Trang chủ Phật giáo khắp nơi Diễn văn khai mạc "Tuần văn hoá Phật giáo 2010" Kính mừng...

Diễn văn khai mạc "Tuần văn hoá Phật giáo 2010" Kính mừng Phật đản PL. 2554-Hướng về Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội

114
0

Kính thưa ngài Mitsuo Sakaba, Đại sứ toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, Đại sứ phu nhân cùng quý đoàn;

Thưa quý vị giáo sư, học giả, nhà nghiên cứu, nhân sĩ trí thức, nhà doanh nghiệp Phật tử, các nghệ sĩ, nam nữ cư sĩ Phật tử

Kính thưa liệt quý vị,

Lời đầu tiên, thay mặt Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2554, Ban Tổ chức Tuần Văn hóa Phật giáo 2010, xin chân thành cảm ơn chư tôn đức, liệt quý vị đã hoan hỷ nhận lời tham dự Tuần Văn hóa Phật giáo, tích cực hỗ trợ để Tuần Văn hóa Phật giáo 2010 được tiến hành một cách thuận lợi.

Thưa liệt quý vị,

Đại lễ Phật đản Phật lịch 2554 nhằm vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, theo chỉ đạo của Trung ương Giáo hội và truyền thống của Phật giáo Thừa Thiên Huế, Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản Tỉnh Giáo hội đã chủ trương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh; mà mở đầu là Tuần Văn hóa Phật giáo với nhiều các nội dung thuyết trình, chiếu phim, tọa đàm, âm nhạc tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán và Hội trường trung tâm Festival từ ngày hôm nay, 16 tháng 5 cho đến ngày 22 tháng 5, nhằm ngày mùng 3 tháng 4 cho đến ngày mùng 9 tháng 4 năm Canh Dần.

Điều thuận lợi so với Tuần Văn hóa Phật giáo 2008 là năm nay, cơ sở vật chất của Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán đã được xây dựng hoàn thiện, tạo không gian thuận lợi cho những hoạt động văn hóa, gặp gỡ và trao đổi trí thức trong tinh thần xây dựng vì hạnh phúc của số đông, chung tay góp sức vì phát triển của xứ sở.

Tại hội trường tầng 1 là phòng triển lãm “cổ vật Thăng Long” với 100 hiện vật liên hệ đến kinh đô Thăng Long xưa qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc và Lê Trung hưng, trong bộ sưu tập của nhà nghiên cứu – nhà sưu tập Trần Đình Sơn, dù chưa phải là đầy đủ nhưng hy vọng sẽ đem đến cho người thưởng lãm, đặc biệt là thế hệ trẻ ở vùng đất Phú Xuân một cái nhìn về lịch sử – về tư tưởng thẩm mỹ, kỹ thuật chế tác và cả ước mơ của tiền nhân được gởi gắm trong các vật dụng mà may mắn chúng ta còn giữ được và truyền lại đến bây giờ.

Trong suốt tuần lễ này, chúng ta sẽ được nghe nhiều bài thuyết trình của các nhà trí thức về nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa dân tộc và Phật giáo. Ngay trong chiều nay, tại Hội trường này vào lúc 15giờ, Giáo sư Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam) sẽ có buổi nói chuyện về việc khai quật hoàng thành Thăng Long, nhờ đó chúng ta tìm lại được lịch sử văn minh của dân tộc, mà trong đó Phật giáo đã đóng vai trò chính của đời sống xã hội.

Giáo sư Cao Huy Thuần trong bài thuyết trình Thiền thời Trần – Thiền Việt Nam sẽ dùng phương pháp so sánh Phật giáo của hai nhà tư tưởng lớn là Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông với Phật giáo của Nhật Bản qua Thiền học của Đạo Nguyên (Dogen). So sánh không phải để nói chuyện cao thấp, mà với mục tiêu là nhìn người để biết ta, để trả lời cho câu hỏi: Phật giáo đời Trần là như thế nào? Phật giáo đời Trần có thể là Phật giáo Việt Nam hay không? Có thể nói có một Phật giáo Việt Nam hay không?

Chúng ta sẽ được nghe và cùng thảo luận về nhiều vấn đề di sản, bản sắc văn hóa dân tộc, đạo đức lối sống, kinh tế với các diễn giả Lê Quang Vịnh, Hồ Tấn Phan, Trần Đình Sơn, Thích Thanh Thắng, Thái Kim Lan, Tạ Thị Ngọc Thảo, Bùi Trân Phượng…

Các nghệ sĩ Phật tử Học viện âm nhạc Huế và Gia đình Phật tử Việt Nam sẽ cùng nhau thực hiện một buổi trình diễn âm nhạc trong đêm bế mạc 22 tháng 5 hy vọng sẽ đem đến nhiều niềm vui tinh thần cho người tham dự Tuần Văn hóa Phật giáo 2010.

Ban Tổ chức sẽ công chiếu hai bộ phim Nhật Bản là “Quái Đàm” và “Người Đưa Tiễn”, những tác phẩm điện ảnh có vị trí rất cao trong Nghệ thuật thứ bảy, được tôn vinh qua các giải thưởng cao quý của Liên hoan điện ảnh Cannes, Oscar…

Điều đặc biệt của chương trình này là ngài Đại sứ toàn quyền Nhật Bản Mitsuo Sakaba, Đại sứ Phu nhân cùng các thành viên đoàn Đại sứ quán Nhật Bản từ Hà Nội đã đến Huế, tham dự Lễ khai mạc và đặc biệt hơn nữa, ngay sau lễ khai mạc này, vào lúc 9 giờ tại Hội trường Trung tâm Festival bên cạnh Trung tâm Liễu Quán, ngài Đại sứ đã nhận lời Ban Tổ chức khai mạc chương trình chiếu phim “Quái Đàm” và ngỏ ý muốn cùng khán giả Huế xem phim để có những cảm nhận văn hóa Nhật Bản trên đất cố đô Phú Xuân của Việt Nam.

Tuần Văn hóa Phật giáo kính mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2554 – kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội được tổ chức trong tinh thần phụng sự, làm sống lại các giá trị đã được thử thách và kết tinh qua lịch sử mở nước và dựng nước mà Phật giáo đã gắn bó mật thiết với dân tộc hơn hai ngàn năm qua.

Trong thời gian diễn ra Tuần Văn hóa Phật giáo từ ngày 16 đến 22/5, sẽ có nhiều chương trình Mừng Phật đản PL.2554, như khai mạc Không gian quê và ẩm thực chay, lễ Thắp sáng Hoa sen trên sông Hương…  Rất mong quý vị theo dõi để tham dự.

Kính thưa liệt quý vị,

Toàn bộ chương trình của Tuần Văn hóa Phật giáo 2010 dành cho tất cả mọi người chúng ta, sự thành công của sự kiện văn hóa này trước hết và quan trọng hơn cả là tùy thuộc vào ý thức của mỗi người tham dự. Chúng ta cùng chung lòng chung sức vì sự phát triển văn hóa của xứ sở ngày mỗi tươi sáng hơn.

Thay mặt Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản PL. 2554 – Ban Tổ chức Tuần Văn hoá Phật giáo, tôi xin long trọng tuyên bố Khai mạc Tuần Văn hoá Phật giáo 2010 chủ đề: Hướng về Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội!

Kính chúc tất cả liệt quý vị thân tâm thường an lạc.

Chân thành cảm ơn tất cả quý vị đã nhận lời mời của Ban Tổ chức đến tham dự lễ Khai mạc hôm nay.
 
Nam mô Hoan hỷ Tạng Bồ tát Ma ha tát.

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here