Được sự chỉ đạo của Ban Trị sự Tỉnh Giáo Hội Phật giáo Thừa Thiên Huế và sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, hôm nay, lễ Khánh tạ Niệm Phật Đường Tây Linh tại thành phố Huế được long trọng tổ chức. Trong không khí trang nghiêm này, sự hiện diện chứng minh cầu nguyện của chư tôn thiền đức Tăng Ni và sự tham dự thân tình của quý vị quan khách, quý đạo hữu Phật tử là niềm vinh dự lớn, khích lệ chúng con trên con đường phụng đạo giúp đời trong lý tưởng giải thoát khổ đau, đem lại hạnh phúc cho số đông.
Trước hết, cho phép chúng con thành kính đảnh lễ cung đón và niệm ơn chư tôn Giáo phẩm chứng minh, chư tôn đức Tăng Ni; đồng thời chân thành cảm ơn và chúc sức khỏe đến quý vị quan khách và quý đạo hữu Phật tử gần xa đã đến tham dự buổi lễ hôm nay.
Trước năm 1975, vùng đất của NPĐ Tây Linh thuộc phường Tây Linh, Quận 1; là khu vực tái định cư của một số dân cư ở Toà khâm, Hàng Me và Canh Nông di cư đến từ năm 1963. Nơi đây vốn là vùng đất ruộng, thấp trũng, gọi là tịch điền. Sau thời gian ổn định nơi ăn chốn ở, một số Phật tử có tín tâm muốn xây dựng một ngôi Niệm Phật Đường để thuận lợi trong sinh hoạt tu tập, đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của trú xứ. Người dân ở đây đã kính nhờ Ban Đại Diện Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế liên hệ chính quyền địa phương xin cấp đất để xây dựng Niệm Phật Đường. Lễ đặt đá khởi công xây dựng NPĐ Tây Linh được tổ chức vào mùa Xuân năm 1964, dưới sự chứng minh của Quý Trưởng lão Hoà Thượng chùa Thuyền Tôn, chùa Tây Thiên, chùa Linh Quang, chùa Từ Đàm.
Cùng với sự hình thành của cơ sở Niệm Phật đường, một Ban Đại Diện Khuôn hội Tây Linh được chính thức thành lập, do Đạo Hữu Nguyễn Hữu Đông – Pháp danh Nguyên Tùng kế tục Đạo Hữu Nguyễn Văn Hữu làm Khuôn Trưởng.
Sau khi NPĐ hoàn thành, năm 1965, Ban Đại Diện khuôn đã vận động và thành lập Gia đình Phật tử Tây Linh. Đa số con em của Hội viên đều được gửi đến sinh hoạt Gia đình Phật tử, đầy đủ 4 đoàn thiếu nam, thiếu nữ, oanh vũ nam, oanh vũ nữ, do đạo hữu Bùi Bửu làm Gia trưởng. Ban Huynh trưởng lúc ấy gồm đạo hữu Hoàng Văn Quý, Trần Ngẫu, Trần Đình Liễn, Hồ văn Ân, Hồ Thị Quỳnh Trâm, Nguyễn Thị Phụng, Trần Thị Hồng. GĐPT Tây Linh sinh hoạt đều đặn vào chủ nhật hằng tuần. Song song với sinh hoạt của GĐPT, một chi đoàn Thanh niên Phật tử áo đà cũng được hình thành, quy tụ khoảng 20 đoàn viên do đạo hữu Hồ Văn Thỉ làm chi đoàn trưởng.
Với các sinh hoạt của Khuôn hội, Gia đình Phật Tử và Thanh niên Phật tử áo đà, sinh hoạt tôn giáo nơi đây ngày càng đông. Vì thế, việc phát triển mở rộng cơ sở Niệm Phật đường bắt đầu được đặt ra. Lúc đầu, chánh điện xây dựng trên diện tích 100m2 và một ngôi nhà lợp tôn phên gỗ làm nơi sinh hoạt của Quý Đạo Hữu, một phòng học cho các cháu mẫu giáo, gọi là Bồ Đề Ái Đạo. Năm 1968, quý đạo hữu đã đóng góp xây dựng tiền đường của Niệm Phật đường. Năm 1970, tổ chức lễ chú tượng Đức Bổn Sư bằng đồng tại sân chùa. Tuy nhiên, từ năm 1975, sau khi đất nước độc lập thống nhất, các Đạo Hữu trong NPĐ vì kế sinh nhai đã đi phân tán các nơi, số đạo hữu còn lại phần nhiều già yếu nên Khuôn hội và GĐPT tạm ngưng sinh hoạt.
Năm 1976, Hoà Thượng Đạo hiệu Thích Đức Tâm, Trú trì Chùa Pháp Hải thuộc môn phái Tổ đình Từ Hiếu đứng ra thành lập tổ hợp canh tác Từ Hiếu. Do có 10 mẫu ruộng của Tổ đình Từ Hiếu nằm trong địa bàn Tây Linh, nên quý Thầy, quý Sư cô ở các chùa về vùng này làm ruộng; NPĐ Tây Linh đã trở thành trụ sở của tổ hợp canh tác Từ Hiếu. Lúc này, sư cô Thích Nữ Chơn Thuận, sư cô Thích Nữ Chơn Hoà chùa Diệu Viên đã đến ở lại làm ruộng và tạm thời chăm sóc Chùa.
Năm 1977, Đạo hữu Thiện Phát Nguyễn Hữu Dinh nhận thấy cần có một vị trú trì chăm lo Phật sự và hướng dẫn Phật tử tu tập, nên đã cùng với Đạo Hữu Khuôn trưởng Nguyễn Sắt – pháp danh Đồng Lưu cùng toàn thể đạo hữu khuôn hội Tây Linh viết đơn xin cúng chùa lên Giáo hội, để Giáo hội tùy nghi bổ nhiệm trú trì. Lúc bấy giờ, Hoà thượng Thích Đức Tâm, Phó Đại Diện Giáo hội Phật giáo Tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ giáo chúng con về đảm trách công tác Phật sự tại NPĐ Tây Linh này. Thừa lệnh Giáo Hội và Hoà Thượng, chúng con đã đến Tây Linh nhận công tác phật sự từ 1977 cho đến ngày hôm nay. Sau khi về Niệm Phật Đường Tây Linh chúng con đã thành lập đạo Tràng Pháp Hoa, quy tụ các Phật tử từ vùng Tây Linh, Tây Lộc, Vĩnh Nhơn, Tịnh Bình về chùa tụng kinh và nghe pháp vào chủ nhật hằng tuần. Niệm Phật đường bắt đầu trở lại sinh hoạt. Sau khi Đạo Hữu Nguyễn Sắt – pháp danh Đồng Lưu qua đời, đạo Hữu Hồ Văn Bính – Pháp danh Tâm Đẩu thay quyền khuôn trưởng.
Năm 1985, cơn bão số 9 đã làm tốc mái chùa và ngôi nhà Tăng lợp tôn, phên ván cũng bị cuốn trôi theo lũ. Được sự quan tâm giúp đỡ của cố Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Không, cố Ni Trưởng Thích Nữ Chơn Thông và cố Đạo Hữu Phạm Đăng Siêu, chúng con đã lợp lại mái chùa và xây dựng lại nhà Tăng với diện tích 60m2. Năm 1997, NPĐ được xây thêm lầu chuông, lầu trống và một thiền đường sau hậu tẩm. Cũng nhờ ngôi thiền đường này mà trong cơn lũ lịch sử năm 1999, dân trong vùng có thêm chỗ lánh nạn.
Năm 2000, một cơ sở dạy nghề được xây dựng trong khuôn viên NPĐ nhằm giúp đỡ các đối tượng có hoàn cảnh nghèo, mồ côi, khuyết tật nhẹ đến học nghề; gồm các nghề: may, thêu tay và tin học văn phòng. Đến nay, cơ sở dạy nghề này đã đào tạo ra nghề trên 1000 em có công ăn việc làm, được Giáo hội và các cấp chính quyền đánh giá cao, góp phần vào công tác từ thiện xã hội vì cộng đồng nói chung.
Năm 2002, Giáo hội bổ nhiệm Ban Hộ Tự mới, do Đạo hữu Trần Ngẫu – pháp danh Tâm Minh làm Trưởng Ban Hộ Tự. Sau đó, vì bệnh duyên, Đạo hữu Trần Ngẫu đã chuyển giao cho Đạo hữu Nguyễn Tâm Biên – Pháp danh Nguyên Quyền làm Trưởng ban Hộ Tự cho đến nay.
Vì là vùng thấp trũng, do bão lũ thường xuyên xảy ra nên ngôi chánh điện đã bị xuống cấp. Với tâm nguyện Đại trùng tu ngôi chánh điện để có nơi thờ phụng trang nghiêm và có chỗ cho đạo tràng tu tập, nên ngày 8 tháng 6 năm Mậu Tý (2008), chúng con cùng quý Đạo hữu NPĐ Tây Linh đã khởi công đại trùng tu ngôi bảo điện, dưới sự chứng minh cầu nguyện của Chư Tôn Đức Tăng Ni trong Giáo hội. Đến nay, ngôi chánh điện đã được hoàn thành viên mãn, các công trình phụ cũng được chỉnh trang khá hoàn thiện.
Trong niềm hỷ lạc vô biên về một phật sự lớn lao được thành tựu như sở nguyện, toàn thể Ni chúng và Đạo hữu Khuôn hội Tây Linh ước mong sao ngôi NPĐ này được mang tên là Pháp Hỷ. Vì chúng con nghĩ rằng, trong đời sống tu tập của mình, chúng con được như hôm nay là nhờ có giáo pháp của Phật nuôi lớn pháp thân huệ mạng; pháp Phật là nguồn vui trong cuộc sống, là thức ăn chính (Pháp hỷ thực). Nếu không nhờ giáo pháp của Phật thì làm sao chúng con có sự thành tựu như hôm nay. Đồng thời khi con đến đây là do sự khuyến tiến của Hòa Thượng Thích Đức Tâm, trú trì Chùa Pháp Hải và con là đệ tử của Ni Trưởng Thích Nữ Chơn Hiền- Chùa Diệu Hỷ. Để hoài niệm về những vị ân sư đã hướng dẫn cho chúng con trong giai đoạn giao thời khó khăn. Cho nên sau khi xây xong ngôi chánh điện, chúng con đã kính trình lên Ban Trị sự tỉnh GHPG Thừa Thiên Huế xin được để hiệu Chùa là Pháp Hỷ. Đã được Chư Tôn Đức trong Thường Trực Ban Trị Sự thông qua sau buổi họp ngày 06 tháng 4 năm 2012 ( 16.3. Nhâm Thìn)
Sau quá trình xây dựng, tu bổ và đặc biệt là 4 năm tái thiết đại trùng tu ngôi bảo điện, chùa Pháp Hỷ (NPĐ Tây Linh) ngày nay đã trở thành ngôi phạm vũ trang nghiêm, đủ điều kiện để đào tạo Ni chúng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh tôn giáo của đồng bào Phật tử các giới, và góp phần vào công tác từ thiện an sinh xã hội. Sự thành tựu này, trên nhờ hồng ân Tam bảo gia hộ; chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội qua các thời kỳ tin tưởng chỉ đạo; chư tôn đức Tăng Ni trong và ngoài nước hỗ trợ, động viên, khích lệ; quý cấp lãnh đạo chính quyền tạo điều kiện thuận lợi; dưới là sự đồng lòng nhất trí của quý Đạo hữu trong Khuôn hội và quý đạo hữu Phật tử các giới gần xa.
Tổng kinh phí tái thiết là 5.200.000.000 đồng. Trong đó, đạo Hữu Nguyễn Việt Tú (định cư tại Pháp) cho mượn tịnh tài 1 tỷ đồng, nhờ vậy mà công trình tái thiết sớm được hoàn tất.
Để tỏ lòng niệm ân sâu dày đó và hồi hướng công đức đến người còn cũng như người quá vãng, hôm nay Lễ Khánh tạ chùa Pháp Hỷ (NPĐ Tây Linh) được long trọng tổ chức trong không khí ấm tình đạo vị. Giờ lành đã đến, buổi lễ Khánh tạ chính thức được bắt đầu.
Chúng con thành kính đê đầu đảnh lễ niệm ân đến với tứ trọng ân trong ba đời đã nuôi lớn đạo nghiệp của chúng con và vun bồi cho thành tựu Phật sự này.
Chúng con thành kính đảnh lễ niệm ân Chư tôn Giáo phẩm chứng minh, chư tôn đức Tăng Ni; chân thành tri ân quý vị khách quý và quý đạo hữu Phật tử gần xa đã về tham dự buổi lễ.
NS.TN.N.M