Trang chủ Về TTVHPG Liễu Quán Lịch sử Diễn văn lễ đặt đá xây dựng TTVHPG Liễu Quán

Diễn văn lễ đặt đá xây dựng TTVHPG Liễu Quán

262
0


TRANG TƯ LIỆU


BT: Như một lời nhắn gởi nhằm” Ôn cố tri ân”, Đặc san Liễu Quán xin lược đăng hai bài Diễn văn và ĐạoTừ của Chư Tôn trong ngày đặt viên đá đầu tiên xây dựng Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán để quý độc giả cùng tham khảo và có được cái nhìn đầy đủ hơn về ý nghĩa, mục đích sự hình thành Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán.


1/ Diễn văn lễ đặt đá xây dựng TTVHPG Liễu Quán (1)


“Trong một cơ duyên thuận lợi, đám đất này, nơi sẽ thành hình và xuất phát một Trung tâm Văn hóa Phật giáo, đã được CQ chuyển nhượng cho Tỉnh Giáo Hội Phật giáo Thừa Thiên cách đây mấy năm. Vì những biến cố dồn dập về đạo pháp cũng như thời sự, năm nay Giáo hội mới ủy nhiệm cho chúng tôi nhận lãnh trọng trách thực hiện công trình xây cất Trung tâm Văn hóa đó. Trên đám đất vô tri và hoang phế nhưng sẽ trở thành một tiềm năng sinh động này, chúng tôi hân hoan chào mừng toàn thể quý vị, đã thiết tha với tiền đồ của Giáo hội, của dân tộc, của Văn hóa, đang hiện diện cũng như đang hướng tâm về buổi đặt đá hôm nay.


Văn hóa chính là đời sống tinh thần của nhân loại. Tuy phát xuất trên từng cứ điểm không gian, biến động trong giới hạn thời gian, nhưng cùng với sự sống phổ quát và bất diệt của con người, văn hóa đã trở thành thành cộng đồng và vĩnh cửu. Trên một phương diện, sinh hoạt con người đã tạo nên văn hóa. Nhưng trên một phương diện khác, văn hóa đã tác động và hướng dẫn sinh hoạt con người. Thế nên, muốn làm sinh sắc con người, phải làm sinh sắc văn hóa. Phát huy và khơi động một nền văn hóa mang nặng tính chất tâm linh là điều tỏ ra hết sức cần thiết trong thời đại cơ khí hỗn loạn của chúng ta hiện nay.


Suốt lộ trình hai nghìn năm trăm năm lịch sử, sinh lực của Phật giáo đã tạo nên một sức mạnh tâm linh đáng để cho nền văn hóa Đông phương và tỏ ra cần thiết cho nền văn hóa hiện đại. Trong bản chất, Phật giáo không ôm giữ cho mình những danh từ như nghệ thuật, triết học, văn hóa, kể cả danh từ Phật giáo. Những nhận thức phân ly, trắc diện như vậy chính là đầu mối cho mọi đối lập, mâu thuẫn đang hiện thân trong những ý thức hệ tạo nên đau khổ cho chúng ta hiện nay. Nhưng thể nhập và hóa thân trong dòng sống đa diện của nhân loại, sức mạnh tâm linh của Phật giáo dù muốn dù không đã hiện diện thành một nền văn hóa thực sự, được nhận thức trong quan điểm của con người. Và suốt hơn hai ngàn năm lịch sử, nền văn hóa tâm linh đó chưa một lần tàn úa, chưa một lần hủy diệt, xét trên toàn thể chứng tỏ khả năng thích ứng và cần thiết của Phật giáo đối với con người hơn bao giờ hết. Đó là một nền văn hóa không có nhãn hiệu, không có định kiến, không có cố chấp, không có tương tranh, đầy bao dung và hòa ái.


Đi vào lòng dân tộc Việt Nam, văn hóa Phật giáo đã hòa đồng và kết hợp với văn hóa dân tộc, góp phần tạo nên một tiềm lực tinh thần qua bao thế kỷ, ghi những nét vàng son qua nhiều triều đại. Tính chất dung hóa và thích ứng do Phật giáo cống hiến và nhuần thấm đã làm cho dân tộc Việt vừa uy dũng vừa hiếu hòa, tạo được một sức mạnh hóa giải các thế lực tương tranh dung nạp được các khuynh hướng tạp đa mà vẫn giữ nguyên được bản sắc. Trên mãnh đất thân yêu đầy chiến tranh đổ vỡ này, đang là nơi xâu xé của mọi thế lực chính trị, là nơi giải quyết tất nhiên mọi bế tắc của các tương tranh về cơ khí, sự khơi động và bồi dưỡng một nền văn hóa bao dung như Phật giáo thật là cấp bách hơn bao giờ hết.


Trong viễn tượng đó, việc thực hiện một Trung tâm văn hóa tuy nhỏ nhoi khiêm tốn, nhưng là một việc làm cụ thể và có ý nghĩa. Quê hương nầy, xứ sở nầy, đã bị chiến tranh tàn phá đến xương tủy. Hình ảnh của một Trung tâm văn hóa là hình ảnh của sự sống bên cạnh sự chết, là biểu tượng tâm linh bên cạnh những vũ khí vô luân.


Cố đô Huế, Kinh đô văn hóa Việt Nam, dưới mọi tác động của những thế lực tương tranh, từ lâu đã âm thầm dũng mãnh chịu đựng bao nhiêu là thử thách. Tuy nhiên, mọi cơn lốc bão thời đại dù khuấy động dữ dội đến đâu, vẫn không phá hoại được không gian bao dung, trầm tĩnh.


Với một truyền thống từ bi và vô úy, với tinh thần Phật giáo thấm nhuần trong căn để tâm hồn của mọi tầng lớp quần chúng, Huế thật là một vị trí thuận hợp và cần thiết cho việc thiết lập một Trung tâm văn hóa Phật giáo.


Trung tâm nầy được mệnh danh là Trung tâm văn hóa Liễu Quán. Đó là pháp hiệu của một Tổ sư người Việt Nam, khai sơn chùa Thiên Thai Thuyền Tôn, thuộc dòng Lâm Tế, đạo phong lan rộng khắp nơi. Chính tại thành phố nầy, với sự xuất hiện của Ngài, dòng suối âm thầm của đạo pháp, đã khơi chảy và trải qua bao cuộc biến đổi bể dâu, đã bồi dưỡng tốt tươi đời sống tâm linh cho bao thế hệ.


Ngày nay, trong hiện tình biến động của đất nước tràn ngập những ý thức hệ ngoại lai phức tạp, Trung tâm văn hóa này xuất hiện phát lộ một thái độ tích cực hóa giải và dung hòa.


Trước tiên, Trung tâm sẽ khiêm tốn giới thiệu và trình bày những sinh hoạt của Phật giáo trên các lãnh vực văn học và nghệ thuật. Những sinh hoạt nầy không những mang được bản sắc Phật giáo trong cá tính dân tộc, mà còn là những sinh hoạt ảnh hưởng của Phật giáo trong cộng đồng nhân loại qua không gian và thời gian.


Với nhiệm vụ đó, Trung tâm sẽ trở nên một cơ sở thuận lợi, tạo nên một môi trường thích ứng cho mọi việc trao đổi, đón nhận và hòa đồng đủ mọi màu sắc khuynh hướng văn hóa dị biệt.


Lẽ dĩ nhiên, trong cơn lốc của văn minh cơ khí hiện đại, Trung tâm Liễu Quán sẽ còn là một biểu tượng cụ thể và trung thực cho ý tưởng về nguồn, bảo tồn và phục hồi những giá trị tinh thần cố hữu của quốc gia, dân tộc và đạo pháp.


Tuy nhiên, mọi cao vọng chỉ có thể thực hiện trên những dữ kiện cụ thể. Mục đích sẽ trở nên không tưởng, nếu chúng ta hoàn toàn thiếu thốn mọi phương tiện. Thế nên, chúng tôi kêu gọi tất cả Phật tử cũng như tất cả mọi người thiết tha với văn hóa, hãy tiếp tay góp sức với chúng tôi trong việc hoàn thành công tác dự án trên. Với quan niệm văn hóa không có thời gian và địa vức, chúng tôi hân hạnh đón nhận tất cả mọi sự giúp đỡ hết lòng của các cơ quan văn hóa quốc nội cũng như quốc tế, không phân biệt màu sắc, chính trị, tôn giáo, tín ngưỡng, miễn là sự giúp đỡ hoàn toàn thuần túy văn hóa.


Với lễ đặt đá hôm nay, chúng tôi thành tâm cầu nguyện cho Trung tâm sớm thành tựu, cho tình thương chế ngự được hận thù, cho văn hóa hoàn thành sứ mệnh của nó trong thế giới và trên mảnh đất Việt Nam …


Trân trọng kính chào quý liệt vị.


—————————————–


2/ Đạo từ nhân ngày đặt đá xây dựng (2)


Kính bạch Hòa Thượng Trưởng Lão chứng minh, quý Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni.


Kính thưa toàn thể Quý Vị.


Trước hết nhân danh Hội-Đồng VHĐ Trung Ương xin gởi đến Quý Hòa- Thượng, Thượng- Tọa, Đại Đức, Tăng Ni, cùng toàn thể Quý vị lời chào cảm mến của chúng tôi.


Nói đến vấn đề văn hóa đó là một vấn đề thật tế nhị, nhưng lại vô cùng cần thiết đốivới chúng ta, những người hết sức quan tâm đến sự tồn vong của xứ sở. Cuộc chiến tranh hiện tại, chúng tôi cũng như quý vị điều thấy rằng nó đã cướp mất của chúng ta nhà cửa, ruộng vườn, đó là nhưng điều khắc khoải lo âu của bất cứ của người dân nào có lương tri dân tộc. Nhưng còn có một sự đau đớn quan trọng hơn, đó là sự suy sụp của nền văn minh dân tộc. Do đó chúng tôi nghĩ rằng, ngoài tất cả những sự đóng góp khác, sự đóng góp để bảo vệ cho được nền văn hóa của dân tộc, bảo vệ cho được những nền tảng cần thiết mà tôi tin rằng nhiều năm, nhiều ngàn năm do xương máu, nứơc mắt của các tiền nhân chúng ta tạo nên.


Mất nước chúng ta có thể lấy lại được nước, ai cũng thấy rõ điều ấy, nhưng nếu mất gốc thì thật là một điều bi đát, thương tâm nhất. Ngược dòng lịch sử chúng ta bị hàng ngàn năm bắc thuộc, lại là một nước nhược tiểu, chúng ta bị đặt trong vị trí khó khăn liên tục, thế mà chúng ta không bị đồng hóa bởi một sức mạnh vật chất gấp mười lần, xấp trăm lần của người Trung Hoa. Kinh nghiệm lịch sử ấy đã xác nhận rằng: tất cả chúng ta ngoài sự đồng tình hy sinh để bảo vệ đất nứơc, chúng ta còn có một nền đạo đức lấy tình thương, lấy hòa đồng làm căn bản, chúng ta có một nền văn hóa, có một bản sắc đặc biệt của người Việt Nam. Do đó chúng ta trong quá khứ không những đã có một lịch sử vẻ vang về quân sự, chính trị, kinh tế, mà chúng ta còn có một nền tảng văn hóa phong phú nữa. Đặc biệt là nền văn hóa của Lý, Trần. Tôi tin rằng quý vị đã hiểu rõ điều đó, đó là những kinh nghiệm thực tế, những kinh nghiệm cần thiết cho việc làm của chúng ta hiện nay.


Nói đến Phật Giáo, thưa quý vị có thể nói rằng: Phật Giáo chúng ta có gần 600.000.000 tín đồ trên thế giơí, Phật Giáo có một không gian rộng rãi và một thời gian lâu xa như thế, nhưng chúng tôi xác nhận với quý vị rằng, Phật Giáo đã, đang và chắc chắn không phải là một tổ chức thừa sai quốc tế. Vì không phải là một tổ chức thừa sai quốc tế cho nên dầu bị phái Phật giáo thuộc Hamayana ở phương Bắc như các nước Trung Hoa, Ấn Độ, Tây Tạng, Nhật Bản … hay phương Nam như Tích Lan, Lào, Miến Điện … khi đến đây đều dung hòa được với nền văn minh của địa phương và tất cả những tinh thần cao đẹp của Phật Giáo đã biến thành những sản phẩm cần thiết cho nền văn hóa của dân tộc đó. Vì lẽ đó, nên chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi nói rằng nền văn hóa Phật Giáo của Miến Điện, hay là nền văn hóa Phật Giáo của Việt Nam, và do đó chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi căn cứ vào lịch sử, nói đến văn hóa Phật Giáo của Việt Nam tức là nói đến nền tảng căn bản của nền văn minh Việt Nam. Nhắc lại điều đó để chúng ta thấy rằng Phật giáo dù muốn dù không, lấy nguyện vọng dân tộc làm mực thước, lấy quyền lợi của quần chúng làm quyền lợi của mình, bởi vì Phật Giáo và dân tộc như bóng với hình, tuy những ý thức như thế cho nên chúng ta càng thấy đau đớn khi mà cuộc chiến tranh nay đã làm đổ vỡ toàn diện nền tảng xây dựng nền dân tộc Việt Nam.


Đóng góp xây dựng lại nền văn hóa dân tộc, tôi nghĩ rằng đó là một việc làm cần thiết, quan trọng. Tôi nhiệt tình gởi đến Qúy Thượng Tọa, Đại đức, Tăng Ni và quý vị lời tán thán của Hội Đồng L.Viện và mong rằng chúng ta bắt tay vào việc với sự đồng tình với nhau để thực hiện được phần nào những ý nguyện đẹp đẽ đã được đề ra. Chúng tôi ước mong sau ngay Lễ đặt đá, công việc sẽ được tiến triển nhờ sự đóng góp của tất cả toàn thể quý vị hằng lưu tâm đến sự tồn vong của dân tộc, đặc biệt là nền văn hóa của dân tộc.


Xin chân thành cảm tạ.


Kính chào Quý Vị


(1) & (2) Trích Đặc san Liễu Quán PL.2514 năm Canh Tuất (1970)


TRIỄN LÃM TRANH KỶ NIỆM 40 NĂM TRANH ĐẤU PHẬT GIÁO 1963-2003



TRIỄN LÃM THƯ PHÁP – THƠ TRỤ VŨ – PL.2547



Chư tôn đức trong Lễ Khai mạc



Ông Hồ Xuân Mãn – Bí Thư Tỉnh Ủy Tỉnh Thừa Thiên – Huế thăm phòng triển lãm


TRIỄN LÃM TRANH PHƯỢNG HÔNG PHẬT ĐẢN PL.2548



Ông Nguyễn Xuân Hoa GĐ Sở VHTT tỉnh thăm và viết lưu niệm

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here