệp, và thiệt thà như chính những người ở rừng đúng nghĩa. Sau khi thăm hỏi sơ qua, tôi theo Ni sư xuống nhà Tăng và cùng chào mọi người. Với tính hài hước Ni sư chuyện trò và tự giới thiệu Ni sư pháp hiệu là Thích Nữ Minh Tâm, năm nay nữa là đã hưởng được 70 mùa xuân. Ni sư vốn quê ở huyện Hải Lăng, Quảng Trị bởi cảm mến cảnh thiền môn nên đã vào Huế nhập chúng tu học và hành đạo tại tịnh thất Hoàng Mai… Và chúng tôi rất ấn tượng bởi giọng nói ào ào như đàn ông "thưa quý vị kiếp trước tui là đàn ông, nhưng do vụng tu nên kiếp ni phải bị đọa làm đàn bà nhưng dư báo vẫn còn nên tui vẫn có lối sống và cách nói năng đi đứng như đàn ông và bị ‘đày’ lên đây một thân một mình cùng gió núi mây ngàn heo hút". Ni sự vừa cười vừa nói với mọi người.

Chánh điện và hậu tổ

Ni sư cho biết, sau năm 1975 núi rừng nơi đây hoang vu dữ dằn lắm không như bây giờ đâu, một thân một mình ngày đêm cày xới hơn 2 hetca đất rừng để trồng trọt làm nương làm rẫy. Mà quý vị biết rồi, đến vùng đất lạ dẫu có mạnh mẻ đến mấy nhưng cũng có lúc phải run sợ trước những hiện tượng tự nhiên huống chi "đến đây đất nước lạ lùng, nghe con chim kêu cũng sợ nghe con cá vẫy vùng cũng run". Đã rứa, buổi đầu thì có chi mô, một cái lều tranh tạm bợ, đêm hôm nghe sột soạt bên ngoài cũng thấy lo, lâu dần mới thành quen, và hình như Hộ pháp, Long thiên, và sơn thần thổ địa ở đây cũng ủng hộ nên đã che chở không cho tui thấy điều gì đáng sợ và cũng không có hiện tượng ma quỷ hay thú dữ nào đến quấy phá.

Ni sư Minh Tâm (áo lam, bìa phải) vui vẻ chuyện trò

Nghe Ni sư kể, chúng tôi đồng thời liên tưởng đến hình ảnh một vị sư cô chỉ mới vừa hơn 30 tuổi thôi mà đã dám một thân một mình đến giữa chốn núi rừng hoang vu nầy khai sơn lập tự mà tâm phục khẩu phục. Không tâm phục khẩu phục sao được khi mà mãi cho đến hôm nay, khi cơ ngơi đã lên hình lên dạng, chùa chiền tăng xá đã khá kiên cố, đời sống kinh tế cũng tạm ổn nhưng chẳng có ai dám đến đây để đồng tu với Ni sư. "Họ sợ lắm, chốn núi rừng khỉ ho cò gáy, không trường không lớp ai mà lên" Ni sư nói. Hiện có một ni cô vừa được Ni sư về mượn dưới chùa phố lên để "có chúng mà an cư" nhìn có vẻ hơi buồn nhưng bước đầu cũng đã thích nghi.

Ni sư Thích Nữ Minh Tâm

Ngôi chùa Định Huệ bây giờ được Ni sư cho xây dựng vào năm Bính Tuất (2006) tuy khiêm tốn, nhỏ nhoi chỉ khoảng chừng 200m2 nằm lọt thỏm giữa núi rừng đại ngàn nhưng như thế cũng đã là khá khang trang lắm rồi. Giữa chốn thâm sơn cùng cốc nơi thượng nguồn sông Hương nầy mà làm được như thế là đã ngoài sức tưởng tượng lắm rồi huống hồ chi nguồn kinh phí để xây dựng chùa nhờ vào sự chắt góp được từ bán những trái mít, những trái vả hay những lứa bạch đàn thì quả là quá thần kỳ, thi thoảng lắm mới có một vài Phật tử quen biết tìm lên thăm chùa, thăm Ni sư cúng dường một ít tịnh tài tịnh vật.

Chùa Định Huệ (Lương Miêu)

Ni  sư đãi chúng tôi bằng những chén nước lá thơm nức mùi hương hoa rừng, những múi mít vừa hái xuống còn ngấn những giọt mật đường ngọt lịm và những tô mì ăn liền với rau rừng, những chén cơm nguội và nước tương nguyên chất đạm bạc nhưng sao thấy ngấm nặng tình đạo vô cùng.

Lu tương và củi, thực vật và chất đốt chính của chùa

Chào Ni sư, chào ngôi chùa Định Huệ trên thượng nguồn để xuôi theo dòng nước sông Hương thâm thẩm tối để ra về mà lòng nghe nặng một nỗi niềm cảm khái khôn nguôi…

K.L

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here